Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Hãy cân nhắc những vấn đề này khi bạn muốn niềng răng

Ngày 28/10/2020
Kích thước chữ

Việc niềng răng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại nhưng nha sĩ có thể sẽ không bao giờ cho bạn biết về điều đó. Vậy những tác hại này là gì và liệu có đáng sợ hay có thể phòng tránh được không?

Niềng răng được biết đến là phương thức chỉnh nha sử dụng các khí cụ nhằm căn chỉnh các tình trạng răng không đều, hô, móm, thưa, mọc lệch lạc… Điều này đã mang lại cho không ít bạn hàm răng đều đẹp và nụ cười tự tin. Tuy nhiên, liệu đây có thật sự là “hiện thực màu hồng” cho những ai muốn niềng răng để thay đổi khuôn mặt, diện mạo, hay chứa đựng trong đó là những nguy cơ gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe?

Cùng khám phá những vấn đề bạn có thể bắt gặp khi niềng răng, liệu niềng răng có nguy hiểm hay không và hậu quả của nó là gì nhé!

Hãy cân nhắc những vấn đề này khi bạn muốn niềng răng 1Bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi niềng răng.

Các vấn đề liên quan đến quá trình niềng răng

Khi niềng răng, bạn có thể gặp phải các tình trạng về răng miệng như:

Cảm thấy hơi khó chịu

Việc đeo niềng răng thường xuyên có thể mang lại cho bạn cảm giác khó chịu lúc đầu, rồi sau đó giảm dần. Bởi lẽ niềng răng vận hành bằng cách dịch chuyển răng theo hướng căn chỉnh hợp lý, vì vậy thường mang lại cho bạn cảm giác khó chịu ở răng, đôi lúc còn có thể khiến bạn bị đau đầu choáng váng.

Để đối phó với tình trạng này, bạn có thể cân nhắc dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol và ibuprofen để giúp làm giảm bớt đi các triệu chứng. Nếu bạn bị đau đầu kéo dài liên tục hoặc ngày càng gia tăng, bạn hãy đến gặp nha sĩ để kiểm tra tình trạng chi tiết nhất.

Gây ra tổn thương niêm mạc

Sau khi trải qua quá trình niềng răng, bạn sẽ được gắn mắc cài (bracket) và dây cung (wire) lên răng, việc này có thể gây kích thích lên niêm mạc miệng gây cảm giác không thoải mái. Một trong những biện pháp thường thấy nhất giúp giảm thiểu sự khó chịu do bộ niềng răng gây ra lên vùng miệng là sử dụng sáp chỉnh nha.

Bạn hãy bôi sáp chỉnh nha lên một phần hoặc toàn bộ mắc cài vị trí khiến bạn khó chịu, bạn sẽ cảm thấy giảm bớt ngay lập tức. Nếu dây cung quá dài hoặc nhọn làm chảy máu hoặc tổn thương vùng miệng, bạn hãy liên hệ với nha sĩ để được cắt ngắn hoặc mài bớt, tránh gây đau đớn.

Nguy cơ đau hàm

Đau hàm là trạng thái khá phổ biến khi niềng răng, vì quá trình trị liệu chỉnh nha làm dịch chuyển răng, hàm cũng thay đổi để phù hợp với răng nên có thể gây đau đớn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bạn có thể dung thuốc giảm đau không kê đơn để giảm đi cơn đau này. Tình trạng này thường xuất hiện mỗi khi tái khám chỉnh nha định kỳ.

Gây cản trở khi ăn và nhai

Tình trạng gặp khó khăn khi nhai thức ăn là điều rất hay bắt gặp, đặc biệt là sau mỗi lần siết răng. Bạn sẽ cảm thấy đau nhức, ê răng mỗi khi nhai, đặc biệt là lúc ăn các thực phẩm dạng rắn và cứng. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn lúc đầu, bạn sẽ mau chóng cảm thấy dễ chịu hơn sau vài ngày đến 1 tuần tùy mức độ tình trạng.

Hãy cân nhắc những vấn đề này khi bạn muốn niềng răng 2Niềng răng khiến việc ăn uống khó khăn hơn.

Mối nguy hại đến từ niềng răng

Một số tác hại của niềng răng mà bạn có thể mắc phải như sau:

Vấn đề về mất canxi răng

Thực hiện việc vệ sinh răng miệng tốt luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với những người niềng răng. Việc vệ sinh răng không kỹ lưỡng có thể gây ra sâu răng, làm xuất hiện các vết trắng đục bám trên răng. Điều này xảy ra do các vi khuẩn xuất hiện làm mất các khoáng chất có trên men răng, đặc biệt là canxi.

Tuy vậy, tác động tiêu cực của niềng răng gây mất canxi trên men răng có thể phòng ngừa và ngăn chặn được bằng cách việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ thường xuyên, cũng như xây dựng chế độ ăn uống hợp lý chứa ít đường.

Gây ra tình trạng dị ứng

Nhiều người có thể mắc phải phản ứng dị ứng với dây thun cao su latex được sử dụng trong niềng răng hoặc mắc cài kim loại. Bạn nên nói rõ với bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng dị ứng nào xuất hiện để được chỉ định sử dụng các sản phẩm hiệu quả khác thay thế.

Tình trạng cứng liền khớp

Chứng cứng liền khớp (ankylosis) là vấn đề hiếm gặp có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, có thể xảy ra do chân răng tích hợp vào xương. Tình trạng này diễn ra khiến răng không thể chuyển dịch dù đã niềng răng, và tất cả các răng xung quanh sẽ bắt đầu di chuyển qua lại, hậu quả gây hở các kẽ răng. Tình trạng này rất khó đoán trước, thường được tìm thấy thông qua chụp X-quang và kiểm tra lâm sàng.

Có thể khiến răng quay về vị trí cũ

Mặc dù đây không phải là tác hại của niềng răng, nhưng tình trạng răng di chuyển về vị trí cũ là tình trạng khá phổ biến sau khi tháo niềng răng. Nếu bạn không đeo hàm duy trì (retainer) thường xuyên, răng có thể sẽ trở về chỗ cũ, đặc biệt là ngay sau khi tháo niềng.

Nếu không muốn lãng phí đi thời gian và tiền bạc đã dành ra để có hàm răng mong muốn, bạn hãy luôn chăm sóc răng miệng kỹ càng và đeo hàm duy trì đều đặn.

Tình trạng tiêu chân răng

Tiêu chân răng (root resorption) có nghĩa là chân răng bị rút ngắn đi trong suốt quá trình niềng răng. Trên thực tế, điều này thường không quá mang tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng, do chân răng chỉ bị tiêu một phần nhỏ. Trong một số trường hợp hiếm gặp khác, người bệnh có thể bị tiêu mất 50% chân răng, điều này có thể gây ra những biến đổi đáng kể cho sức khỏe về lâu về dài của họ.

Nguyên nhân của tình trạng tiêu chân răng hiện vẫn chưa được xác định rõ, nhưng việc đeo niềng răng trong khoảng 3 năm có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra vấn đề này. Do đó, bạn cần tái khám định kỳ và chụp X-quang để tránh nguy cơ từ những ảnh hưởng xấu của việc niềng răng.

Bị sâu răng

Khi niềng răng, bạn sẽ thấy khó khăn trong việc vệ sinh răng hơn thông thường, do bàn chải đánh răng khó có thể vệ sinh kỹ các ngóc ngách trong từng kẽ răng. Do đó, bạn rất dễ gặp phải tình trạng sâu răng. Đối với người niềng răng, bạn nên làm sạch răng kỹ càng 2 lần/ngày kết hợp cùng việc sử dụng bàn chải chi tiết từng kẽ răng. Bạn cũng có thể suy nghĩ đến việc sử dụng máy tăm nước để răng hàm được vệ sinh sạch sẽ hơn.

Hãy cân nhắc những vấn đề này khi bạn muốn niềng răng 3Niềng răng có thể khiến nguy cơ sâu răng tăng cao.

Với nền công nghệ phát triển hiện nay, thật không khó để kiếm tìm các trung tâm nha khoa. Tuy nhiên, bạn cần phải nghiên cứu kỹ các bệnh viện, phòng khám có uy tín, chất lượng để bảo đảm tránh những tác hại của niềng răng. Đồng thời bạn hãy tái khám định kỳ và báo cáo với bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường về răng nhé!

Hường

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin