Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Điều trị ARV là gì? Liệu ngưng điều trị ARV sống được bao lâu?

Ngày 10/05/2023
Kích thước chữ

HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ nguy hiểm. Hiện nay, vẫn chưa tìm ra loại thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh này. Người nhiễm HIV chủ yếu được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Vậy điều trị ARV là gì? Ngưng điều trị ARV sống được bao lâu?

Hiện nay, việc duy trì sử dụng đều đặn thuốc ARV giúp người nhiễm HIV có thể chung sống hòa bình với căn bệnh quái ác này. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tự ý ngừng điều trị bằng thuốc ARV? Ngưng điều trị ARV sống được bao lâu? Trong bài viết hôm nay, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này một cách chi tiết.

Điều trị ARV là gì?

Điều trị ARV là phương pháp sử dụng thuốc kháng virus ARV trong điều trị cho người bệnh HIV.
Mục đích của phương pháp điều trị này bao gồm: 

  • Ức chế sự nhân lên của virus HIV đồng thời duy trì nồng độ virus trong máu ở mức thấp nhất có thể.
  • Phục hồi chức năng miễn dịch đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. 
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống đồng thời tăng khả năng sống sót cho người bệnh.

Việc điều trị ARV cần đảm bảo nguyên tắc:

  • Điều trị ARV là một phần trong tổng thể các dịch vụ chăm sóc cũng như hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS về mặt y tế, tâm lý, xã hội.
  • Điều trị ARV chủ yếu là điều trị ngoại trú, thường được bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định khi người bệnh đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về lâm sàng hoặc các xét nghiệm chứng tỏ đã sẵn sàng cho việc điều trị. 
  • Bất kỳ phác đồ điều trị nào cũng cần ít nhất 3 loại thuốc.
  • Điều trị ARV là điều trị suốt đời, đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ điều trị tuyệt đối để đảm bảo hiệu quả điều trị, đồng thời tránh tình trạng kháng thuốc. 
  • Để ngăn ngừa lây nhiễm virus trong cộng đồng, người nhiễm HIV điều trị ARV vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng. 
  • Khi tình trạng miễn dịch chưa hồi phục, người bệnh HIV cần phải tiếp tục điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Khi đưa một người bệnh vào điều trị ARV, bác sĩ cần đánh giá dựa trên tiêu chuẩn để bắt đầu điều trị mà ở đây cụ thể là căn cứ vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng.
Trong trường hợp có xét nghiệm CD4, chỉ định điều trị ARV khi:

  • Người nhiễm HIV giai đoạn 4, không phụ thuộc số lượng tế bào CD4. 
  • Người nhiễm HIV giai đoạn 3 với TCD4 dưới 350 TB/mm3.
  • Người nhiễm giai đoạn 1, 2 với TCD4 dưới 250 TB/mm3.

Trường hợp không làm xét nghiệm CD4, bác sĩ chỉ đưa ra chỉ định điều trị ARV đối với người nhiễm HIV ở giai đoạn lâm sàng 3 và 4.

Góc giải đáp: Điều trị ARV là gì? Liệu ngưng điều trị ARV sống được bao lâu? 1
Điều trị ARV là liệu pháp điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV

Ngưng điều trị ARV sống được bao lâu?

Việc áp dụng phương pháp điều trị ARV cho người bệnh HIV không những giúp ức chế sự nhân lên của virus HIV trong cơ thể mà còn góp phần tăng cường sức đề kháng. Nhờ vậy mà tuổi thọ của người bệnh được kéo dài thêm. 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng: Thuốc ARV làm gián đoạn quá trình phát triển của virus HIV trong cơ thể, thậm chí nếu đáp ứng điều trị tốt còn có thể khiến cho tải lượng virus giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện. Lúc này, người nhiễm HIV có thể trở lại sống cuộc sống bình thường như trước khi mắc bệnh HIV. Trái lại, nếu bệnh nhân không điều trị với thuốc ARV thì virus HIV sẽ phát triển nhanh chóng, gia tăng số lượng và hậu quả chính là người nhiễm HIV sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị, người bệnh nhiễm HIV cần tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra một cách nghiêm ngặt. Nồng độ thuốc ARV nên được duy trì ổn định để có thể kiểm soát tốt nồng độ virus, đồng thời tránh tình trạng kháng thuốc ARV ở người bệnh nhiễm HIV. Một câu hỏi đặt ra: Ngưng điều trị ARV sống được bao lâu?

Trên thực tế, việc đáp ứng thuốc, kháng thuốc, bệnh chuyển biến tốt hay xấu của bất cứ căn bệnh nào cũng phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố cơ địa. Mỗi người sẽ có sự đáp ứng điều trị khác nhau. Song, cũng giống với việc không điều trị ARV, ngừng điều trị ARV cũng sẽ khiến bệnh tiến triển nhanh chóng theo chiều hướng xấu. Điều này khiến tuổi thọ của người bệnh bị rút ngắn đang kể, đồng nghĩa với tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao. 

Theo một số nghiên cứu, nếu người bệnh nhiễm HIV duy trì điều trị ARV đều đặn kết hợp với lối sống lành mạnh và lạc quan thì họ vẫn có thể sống đến 50 - 60 năm. Đối với những trường hợp ngừng điều trị ARV chỉ có thể sống thêm được vài tháng và không thể sống quá 2 năm.

Góc giải đáp: Điều trị ARV là gì? Liệu ngưng điều trị ARV sống được bao lâu? 2
Ngưng điều trị ARV sống được bao lâu là thắc mắc của nhiều người

Một số lưu ý khi điều trị ARV

Khi điều trị ARV, người bệnh cần nắm được một số lưu ý sau:

  • Khi điều trị bằng thuốc ARV, người bệnh vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm virus HIV để tránh lây lan ra cộng đồng. Đối với những trường hợp điều trị ARV khi tình trạng miễn dịch chưa hồi phục, người bệnh cần tiếp tục điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
  • Do virus HIV có tỷ lệ nhân lên và đột biến cao, người bệnh cần tuân thủ điều trị một cách tuyệt đối, cụ thể là người bệnh cần dùng đúng liều, uống đúng giờ và đều đặn hàng ngày. Người bệnh cần đặt ra cho bản thân một giờ uống thuốc cố định. Việc không tuân thủ điều trị khiến cho nồng độ thuốc trong máu thấp và có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Và lúc này, việc điều trị đã hoàn toàn thất bại.
  • Các thuốc uống 2 lần/ngày thì khoảng cách giữa 2 liều là 12 tiếng. Đối với các thuốc uống 3 lần/ngày, khoảng cách giữa các liều cần đảm bảo là 8 tiếng.
  • Trường hợp người bệnh phát hiện bản thân quên uống thuốc theo lịch đã đặt ra thì phải uống ngay liều thuốc vừa quên sau đó tính thời gian uống liều thuốc kế tiếp theo lịch hàng ngày. Trong trường hợp thời gian đến liều uống kế tiếp chỉ còn dưới 4 tiếng, người bệnh tuyệt đối không được uống liều kế tiếp theo giờ cũ mà phải đợi thêm 4 tiếng mới được uống. 
  • Trường hợp quên quá 2 liều/tuần, người bệnh cần báo lại ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn.
Góc giải đáp: Điều trị ARV là gì? Liệu ngưng điều trị ARV sống được bao lâu? 3
Người bệnh HIV cần tuân thủ điều trị một cách tuyệt đối

Tác dụng phụ của thuốc ARV và cách khắc phục

Khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể phải đối mặt với một số tác dụng phụ như: 

  • Buồn nôn: Để hạn chế gặp phải tác dụng phụ này, người bệnh có thể uống thuốc trong hoặc ngay sau khi ăn, có thể uống thuốc chống nôn trước khi uống ARV khoảng 30 phút.
  • Tiêu chảy: Nếu xuất hiện tiêu chảy sau uống thuốc, cần đánh giá mức độ tiêu chảy cũng như các triệu chứng đi kèm. Người bệnh bù nước và điện giải bằng cách uống Oresol. Trường hợp nặng có thể truyền dịch hoặc sử dụng các loại thuốc chống tiêu chảy.
  • Đau đầu: Khi dùng thuốc, người bệnh có thể bị đau đầu, trường hợp đau nhiều có thể sử dụng Paracetamol để giảm đau.
  • Nổi ban đỏ và ngứa: Cũng giống như một số thuốc điều trị HIV khác, ARV cũng có thể gây dị ứng. Trường hợp nhẹ với các biểu hiện như nổi ban đỏ rải rác, ngứa… người bệnh có thể sử dụng thuốc kháng histamin. Trường hợp nặng cần dừng thuốc ngay và điều trị tích cực tại các cơ sở y tế đủ điều kiện.
  • Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp một số tác dụng phụ khác như hoa mắt chóng mặt, rối loạn giấc ngủ và thường xuyên gặp ác mộng khi ngủ, đau bụng… Việc sử dụng thuốc ARV kéo dài có thể gây độc cho gan và thận.

Do thuốc ARV có nhiều tác dụng phụ, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị để có hướng xử lý kịp thời.

Góc giải đáp: Điều trị ARV là gì? Liệu ngưng điều trị ARV sống được bao lâu? 4
Buồn nôn là một trong những tác dụng phụ của thuốc ARV 

Điều trị ARV rất quan trọng đối với người bệnh nhiễm HIV. Việc tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị giúp người bệnh kéo dài thời gian sống đồng thời cải thiện được chất lượng cuộc sống. Hy vọng với những chia sẻ hôm nay của Nhà Thuốc Long Châu, bạn đọc sẽ hiểu hơn về phương pháp điều trị ARV đồng thời giải đáp được băn khoăn ngưng điều trị ARV sống được bao lâu. Chúc bạn đọc một ngày làm việc hiệu quả.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin