Long Châu

Hắc lào (Nấm da): Bệnh lý da liễu do nhiễm vi nấm gây ra

Ngày 07/04/2018
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hắc lào là một trong những bệnh ngoài da phổ biến nhất ở khu vực khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều và nóng ẩm như Việt Nam, vì đây là các yếu tố tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để vi nấm sợi gây bệnh phát triển và lây lan. Hắc lào khiến da của bệnh nhân ngứa ngáy, khó chịu; dễ tạo thành các tổn thương trên da gây mất thẩm mỹ và khiến người bệnh tự ti.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hắc lào là gì? 

Hắc lào hay nấm da/lác đồng tiền là một bệnh nhiễm trùng da thường gặp, do nấm sợi (dermatophytosis) gây ra. Biểu hiệu của bệnh gồm các mẩn ngứa, đỏ, hình tròn như đồng tiền trên da. Tổn thương do bệnh có thể gặp ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhất là các vị trí dễ kín và dễ bị ẩm ướt như vùng bẹn, nếp gấp mông, da đầu, móng tay, bàn chân...

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hắc lào

Bệnh hắc lào có thể ảnh hưởng đến da ở hầu hết mọi nơi trên cơ thể và triệu chứng cũng khác nhau tùy vào vùng da bị bệnh. Các triệu chứng chung bao gồm:

  • Ngứa ngáy;

  • Phát ban hình nhẫn;

  • Da đỏ, có vảy, nứt nẻ;

  • Rụng lông, tóc;

  • Các triệu chứng thường xuất hiện từ 4 - 14 ngày sau khi da tiếp xúc với vi nấm gây bệnh hắc lào.

Các triệu chứng theo vị trí trên cơ thể:

  • Bàn chân (nấm da chân): Da đỏ, sưng, bong tróc, ngứa ngáy giữa các ngón chân (đặc biệt là giữa ngón út và ngón kề út). Gót chân và lòng bàn chân cũng có thể bị bệnh. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, da ở bàn chân có thể bị phồng rộp.

  • Da đầu (nấm da đầu): Hắc lào trên da đầu thường trông giống như một vùng hói hình tròn có vảy, ngứa, màu đỏ. Vùng hói có thể phát triển về kích thước và số lượng nếu tình trạng nhiễm trùng lan rộng. Trẻ em thường bị hắc lào trên da đầu nhiều hơn người lớn.

  • Vùng bẹn: Hắc lào ở bẹn trông giống như những nốt đỏ có vảy, ngứa, thường ở mặt trong của các nếp gấp da.

  • Râu: Nốt đỏ có vảy, ngứa, ở má, cằm và trên cổ. Các nốt mụn có thể bị đóng vảy hoặc chứa đầy mủ, có thể bị rụng lông.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hắc lào

Những vi nấm thuộc nhóm dermatophytes là nguyên nhân gây bệnh hắc lào:

  • Trichophyton: Gây bệnh nấm trên da, tóc, móng.
  • Epidermophyton: Gây bệnh nấm ở da và móng.
  • Microsporum: Gây bệnh nấm ở da và tóc.

Có 3 con đường lây nhiễm bệnh hắc lào:

  • Từ người đang mắc bệnh: Sau khi tiếp xúc trực tiếp với da người bị bệnh hoặc dùng chung vật dụng cá nhân (quần áo, khăn tắm, lược...).
  • Từ động vật đang mắc bệnh: Ngoài con người, nhiều loài động vật khác cũng có thể mắc bệnh như chó, mèo, bò, dê, lợn, gà, ngựa... và lây sang người khi tiếp xúc.
  • Từ môi trường: Các loại nấm gây bệnh hắc lào có thể sống trên các bề mặt, đặc biệt là ở những khu vực ẩm ướt như phòng thay đồ và nhà tắm công cộng. Vì vậy, không nên đi chân trần ở những nơi này.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hắc lào?

Hắc lào là một bệnh ngoài da rất phổ biến hiện nay. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh hắc lào, đặc biệt là người dân sống ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiều.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hắc lào

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hắc lào, bao gồm:

  • Người đang bị suy giảm miễn dịch;

  • Thường xuyên sử dụng phòng tắm công cộng hoặc phòng thay đồ chung với nhiều người khác;

  • Vận động viên, đặc biệt là những người tham gia các môn thể thao tiếp xúc như đấu vật...;

  • Đi giày chật và đổ mồ hôi nhiều;

  • Tiếp xúc thường xuyên với động vật.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hắc lào

Khám lâm sàng

Bệnh hắc lào thường được chẩn đoán thông qua các biểu hiện lâm sàng tổn thương trên da, đồng thời đặt các câu hỏi cho bệnh nhân về triệu chứng của bệnh.

Xét nghiệm

Cạo vảy da ở vùng tổn thương và soi tươi hoặc soi trong môi trường KOH dưới kính hiển vi để tìm vi nấm.

Ngoài ra, cũng có thể nuôi cấy khuẩn lạc trong môi trường thích hợp để tăng độ chính xác của chẩn đoán. 

Phương pháp điều trị hắc lào hiệu quả

Việc điều trị bệnh hắc lào phụ thuộc vào vị trí tổn thương trên cơ thể và mức độ nghiêm trọng. Một số dạng bệnh hắc lào có thể được điều trị bằng thuốc không kê đơn, nhưng một số khác cần được điều trị bằng thuốc kháng nấm theo toa.

Bệnh hắc lào trên da chân thường có thể điều trị bằng các loại kem, lotion hoặc thuốc bột kháng nấm không kê đơn trong 2 - 4 tuần chứa các hoạt chất sau: Clotrimazole, Miconazole, Terbinafine, Ketoconazole... 

Bệnh hắc lào trên da đầu (nấm da đầu) hoặc khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn thường cần được điều trị bằng thuốc kháng nấm kê đơn uống trong vòng 1 - 3 tháng. Vì thuốc bôi tại chỗ không có hiệu quả với những tình trạng này. Một số hoạt chất được kê đơn gồm: Griseofulvin, Terbinafine, Itraconazole, Fluconazole...

Có thể chỉ định thêm thuốc kháng Histamine để giảm triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hắc lào

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu dấu hiệu hắc lào chưa thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Nếu có nuôi thú cưng, nên tắm bằng xà phòng hằng tuần và đưa đến thú y nếu thú cưng có biểu hiệu mắc bệnh ngoài da.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, trái cây tươi và rau củ chứa nhiều vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

  • Hạn chế sử dụng các loại hải sản có mùi tanh có thể kích thích bệnh lan rộng.

  • Hạn chế ăn thịt gà, vì loại thịt này có tính lạnh cũng có thể tạo điều kiện cho vi nấm phát triển và dễ gây ngứa ngáy khó chịu.

  • Ngưng sử dụng các loại đồ uống có cồn như bia, rượu...

Phương pháp phòng ngừa hắc lào hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hắc lào hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Luôn giữ cho da của sạch sẽ và khô ráo. Tắm rửa sạch sẽ sau khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh, đặc biệt là các môn có tính đối kháng, có tiếp xúc với người khác.

  • Mang giày dép thông thoáng. Thay tất và quần áo lót mỗi ngày.

  • Không đi chân trần trong các khu vực như phòng thay đồ hoặc phòng tắm công cộng.

  • Cắt ngắn móng tay, móng chân và giữ chúng sạch sẽ.

  • Thường xuyên vận động và tập thể dục để tăng sức đề kháng của cơ thể.

  • Không dùng chung quần áo, khăn tắm, ga trải giường hoặc các vật dụng cá nhân khác với người bị bệnh hắc lào.

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi chơi với vật nuôi. Nếu nghi ngờ thú cưng bị bệnh hắc lào, hãy đưa nó đến gặp bác sĩ thú y để khám và điều trị.

Nguồn tham khảo

1. https://www.cdc.gov/fungal/diseases/ringworm/definition.html

2. https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/what-you-should-know-about-ringworm

3. https://www.healthline.com/health/ringworm

Các bệnh liên quan

  1. Giời leo

  2. Lupus ban đỏ dạng đĩa

  3. Viêm nang lông

  4. Herpes môi

  5. Vảy nến

  6. Viêm da cơ địa

  7. Viêm da tiết bã

  8. Chàm môi

  9. Nấm da đầu

  10. U mềm treo