Trẻ bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi? Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà
Ngày 29/10/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Đau mắt đỏ là một trong những bệnh lý mắt phổ biến. Ai cũng có thể mắc phải, nhưng trẻ em do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện thường dễ bị ảnh hưởng hơn. Vậy trẻ bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Trẻ bị đau mắt đỏ thường cảm thấy khó chịu và không thoải mái. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Thời gian hồi phục và phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Cùng giải đáp trẻ bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Nguyên nhân đau mắt đỏ ở trẻ em là gì?
Để trả lời trẻ bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi, trước hết cần hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau mắt đỏ. Có nhiều tác nhân khác nhau gây ra bệnh ở trẻ em nhưng những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
Virus
Các loại virus như Herpes, Adenovirus và Enterovirus thường là nguyên nhân chính gây đau mắt đỏ ở trẻ. Đặc biệt, virus Adenovirus chiếm khoảng 65-90% các trường hợp. Khi nhiễm virus, trẻ có thể xuất hiện triệu chứng ở một hoặc cả hai mắt, gây ra hiện tượng chảy nước mắt và ngứa nhẹ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp các dấu hiệu do virus như sốt, đau họng và nghẹt mũi.
Vi khuẩn
Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường gặp hơn ở trẻ em so với người lớn. Một số loại vi khuẩn phổ biến gây bệnh này bao gồm Haemophilus, Staphylococcus aureus, phế cầu khuẩn, Chlamydia trachomatis và Neisseria. Tình trạng này có thể khiến mắt trẻ tiết ra dịch có màu xanh hoặc vàng. Đôi khi trẻ có thể cảm thấy như bị châm chích ở mắt.
Dị ứng
Đau mắt đỏ ở trẻ em có thể do các yếu tố gây dị ứng như lông thú, bụi và phấn hoa. Hơn nữa, tiếp xúc với các hóa chất như clo cũng có thể gây viêm kết mạc dị ứng. Đây là một loại bệnh không lây nhiễm.
Bệnh lý
Trong một số trường hợp hiếm, đau mắt đỏ có thể là dấu hiệu của các bệnh lý toàn thân, chẳng hạn như hội chứng Sjogren hoặc bệnh Kawasaki.
Trẻ bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Tương tự như khả năng lây nhiễm, trẻ bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn thường tự khỏi sau khoảng 7-10 ngày mà không cần điều trị y tế. Trong khi đó, đau mắt đỏ do dị ứng có thể kéo dài từ vài tuần đến nhiều tháng và khó có thể điều trị triệt để nếu không xác định được tác nhân gây dị ứng. Do đó, trẻ mắc đau mắt đỏ do dị ứng thường cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Tuy nhiên, loại bệnh này chỉ xuất hiện ở những trẻ có cơ địa nhạy cảm với dị ứng.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà
Việc chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà đúng cách không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn góp phần ngăn ngừa lây lan bệnh trong gia đình cũng như giảm nguy cơ tái nhiễm. Dưới đây là một số biện pháp cần thực hiện:
Ngăn ngừa tái nhiễm
Trẻ có thể dễ dàng tái nhiễm nếu tiếp xúc với người đang mắc đau mắt đỏ. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay cả trong thời gian điều trị và sau khi trẻ đã khỏi bệnh.
Giữ vệ sinh cho mắt
Vệ sinh mắt là rất quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ. Phụ huynh nên sử dụng miếng gạc hoặc khăn sạch đã được khử trùng, thấm ướt nước để lau sạch mắt và loại bỏ ghèn. Ngoài ra, có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mắt cho trẻ. Lưu ý rằng cần lau mắt bên không bị nhiễm trước, sau đó mới đến bên bị nhiễm. Gạc sau khi dùng xong cần vứt vào thùng rác, còn nếu dùng khăn thì phải giặt riêng và khử khuẩn sau mỗi lần vệ sinh cho trẻ.
Giảm sự lây lan của nhiễm trùng
Virus gây đau mắt đỏ chủ yếu hiện diện trong ghèn và nước mắt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm. Do đó, các vật dụng cá nhân như khăn tay và đồ chơi của trẻ cần được khử trùng hàng ngày và không nên dùng chung với người khác để ngăn chặn sự lây lan bệnh.
Ngoài ra, trẻ bị đau mắt đỏ cũng nên hạn chế tiếp xúc với người khác. Nếu cần phải đến nơi đông người, phụ huynh nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, sử dụng kính chắn bọt và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn. Cũng cần lưu ý rằng virus có thể lây lan qua nước trong hồ bơi, vì vậy tuyệt đối không cho trẻ đi bơi trong thời gian này.
Thực hiện lối sống lành mạnh
Về chế độ ăn uống, trẻ bị đau mắt đỏ cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và uống đủ nước. Bên cạnh đó, cần khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế thời gian xem tivi và sử dụng các thiết bị điện tử để hỗ trợ quá trình hồi phục.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc về trẻ bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi. Viêm kết mạc thường nhẹ và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, phụ huynh cần phải chú ý đến những trường hợp đau mắt đỏ nghiêm trọng để kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.