Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hình ảnh bệnh đau mắt đỏ qua các giai đoạn

Ngày 24/08/2018
Kích thước chữ

Đau mắt đỏ là căn bệnh không còn quá xa lạ đối với nhiều người. Vậy, bạn có bao giờ tự hỏi rằng, hình ảnh đau mắt đỏ qua từng giai đoạn phát triển bệnh sẽ như thế nào hay không? Nên lưu ý những gì khi bị đau mắt đỏ?

Nhận biết tình trạng bệnh đau mắt đỏ qua hình ảnh đau mắt đỏ sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Bài viết này sẽ cung cấp đến bạn đọc hình ảnh của bệnh lý đau mắt đỏ, mời bạn đọc chú ý theo dõi.

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc xảy ra khi mô trong suốt lót ở bề mặt bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt bị viêm đỏ. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra bệnh như do vi khuẩn, virus, các chất gây dị ứng,... Người bệnh cũng có thể bị đau ở 1 hoặc 2 mắt.

Một khi bị đau mắt đỏ, phần lòng trắng của người bệnh sẽ có màu đỏ hoặc hồng nhạt, mí mắt có thể sưng húp và bị rủ xuống. Mắt xuất hiện nhiều chất lỏng hơn, các chất lỏng này có thể chảy ra hoặc đóng vảy trên mắt. Người bệnh cũng có thể cảm thấy mắt bị ngứa, nhạy cảm hơn với ánh sáng và chảy nhiều nước mắt.

Bất kỳ đối tượng nào dù là trẻ em hay người trưởng thành đều có thể bị mắc bệnh. Bệnh cũng xảy ra quanh năm và rất dễ lây lan với tốc độ nhanh chóng, lan rộng thành dịch đau mắt đỏ.

Hình ảnh bệnh đau mắt đỏ qua các giai đoạn1
Đau mắt đỏ là bệnh khá phổ biến và có thể lây lan rất nhanh

Đau mắt đỏ cũng được chia ra thành nhiều loại khác nhau, cụ thể:

  • Đau mắt đỏ do vi khuẩn, virus: Đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc virus thường sẽ bắt đầu ở 1 bên mắt và sau đó lan sang mắt còn lại. Mắt đỏ chảy dịch nhiều và dịch không đặc khiến cho mí mắt dính vào nhau. Đau mắt đỏ do vi khuẩn, virus có thể lây trực tiếp. Đôi khi, loại đau mắt đỏ này cũng đi kèm theo tình trạng nhiễm trùng tai.
  • Đau mắt đỏ do dị ứng: Xảy ra khi cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng. Riêng đau mắt đỏ do dị ứng sẽ không lây mà thường tạo cho người bệnh cảm giác ngứa dữ dội, đỏ hai mắt, mắt chảy dịch và đi kèm một số triệu chứng dị ứng khác như hắt hơi, ngứa mũi, ngứa họng, hen suyễn,...
  • Đau mắt đỏ do kích ứng: Khi vật lạ hoặc hóa chất rơi vào mắt sẽ gây kích ứng. Đau mắt đỏ do kích ứng sẽ chảy nước mắt và tiết dịch nhầy. Thông thường, tình trạng này sẽ thường hết trong vòng 1 ngày. Nếu không có dấu hiệu thuyên giảm, rất có thể dị vật vẫn còn ở trong mắt hoặc mắt đã bị tổn thương. Lúc này, người bệnh nên đi thăm khám để được các bác sĩ kiểm tra tình trạng.

Đau mắt đỏ là bệnh khá lành tính và không gây ra quá nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh xảy ra lâu ngày có thể khiến cho thị lực bị suy giảm, gây viêm, loét giác mạc hoặc nguy hiểm hơn là mù lòa. Do đó, người bệnh không nên chủ quan khi thấy các dấu hiệu bất thường ở mắt.

Nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra bệnh đau mắt đỏ:

  • Nhiễm khuẩn: Một số loại vi khuẩn có thể gây ra bệnh đau mắt đỏ như haemophilus influenzae, streptococcus pneumonia, staphylococcus aureus,...
  • Nhiễm virus: Hầu hết, bệnh đau mắt đỏ là do một loại virus có tên là adenovirus gây ra. Ngoài virus này, một số virus khác cũng có thể gây ra bệnh như simplex virus, corona virus và varicella-zoster virus,... những loại virus gây ra bệnh Covid-19, thủy đậu, zona,...
  • Dị ứng: Các yếu tố gây dị ứng có thể là nấm mốc, phấn hoa hoặc các hóa chất độc hại. Khi tiếp xúc với các chất này, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể immunoglobulin E, kích hoạt các tế bào đặc biệt trong màng nhầy của mắt và cả đường thở để giải phóng các chất gây viêm. Các chất gây viêm này được giải phóng, bao gồm cả histamine thì sẽ làm cơ thể xuất hiện các triệu chứng dị ứng, trong đó có đau mắt đỏ.
  • Dị vật trong mắt: Đôi khi, người bệnh cũng có thể bị đau mắt đỏ do có dị vật bên trong mắt.
  • Dùng kính áp tròng: Không vệ sinh kính áp tròng đúng cách sẽ là nguyên nhân trực tiếp gây đau mắt đỏ. Ngoài ra, nếu người bệnh đau mắt đỏ đeo kính áp tròng sẽ làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
  • Tiếp xúc với người bệnh đau mắt đỏ: Người bình thường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh bị đau mắt đỏ rất dễ bị lây bệnh. Nguy hiểm hơn, sự lây lan này còn có thể trở thành dịch.

Ngoài ra, tay của chúng ta có thể ẩn chứa rất nhiều tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Vì vậy, bạn cần hạn chế chạm tay lên mắt và mặt. Đồng thời, hãy rửa tay thường xuyên, tuyệt đối không chạm vào mắt khi chưa rửa tay.

Hình ảnh bệnh đau mắt đỏ qua các giai đoạn2
Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau

Hình ảnh đau mắt đỏ qua từng giai đoạn

Ai trong chúng ta cũng đều có thể bị đau mắt đỏ ít nhất 1 lần trong đời. Theo đó, tình trạng đau mắt đỏ (do bệnh lý, virus, vi khuẩn) sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn chính là giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn toàn phát bệnh và cuối cùng là giai đoạn hồi phục.

Với mỗi giai đoạn, bệnh sẽ xuất hiện những biểu hiện, triệu chứng cụ thể. Người bệnh cần quan sát thật kỹ các dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt là với đối tượng trẻ em. Nhận biết các dấu hiệu kịp thời sẽ giúp việc điều trị bệnh hiệu quả hơn, đảm bảo không để lại biến chứng.

Hình ảnh đau mắt đỏ giai đoạn ủ bệnh

Đau mắt đỏ giai đoạn ủ bệnh sẽ xuất hiện những dấu hiệu giống với tình trạng đau họng, người bệnh có thể bị sốt nhẹ, mắt sưng đỏ, chảy nước mắt và ngứa. Mắt cũng xuất hiện nhiều gỉ mắt có màu vàng hoặc màu xanh lá. Dấu hiệu của đau mắt đỏ ở giai đoạn này sẽ rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp. Cụ thể:

  • Người bệnh sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi.
  • Bị ho, đau rát họng, ăn uống khó khăn.
  • Nổi hạch ở vùng trước tai.
  • Mắt nhạy cảm, sợ ánh sáng.
  • Mắt ngứa, chảy nước mắt và có màu đỏ nhẹ.
Hình ảnh bệnh đau mắt đỏ qua các giai đoạn3
Đau mắt đỏ giai đoạn ủ bệnh sẽ có dấu hiệu gần giống với bệnh lý đường hô hấp

Hình ảnh đau mắt đỏ giai đoạn toàn phát bệnh

Đau mắt đỏ giai đoạn toàn phát bệnh sẽ kéo dài khoảng từ 5 - 7 ngày. Đây sẽ là giai đoạn các biểu hiện của bệnh xuất hiện rõ ràng nhất. Biểu hiện thứ nhất là một hoặc cả hai mắt của người bệnh bị đỏ. Ngoài ra, tình trạng đau mắt đỏ của 2 mắt còn có thể không đều nhau, một mắt sẽ bị nặng hơn mắt còn lại.

  • Ở giai đoạn toàn phát bệnh, đau mắt đỏ gây cảm giác cộm, vướng như có hạt bụi bên trong mắt.
  • Mí mắt bị sưng, xung huyết, mắt cũng có thể bị ngứa.
  • Mắt bị chảy nhiều nước mắt.
  • Gỉ mắt cũng xuất hiện nhiều khiến cho mắt như bị dính vào nhau, rất khó mở mắt.
  • Mắt dễ bị chói, khô mắt, nhạy cảm hơn với ánh sáng.
  • Có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc.

Trong giai đoạn toàn phát bệnh, người bệnh nên đi thăm khám và điều trị đau mắt đỏ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho hợp lý, dành nhiều thời gian cho mắt nghỉ ngơi.

Bệnh rất dễ lây lan sang người khác, chính vì thế, để giảm thiểu tình trạng này. Người bệnh tuyệt đối không tiếp xúc gần với những người khỏe mạnh, không dùng chung đồ dùng cá nhân cũng như đeo khẩu trang, đeo kính râm để bảo vệ mắt khi đi ra ngoài.

Hình ảnh bệnh đau mắt đỏ qua các giai đoạn4
Mắt sẽ tiết nhiều dịch, gỉ và nước mắt ở giai đoạn toàn phát bệnh

Hình ảnh đau mắt đỏ giai đoạn hồi phục bệnh

Khi bệnh đã dần hồi phục, các biểu hiện bệnh sẽ cải thiện dần. Mắt không còn cảm thấy cộm khó chịu, hạn chế tiết gỉ, dịch cũng như nước mắt. Lòng trắng mắt dần chuyển về màu sắc ban đầu, trạng thái bình thường của mắt.

Hình ảnh bệnh đau mắt đỏ qua các giai đoạn5
Mắt sẽ dần trở lại trạng thái bình thường trong thời gian hồi phục bệnh

Cần lưu ý gì khi bị đau mắt đỏ

Trong quá trình bị bệnh đau mắt đỏ, người bệnh phải tuyệt đối điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ. Không tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian hay được truyền miệng như nhỏ sữa mẹ vào mắt, xông mắt với lá trầu, đắp hành củ,... Ngoài ra, cũng không nên tự ý mua thuốc khi không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Những việc làm này không những không giúp người bệnh khỏi bệnh mà còn có thể gây ra những biến chứng về thị lực nguy hiểm hơn.

Hãy tới các cơ sở khám mắt để được thăm khám và điều trị đúng cách. Bảo vệ mắt tối đa và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Hạn chế dùng tay chạm vào mắt, rửa tay thường xuyên và sử dụng khăn lau mặt riêng biệt, sạch sẽ.

Hình ảnh bệnh đau mắt đỏ qua các giai đoạn6
Ghi nhớ lưu ý để đảm bảo an toàn cho mắt

Trên đây là toàn bộ hình ảnh đau mắt đỏ. Chắc hẳn, bạn đọc đã nhận biết rõ, bệnh đau mắt đỏ sẽ xuất hiện các dấu hiệu như thế nào. Nếu còn điều gì thắc mắc, hãy liên hệ với các bác sĩ hoặc chuyên gia để được giải đáp chính xác.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin