Bệnh quáng gà là một tật khúc xạ thường gặp ở người cao tuổi và những người có bệnh lý về mắt, gây khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt thường ngày. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về hậu quả bệnh quáng gà cũng như các phương pháp điều trị và phòng tránh.
Bệnh quáng gà là gì?
Bệnh quáng gà (hay còn gọi là chứng mù đêm) là một bệnh lý thoái hóa sắc tố võng mạc mắt, gây ra tình trạng giảm thị lực, thu hẹp tầm nhìn trong nơi không có ánh sáng đầy đủ.
Hình ảnh nhìn đôi qua mắt của người mắc bệnh quáng gà
Bệnh quáng gà thường xảy ra ở người già vì họ có nguy cơ cao bị đục thủy tinh thể. Trẻ em dưới 3 tuổi hoặc suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A cũng có thể dẫn tới bệnh quáng gà. Bên cạnh đó bệnh nhân suy giảm chức năng tuyến tụy, bệnh nhân đái tháo đường cũng thường xuyên mắc bệnh quáng gà.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh quáng gà
-
Thiếu vitamin A: Thiếu vitamin A là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh quáng gà. Chức năng của vitamin A là tạo sắc tố võng mạc giúp mắt điều tiết và nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng. Bên cạnh đó, vitamin A còn giúp mắt tổng hợp và duy trì ổn định lớp mucin giúp nước mắt dính chặt với bề mặt giác mạc, cùng với đó là hỗ trợ tổng hợp chất nhờn trong mắt, thúc đẩy quá trình lành biểu mô. Cơ thể thiếu vitamin A xảy ra do kém hấp thu đối với vitamin này, ăn uống thiếu dinh dưỡng, nhiễm khuẩn, các bệnh lý về gan…
-
Các bệnh lý về mắt: Các bệnh lý ở mắt gây suy giảm thị lực, tổn thương đến mắt và dễ dẫn tới quáng gà. Các bệnh có thể kể đến là: Cận thị, bệnh Glocom (tăng nhãn áp), hội chứng Usher (suy giảm thính giác do di truyền), đục thủy tinh thể, viêm võng mạc sắc tố.
- Các bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bệnh quáng gà: Đái tháo đường có các biến chứng về mắt, bệnh Keratoconus…
-
Thuốc: Các thuốc làm tăng nhãn áp gây ra các triệu chứng của bệnh quáng gà trên bệnh nhân.
Cận thị là một trong những nguyên nhân gây bệnh quáng gà
Hậu quả bệnh quáng gà
Hậu quả chủ yếu mà bệnh quáng gà gây ra là các vấn đề liên quan đến mắt và chức năng nhìn.
-
Bệnh nhân mắc bệnh quáng gà sẽ khó nhìn được trong bóng tối hoặc ánh sáng kém. Trong điều kiện ánh sáng không tốt như chiều tối, ban đêm, tầng hầm bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn và phán đoán sự việc.
-
Người bệnh cũng có thể không kịp điều tiết mắt khi chuyển từ khu vực có ánh sáng mạnh sang ánh sáng yếu và ngược lại.
Giảm khả năng nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu là một trong những hậu quả bệnh quáng gà
Ví dụ như khi di chuyển mắt từ trong nhà có điện ra ngoài trời không có điện, khi từ trời nắng vào trong nhà hay khi lái xe ánh sáng không chiếu liên tục giữa đèn với đường hoặc hiện tượng đèn đổi màu.
- Người bệnh sẽ thường xuyên bị ngã, vấp vào các đồ vật xung quanh, đi đứng không vững dẫn đến dễ xảy ra các tai nạn. Người bị quáng gà nặng hoặc do di truyền thường được khuyến cáo không nên điều khiển phương tiện giao thông vào ban đêm.
- Nếu thị trường của mắt bị thu hẹp dần, nặng hơn là thị trường hình ống. Đây là tình trạng thị trường bị thu hẹp trầm trọng, bệnh nhân chỉ có thể nhìn được phạm vi hẹp như nhìn qua một chiếc ống.
-
Bên cạnh đó người bệnh có thể bị một triệu chứng ám điểm, tức là trong thị trường bệnh nhân có các đốm nhỏ không nhìn thấy. Ám điểm ngày càng rộng thì tình trạng bệnh sẽ càng nặng và nguy cơ dẫn tới mù.
Như vậy, bệnh quáng gà thường khiến người bệnh không ổn định về khả năng nhìn, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống sinh hoạt. Nếu phát hiện ra các triệu chứng của bệnh, người bệnh nên đi khám ngay lập tức để được điều trị kịp thời.
Điều trị bệnh quáng gà
Tương ứng với mỗi nguyên nhân gây bệnh sẽ có các biện pháp điều trị phù hợp.
-
Quáng gà do cận thị: Bệnh nhân được đeo kính đúng độ cận sẽ cải thiện tình trạng, có thể nhìn rõ cả đêm và ban ngày như người bình thường.
-
Quáng gà do đục thủy tinh thể: Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật thay thế thủy tinh thể để điều trị hoàn toàn bệnh.
-
Thiếu vitamin A: Bệnh nhân cần được kiểm tra và bổ sung theo chỉ định của bác sĩ bởi nếu sử dụng quá liều sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng.
-
Di truyền: Bệnh nhân mắc bệnh quáng gà do di truyền cần thường xuyên đi khám để kiểm tra quá trình tiến triển của bệnh đồng thời tuân thủ điều trị theo phác đồ. Các bệnh nhân này cũng sẽ được sàng lọc, tư vấn tiền hôn nhân nhằm giảm thiểu nguy cơ di truyền bệnh cho con cái. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần phải thích nghi để có thể di chuyển trong tình trạng bị quáng gà, hạn chế lái xe vào ban đêm để tránh nguy hiểm.
Phòng ngừa bệnh quáng gà
- Cách tốt nhất để phòng bệnh quáng gà là bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và bảo vệ mắt. Ăn các thực phẩm giàu vitamin A như: Gan bò, khoai lang, cà rốt, cà chua, bông cải xanh, dưa lưới, bí ngô, xoài…
- Bảo vệ mắt bằng cách học tập, làm việc ở nơi đủ ánh sáng, hạn chế dùng các thiết bị điện tử, thường xuyên nhỏ mắt tránh mắt bị khô.
-
Bệnh nhân bị cận nên đeo kính đúng độ cận cả ban ngày và ban đêm.
-
Sắp xếp lịch lái xe trong ngày hoặc nếu phải di chuyển ban đêm thì nên nhờ người lái. Khi ra ngoài nên đeo kính râm và đội mũ, che chắn để bảo vệ mắt trước ánh nắng mặt trời.
-
Bệnh nhân đã mắc bệnh quáng gà thì cần phải đi khám theo lịch để theo dõi quá trình tiến triển của bệnh đồng thời được điều trị hiệu quả.
Bổ sung vitamin A để phòng ngừa bệnh quáng gà
Như vậy, qua bài viết có thể thấy quáng gà là một bệnh rất dễ mắc và phổ biến. Hậu quả bệnh quáng gà có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy cần phải thường xuyên đi khám sức khỏe mắt, sớm phát hiện và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn thông tin bổ ích. Chúc bạn luôn vui vẻ, khỏe mạnh và đừng quên theo dõi các trang web của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin về sức khỏe mới nhất nhé.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp