Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Ghép tế bào gốc tạo máu và những điều nên biết

Ngày 16/08/2024
Kích thước chữ

Thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu là một trong những phương pháp điều trị bệnh, nhất là bệnh ung thư ngày một phát triển vì có nhiều ưu điểm. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu thêm về phương pháp y học hiện đại này.

Ghép tế bào gốc tạo máu được ứng dụng nhiều nhất trong điều trị ung thư và một vài bệnh lý nguy hiểm khác. Để hiểu rõ hơn thế nào là ghép tế bào gốc tạo máu, bạn hãy cùng Nhà thuốc Long Châu khám phá ngay những thông tin được chia sẻ dưới đây.

Tổng quan ghép tế bào gốc tạo máu là gì?

Ghép tế bào gốc tạo máu là hình thức truyền tế bào gốc tạo máu vào cơ thể qua đường tĩnh mạch nhằm mục đích chính để thiết lập lại việc sản sinh tế bào gốc máu ở bệnh nhân có hệ thống miễn dịch hoặc tủy xương bị tổn thương, khiếm khuyết.

Ghép tế bào gốc tạo máu và những điều nên biết 1
Ghép tế bào gốc tạo máu là cách điều trị một số bệnh gây tổn thương hệ miễn dịch hoặc tủy xương

Tế bào gốc tạo máu đa năng thường được lấy từ máu ngoại vi, tủy xương hoặc máu dây rốn để tái tạo lại và tạo nên các tế bào bình thường. Việc ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp hiện đại nhưng cần được đánh giá kỹ trước khi thực hiện nhằm hạn chế tối đa những rủi ro không mong muốn. Do đó, phương pháp ghép tế bào gốc thường chỉ áp dụng đối với những bệnh nhân đang bị đe dọa đến tính mạng.

Hiện nay, kỹ thuật thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu đã được sử dụng phổ biến hơn khi mức độ an toàn cao hơn, trang thiết bị thực hiện được cải tiến. Trong khoảng nửa thế kỷ qua, ghép tế bào gốc tạo máu đã được dùng với tần suất cao hơn hẳn, đem lại hiệu quả chữa trị nhiều căn bệnh từ không ác tính đến ác tính.

Ghép tế bào gốc tạo máu chữa bệnh gì?

Như bạn đã biết, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu được ứng dụng trong điều trị cả bệnh ác tính và không ác tính, cụ thể như sau:

  • Bệnh ác tính: Có thể kể đến những căn bệnh nguy hiểm như bệnh bạch cầu myeloid mạn tính, bệnh ung thư hạch không hodgkin, u lympho hodgkin, u thần kinh đệm, hội chứng thần kinh đệm và nhiều bệnh có khối u rắn khác.
  • Bệnh không ác tính: Điển hình như thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, thiếu máu không tái tạo, hội chứng suy giảm miễn dịch, bệnh tự miễn,…
Ghép tế bào gốc tạo máu và những điều nên biết 2
Công nghệ ghép tế bào gốc tạo máu được sử dụng trong điều trị bệnh tự miễn

Nguồn tế bào gốc tạo máu từ đâu?

Hiện nay, y học đang sử dụng những nguồn tế bào gốc tạo máu gồm:

Tủy xương

Với trường hợp cấy ghép tủy xương, các tế bào gốc tạo máu sẽ được lấy từ vùng xương chậu của người cho. Khi đã lấy được tế bào gốc tạo máu, bác sĩ sẽ tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu cho người nhận.

Tế bào gốc máu ngoại vi

Đây là loại nguồn tế bào gốc mà số tế bào gốc tạo máu chỉ tồn tại một số lượng rất nhỏ, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kích bạch cầu và tế bào gốc tạo máu tủy xương ra máu ngoại vi bằng cách tiêm dưới da người bệnh một số loại thuốc với liều lượng theo quy định. Quá trình thu thập tế bào gốc tạo máu ngoại vi từ máu và truyền trả lại các thành phần tế bào máu được gọi là apheresis.

Máu cuống rốn

Máu cuống rốn cũng được sử dụng để thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu. Máu cuống rốn thường sẽ được thu thập ngay sau khi sản phụ sinh em bé, tiếp theo trải qua quá trình xử lý và bảo quản bằng cách cấp đông ở nhiệt độ âm sâu. Khi người bệnh cần ghép tế bào gốc tạo máu để chữa bệnh, người ta sẽ tìm kiếm các đơn vị máu cuống rốn đã được lưu trữ tại ngân hàng tế bào gốc tại các bệnh viện.

Ghép tế bào gốc tạo máu và những điều nên biết 3
Máu cuống rốn hiện nay được nhiều người lựa chọn lưu trữ đề phòng trường hợp mắc bệnh sau này

Hiện nay, sự phát triển y học ngày một hiện đại nên dịch vụ lưu trữ máu cuống rốn, lưu trữ tế bào gốc tạo máu từ cuống rốn cũng được ra đời nhiều hơn, hỗ trợ việc lưu trữ máu cuống rốn, đảm bảo cho việc sử dụng khi cần.

Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu phổ biến

Hiện nay, có 2 phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu phổ biến nhất là ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại và ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.

Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài

Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu này sử dụng tế bào gốc tạo máu lấy từ người cùng hoặc không cùng huyết thống để truyền cho người bệnh. Ghép tế bào gốc cùng huyết thống có HLA hoàn toàn phù hợp:

  • Hình thức ghép tế bào gốc này luôn là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu vì giúp giảm nguy cơ ghép chống chủ. Ngoài ra, ghép tế bào gốc tạo máu từ cha/mẹ/anh/chị/em ruột còn là nguồn tế bào gốc có sẵn, luôn sẵn sàng để ghép cho người bệnh khi cần.
  • Nhược điểm của hình thức ghép tế bào gốc tạo máu này là cơ hội tìm được người cho tế bào gốc phù hợp có giới hạn bởi theo quy mô gia đình và quy luật di truyền, chỉ có khoảng 25 – 30% người bệnh tìm thấy được nguồn tế bào gốc tạo máu từ người cùng huyết thống có HLA hoàn toàn phù hợp.
  • Hiện nay, chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu đã được mở rộng hơn cho người cao tuổi. Tuy nhiên, nếu người cho tế bào gốc là anh/chị/em ruột thì độ tuổi của người cho cũng đã cao, việc lấy tế bào gốc tạo máu sẽ có một số trở ngại nhất định, sức khỏe người cho tế bào gốc cũng không được đảm bảo.
Ghép tế bào gốc tạo máu và những điều nên biết 4
Tế bào gốc có thể lấy từ người thân ruột thịt hoặc không, miễn sao phù hợp về HLA

Hình thức ghép tế bào gốc tạo máu không cùng huyết thống có HLA phù hợp sẽ được áp dụng trong những trường hợp nhất định, cụ thể là:

  • Ghép tế bào gốc tạo máu không cùng huyết thống HLA phù hợp đang là phương pháp ghép tế bào gốc được dùng ngày một nhiều bởi nhu cầu của người bệnh khá cao nhưng không tìm được người hiến tặng cùng huyết thống hoặc có nhưng HLA không thích hợp hoặc trong trường hợp người hiến tuổi đã cao, sức khỏe yếu.
  • Với sự hỗ trợ từ kỹ thuật hiện đại, các y bác sĩ đã có thể tìm thấy người cho không cùng huyết thống nhưng vẫn phù hợp HLA. Do đó, hiệu quả lâm sàng giữa ghép tế bào gốc cùng huyết thống và không cùng huyết thống đã không còn quá nhiều điểm khác biệt, áp dụng được cho cả bệnh nhi hay người lớn tuổi.
  • Hình thức cuối cùng trong nhóm này là phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu nửa hòa hợp. Đây là hình thức trường hợp ghép chỉ phù hợp một nửa hoặc phù hợp không hoàn toàn hệ nhóm HLA, cho phép mở rộng phạm vi tìm kiếm người hiến tế bào gốc. Người cho tế bào gốc trong trường hợp này có thể cùng huyết thống hoặc không cùng huyết thống nhưng cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện để tránh nguy cơ rủi ro.

Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân

Khi tiến hành phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, khối tế bào gốc tạo máu của bệnh nhân sẽ được thu thập và lưu trữ. Đến lúc cần sử dụng, bác sĩ sẽ truyền trả lại khi đã kết thúc điều kiện hóa với mục đích phục hồi lại các tế bào máu.

Nhìn chung, ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị có hiệu quả, đặc biệt là với các bệnh ác tính. Đây cũng là lý do vì sao ngày càng có nhiều trẻ em ra đời được lưu trữ máu cuống rốn nhằm phòng tránh tình huống bệnh tật sau này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin