Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Giải đáp thắc mắc: Siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Ngày 06/10/2023
Kích thước chữ

Bên cạnh siêu âm qua thành bụng thông thường thì siêu âm đầu dò là một kĩ thuật tiên tiến cho phép xác định được tuổi thai cũng như vị trí chính xác mà phôi thai làm tổ ngay từ khi mới mang thai. Mặc dù biết được sự cần thiết của kỹ thuật này nhưng không ít sản phụ thắc mắc liệu siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Siêu âm qua đầu dò (hay còn gọi là siêu âm qua ngã âm đạo) được chỉ định ở phụ nữ đã có gia đình hoặc đã quan hệ tình dục nhằm khảo sát tình trạng mang thai và các vấn đề có liên quan ở vùng chậu. Bài viết sẽ cung cấp cho bạn thông tin về kỹ thuật thực hiện cũng như các ưu điểm và một vài lưu ý để giúp bạn trả lời cho câu hỏi siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Vai trò của kỹ thuật siêu âm đầu dò

Trong quá trình siêu âm, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa một đầu dò siêu âm chuyên dụng có tần số cao vào bên trong ống âm đạo, sự khác nhau của sóng phản âm ở các cơ quan vùng chậu sẽ được ghi nhận bằng chính đầu dò này và hiển thị bằng hình ảnh trên màn hình máy siêu âm. Siêu âm thai bằng đầu dò có vai trò trong 3 lĩnh vực khác nhau.

Vai trò trong sản khoa

Để xác định có thai, các chị em phụ nữ thường sử dụng que nhúng nước tiểu tại nhà còn các cơ sở y tế sẽ dựa vào xét nghiệm máu nhằm đánh giá nồng độ Beta-hCG hoặc hình ảnh siêu âm qua đầu dò âm đạo để mang lại kết quả có tính chính xác cao.

Trong giai đoạn đầu mang thai, việc tính tuổi thai là khá khó khăn nếu người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều hay không nhớ được chính xác ngày kinh cuối. Siêu âm qua đầu dò là phương tiện cho phép tính được tuổi thai từ đó suy ra ngày dự sinh khá chính xác.

siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi không 0
Siêu âm đầu dò giúp tính tuổi thai và suy ra ngày dự sinh khá chính xác

Ngoài ra, kỹ thuật này còn giúp xác định được số lượng thai nhi, hình thái của thai và vị trí mà phôi làm tổ nhằm phát hiện trường hợp thai ngoài tử cung. Đây là một biến chứng sản khoa nguy hiểm cần được phát hiện sớm để tránh nhiễm trùng ổ bụng, vỡ ống dẫn trứng,... khi thai ngoài tử cung vỡ.

Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm đầu dò để xem xét vị trí bánh nhau trong trường hợp nghi ngờ nhau tiền đạo khi thai lớn, nhau thai bám sau, đầu thai quay xuống dưới che khuất sóng âm,... ở những tháng cuối của thai kỳ.

Vai trò trong phụ khoa

Siêu âm qua đầu dò là phương tiện được lựa chọn hàng đầu để khảo sát các bệnh lý của tử cung, cổ tử cung, buồng trứng và các phần phụ khác vì ưu điểm là cho hình ảnh có độ phân giải cao, đầu dò gần các bộ phận vùng chậu. Từ đó giúp phát hiện sớm các bệnh lý như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, tắc vòi trứng và ống dẫn trứng, ung thư cổ tử cung và tử cung,...

Vai trò kết hợp cùng một số thủ thuật khác

Siêu âm đầu dò hỗ trợ đắc lực cho việc thụ tinh nhân tạo đối với những người khó có con, hiếm muộn vì bác sĩ quan sát được sự hình thành của trứng, thời kỳ rụng trứng, độ dày, mỏng của lớp niêm mạc trong thành tử cung,… để tiến hành chọc hút noãn ở thời điểm thích hợp nhất.

siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi không 2
Siêu âm đầu dò còn hỗ trợ đắc lực cho việc thụ tinh nhân tạo

Một số thủ thuật khác mà siêu âm đầu dò có thể kết hợp làm là chọc dò cùng đồ sau, chọc hút dịch trong u nang buồng trứng, chụp buồng tử cung bằng siêu âm,...

Siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Chắc hẳn khi đưa một thiết bị y tế vào sâu trong ống âm đạo khiến các mẹ bầu băn khoăn liệu siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi không? Câu trả lời là không vì đây là một kỹ thuật hoàn toàn an toàn cho mẹ và thai, khi thực hiện bác sĩ chỉ di chuyển đầu dò nhẹ nhàng sao cho không chạm vào cổ tử cung và đủ để quan sát các cơ quan cần thiết. Còn thai nhi nằm trong buồng tử cung được bảo vệ bởi lớp cơ tử cung dày và nằm phía trên cách đầu dò một đoạn nên sẽ không động đến thai.

Sóng phát ra từ đầu dò là sóng siêu âm và không hề gây hại cho thai như tia X trong các xét nghiệm hình ảnh học khác. Đầu dò được thiết kế với kích thước phù hợp, không quá lớn kết hợp cùng gel bôi trơn để tránh ma sát gây trầy xước trong lòng âm đạo. Hơn nữa mỗi lần thăm khám đầu dò sẽ được bọc bằng bao chuyên dụng dùng một lần hoặc bao cao su để đảm bảo vô khuẩn, tránh lây nhiễm cho các bệnh nhân.

Lưu ý rằng phương pháp này không chỉ định cho những người đang trong thời kỳ hành kinh, bị dị dạng bộ phận sinh dục, bệnh nhân đang mắc viêm nhiễm phụ khoa cấp tính và bệnh viêm âm đạo cấp độ nặng,... mà có thể thay bằng siêu âm qua ổ bụng nếu cần thiết.

Siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi không 2
Siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi không là thắc mắc của nhiều người

Quy trình kỹ thuật làm xét nghiệm siêu âm đầu dò

Siêu âm qua đầu dò âm đạo là một xét nghiệm đơn giản được thực hiện như sau:

  • Trước khi thực hiện sản phụ cần thay váy áo (cởi bỏ quần trong) và đi tiểu hết để bàng quang trống.
  • Điều dưỡng sẽ hướng dẫn người mẹ vào phòng kín đảm bảo tính riêng tư và nằm trên bàn khám theo tư thế sản phụ khoa.
  • Đầu dò âm đạo được thay một màng bọc mới, bôi gel bôi trơn tránh gây ma sát, đau đớn cho sản phụ.
  • Người mẹ cần chuẩn bị một tâm lý thư giản, thoải mái để thao tác khám được thực hiện dễ dàng và lắng nghe kỹ hướng dẫn của bác sĩ.
  • Sau đó đầu dò được đưa từ từ vào trong theo ngã âm đạo và hình ảnh được hiển thị trên máy.
  • Bác sĩ sẽ xoay đầu dò trong âm đạo một cách nhẹ nhàng để quan sát được toàn diện vùng chậu và cơ quan cần khảo sát.
  • Sau khi thực hiện xong bác sĩ sẽ rút đầu dò từ từ, hoàn thành kỹ thuật và thông báo kết quả siêu âm.
Siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi không 3
Tư thế sản phụ khoa khi thực hiện siêu âm đầu dò

Với sự tiến bộ của y học, các phương pháp đánh giá sức khỏe của mẹ và thai nhi hiện nay đều hạn chế tác hại và ngày càng hữu hiệu trong đó có siêu âm đầu dò. Mong rằng bài viết sẽ giúp các chị em phụ nữ có cái nhìn chính xác hơn, trang bị tâm lý thoải mái và tự tìm được cho mình câu trả lời liệu siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi không.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm