Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mắt đỏ: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau mắt đỏ là một vấn đề phổ biến có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt. Hiện tượng đỏ đi kèm với mắt đỏ xuất phát từ các mạch máu trên bề mặt mắt của bạn bị giãn nở (giãn ra) do một số dạng kích ứng hoặc nhiễm trùng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Mắt đỏ là gì? 

Đỏ mắt là tình trạng giãn của mạch máu trên bề mặt nhãn cầu, có thể là hệ quả của nhiễm trùng, dị ứng, viêm, tăng nhãn áp. Một số phần của mắt có thể bị ảnh hưởng nhưng phổ biến nhất ở kết mạc nhưng cũng có thể là màng bồ đào (mống mắt), thượng củng mạc và củng mạc.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện bằng mắt đỏ, có ghèn, chảy nhiều nước mắt, khó chịu với ánh sáng. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai. Dử ghèn thường có màu vàng hoặc xanh.

Triệu chứng thường gặp là cảm giác ngứa ngáy, có sạn hoặc như có cát trong mắt khi bị dị ứng, viêm kết mạc do vi rút hoặc khô mắt. Hai mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ do cương tụ mạch máu. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh có thể có cảm giác mệt mỏi, sốt, đau họng, mắt nhức đau, nổi cộm, chảy nước mắt, đỏ, nhiều gỉ mắt, ho, tai xuất hiện hạch.

Tác động của mắt đỏ đối với sức khỏe 

"Mắt đỏ" là một tình trạng thường gặp trong thực hành lâm sàng. Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị đỏ mắt cần được chuyển tuyến và điều trị nhãn khoa khẩn cấp, mặc dù phần lớn bệnh nhân có thể được điều trị bởi bác sĩ chăm sóc ban đầu. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh mắt đỏ 

Giảm thị lực, viêm giác mạc, sẹo giác mạc, mù lòa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thị lực của bạn thay đổi đột ngột.

Đi kèm với đau đầu dữ dội, đau mắt, sốt hoặc nhạy cảm bất thường với ánh sáng.

Bạn cũng cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa.

Nguyên nhân là do dị vật hoặc hóa chất văng vào mắt.

Bạn đột nhiên bắt đầu nhìn thấy quầng sáng xung quanh ánh đèn.

Bạn cảm thấy như thể có gì đó ở trong mắt bạn.

Bạn bị sưng trong hoặc xung quanh mắt.

Bạn không thể mở mắt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến mắt đỏ

Vi khuẩn

Các viêm kết mạc do vi khuẩn gây ra đều có thể gây biến chứng ở giác mạc. Những vi khuẩn gây đau mắt đỏ thường gặp là: Tụ cầu vàng: Thường liên quan đến cả viêm bờ mi.

H. Influenzae: Hay gặp ở trẻ em, kèm theo viêm tai giữa, S. Epidermidis, phế cầu, moraxella catarrhalis. Ngoài ra còn có đau mắt đỏ do lậu cầu. Nó cũng thuộc vi khuẩn nhưng được xếp ra riêng vì khả năng loét và nguy cơ thủng giác mạc rất nhanh, đặc biệt có liên quan đến bệnh lây qua đường tình dục.

Virus

Đây là nhóm tác nhân gây đau mắt đỏ phổ biến nhất, chiếm đến hơn 80% các trường hợp. Phổ biến nhất trong số đó chính là Adenovirus gây nên viêm kết mạc - giác mạc dịch. Ít phổ biến hơn là Enterovirus, Coxsackie và virus Herpes.

Dị ứng

Đây là tình trạng khá phổ biến với biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Các tác nhân gây dị ứng rất nhiều và khó xác định như: Bụi, phấn hoa, lông động vật, thuốc, hóa chất,… Người bệnh thường hay bị viêm kết mạc tái phát hoặc kéo dài.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) mắt đỏ?

Khô mắt.

Dị ứng mắt.

Viêm kết mạc.

Đeo kính áp tròng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) mắt đỏ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Mắt đỏ, bao gồm:

  • Chất gây dị ứng trong không khí (gây dị ứng mắt).
  • Ô nhiễm không khí.
  • Khói (liên quan đến lửa, hít khói thuốc lá thụ động, v.v.).
  • Không khí khô (khí hậu khô hạn, các cabin máy bay, cao ốc dành cho văn phòng, v.v.).
  • Bụi bặm.
  • Khói trong không khí (xăng, dung môi, v.v.).
  • Phơi nhiễm hóa chất (clo trong bể bơi, v.v.).
  • Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời (không có kính râm ngăn tia UV).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mắt đỏ

Khám tổng quát nên bao gồm kiểm tra đầu và cổ để biết các dấu hiệu của các bệnh lý liên quan (ví dụ: Viêm đường hô hấp trên, viêm mũi dị ứng, phát ban ban đêm).

Khám mắt liên quan đến quá trình thử thị lực quy chuẩn và đòi hỏi có đèn bút, thuốc nhuộm fluorescein và sinh hiển vi.

Đo thị lực chỉnh kính tối đa. Đánh giá kích thước và phản xạ đồng tử. Sự sợ ánh sáng thực sự (sợ ánh sáng liên ứng) khi chiếu đèn vào mắt lành gây đau cho mắt bệnh khi mắt bệnh nhắm. Đánh giá vận nhãn và thăm khám tổ mắt và tổ chức cạnh nhãn cầu để phát hiện các tổn thương và tình trạng phù. Khám bề mặt sụn để tìm hột. Nhuộm giác mạc với fluorescein và khám trên sinh hiển vi.

Nếu phát hiện trợt giác mạc, cần lộn mi trên và tìm dị vật. Khám mắt tốt nhất trên sinh hiển vi. Khám sinh hiển vi để phát hiện mủ và tyndall tiền phòng. Có thể chấp nhận không đo nhãn áp trên những bệnh nhân viêm kết mạc đơn thuần.

Thường không cần xét nghiệm. Các nuôi cấy vi rút nếu nghi ngờ bị herpes simplex hoặc herpes zoster và chẩn đoán không rõ ràng trên mặt lâm sàng. Loét giác mạc được nuôi cấy bởi bác sĩ nhãn khoa. Soi góc trên bệnh nhân glôcôm, làm xét nghiệm chẩn đoán các bệnh tự miễn dịch có thể giá trị ở những bệnh nhân bị viêm màng bồ đào không rõ nguyên nhân (ví dụ chấn thương). Bệnh nhân viêm củng mạc sẽ được tiến hành các xét nghiệm chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa về mắt.

Phương pháp điều trị mắt đỏ hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Điều trị nguyên nhân Không cần điều trị đỏ mắt. Không khuyến cáo thuốc tra co mạch.

Đau mắt đỏ do virus: Bệnh tự khỏi sau vài ngày. Người bệnh có thể tự chườm lạnh vài lần mỗi ngày để giảm triệu chứng phù nề; rửa mặt bằng nước muối sinh lý (natriclorit 0,9%) và nhỏ nước mắt nhân tạo. Nếu bị dử mắt nên đến bác sĩ khám, hướng dẫn điều trị. Kháng Histamin nhỏ mắt nếu ngứa nhiều. Nếu đau mắt đỏ do Herpes cần dùng thuốc kháng virus acyclovir 400mg uống 5 lần/ngày. Lưu ý trong trường hợp này chống chỉ định với steroid. Bệnh có tính lây lan mạnh nên cần tránh chạm tay vào mắt, bắt tay và dùng chung khăn mặt. Người bệnh cũng nên rửa tay thường xuyên để đảm bảo vệ sinh.

Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Bác sĩ sẽ khám - kê đơn - hướng dẫn điều trị (vệ sinh mắt, thuốc kháng sinh, kháng viêm ...). Kháng sinh nhỏ mắt trong 5 đến 7 ngày. Nếu do H. influenzae cần điều trị bằng amoxicillin/clavulanate uống. Nếu do lậu cầu thì điều trị ceftriaxone 1g tiêm bắp và azithromycin 1g uống, bôi thuốc mỡ fluoroquinolone 4 lần/ngày và rửa mắt bằng nước muối sinh lý 4 giờ/lần. Ngoài ra cần phải nhập viện nếu có tổn thương giác mạc.

Đau mắt đỏ do dị ứng: Bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nếu biết; bác sĩ sẽ kê toa thuốc nhỏ hoặc thuốc uống giảm tình trạng dị ứng; Trường hợp nhẹ thì dùng nước mắt nhân tạo, mức độ trung bình thì nhỏ mắt kháng histamin, trường hợp nặng ngoài các thuốc trên cần thêm steroid nhỏ mắt nhẹ. Trong trường hợp trung bình đến nặng có thể dùng kháng histamin đường uống. Theo dõi trong 2 tuần.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mắt đỏ

Chế độ sinh hoạt:

  • Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
  • Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.
  • Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.
  • Không dùng tay dụi mắt.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung những vitamin A, K, C, B có lợi cho mắt thông qua những thực phẩm như các loại rau củ quả như: Bắp cải, rau cải bó xôi, rau xà lách, cà rốt, khoai tây, khoai lang… Ăn nhiều rau củ quả tươi giúp trẻ bổ sung những tiền tố benta – carotene sẽ chuyển hóa dinh dưỡng thành vitamin A giúp mắt sáng, khỏe mạnh.
  • Những loại thực phẩm có màu đỏ có chứa nhiều vitamin A tốt cho mắt, giảm thiểu những tình trạng mắt đỏ, chảy nước mắt, ngứa mắt. Vì vậy trẻ nên ăn nhiều táo, dâu tây, cherry, dưa hấu, cà chua, đậu đỏ, bí đỏ, cà rốt, củ dền…
  • Ăn nhiều rau xanh chứa chất xơ và kẽm, có lợi cho mắt và tim giúp chữa nhanh cơn sưng phù của mắt và vitamin B giúp thúc đẩy quá trình lành lại những tổn thương niêm mạc mắt.
  • Mỡ thực vật, mỡ cá, bơ, phô mai, lòng đỏ trứng, các loại hạt, dầu dừa giúp cơ thể hấp thụ vitamin, khoáng chất và giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, mau chóng đẩy lùi bệnh tật.
  • Uống nước nhiều hằng ngày giảm chứng khô mắt do chảy nước mắt nhiều, giúp các tế bào vận chuyển chất nhanh hơn và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
  • Ăn nhiều thực phẩm có chứa đạm (protein) như ức gà, thịt, cá, trứng, sữa tạo các kháng thể giúp cơ thể kháng lại virus, vi khuẩn và giúp quá trình vận chuyển các dưỡng chất và thuốc nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Phương pháp phòng ngừa mắt đỏ hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
  • Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
  • Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…
  • Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/vi/

  2. https://vncdc.gov.vn/cach-phong-benh-dau-mat-do-nd14385.html

  3. https://www.drugs.com/mcs/red-eye

Các bệnh liên quan

  1. Viêm màng bồ đào

  2. Dị ứng mắt

  3. Hội chứng Sjogren

  4. Giãn đồng tử

  5. Xuất huyết võng mạc

  6. Viêm võng mạc

  7. Đục thủy tinh thể

  8. Bọng mắt

  9. Nấm mắt

  10. Bệnh võng mạc trẻ sinh non