Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Giảm đau sau phẫu thuật có vai trò gì?

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giảm đau sau phẫu thuật bao gồm nhiều phương pháp khác nhau và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân có được chất lượng cuộc sống tốt hơn và hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường phải đối mặt với cơn đau cấp tính hoặc kéo dài và chức năng các cơ quan bị suy giảm. Cơn đau sau phẫu thuật thường bắt đầu bằng đợt đau cấp do tổn thương mô tại vị trí phẫu thuật. Đợt đau cấp xảy ra ngay sau khi phẫu thuật và có thể được nối tiếp bởi các cơn đau mạn kéo dài. Giảm đau sau mổ là phương pháp tiên tiến giúp bệnh nhân trải qua ca phẫu thuật nhẹ nhàng và an toàn.

Đau sau phẫu thuật là gì?

Đau sau phẫu thuật là phản ứng đau do sự can thiệp của phẫu thuật vào các mô và xảy ra sau phẫu thuật. Mức độ đau sau phẫu thuật phụ thuộc vào tính chất, mức độ của ca phẫu thuật, kỹ thuật phẫu thuật và khả năng chịu đựng của bệnh nhân.

giam-dau-sau-phau-thuat-co-vai-tro-gi 1.jpg
Đau sau phẫu thuật là phản ứng đau do sự can thiệp của phẫu thuật vào các mô

Thông thường, can thiệp phẫu thuật nội soi thường đau ít hoặc không gây đau đớn. Trong những trường hợp phẫu thuật nghiêm trọng hơn, cơn đau thường liên tục trong vài ngày đầu. Ngoài ra, mức độ đau sau phẫu thuật còn phụ thuộc vào các yếu tố dưới đây:

  • Vị trí phẫu thuật: Phẫu thuật ngực và bụng trên > phẫu thuật bụng dưới > phẫu thuật ngoại biên và phẫu thuật bề mặt. Thời gian đau cũng khác nhau ở các vị trí khác nhau, phẫu thuật ngực thì đau 4 ngày, phẫu thuật bụng trên đau 3 ngày, phẫu thuật bụng dưới đau 2 ngày, phẫu thuật ngoại biên và phẫu thuật bề mặt thì đau 1 ngày.
  • Từng bệnh nhân: 15% bệnh nhân không đau hoặc ít đau, 15% bệnh nhân đau nhiều và điều trị giảm đau thường không đủ để giúp bệnh nhân thoải mái hơn.

Cơn đau sau phẫu thuật làm hạn chế vận động của người bệnh, làm tăng nguy cơ tụ máu, tắc mạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc vết thương và phục hồi sau phẫu thuật.

Phương pháp đánh giá được mức độ đau sau phẫu thuật

  • Sử dụng thước EVA: Đây là loại thước có 2 mặt, dài 10 cm, đóng kín 2 đầu. Mặt không được đánh số có dòng chữ ghi không đau ở một đầu và đau không chịu nổi ở đầu kia, trên thước có con trỏ có thể di chuyển trên thang đo cho biết mức độ đau mà bệnh nhân đang cảm thấy. Mặt còn lại có thang điểm từ 0 đến 100, trong đó điểm 0 tương ứng với không đau và điểm 100 tương ứng với đau không chịu nổi. Đây là công cụ đơn giản nhất để đánh giá mức độ đau. Khi giá trị đau đạt từ 30 trở lên thì kê đơn thuốc giảm đau cho bệnh nhân.
giam-dau-sau-phau-thuat-co-vai-tro-gi 2.jpg
Sử dụng thước EVA để đánh giá được mức độ đau sau phẫu thuật
  • Sử dụng thang điểm số: Bệnh nhân tự nêu một số theo thang điểm từ 0 đến 100 tương ứng với mức độ đau mà họ cảm thấy. Số 0 nghĩa là bệnh nhân không đau, số 100 nghĩa là bệnh nhân đau không chịu nổi;
  • Dùng thang chia mức độ: Các giá trị của thang đo là 0 là không đau, mức 1 là đau ít, mức 2 là đau vừa và mức 3 là đau nhiều.

Vai trò của giảm đau sau phẫu thuật là gì?

Giảm đau sau phẫu thuật là phương pháp điều trị mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như:

  • Giúp người bệnh cảm thấy thoải mái về thể chất và tinh thần.
  • Giúp bệnh nhân lấy lại sự cân bằng tâm lý và sinh lý.
  • Nâng cao chất lượng điều trị: Giúp vết thương mau lành, giảm nguy cơ nhiễm trùng vết thương sau mổ, vận động sớm hơn, giảm nguy cơ tắc mạch, rút ​​ngắn thời gian nằm viện.
  • Giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật và có khả năng tự chăm sóc bản thân.
  • Bệnh nhân sớm tập phục hồi chức năng.
  • Tránh sự phát triển thành cơn đau mãn tính.
  • Mang ý nghĩa nhân đạo.

Phương pháp giảm đau sau phẫu thuật phổ biến hiện nay

Việc lựa chọn kỹ thuật giảm đau sau mổ phụ thuộc vào mức độ đau, vị trí đau, đau khi nghỉ ngơi hay khi vận động, tiền sử bệnh của bệnh nhân, thời điểm tập phục hồi chức năng... Các phương pháp giảm đau sau đây thường được áp dụng là:

  • Đường uống: Sử dụng thuốc giảm đau không thuộc họ morphine. Thuốc này được ưu tiên dùng để phục hồi nhu động ruột và thường được dùng cho bệnh nhân phẫu thuật về trong ngày. Người bệnh có thể sử dụng paracetamol, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), kết hợp paracetamol với NSAID... Việc dùng thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc ngoài đường uống: Đường tĩnh mạch dùng các thuốc giảm đau không thuộc họ morphine, đường dưới da dùng các thuốc thuộc họ morphine và đường tiêm bắp nên bỏ vì gây sẽ gây đau sau khi tiêm và gây khối máu tụ sau tiêm do sử dụng thuốc chống đông sau phẫu thuật. Bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng thuốc, loại thuốc, đường dùng và thời gian dùng thuốc.
giam-dau-sau-phau-thuat-co-vai-tro-gi 3.png
Bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc ngoài đường uống
  • Bơm thuốc qua catheter ngoài màng cứng: Giúp giảm đau tốt hơn so với dùng đường tĩnh mạch và đường dưới da. Morphine có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc thuộc họ morphine tan nhiều trong mỡ với thuốc gây tê hoặc clonidine. Loại thuốc và liều lượng thuốc tùy thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ cho từng tình huống cụ thể.
  • Đặt catheter gây tê đám rối thần kinh hoặc thân dây thần kinh: Áp dụng ở chi, thường đặt catheter bơm thuốc lặp lại hoặc truyền liên tục để kéo dài thời gian giảm đau sau phẫu thuật.
  • Tiêm thuốc vào ổ khớp: Thực hiện cuối phẫu thuật nội soi khớp vai hoặc khớp gối sau khi đã hút khô dịch.
  • Sử dụng thuốc đường hậu môn: Loại thuốc và liều lượng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Giảm đau sau phẫu thuật là phương pháp được sử dụng phổ biến ở nhiều bệnh viện lớn và được nhiều bệnh nhân lựa chọn vì tính ý nghĩa của nó. Tất cả các phương pháp giảm đau đều có ưu điểm và hạn chế. Bác sĩ cần cân nhắc lựa chọn phương pháp giảm đau sau mổ phù hợp cho bệnh nhân.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.