Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Điều trị bế sản dịch sau sinh thế nào?

Ngày 05/08/2022
Kích thước chữ

Bế sản dịch là tình trạng ứ tắc sản dịch trong tử cung mà bất cứ sản phụ nào cũng có thể gặp phải. Vậy cách điều trị bế sản dịch sau sinh thế nào?

Bế sản dịch tuy không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng lại dẫn đến những biến chứng như chảy máu không cầm, rối loạn đông máu. Có những trường hợp phát hiện muộn, sản phụ bị nhiễm trùng nặng dẫn đến phải cắt bỏ tử cung. Ngoài việc phát hiện sớm thì điều trị đúng cách cũng rất quan trọng. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về cách điều trị bế sản dịch sau sinh.

Bế sản dịch sau sinh là gì?

Sau quá trình sinh nở, cơ thể sản phụ sẽ bắt đầu quá trình thoát sản dịch. Sản dịch bao gồm dịch tiết ra từ vết thương trong tử cung, các mảnh vụn nội niêm mạc tử cung, nước ối sót lại... Khi tử cung co hồi, quá trình co bóp tử cung sẽ “tống khứ” sản dịch ra ngoài qua đường âm đạo. 

Sản dịch sau sinh mổ thường ít hơn sản dịch sau sinh thường. Nếu quá trình này diễn ra thuận lợi, sẽ mất từ 2 - 6 tuần để sản dịch hết hoàn toàn. Khoảng thời gian này ở mỗi người là khác nhau, tùy thể trạng và cơ địa. Tử cung của người mẹ hồi phục và dần trở về trạng thái như khi chưa mang thai. 

Nhưng trong nhiều trường hợp, vì những lý do khác nhau, sản dịch không thoát ra ngoài được nên ứ đọng trong tử cung. Chúng có thể gây nhiễm khuẩn và mang đến các biến chứng như chảy máu không cầm, rối loạn đông máu. Nếu nhiễm khuẩn nặng, sản phụ có thể phải cắt bỏ tử cung. Vì vậy, việc phát hiện sớm để điều trị bế sản dịch sau sinh kịp thời vô cùng quan trọng. 

điều trị bế sản dịch sau sinh 1 Màu sắc sản dịch nhạt dần là bình thường, đậm màu và hôi là bất thường

Vì sao sản phụ bị bế sản dịch?

Không có một phép loại trừ nào cho sản phụ khỏi tình trạng ứ tắc sản dịch. Bất cứ mẹ sau sinh nào cũng có thể gặp phải tình trạng này do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. 

Một số nguyên nhân khách quan như: 

  • Sản phụ bị mất nhiều máu trong quá trình sinh nở khiến tử cung co bóp kém. Nhiều sản phụ tử cung mất hẳn khả năng co bóp. Sản dịch vì thể không được đẩy hết ra ngoài cơ thể. 
  • Sản phụ sinh mổ vừa mất nhiều máu lại vừa bị tổn thương nhiều tầng mô cơ nên khả năng co bóp của tử cung bị giảm đáng kể. Điều này làm tăng nguy cơ bế sản dịch
  • Mẹ bầu mang đa thai, thai to, đa ối... khiến quá trình chuyển dạ kéo dài hơn bình thường. Đây cũng là yếu tố dẫn đến nguy cơ ứ tắc sản dịch trong thời kỳ hậu sản. 
  • Trương lực cơ tử cung kém, tử cung bị đóng kín sau sinh chắc chắn dẫn đến tình trạng bế sản dịch. 

Một số nguyên nhân chủ quan như: 

  • Sản phụ sau sinh nằm một chỗ quá nhiều, ít vận động.
  • Vệ sinh phần phụ không đúng cách nên gây viêm nhiễm và nhiễm trùng bên trong.
  • Sản phụ nịt bụng chặt quá sớm, nằm gác cao chân hoặc thường xuyên duy trì tư thế bắt chéo 2 chân khiến sản dịch khó thoát ra ngoài. 

Dù nguyên nhân dẫn đến ứ đọng sản dịch trong tử cung là gì, thì việc điều trị bế sản dịch sau sinh cũng cấp kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. 

điều trị bế sản dịch sau sinh 2 Sản phụ sinh mổ có nguy cơ bị bế sản dịch cao hơn 

Bế sản dịch sau sinh nguy hiểm không?

Khi bị bế sản dịch, sản phụ có thể nhận thấy các triệu chứng như: 

  • Lượng sản dịch khi mới sinh xong chảy ra ngoài rất ít.
  • Sản dịch có mùi hôi khó chịu do bị nhiễm trùng bên trong.
  • sản phụ bị sốt nhẹ, không rõ nguyên nhân.
  • Vùng hạ vị căng tức, đáy tử cung đau khi dùng tay ấn vào.
  • Sờ vùng bụng dưới nhận thấy có những cục cứng.
  • Dùng tay kiểm tra thấy cổ tử cung đóng kín. Lấy tay nong tử cung sẽ thấy sản dịch đậm màu và có mùi. 

Hiếm khi bế sản dịch gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm khuẩn máu, chảy máu khó cầm, rối loạn đông máu, nhiễm trùng tử cung dẫn đến phải cắt bỏ... Bế sản dịch sau sinh có nguy hiểm không? Câu trả lời của các bác sĩ sản khoa là có. Vì vậy, tình trạng này cần được điều trị kịp thời và đúng cách. 

Điều trị bế sản dịch sau sinh thế nào?

Điều trị bế sản dịch sau sinh có nhiều cách. Dưới đây là những cách phổ biến nhất đang được các bác sĩ áp dụng: 

Nong cổ tử cung

Các bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên khoa đưa vào tử cung để nong tử cung. Phương pháp này giúp lấy bỏ hết phần dịch ứ bên trong tử cung ra khỏi cơ thể sản phụ. Tuy nhiên, sản phụ cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn và phòng ngừa nhiễm trùng về sau. 

điều trị bế sản dịch sau sinh 3 Sản phụ cần được thăm khám phụ khoa trước khi điều trị bế sản dịch sau sinh

Hút dịch tử cung

Với phương pháp này, một ống hút sẽ được đặt vào tử cung sản phụ để hút sạch sản dịch bị ứ tắc ra ngoài. Quá trình hút dịch phải đảm bảo vô trùng và tiến hành đúng kỹ thuật. 

Dùng thuốc kích thích tử cung co bóp

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc kích thích co bóp tử cung như: Dinoprostone, Oxytocin. Tử cung khi đó sẽ co bóp mạnh, đẩy hết sản dịch bị ứ đọng ra ngoài. Sản phụ tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc mà cần đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 

Cách chăm sóc bế sản dịch sau sinh

Điều trị bế sản dịch sau sinh sẽ không thực sự hiệu quả nếu sản phụ không kết hợp chăm sóc đúng cách. Song song với quá trình điều trị, sản phụ cần đảm bảo những điều sau:

  • Vệ sinh phần phụ sạch sẽ và đúng cách hàng ngày với loại dung dịch vệ sinh phụ nữ dịu nhẹ và an toàn. 
  • Thay băng vệ sinh thường xuyên, không dùng các loại tampon hay cốc nguyệt san khi còn sản dịch. 
  • Không tự ý thụt rửa sâu bên trong đường sinh dục.
  • Đi lại và vận động nhẹ nhàng để thúc đẩy co bóp tử cung và đẩy nhanh sản dịch ra ngoài. 
  • Đảm bảo chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng để cơ thể nhanh chóng phục hồi. Mẹ sau sinh có thể ăn các món ăn có tác dụng giúp sản dịch nhanh hết như: Canh rau ngót, ngải cứu, canh trứng đậu. Uống các loại nước như nước ép rau ngót, nước chè vằng... cũng được cho là có ích cho quá trình đào thải sản dịch. 
điều trị bế sản dịch sau sinh 4 Nước ép rau ngót giúp kích thích tử cung co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài

Việc điều trị bế sản dịch sau sinh sớm và đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng đối với sản phụ. Nhưng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, sản phụ nên chăm sóc hậu sản đúng cách để phòng ngừa nguy cơ bị bế sản dịch nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin