Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không? Cách điều trị hội chứng ruột kích thích

Ngày 18/02/2023
Kích thước chữ

Hội chứng ruột kích thích là các rối loạn chức năng của đại tràng lặp đi lặp lại nhiều lần các biểu hiện đau bụng, co thắt, chướng bụng, đầy hơi gây tiêu chảy hoặc táo bón. Vậy hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kĩ hơn về hội chứng này trong bài viết dưới đây.

Không giống với các bệnh lý tiêu hóa khác, hội chứng ruột kích thích không gây tổn thương thực thể tại ruột. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý kịp thời sẽ giúp hạn chế các biến chứng không tốt cho người bệnh. Trước khi tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không, hãy cùng tìm hiểu hội chứng này là gì?

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome) là một sự rối loạn chức năng của ruột già hay đại tràng. Đặc trưng của hội chứng này là các biểu hiện đau bụng cùng với sự rối loạn nhu động ruột khiến thay đổi thói quen đại tiện. Đặc biệt hội chứng ruột kích thích không kèm theo bất kỳ tổn thương nào về mặt giải phẫu hay thực thể trên đường tiêu hóa.

Hội chứng ruột kích thích có tính chất mạn tính, các triệu chứng có thể tái đi tái lại nhiều lần. Nếu hội chứng này không được phát hiện và điều trị đúng cách có thể sẽ làm khiến chất lượng sống suy giảm, đặc biệt ảnh hưởng tới tâm lý, công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không? Cách điều trị hội chứng ruột kích thích. Hội chứng ruột kích thích là gì?

Nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích

Hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể làm rõ hết các nguyên nhân trực tiếp gây nên hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra tình trạng này có quan hệ tới những yếu tố sau:

  • Tâm sinh lý: Một số báo cáo đã cho thấy ở những người thường xuyên có tình trạng lo lắng, suy nghĩ nhiều hay thường gặp những vấn đề về tâm thần như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ... sẽ có tỉ lệ cao mắc phải hội chứng ruột kích thích.
  • Chế độ ăn: Đa số các rối loạn đường tiêu hoá đều có mối quan hệ nhất định tới chế độ ăn và tất nhiên, hội chứng ruột kích thích cũng không nằm ngoài số đó. Chế độ ăn không khoa học, ăn phải đồ ăn kém chất lượng, thực phẩm chứa những chất độc hại... là những yếu tố nguy cơ trực tiếp gây ra hội chứng này.
  • Các nguyên nhân khác: Tiền sử mắc một số bệnh lý về đường ruột thời gian trước đó hay những yếu tố về mặt di truyền, sự thay đổi sinh lý đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt, việc sử dụng thuốc hay các vấn đề về nội tiết... đều có thể là nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích

Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích, các bác sĩ thường dựa vào lâm sàng cùng các kết quả cận lâm sàng.

Các biểu hiện lâm sàng:

  • Có các cơn đau bụng, khó chịu ở bụng.
  • Thường xuyên có tình trạng tiêu chảy, có thể xen kẽ với táo bón.
  • Thói quen đại tiện bị thay đổi.
  • Chướng bụng đầy hơi.
  • Đi cầu nhưng vẫn có cảm giác chưa hết phân.

Các phương pháp cận lâm sàng cần thực hiện để củng cố cho chẩn đoán hội chứng ruột kích thích:

  • Các xét nghiệm công thức máu.
  • Xét nghiệm phân nhằm tìm kiếm máu ẩn, các ký sinh trùng.
  • Siêu âm ổ bụng tìm kiếm các khối u bất thường, những dấu hiệu xâm lấn.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng.
  • Nội soi đại tràng tìm các tổn thương thực thể tại đường ruột.
  • Xét nghiệm mô bệnh học, sinh thiết đại tràng.
Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không? Cách điều trị hội chứng ruột kích thích. Chụp cắt lớp vi tính giúp củng cố chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Người bệnh thường được chẩn đoán có mắc hội chứng ruột kích thích khi đã loại trừ mọi khả năng tổn thương thực thể hay giải phẫu trên đường ruột đồng thời các xét nghiệm cho kết quả không có sự bất thường liên quan.

Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không ?

Nhiều người đặt câu hỏi:"Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?". Hội chứng ruột kích thích được đánh giá là một tình trạng không gây nguy hiểm bởi nó hầu như không gây đe dọa tới tính mạng. Tuy nhiên, hội chứng này lại cực kì khó điều trị một cách dứt điểm và nó có thể xuất hiện nhiều lần, gây không ít khó chịu cho bệnh nhân trong cuộc sống. Một số biểu hiện của hội chứng này có thể kể tới là:

  • Đau bụng: Đây có thể được xem là triệu chứng rõ ràng và phổ biến nhất của hội chứng này. Cơ thể người bệnh khởi phát những cơn đau bụng đột ngột không rõ lý do, một số trường hợp có thể xuất hiện sau khi tiêu thụ các thức ăn để lâu ngày hay các thực phẩm không phù hợp với cơ thể, hoặc đôi khi ngay cả với những thực phẩm thường xuyên sử dụng. Các cơn đau bụng thường xuất hiện ở bụng dưới hoặc hố chậu trái, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và giảm đau sau khi đại tiện hoặc trung tiện. Tần suất của các cơn đau bụng còn tùy thuộc vào cơ thể của mỗi người.
  • Tiêu chảy và táo bón: Đây là hai triệu chứng thường diễn ra đơn độc hoặc xen kẽ ở người mắc hội chứng đường ruột kích thích. Tiêu chảy thường sẽ xảy ra từ 3 tới 5 lần một ngày, đi ngoài có thể lỏng hoặc nát, một số trường hợp lẫn nhầy trong phân người bệnh nhưng không bao giờ có máu kèm theo. Các triệu chứng tiêu chảy có thể diễn biến nặng hơn khi bệnh nhân đang trong trạng thái lo âu, căng thẳng hoặc sau khi tiêu thụ khối lượng lớn thức ăn...
  • Các triệu chứng khác: Người bệnh có thể gặp một số tình trạng rối loạn tiêu hóa khác như trào ngược dạ dày thực quản, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu hay tức ngực. Không chỉ thể, một số người bệnh có thể gặp phải hiện tượng đau đầu, mất ngủ, tiểu tiện nhiều lần…
Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không? Cách điều trị hội chứng ruột kích thích. Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?

Các triệu chứng trong hội chứng ruột kích thích thường biểu hiện ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Tuy nhiên, việc không tiến hành thăm khám kiểm tra hay việc điều trị không chính xác có thể khiến hội chứng ruột kích thích trở nên nặng nề thêm. Các biến chứng trầm trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người mắc. Cụ thể, đường tiêu sẽ suy giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng khiến cơ thể dần trở nên thiếu chất, suy kiệt hay. Một số biến chứng cũng có thể xuất hiện trên tâm lý như người bệnh luôn có cảm giác chán nản, lo âu càng khiến cơ thể thêm suy nhược.

Điều trị hội chứng ruột kích thích

Thông thường, hội chứng ruột kích thích không quá khó để điều trị, thậm chí có thể tự khỏi chỉ với một số thay đổi trong lối sống. Các biện pháp khắc phục hội chứng này mà không dùng thuốc có thể được khuyến cáo như:

  • Các liệu pháp tâm lý giúp người bệnh giảm bớt tình trạng lo lắng, suy nghĩ.
  • Có chế độ luyện tập thể dục thường xuyên, khoa học và hợp lí.
  • Uống nhiều nước.
  • Thực hiện ăn uống đều đặn và đúng giờ.

Đối với chế độ ăn:

  • Hạn chế những loại thực phẩm gây đầy hơi như các loại nước có gas, rau củ như bông cải trắng, bông cải xanh, bắp cải…
  • Hạn chế ăn các thực phẩm có chứa nhiều Gluten như lúa mì, lúa mạch…
  • Tránh nhóm thực phẩm chứa đường lên men như fructan, fructose, lactose và một số các loại đường khác.
Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không? Cách điều trị hội chứng ruột kích thích. Điều trị hội chứng ruột kích thích thông qua chế độ ăn uống khoa học

Tóm lại, hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không? Đây là một tình trạng không quá nguy hiểm, hầu như nó không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, khi có phát hiện các triệu chứng như đau bụng hoặc rối loạn đại tiện, bệnh nhân cần sớm gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và có phương pháp điều trị phù hợp nhằm phòng tránh các biến chứng không mong muốn khác. Nhà thuốc Long Châu chúc các bạn đọc nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ 

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin