Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Giải đáp thắc mắc: Người bệnh lao phổi có đi làm được không?

Ngày 28/03/2022
Kích thước chữ

Lao phổi là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời. Vậy người lao động mắc bệnh lao phổi có đi làm được không?

Bệnh lao phổi là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) chiếm 80 – 85% trong các loại bệnh lao và là nguyên nhân chính gây ra viêm phổi do trực khuẩn lao. Có thể dễ dàng nhận biết người bị bệnh lao phổi thông qua những dấu hiệu điển hình như ho dai dẳng không đỡ, ho ra máu, đau ngực, khó thở, sốt…

Trong một số trường hợp, vi khuẩn lao sau khi xâm nhập vào cơ thể nhưng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, còn gọi là lao tiềm ẩn. Khi mắc lao tiềm ẩn, người bệnh sẽ không biết mình mang bệnh và không ảnh hưởng gì đến cuộc sống. Tuy nhiên, lao tiềm ẩn cũng có thể trở thành lao hoạt động, gây ra những triệu chứng rõ rệt sau vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm. Để kết luận chính xác bệnh lao phổi, người bệnh cần được khám và làm các xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.

Giải đáp thắc mắc: Người bệnh lao phổi có đi làm được không? Bệnh lao phổi có thể phát hiện thông qua chụp x-quang và soi đờm

Căn bệnh này rất dễ lây lan nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Chính vì thế, ai cũng có thể mắc bệnh lao nếu tiếp xúc thường xuyên với nguồn lây nhiễm. Lúc này, “Bệnh lao phổi có đi làm được không?” là vấn đề được nhiều người trong độ tuổi lao động quan tâm. Đặc biệt với những người đang muốn đi làm ở thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bệnh lao phổi: Mức độ nguy hiểm và con đường lây nhiễm

Bệnh lao phổi gây ra biến chứng gì?

Bệnh lao phổi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh bởi các biến chứng như:

  • Tràn dịch màng phổi dẫn đến đau ngực đột ngột bên có tràn khí và khó thở. Nếu khí và dịch tràn ra quá nhiều chèn ép khiến thể tích phổi còn lại không cung cấp đủ khí cho cơ thể, dẫn đến nguy cơ ngạt thở và tử vong cao.
  • Lao thanh quản khiến giọng nói thay đổi, khàn tiếng, thậm chí loét dây thanh âm.
  • Nhiễm nấm Aspergillus phổi có thể khiến tình trạng ho ra máu nặng hơn, thậm chí là tử vong.
  • Rò thành ngực xảy ra nếu người bệnh lao phổi không được điều trị đúng phác đồ và đủ thời gian, dẫn đến rò thông phế quản và thành ngực.

Con đường lây nhiễm

Lao phổi là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Khi người bị lao phổi ho, khạc nhổ, hắt hơi sẽ làm bắn ra ngoài những hạt nước bọt li ti mang theo vi khuẩn lao bay vào không khí và phát tán ra xung quanh. Người khỏe mạnh hít phải không khí có chứa vi khuẩn lao đó sẽ bị nhiễm lao, nếu hệ miễn dịch của cơ thể tốt, các vi khuẩn này sẽ bị khống chế ở trạng thái bất hoạt. Ngược lại, vi khuẩn lao sẽ tấn công vào phổi khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu và gây bệnh lao phổi.

Giải đáp thắc mắc: Người bệnh lao phổi có đi làm được không? 1 Nếu đi làm người bệnh có thể lây lan bệnh sang những người xung quanh

Ngoài ra, vi khuẩn lao còn rất dễ lây lan qua con đường ăn uống, dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng hoặc lây nhiễm do cọ sát với vết thương, vết trầy xước của người bệnh lao phổi. 

Bên cạnh đó, môi trường sống ô nhiễm, ẩm ướt, thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao cũng là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh. Theo thống kê, cứ 1 người bị lao phổi mà không hạn chế tiếp xúc có thể lây bệnh cho 10 đến 15 người trước khi được phát hiện và điều trị. 

Bệnh lao phổi có đi làm được không?

Người bị lao phổi thường có hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể yếu đi và có thể gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt như ho nhiều, ho ra máu, đau tức ngực… Chính vì thế, người bệnh sẽ không đủ sức khỏe để hoàn thành tốt công việc được giao.

Hơn nữa, lao phổi là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp rất nguy hiểm, nếu tiếp tục đi làm người bệnh sẽ lây bệnh sang cho đồng nghiệp tiếp xúc hàng ngày. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới việc điều trị mà còn trở thành gánh nặng của cộng đồng.

Giải đáp thắc mắc: Người bệnh lao phổi có đi làm được không? Người bị lao phổi nên tạm thời nghỉ làm ở nhà để điều trị và hạn chế lây nhiễm

Theo khuyến cáo của bác sĩ, người mắc bệnh lao phổi sau khi được chẩn đoán cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây bệnh cho những người khác như cách ly, hạn chế tiếp xúc những nơi đông người và thực hiện nghiêm phác đồ điều trị của bác sĩ.

Bệnh lao phổi có đi làm được không? Câu trả lời là không thể. Hầu hết các cơ quan, công ty đều có quy định điều kiện sức khỏe đối với người lao động là không mắc các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, trong yêu cầu sức khỏe đi xuất khẩu lao động ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đều loại trừ những người bị các bệnh liên quan đến hô hấp trong đó có lao phổi.

Tuy nhiên, nếu không may mắc căn bệnh này, bạn cũng đừng lo lắng bởi bệnh lao phổi hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu bạn kiên trì và tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Khi khỏi bệnh, bạn có thể quay trở lại công việc như bình thường.

Điều trị bệnh lao phổi bao lâu thì được đi làm?

Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bị lao phổi, người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán bệnh và chỉ định điều trị bệnh tại cơ sở chuyên khoa lao. Thời gian điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian phát hiện bệnh, phác đồ điều trị, khả năng đáp ứng thuốc, tiền sử bệnh lý, thói quen sinh hoạt của người bệnh…

Giải đáp thắc mắc: Người bệnh lao phổi có đi làm được không? 3 Người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc khi điều trị lao

Thông thường, người bị lao phổi sẽ điều trị theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì trong vòng 8 tháng nếu tuân thủ đúng nguyên tắc:

  • Phối hợp các thuốc chữa bệnh lao, uống đúng liều, đúng giờ, đủ thời gian.
  • Xét nghiệm đờm 3 lần vào các thời điểm sau tháng thứ 2, tháng thứ 3 của giai đoạn điều trị tấn công và sau tháng thứ 5 và thứ 8 của giai đoạn điều trị duy trì.

Sau vài tuần điều trị, người bệnh sẽ giảm hẳn triệu chứng khó chịu, người khỏe lên rõ rệt nhưng vẫn phải kiên trì điều trị đủ 8 tháng. Nếu bỏ dở điều trị không những không thể khỏi bệnh mà còn tái phát nguy hiểm và khó điều trị hơn.

Đồng thời, người bệnh nên thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng cường vận động nhẹ nhàng, bổ sung dinh dưỡng và tránh xa những thói quen xấu cũng là cách rút ngắn thời gian điều trị để sớm khỏi bệnh và đi làm trở lại.

Với những thông tin này, hy vọng bạn sẽ giải đáp được thắc mắc: “Bệnh lao phổi có đi làm được không?” và có thêm nhiều kiến thức bổ ích về căn bệnh này.

Dù bệnh lao phổi hiện nay đã có thể điều trị và kiểm soát tốt, nhưng việc chủ động phòng ngừa vẫn là giải pháp quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn. Tiêm vắc xin phòng lao BCG là cách hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm lao phổi và bảo vệ bản thân cùng cộng đồng. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tự hào mang đến dịch vụ tiêm vắc xin phòng lao BCG trong môi trường an toàn, hiện đại và tận tâm. Chủ động tiêm ngừa chính là bước đầu tiên để xây dựng một cuộc sống khỏe mạnh và không còn nỗi lo bệnh lao!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Thu Hà

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng đảm nhiệm vị trí Phó khoa Kiểm soát bệnh tật tại Trung tâm Y tế Quận 1 và sau đó là chuyên viên tại Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận. Với hai bằng đại học Y khoa và Dược sĩ, bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và am hiểu sâu về y học và dược phẩm.

Xem thêm thông tin