Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nang vú là gì, có nguy hiểm không? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nang vú, hay còn được gọi là u nang vú, là một tình trạng mà các u nang phát triển trong tuyến vú, thường gặp ở phụ nữ. Các triệu chứng của u nang vú có thể bao gồm sưng đau, biến dạng hoặc thay đổi hình dạng của vùng vú, như cục u hoặc khối u có thể cảm nhận được. Đây là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ và thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, khi có các triệu chứng đau hoặc khó chịu, có thể cần điều trị y tế hoặc theo dõi bởi một bác sĩ chuyên khoa. Điều quan trọng là phát hiện u nang vú sớm để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nang vú là gì?

Nang vú hay còn gọi u nang tuyến vú, là túi chứa dịch lỏng bên trong vú. Chúng thường lành tính, hiếm khi là ung thư. Có thể có một hoặc nhiều u nang vú. U nang vú thường có cảm giác giống như một quả nho hoặc một quả bóng chứa đầy nước, nhưng đôi khi u nang vú có cảm giác cứng chắc.

U nang vú không cần điều trị, trừ khi u nang lớn và gây đau hoặc khó chịu. Trong trường hợp đó, việc hút chất dịch ra khỏi u nang vú có thể làm giảm các triệu chứng.

Mặc dù u nang vú có thể được tìm thấy ở phụ nữ ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở phụ nữ tiền mãn kinh, từ 35 đến 50 tuổi và phụ nữ có dùng thuốc hỗ trợ nội tiết tố nữ.

Mỗi bộ ngực chứa các thùy mô tuyến, được sắp xếp giống như những cánh hoa cúc. Các thùy được chia thành các thùy nhỏ hơn để sản xuất sữa trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Mô hỗ trợ tạo nên hình dạng cho vú được tạo thành từ mô mỡ và mô liên kết dạng sợi. U nang vú phát triển do sự tích tụ chất lỏng bên trong các tuyến ở vú.

Phân loại u nang vú có thể được xác định bởi kích thước của chúng:

  • Nang kích thước nhỏ (Microcysts): Các vi nang có thể được nhìn thấy trong các xét nghiệm hình ảnh học, như chụp nhũ ảnh tuyến vú hoặc siêu âm tuyến vú, nhưng quá nhỏ để cảm nhận được.
  • Nang kích thước lớn (Macrocyst): Các nang đủ lớn để có thể sờ thấy và có thể phát triển đến 2,5 - 5 cm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nang vú

U nang vú có thể được tìm thấy ở một hoặc cả hai vú. Các dấu hiệu và triệu chứng của u nang vú bao gồm:

  • Một khối tròn hoặc hình bầu dục nhẵn, có thể mềm hoặc cứng và có kích thước bất kỳ, từ vài mm đến vài cm.
  • Dễ dàng di chuyển dưới da (đặc biệt là các u nang lớn).
  • Đau vú hoặc đau ở vùng có khối u ở vú.
  • Dịch tiết núm vú có thể trong, màu vàng, màu rơm hoặc nâu sẫm.
  • U vú tăng lên to hơn và có cảm giác đau nhức do nồng độ hormone thay đổi, đặc biệt là trước chu kỳ kinh nguyệt.
  • Giảm kích thước khối u vú và các triệu chứng khác sau kỳ kinh nguyệt.

Biến chứng có thể gặp khi mắc nang vú

Mặc dù nang vú thường lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng trong một số trường hợp, có thể xảy ra các biến chứng sau:

  • Viêm nhiễm: Nang vú có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm nhiễm vùng ngực gây triệu chứng bao gồm sưng đau, đỏ, toàn bộ hoặc một phần của vùng ngực, sốt, và cảm giác mệt mỏi.
  • Sưng tấy vú: Do kích thước của nang vú có thể tăng nhanh và gây sưng tấy vú, gây cảm giác đau và không thoải mái.
  • Sự thay đổi hormone: Nang vú có thể ảnh hưởng đến cân bằng hormone tổng thể trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như chu kỳ kinh không đều, thay đổi tâm trạng, rối loạn giấc ngủ, và rối loạn hormone khác.
  • Cảm giác lo lắng và căng thẳng: Sự xuất hiện của nang vú có thể gây ra tình trạng lo lắng, căng thẳng ảnh hưởng đến tâm lý, đặc biệt nếu có lo ngại về khối u ác tính.

Nếu có nghi ngờ về nang vú hoặc gặp bất kỳ biến chứng nào sau khi chẩn đoán nang vú, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được đánh giá và điều trị phù hợp.

Nang vú là gì có nguy hiểm không? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa 4
Nang vú thường gây đau và sưng to vùng vú

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nhận thấy và phát hiện một khối u vú mới không biến mất, ngày càng lớn hơn hoặc tồn tại dai dẳng sau một hoặc hai chu kỳ kinh nguyệt, hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm nang vú to lên, da đỏ, sưng tấy hoặc ấm và sốt, hoặc có các triệu chứng trên nặng lên, hãy lập tức đến bác sĩ thăm khám. Điều này giúp bạn được chẩn đoán, điều trị kịp thời, giúp kiểm soát tình trạng bệnh và làm giảm nhẹ các triệu chứng, đồng thời tránh các diễn tiến xấu nguy hại đến sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nang vú

Có nhiều nguyên nhân có thể gây phát triển nang vú, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Nếu có thành viên trong gia đình đã từng bị nang vú, khả năng mắc nang vú cũng cao hơn.
  • Tuổi: Chúng thường phổ biến hơn ở phụ nữ ở độ tuổi 30 - 50 chưa đến tuổi mãn kinh.
  • Chấn thương hoặc chấn thương vú trước đó: Chất lỏng có thể tích tụ và hình thành u nang sau chấn thương.
  • Thay đổi hormone: Sự biến đổi hormone trong cơ thể có thể là một nguyên nhân chính của sự phát triển nang vú. Hormone estrogen đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
  • Thai kỳ: Trong quá trình mang thai, sự tăng sản hormone estrogen và progesterone có thể dẫn đến sự tăng kích thước và phát triển nang vú.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc tránh thai hoặc hormone dùng trong điều trị tiền mãn kinh có thể tác động đến tuyến vú và góp phần vào hình thành u nang.
  • Các yếu tố khác: Bao gồm béo phì, không cho con bú, stress, tình trạng sức khỏe tổng thể và các vấn đề liên quan đến tuyến yên có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của u nang tuyến vú.
Nang vú là gì có nguy hiểm không? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa 5
Không cho con bú là một trong những nguyên nhân gây nang vú

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nang vú?

Những đối tượng có nguy cơ mắc phải nang vú là: 

  • Tuổi: Nguy cơ bị nang vú tăng theo tuổi, phụ nữ trung niên và sau mãn kinh có nguy cơ cao hơn so với phụ nữ trẻ.
  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người thân gặp phải nang vú, nguy cơ mắc bệnh có thể tăng.
  • Béo phì: Lượng mỡ cơ thể cao có thể tạo ra một môi trường tổng thể thuận lợi cho sự phát triển của các nang và tăng sự tương tác hormone.
  • Tiền sử nang vú: Nếu bạn đã từng bị nang vú trước đây, nguy cơ tái phát có thể tăng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nang vú

Nguy cơ bị nang vú có thể được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Dưới đây là một số yếu tố có thể gia tăng nguy cơ phát triển nang vú:

  • Hormone: Sự tăng sản xuất estrogen và progesterone có thể tác động đến sự phát triển của tuyến vú và gây ra sự hình thành các nang.
  • Sử dụng hormone: Sử dụng hormone dùng trong điều trị tiền mãn kinh hoặc thuốc tránh thai có thể tăng nguy cơ bị nang vú.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc điều trị gây tê (anesthetics), thuốc điều trị tăng huyết áp, hoặc thuốc điều trị tăng prolactin có thể tăng nguy cơ phát triển nang vú.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nang vú

Để chẩn đoán về u nang tuyến vú và đưa ra hướng điều trị hợp lý, bác sĩ sẽ kết hợp việc thăm khám lâm sàng và các phương pháp xét nghiệm khác, bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng. Bao gồm việc kiểm tra và xác định kích thước, hình dạng, độ đau hoặc mức độ di chuyển của u.
  • Siêu âm vú: Đây là phương pháp xét nghiệm phổ biến được sử dụng để xem xét các u tuyến vú. Siêu âm vú giúp tạo ra hình ảnh chi tiết về kích thước, hình dạng và cấu trúc của u tuyến vú. Nó có thể giúp phát hiện các u không rõ ràng trong quá trình khám lâm sàng.
  • Chụp nhũ ảnh: Đây là một phương pháp chụp X-quang đặc biệt cho vùng ngực. Có thể được thực hiện để xem xét cấu trúc bên trong của vú. Các u nang lớn và cụm u nang nhỏ thường có thể được nhìn thấy bằng chụp X-quang tuyến vú. Nhưng các vi nang có thể khó hoặc không thể nhìn thấy.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ: Bác sĩ sẽ đâm một cây kim mỏng vào nang vú và hút chất dịch lỏng. Thông thường, chọc hút bằng kim nhỏ được thực hiện bằng siêu âm để hướng dẫn vị trí kim chính xác. Sau khi hút hết dịch và khối u biến mất, bác sĩ có thể chẩn đoán u nang vú.

Nếu chất lỏng không có máu và có màu rơm và khối u vú biến mất, bạn không cần xét nghiệm hoặc điều trị thêm.

Nếu chất lỏng có máu hoặc khối u vú không biến mất, bác sĩ có thể gửi mẫu chất lỏng để xét nghiệm và cần làm thêm các xét nghiệm hình ảnh khác để đánh giá.

Nếu không rút được chất lỏng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị xét nghiệm hình ảnh như chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm, để chẩn đoán. Việc rút ít chất lỏng hoặc khối u ở vú không biến mất sau khi hút cho thấy khối u vú hoặc một phần của khối u là chất đặc. Cần làm xét nghiệm sinh thiết để loại trừ khả năng ung thư.

Nang vú là gì có nguy hiểm không? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa 6
Chụp nhũ ảnh vú trong chẩn đoán nang vú

Phương pháp điều trị nang vú hiệu quả

Trong hầu hết các trường hợp, không cần điều trị đối với những nang chứa đầy chất dịch và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, được xác nhận trên siêu âm vú hoặc sau khi chọc hút bằng kim nhỏ. Nhiều nang vú sẽ biến mất mà không cần điều trị. Nếu nang vú vẫn tồn tại, cảm thấy cứng hơn hoặc cảm thấy những thay đổi vùng da trên nang vú, cần kiểm tra thăm khám bác sĩ ngay.

Chọc hút kim nhỏ (FNA)

Chọc hút bằng kim nhỏ có thể được sử dụng để giúp điều trị u nang vú, nếu tất cả dịch chất lỏng có thể được loại bỏ khỏi u nang trong quá trình thực hiện thủ thuật, sau đó khối u ở vú và các triệu chứng giảm và biến mất.

Thường đối với một số nang vú, có thể phải chọc hút dịch nhiều lần, như những nang hay tái phát hoặc nang mới xuất hiện. Nếu nang vú tồn tại qua hai đến ba chu kỳ kinh nguyệt và to hơn, cảm giác khó chịu, cần thăm khám bác sĩ ngay để được đánh giá thêm.

Sử dụng thuốc nội tiết tố

Sử dụng thuốc nội tiết có thể giúp giảm sự tái phát của nang vú như thuốc tránh thai để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng do các tác dụng phụ đáng kể có thể xảy ra, thuốc tránh thai hoặc liệu pháp nội tiết khác như tamoxifen hoặc raloxifene, được dùng cho những phụ nữ có triệu chứng nghiêm trọng. Sau khi mãn kinh, nên ngừng điều trị bằng thuốc nội tiết, vì cũng có thể giúp ngăn ngừa nang vú phát triển.

Phẫu thuật

Trong trường hợp nang vú lành tính gây ra triệu chứng nghiêm trọng, tăng kích thước đáng kể hoặc gây lo lắng cho bệnh nhân, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ nang. Phẫu thuật loại bỏ nang vú có thể là một biện pháp để giảm các triệu chứng và loại bỏ nang hoàn toàn.

Trước khi quyết định phẫu thuật, bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám và trao đổi để giúp hiểu rõ về các rủi ro và lợi ích của phẫu thuật, cũng như cách chuẩn bị trước và sau phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nang vú

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên giúp giảm căng thẳng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Ngủ đủ giấc 7 - 8 tiếng/ngày giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
  • Hỗ trợ ngực bằng một chiếc áo ngực vừa vặn có thể giúp giảm bớt một số khó chịu.
  • Chườm ấm hoặc chườm đá có thể giúp giảm đau.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, các loại hạt, và trái cây tươi. Chất xơ giúp tăng cường quá trình tiêu hóa và giảm mức độ estrogen trong cơ thể
  • Giảm tiếp xúc với các chất có chứa phytoestrogen như đậu, lúa mạch và đậu nành vì chứa các chất có tác động giống hormone estrogen.
  • Tránh và hạn chế sử dụng rượu bia.
  • Hạn chế ăn chất béo, duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên.
  • Tránh và hạn chế sử dụng chất caffeine, một số phụ nữ thấy giảm triệu chứng sau khi loại bỏ chất này khỏi chế độ ăn uống của họ.
  • Uống nước 2 lít mỗi ngày
  • Hạn chế ăn muối.
Nang vú là gì có nguy hiểm không? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa 7
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như các loại rau, trái cây, đậu, ngũ cốc nguyên hạt

Phương pháp phòng ngừa nang vú hiệu quả

Để phòng ngừa nang vú, có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Định kỳ kiểm tra sức khỏe với bác sĩ để phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tuyến vú.
  • Tự kiểm tra vú: Tự kiểm tra vú hàng tháng để phát hiện sớm bất thường. Nếu bạn thấy bất kỳ biến đổi nào như sưng, đau, khối u hoặc tiết sữa không bình thường, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ ngay lập tức.
  • Tránh tiếp xúc với chất gây tác động lên tuyến vú: Hạn chế tiếp xúc với các chất gây tác động lên tuyến vú, chẳng hạn như hormone tăng trưởng, thuốc kích thích tuyến vú hoặc các chất gây nổi mụn.
  • Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống: Duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách ăn một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất xơ và thực hiện thường xuyên vận động. Hạn chế tiêu thụ chất béo và đường, tránh thức ăn chế biến sẵn và thực phẩm có hàm lượng hormone cao.
  • Hạn chế sử dụng thuốc có tác động lên tuyến vú: Nếu bạn đang sử dụng thuốc có tác động lên tuyến vú, hãy tham khảo với bác sĩ về các tác dụng phụ và tìm cách thay thế thuốc nếu cần thiết.
  • Tránh lo lắng, stress: Hạn chế stress và tìm cách giảm căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Stress có thể ảnh hưởng đến cân bằng hormone và gây ra các vấn đề liên quan đến tuyến vú.
Nguồn tham khảo
  1. Breast Cyst: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562196/
  2. Breast Cysts: https://www.breastcancer.org/benign-breast-conditions/cysts
  3. Breast cysts: https://breastcancernow.org/about-breast-cancer/breast-lumps-and-benign-not-cancer-breast-conditions/breast-cysts/
  4. Fibrocystic Changes in the Breast: https://www.cancer.org/cancer/types/breast-cancer/non-cancerous-breast-conditions/fibrosis-and-simple-cysts-in-the-breast.html
  5. Breast Cysts: https://www.healthdirect.gov.au/breast-cysts
Chủ đề:U vúxơ nang

Các bệnh liên quan

  1. U xơ tuyến vú

  2. Áp-xe phổi

  3. Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên

  4. Mô vú dày đặc

  5. Trào ngược dạ dày

  6. Phát ban ở ngực

  7. Đau nhức toàn thân

  8. Giãn cơ tim

  9. Tái cực sớm

  10. Xuất huyết phế nang lan tỏa