Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dùng lá muồng trị lác có mang đến hiệu quả không?

Ngày 19/06/2023
Kích thước chữ

Lá muồng là một loại dược liệu thiên nhiên với nhiều công dụng chữa bệnh không nhiều người biết đến. Loại lá này giúp điều trị các bệnh ngoài da và giúp chữa lành nhiều bộ phận trên cơ thể người. Vậy lá muồng là lá gì? Lá muồng trị lác nhờ có đặc tính gì? Cách dùng lá muồng để trị lác ra sao?

Sử dụng lá muồng trị lác là mẹo dân gian được lưu truyền từ xưa đến nay. Trong lá muồng chứa nhiều chất có tác dụng kháng nấm, giảm ngứa, ngăn tổn thương lan rộng. Phương pháp này sử dụng thảo dược thiên nhiên nên lành tính, tiết kiệm chi phí mà dễ thực hiện. Vậy hiệu quả của phương pháp này thế nào, cách sử dụng ra sao?

Bệnh lác là gì?

Bệnh lác (hay lác đồng tiền) còn được gọi là bệnh hắc lào. Đây là một căn bệnh ngoài da, xảy ra khi bị các vi khuẩn thuộc họ Dermatophytes tấn công. Bệnh nhân bị lác sẽ cảm giác ngứa ngáy, khó chịu kèm theo nhiều vết mẩn đỏ và mụn nước trên da. Bệnh không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng có thể khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp.

Bệnh lác xuất hiện có thể do nhiều nguyên nhân:

  • Vệ sinh cơ thể không sạch, xài chung các vật dụng cá nhân với người bệnh.
  • Dùng quá nhiều thực phẩm dễ gây dị ứng như: Hải sản, bia rượu,…
  • Bơi ở nguồn nước nhiễm vi khuẩn gây bệnh lác.
  • Một số ít trường hợp bị lác do cơ địa đặc biệt.
la-muong-tri-lac-2.jpg
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lác

Tác dụng chữa bệnh của lá muồng

Lá muồng được dân gian gọi bằng rất nhiều cái tên khác nhau như: Lá muồng trâu, lá muồng lác, muồng muồng, muồng xức lác. Tên khoa học của lá muồng là Cassia alata L, thuộc họ đậu. Ở Nam Mỹ, loại lá này được xem như một cây dược liệu. Tại Việt Nam, lá muồng mọc hoang ở nhiều nơi và thường được dùng để chữa nhiều loại bệnh khác nhau.

Trong y học cổ truyền Việt Nam, lá muồng có hai công dụng chính là chữa các bệnh về da liễu và làm thuốc xổ. Phương pháp chữa bệnh ngoài da bằng lá muồng còn được dùng để chữa cho chó, mèo bị ghẻ hay rụng lông. Một số nơi dùng lá muồng để chế thành mỡ bôi trị bệnh ngoài da. Bên cạnh đó, lá muồng còn có tác dụng mát gan, phù hợp với những người hay bị táo bón, bị ngứa (do nóng gan hay do táo bón kinh niên),...

Thực hư việc dùng lá muồng trị lác

Lá muồng được đánh giá là có vị cay, tính ấm cùng khả năng sát trùng cao. Dân gian thường dùng loại lá này để điều trị bệnh lác/hắc lào. Theo nghiên cứu khoa học hiện đại, thành phần của nó cũng khá phù hợp để chữa bệnh lác:

  • Cao chiết xuất từ lá muồng có thể kháng lại 5 chủng loại vi khuẩn, trong đó kháng mạnh nhất với vi khuẩn B.subtilis.
  • Lá muồng chứa nhiều hoạt chất khác có vai trò quan trọng trong việc điều trị các bệnh ngoài da như: anthraquinones, acid chrysophanic, flavonoid.

Bên cạnh đó, trong lá muồng tươi vừa mới hái chứa glucoside. Khi được sấy khô ở 40 độ C, hoạt chất này có tác dụng nhuận tràng rất tốt.

la-muong-tri-lac-3.jpg
Lá muồng thường được dùng để chữa bệnh ngoài da

Cách sử dụng lá muồng trị lác

Tây y hiện có nhiều loại thuốc chữa bệnh lác, gồm cả dạng uống và bôi. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường có nhiều tác dụng phụ và dễ tái phát bệnh. Do vậy, ngày càng nhiều người chọn các loại thảo dược thiên nhiên để chữa lác, trong đó có lá muồng. Bạn có thể tham khảo các cách dùng lá muồng trị lác đơn giản dưới đây:

Đắp trực tiếp lá muồng lên vùng da bị lác

Việc đắp lá muồng trị lác thích hợp cho các khu vực: Đùi, cánh tay và chân với diện tích vết lác không quá 5cm. Để đạt hiệu quả chữa bệnh tốt nhất, bạn nên sử dụng băng gạc y tế để cố định lá muồng, giữ cho tinh chất kịp thẩm thấu vào da và tránh rơi ra ngoài. Do đó, phương pháp này được ưu tiên áp dụng cho các vùng da có khả năng băng bó dễ dàng. 

Cách đắp lá muồng trị lác như sau:

  • Lấy 2 lá muồng trâu ngâm với nước muối loãng, rửa sạch nhiều lần để loại bỏ hết tạp chất.
  • Để lá muồng ráo nước rồi cho vào cối giã nát.
  • Vệ sinh vùng da bị lác bằng cồn hoặc nước muối sinh lý, sau đó dùng khăn lau khô.
  • Đắp lá muồng trâu lên da, cố định lại bằng băng gạc. Lưu ý chỉ nên băng bó vừa tay, không siết chặt.
  • Sau 30 phút, tháo băng gạc và lá muồng ra rồi dùng nước sạch rửa lại.
  • Thực hiện mỗi ngày 2 lần sáng và tối trong 3 - 4 tuần.

Dùng lá muồng trị lác dạng nước

Cách dùng lá muồng trị lác dạng nước có thể cho khu vực bị lác ở: Mặt, quanh miệng, vành tai hoặc quanh các khớp tay và chân. Cách này cũng có thể áp dụng cho trường hợp có diện tích lác không đều nhau trên da. 

Cách dùng nước lá muồng trị lác tiến hành như sau:

  • Chuẩn bị lá muồng, ngâm muối, rửa sạch.
  • Giã lá muồng, vắt lấy nước cốt.
  • Vệ sinh vùng da bị lác rồi lau khô.
  • Dùng nước cốt lá muồng để bôi lên vùng da bị lác, dùng nước sạch rửa lại sau 20 phút.
  • Thực hiện 2 - 3 lần/ngày trong khoảng 2 tuần.
la-muong-tri-lac-5.jpg
Lá cây muồng được bí như một loại dược liệu từ thiên nhiên

Dùng lá muồng trị lác dạng bột

Dùng bột lá muồng trâu trị lác cũng được áp dụng rộng rãi. Cách này phù hợp với những người khó lấy lá muồng tươi thường xuyên. Dùng bột lá muồng vẫn đảm bảo tính hiệu quả và công dụng chữa bệnh như lá tươi.

Người bệnh có thể hái lượng lớn lá muồng tươi, sau đó sấy khô và nghiền thành bột dùng dần. Nếu mua bột bán sẵn, bạn hãy lựa chọn địa chỉ uy tín để đảm bảo chất lượng bột. 

Cách chữa bệnh lác bằng bột lá muồng như sau:

  • Pha bột lá muồng và nước theo tỷ lệ 1:1.
  • Vệ sinh vùng da bị lác, sau đó lau khô nhẹ nhàng.
  • Thoa nước bột lá lên da, giữ trong 20 - 30 phút rồi rửa sạch.
  • Sử dụng nước bột lá muồng để thoa ngày 2 - 3 lần.

Trị lác bằng lá muồng trâu kết hợp bồ kết

Để tăng hiệu quả điều trị, bạn cũng có thể kết hợp lá muồng trâu với bồ kết. Quả bồ kết chứa các hoạt chất giúp diệt nấm, kháng viêm. Việc kết hợp hai nguyên liệu này giúp nâng cao hiệu quả chữa lác, giúp điều trị dứt điểm và phòng nguy cơ tái phát bệnh. 

Cách dùng hỗn hợp lá muồng trâu với bồ kết trị lác như sau:

  • Lấy 20 lá muồng trâu và 20 quả bồ kết, rửa sạch, để ráo nước.
  • Nướng bồ kết trên lửa đến khi tỏa ra mùi thơm rồi giã nát.
  • Cho hai nguyên liệu vào một nồi, đun cùng 4 lít nước sạch trong 20 phút.
  • Đổ nước ra chậu, chờ nước giảm nhiệt xuống mức ấm để ngâm rửa vết thương.
  • Ngâm vết thương 20 phút thì rửa lại bằng nước ấm.
  • Thực hiện mỗi ngày 3 lần.
la-muong-tri-lac-4.jpg
Có nhiều cách chữa lác bằng lá muồng

Lưu ý khi sử dụng lá muồng trị lác

Bệnh lác vốn không khó điều trị nhưng để tránh tái phát thì bệnh nhân cần lưu ý những điều dưới đây khi chữa bằng lá muồng:

  • Phải kiên trì thực hiện các cách chữa lác bằng lá muồng trong thời gian dài mới thấy được kết quả.
  • Tránh dùng tay gãi ở những vùng da bị ngứa, bị viêm nhiễm vì có thể gây bội nhiễm và chảy máu.
  • Không sử dụng sữa tắm, sữa dưỡng thể trong khi bị lác. Thành phần trong một số loại hóa chất này có thể phản ứng với vết lác, gây kích ứng da khiến bệnh trầm trọng hơn.
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm gây dị ứng, các chất kích thích, đồ ăn uống cay nóng.

Nếu dùng lá muồng trị lác trong thời gian dài mà vẫn không thấy tiến triển, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để kiểm tra. Nguyên nhân là bởi rất có thể bạn còn mắc một số bệnh khác, gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị lác.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin