Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Điều trị viêm họng dị ứng bằng cách nào?

Ngày 14/03/2023
Kích thước chữ

Viêm họng dị ứng là bệnh phổ biến hiện nay. Bệnh này gây ra nhiều triệu chứng phiền toái và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Những dấu hiệu của viêm họng dị ứng sẽ dễ bị nhầm tưởng là bệnh viêm họng thông thường nên khiến người bệnh chủ quan và chọn phương pháp điều trị sai cách. 

Để việc điều trị mang lại hiệu quả, bạn cần được thăm khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị hiệu quả. 

Bệnh viêm họng dị ứng là gì?

Viêm họng dị ứng là một tình trạng vùng niêm mạc họng bị kích ứng và bị tác động bởi một số yếu tố gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi, nấm mốc, thức ăn, khí thải, lông động vật,... khiến niêm mạc bị tấy, đỏ và viêm nhiễm. 

Tùy theo mức độ gây bệnh mà người bị viêm họng dị ứng có thể có những dấu hiệu khác nhau. Tuy nhiên, đa phần người bệnh đều có tình trạng hắt hơi liên tục, ngứa mắt, nghẹt mũi, ngứa rát cổ họng. Ngoài ra, viêm họng dị ứng còn có thể kèm theo một số dấu hiệu như:

  • Ngáy;
  • Khó thở;
  • Đau khi nuốt;
  • Ngứa và chảy nước mũi;
  • Cổ họng khô;
  • Ho và thở khò khè;
  • Khàn tiếng, khó nói chuyện, nuốt nước bọt liên tục.

Trong tình trạng người bệnh bị viêm họng dị ứng kèm theo chứng phù Quincke họng thanh quản hay sốc phản vệ do dị ứng thức ăn sẽ thấy cổ họng có tình trạng bỏng rát, đau đớn nghiêm trọng và thấy ngứa họng, khó thở, nghẹt thở, bứt rứt, khó chịu trong người. Những bệnh nhân có tình trạng này nên được đưa tới bác sĩ ngay để được xử trí kịp thời, nếu để lâu có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Điều trị viêm họng dị ứng bằng cách nào? 1

Viêm họng dị ứng là một tình trạng vùng niêm mạc họng bị kích ứng

Nguyên nhân gây viêm họng dị ứng

Đối với bệnh viêm họng thông thường thì có thể khỏi bệnh sau vài ngày, tuy nhiên đối với viêm họng dị ứng thì có thể gây nguy hiểm và đôi khi còn biến chứng thành bệnh mạn tính. Trong một số trường hợp, người bị viêm họng dị ứng sẽ bị phát ban, đau khớp, đau cơ hoặc sưng tuyến. 

Nguyên nhân gây ra viêm họng dị ứng được xác định là do hội chứng bị chảy dịch mũi sau. Khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây ra dị ứng sẽ làm dịch xoang tiết ra và tích tụ lại, sau đó chảy xuống thành họng theo đường mũi sau, lúc này dịch sẽ vướng vào cổ họng gây ngứa, ho. 

Trong một số trường hợp, người bệnh bị viêm họng dị ứng có thể do:

  • Thời tiết bị thay đổi, dị ứng theo mùa.
  • Dị ứng thức ăn, phấn hoa.
  • Khói bụi, khói thuốc lá, môi trường bị ô nhiễm.
  • Nấm mốc, mạt bụi.
  • Lông động vật.

Điều trị viêm họng dị ứng bằng cách nào? 2

Dị ứng thức ăn có thể gây viêm họng dị ứng

Điều trị viêm họng dị ứng bằng cách nào?

Bệnh viêm họng dị ứng nếu được phát hiện kịp thời và điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân mau khỏi bệnh và quá trình điều trị cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các phương pháp để điều trị viêm họng dị ứng sẽ khác hoàn toàn so với bệnh viêm họng thông thường, do đó, việc chẩn đoán chính xác bệnh là rất quan trọng. 

Khi bị viêm họng dị ứng nhẹ, bệnh có thể khỏi mà không cần sử dụng thuốc, người bệnh chỉ cần không tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng. Tuy nhiên, khi bệnh kéo dài không khỏi và ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt và chất lượng cuộc sống thì bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Quá trình điều trị bệnh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh và ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm lây lan. 

Bên cạnh với các phương pháp điều trị chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân nên áp dụng thêm các biện pháp điều trị viêm họng dị ứng tại nhà như sau:

  • Bổ sung nhiều nước: Nước sẽ giúp họng không bị khô, giảm đau nhanh. Nước khi uống vào sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong cổ họng, giữ ẩm hiệu quả. 
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Cơ thể được nghỉ ngơi sẽ giúp phục hồi bệnh nhanh chóng, đây cũng là cách để quên đi khó chịu của người bệnh, giúp người bệnh ngủ ngon hơn. 
  • Vệ sinh mũi bằng bình rửa mũi chuyên dụng: Với cách này sẽ giúp giảm nghẹt mũi, loại bỏ chất nhầy trong mũi. Tuy nhiên, không nên lạm dụng quá nhiều phương pháp này vì nó có thể sẽ gây ra một số vấn đề không mong muốn. 
  • Tuyệt đối tránh xa các yếu tố gây dị ứng: Nếu người bệnh không tránh xa các yếu tố này sẽ khiến hiệu quả điều trị bệnh và thuốc điều trị bị giảm sút, bệnh sẽ kéo dài hơn. 
  • Không tự ý mua thuốc hoặc sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng viêm để điều trị mà chưa thăm khám, chưa có chỉ định của bác sĩ. 
  • Khi người bệnh có những dấu hiệu lạ trong điều trị cần thông báo với bác sĩ ngay để được chẩn đoán và tìm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.

Điều trị viêm họng dị ứng bằng cách nào? 3

Bổ sung nhiều nước để hỗ trợ điều trị viêm họng dị ứng

Viêm họng dị ứng là một bệnh mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa. Do đó, mỗi người cần trang bị thêm các thông tin về bệnh này để có cách phòng bệnh an toàn và hiệu quả. 

Hy vọng với bài viết này, bạn đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về cách điều trị viêm họng dị ứng. Khi có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu bất thường nào, bạn cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra phương pháp phù hợp. 

Hoàng Trang

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin