Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tế bào gốc là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và khả năng chữa bệnh của tế bào gốc

Ngày 15/01/2024
Kích thước chữ

Trong khi rất nhiều người đã và đang sử dụng dịch vụ lưu trữ tế bào gốc thì cũng có những người chưa hiểu rõ tế bào gốc là gì. Nếu bạn là một trong số đó, đây chính là bài viết giúp bạn có cái nhìn tổng quát nhất về loại tế bào vô cùng đặc biệt này.

Tế bào gốc có lẽ là một cụm từ không còn xa lạ với hầu hết mọi người trong chúng ta. Khi công nghệ tế bào gốc ngày càng phát triển và mang đến nhiều lợi ích cho con người, tế bào gốc ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Nếu chưa biết tế bào gốc là gì? Loại tế bào này có ý nghĩa như thế nào, bạn hãy tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

Tế bào gốc là gì? Có gì khác với các tế bào thông thường?

Tế bào gốc là loại tế bào có khả năng tự biệt hóa thành các loại tế bào chuyên biệt để thực hiện chức năng cụ thể. Chúng cũng có khả năng tự đổi mới, tăng sinh. Tế bào gốc được phân lập từ nhiều nguồn khác nhau. Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong Y học, điều trị bệnh đã được thực hiện ở nước ta từ những năm 1990.

Tế bào gốc được ứng dụng trong lĩnh vực y học theo nhiều cách khác nhau như:

  • Trong y học tái tạo, các tế bào gốc đa năng có thể biệt hóa thành các loại tế bào chuyên biệt để thay thế tế bào cũ bị tổn thương hay bị chết. Chúng tạo ra các tế bào khỏe mạnh hỗ trợ điều trị bệnh.
  • Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế sử dụng tế bào gốc để tìm hiểu cơ chế của các bệnh lý, từ đó tìm ra phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.
  • Việc nuôi cấy tế bào gốc sẽ giúp nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển các loại thuốc chữa bệnh. Các nhà khoa học dùng tế bào gốc để sàng lọc độc tính của thuốc để đảm bảo thuốc không làm tổn hại các tế bào trong cơ thể.
Tế bào gốc là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và khả năng chữa bệnh của tế bào gốc 1
Tế bào gốc có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau

Tế bào gốc có những loại nào?

Ngoài thắc mắc tế bào gốc là gì, nhiều người cũng muốn biết tế bào gốc có những loại nào. Nếu phân loại theo nguồn gốc, chúng ta có thể kể đến các loại tế bào gốc như:

  • Tế bào gốc trưởng thành có trong các mô trưởng thành như tủy xương, mô mỡ. Loại này có khả năng biệt hóa thấp hơn nhưng dễ thu thập và không vấp phải vấn đề đạo đức nên được ứng dụng phổ biến.
  • Tế bào gốc máu cuống rốn được thu thập từ máu cuống rốn của trẻ sơ sinh khi vừa chào đời. Loại tế bào gốc này đã và đang được ứng dụng để điều trị hơn 80 bệnh lý khác nhau.
  • Tế bào gốc từ mô dây rốn được thu thập tư mô dây rốn của thai nhi khi chào đời, gồm các loại tế bào gốc biểu mô, tế bào gốc trung mô, tế bào gốc nội mô. Tế bào gốc từ mô dây rốn là những tế bào đa năng, có khả năng biệt hóa thành các tế bào da, xương, sụn, tế bào thần kinh... Ngoài việc thu thập dễ dàng không xâm lấn, tế bào gốc từ mô dây rốn còn có ưu điểm tăng sinh dễ dàng, chưa bị hư hại hay ảnh hưởng với các tác nhân gây bệnh.
  • Tế bào gốc đa năng nhân tạo được tạo thành từ các tế bào sinh dưỡng hay tế bào soma. Loại tế bào này có tiềm năng lớn nhưng để ứng dụng cần chi phí cao nên hầu như vẫn đang được nghiên cứu.
  • Tế bào gốc phôi: Đây là các tế bào đa năng ở phôi giai đoạn sớm đến giai đoạn phôi nang, được tách từ phôi nang tạo thành một cách nhân tạo. Loại này liên quan đến vấn đề đạo đức nên chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu.

Tế bào gốc lấy từ đâu tốt nhất? Trong số những nguồn trên, nguồn tế bào gốc thu thập được từ máu và mô dây rốn của trẻ sơ sinh được đánh giá là có số lượng dồi dào và nhiều ưu điểm vượt trội hơn cả.

Tế bào gốc là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và khả năng chữa bệnh của tế bào gốc 2
Tế bào gốc được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau

Tế bào gốc chữa được những bệnh nào?

Hơn 80 căn bệnh phức tạp đã được hỗ trợ điều trị bằng tế bào gốc. Vậy những loại tế bào gốc nào thường được dùng để chữa bệnh và chúng được dùng để chữa những căn bệnh phổ biến nào?

Loại tế bào gốc được ứng dụng để chữa bệnh

Tế bào gốc tạo máu sau khi được truyền vào cơ thể sẽ đi qua tĩnh mạch để đến tủy xương. Tại tủy xương, chúng tăng sinh và phát triển thành các tế bào máu mới thay thế cho các tế bào máu cũ bị tổn thương hoặc bị chết. Ung thư bạch cầu, thalassemia, đa u tủy xương, ung thư máu… là những bệnh nguy hiểm có thể điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu.

Tế bào gốc trung mô có thể biệt hóa thành các tế bào chức năng khác nhau để điều biến miễn dịch và thay thế các tế bào bị tổn thương. Một số bệnh có thể được chữa khỏi bằng ghép tế bào gốc trung mô như: Lupus ban đỏ hệ thống, thoái hóa khớp, vết thương do tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ gan

Ghép tế bào gốc điều trị các căn bệnh thường gặp nào?

Có thể kể đến những căn bệnh thường gặp có thể điều trị bằng tế bào gốc như:

  • Tế bào gốc khi biệt hóa thành tế bào sản xuất insulin có thể hỗ trợ điều trị đái tháo đường, đẩy nhanh quá trình làm lành các vết thương do tiểu đường gây ra.
  • Tế bào gốc có thể biệt hóa thành tế bào gan khỏe mạnh, thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương và cải thiện mô gan xơ hóa ở bệnh nhân xơ gan.
Tế bào gốc là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và khả năng chữa bệnh của tế bào gốc 3
Tế bào gốc là gì và những loại tế bào gốc nào được ứng dụng trong chữa bệnh bạn đã biết rồi chứ?
  • Tế bào gốc trung mô chuyển hóa thành tế bào thận sẽ tái tạo mô thận tổn thương, giảm viêm nhiễm và hỗ trợ đắc lực trong điều trị bệnh thận.
  • Tế bào gốc trung mô có thể phát triển thành tế bào phế nang mới, điều tiết tế bào miễn dịch, ức chế quá trình chết của tế bào phế nang và ức chế phản ứng viêm ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
  • Có từ 30% - 90% bệnh nhân thoái hóa khớp điều trị bằng tế bào gốc đạt hiệu quả tốt với biểu hiện cải thiện chức năng khớp, giảm đau khớp, cải thiện chức năng xương dưới sụn, kéo dài thời gian sử dụng khớp tự nhiên.
  • Điều trị bệnh tự miễn bằng tế bào gốc cũng được đánh giá cao về hiệu quả. Phương pháp này có thể ức chế phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm quá mức ở người bệnh.

Với những giá trị khó có thể cân đo đong đếm, tế bào gốc ngày càng được quan tâm nhiều hơn và nhu cầu lưu trữ tế bào gốc cũng nhiều hơn mỗi ngày. Tế bào gốc là gì? Tế bào gốc có những loại nào và được thu thập từ nguồn nào? Ghép tế bào gốc có thể điều trị được những bệnh gì? Hy vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được tất cả những thắc mắc thường gặp trên đây. 

Xem thêm: Nên lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn ở đâu?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin