Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

FNA - Chọc hút kim nhỏ ở vú là gì? Khi nào cần thực hiện FNA ở vú?

Ngày 25/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chọc hút kim nhỏ ở vú (FNA) là phương pháp quan trọng trong chẩn đoán tế bào học của tuyến vú và được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về phương pháp này qua bài viết dưới đây của nhé!

Phương pháp chọc hút kim nhỏ ở vú (FNA) vô cùng hữu ích bởi tính đơn giản, nhanh chóng. Đồng thời nó còn có chi phí thấp và ít gặp phải biến chứng, trong khi vẫn đảm bảo mức độ chính xác cao (độ nhạy 80 -100% và độ đặc hiệu trên 99%).

Chọc hút kim nhỏ ở vú là gì?

FNA - Chọc hút kim nhỏ ở vú là phương pháp sử dụng một cây kim nhỏ như kim dùng trong xét nghiệm máu để lấy các mẫu tế bào hoặc chất lỏng từ các tổn thương trên vú như u nang vú, cục u, vết loét hoặc sưng viêm. Mẫu này sau đó được gửi đến bác sĩ giải phẫu bệnh để phân tích. Phương pháp FNA giúp bác sĩ xác định tính chất của tổn thương và lên kế hoạch điều trị kịp thời cho người bệnh.

FNA - Chọc hút kim nhỏ ở vú là gì? Khi nào cần thực hiện FNA ở vú? 1
Chọc hút kim nhỏ ở vú nhằm lấy các mẫu tế bào hoặc chất lỏng từ các tổn thương trên vú

Khi không thể sờ được và xác định được tổn thương từ bề mặt da, bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để hướng kim vào vị trí cần chọc hút. Ngoài ra, FNA cũng được sử dụng để hút, loại bỏ u nang ra khỏi vú hoặc làm giảm sự khó chịu nếu u nang lớn và mềm.

Đặc biệt đối với những bệnh nhân đang sử dụng thuốc làm loãng máu, thủ thuật FNA được thực hiện một cách an toàn để lấy tế bào chẩn đoán tổn thương mà không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc của bệnh nhân. Điều này đóng vai trò rất cần thiết đối với các phương pháp xâm lấn khác, ví dụ như sinh thiết kim lõi.

Khi nào cần phải tiến hành chọc hút kim nhỏ ở vú (FNA)?

Trong quá trình thăm khám, nếu bác sĩ chẩn đoán khối u ở vú của bạn là một u nang đơn giản thì bạn sẽ được chỉ định tiến hành siêu âm, đồng thời có thể kèm theo chọc hút kim nhỏ ở vú trong cùng một buổi khám. Thủ thuật chọc hút kim nhỏ giúp bác sĩ nhanh chóng biết được bản chất của khối u, đồng thời giảm bớt cơn đau và sự lo lắng mà khối u gây ra cho người bệnh.

Đối với phụ nữ trẻ, nếu phát hiện xuất hiện một khối u mới thì nên làm thủ thuật chọc hút kim nhỏ ở vú. Nếu khối u được cho là lành tính, việc thực hiện chọc hút kim nhỏ là cần thiết để xác nhận chẩn đoán. Phương pháp này ưu tiên hơn sinh thiết lõi vì ít xâm lấn hơn và ít gây khó chịu hơn.

FNA - Chọc hút kim nhỏ ở vú là gì? Khi nào cần thực hiện FNA ở vú? 2
Với phụ nữ trẻ, lần đầu xuất hiện một khối u mới ở ngực thì nên làm thủ thuật chọc hút kim nhỏ ở vú

Ưu điểm của chọc hút kim nhỏ ở vú

  • An toàn, chính xác: FNA vú là một thủ thuật nhanh chóng, đơn giản, an toàn, có độ chính xác cao và tiết kiệm chi phí trong việc kiểm tra tổn thương ở vú.
  • Hỗ trợ các kỹ thuật khác: Chọc hút kim nhỏ ở vú có thể được sử dụng khi các phương pháp sinh thiết khác không thể thực hiện được, như khi bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc có dị ứng với thuốc gây mê. Ngoài ra, nó cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán thêm các tổn thương khác trong vú như các nốt sang thương khác ngoài nốt sang thương đã được sinh thiết bằng kim lõi, để xác định tính đa ổ hoặc sang thương từ trung tâm của núm vú.
  • Nhanh chóng, đơn giản: FNA vú là một thủ thuật xét nghiệm nhanh, chỉ mất khoảng 10 - 20 giây cho mỗi mẫu. Có thể được lặp lại nhiều lần cho đến khi bác sĩ có đủ mẫu để kiểm tra. Phương pháp FNA thường chỉ mất khoảng 10 - 20 phút.

Nhược điểm

Mặc dù FNA vú có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có một số biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện thủ thuật này. Ngoài ra, có một số trường hợp không phù hợp do tình trạng thể chất hoặc sức khỏe mà người bệnh đã có từ trước.

Quy trình thực hiện chọc hút kim nhỏ ở vú như thế nào?

Đầu tiên, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hay các chuyên gia khoa Ngoại Vú hoặc khoa Giải phẫu bệnh quyết định xem có cần sử dụng siêu âm để xác định vị trí và hướng dẫn đặt kim vào tổn thương hay không. Trong trường hợp tổn thương có thể "sờ thấy được", thủ thuật FNA có thể được thực hiện mà không cần sử dụng hình ảnh siêu âm.

Nếu tổn thương ở dạng khối rắn, bác sĩ có thể quyết định tiêm thuốc gây tê tại chỗ trước khi thực hiện chọc hút kim nhỏ ở vú. Điều này là cần thiết vì người bệnh có thể cần chọc hút nhiều lần để thu được đủ mẫu tế bào để chẩn đoán chính xác.

Trong trường hợp tổn thương chỉ chứa chất lỏng, việc gây tê tại chỗ có thể không cần thiết. Thực tế, rất hiếm khi cần sử dụng thuốc tê tại chỗ khi thực hiện chọc hút kim nhỏ ở vú.

Khi kim đúng vị trí, bác sĩ sẽ di chuyển kim tới lui vài lần để lấy mẫu tế bào từ tổn thương. Thông thường sẽ lấy 2 hoặc 3 mẫu riêng biệt để đảm bảo thu được đủ số lượng tế bào cần thiết cho kiểm tra.

FNA - Chọc hút kim nhỏ ở vú là gì? Khi nào cần thực hiện FNA ở vú? 3
Khi đặt kim đúng vị trí, bác sĩ sẽ di chuyển kim tới lui vài lần để lấy mẫu từ tế bào tổn thương

Bệnh nhân không cần chuẩn bị đặc biệt trước khi thực hiện FNA. Tuy nhiên, sau quá trình chọc hút có thể cảm thấy hơi khó chịu và đau nhẹ. Người bệnh có thể nhờ người thân đến hỗ trợ và mặc quần áo thoải mái để thuận tiện cho quá trình thực hiện thủ thuật.

Khi nào nhận được kết quả xét nghiệm?

Kết quả của thủ thuật chọc hút kim nhỏ ở vú (FNA) thường có kết quả trong vòng 1 đến vài ngày sau khi thực hiện.

Các xét nghiệm tế bào được thực hiện tại phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác nhận chẩn đoán. Sau đó, các kết quả này sẽ được bác sĩ xem xét kết hợp với kết quả khám lâm sàng và hình ảnh để lập hồ sơ bệnh án. Thông thường, kết quả cuối cùng sẽ được bệnh nhân nhận được từ bác sĩ của mình trong vòng một tuần, kèm theo giải thích chi tiết về từng trường hợp.

Bài viết trên là những thông tin về phương pháp chọc hút kim nhỏ ở vú (FNA), ưu và nhược điểm, quy trình và thời gian đợi kết quả của xét nghiệm. Hy vọng nội dung này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn để thăm khám, thực hiện FNA hiệu quả giúp kiểm soát các vấn đề về tuyến vú, đặc biệt là ung thư vú.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm