Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng Serotonin: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 16/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Việc sử dụng thuốc quá liều có thể dẫn đến ngộ độc, tình trạng này được gọi là hội chứng Serotonin. Nếu không biết cách khắc phục kịp thời, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa. Nhà thuốc Long Châu sẽ gửi đến bạn chi tiết thông tin về chứng Serotonin để kịp thời ngăn ngừa và điều trị.

Hội chứng Serotonin có liên quan đến những phản ứng ngộ độc thuốc với các biểu hiện như sốt, kích động, vã mồ hôi… và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Hiểu được nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị khi xuất hiện hội chứng này sẽ giúp người bệnh phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo sự an toàn cho bản thân.

Khái niệm hội chứng Serotonin

Trong cơ thể, Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh, hoạt động trên mạch máu và các con đường kiểm soát cơn đau trong não. Lượng serotonin trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thuốc ngăn ngừa cơn đau đầu. Chất này cũng có trách nhiệm kiểm soát tâm trạng, giấc ngủ, cơn đau, sự chú ý…

Hội chứng Serotonin: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị Hội chứng Serotonin có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

Serotonin được sản xuất bởi tế bào thần kinh để điều chỉnh lưu lượng máu, tiêu hóa, hơi thở, thân nhiệt. Đây là chất có vai trò quan trọng trong hoạt động bình thường của não và tế bào thần kinh, có tác động đến tâm trạng.

Về bản chất, Serotonin cần thiết cho tế bào thần kinh và não hoạt động. Tuy nhiên, nồng độ cao của chất này gây nhiều triệu chứng từ nhẹ đến nặng như tiêu chảy, sốt, cứng cơ, co giật, nặng hơn nữa là tử vong. Việc sử dụng các loại thuốc kê đơn khác nhau cùng lúc có thể khiến cơ thể sản xuất quá nhiều serotonin dẫn đến tăng hoạt động tế bào thần kinh quá mức cùng một loạt triệu chứng có khả năng gây tử vong, đây gọi là hội chứng Serotonin (SS). 

Những loại thuốc có thể dẫn đến chứng Serotonin gồm các loại điều trị chứng đau nửa đầu, trầm cảm, thuốc kiểm soát cơn đau. Một số loại thuốc bất hợp pháp hay thực phẩm chức năng cũng được tìm thấy có liên quan đến hội chứng này. Nếu mắc phải chứng Serotonin dạng nhẹ, các dấu hiệu có thể biến mất trong 1 ngày sau khi ngừng thuốc. Đôi khi, bạn phải dùng thuốc ngăn chặn serotonin.

Triệu chứng và biến chứng khi mắc hội chứng Serotonin

Những triệu chứng gây serotonin thường xảy ra trong vài giờ sau khi uống một loại thuốc mới hoặc tăng liều lượng các loại thuốc đang dùng. Một số dấu hiệu của chứng serotonin có thể kể đến là:

  • Bồn chồn hoặc kích động.
  • Cáu gắt, lú lẫn.
  • Lo ngại, mất phương hướng.
  • Huyết áp cao, nhịp tim nhanh.
  • Giãn nở đồng tử.
  • Co giật cơ, mất phối hợp cơ, tăng độ cứng cơ.
  • Đổ nhiều mồ hôi.
  • Tiêu chảy.
  • Rùng mình, đau đầu, nổi da gà.
  • Buồn nôn và nôn mửa.
Hội chứng Serotonin: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị Người mắc chứng serotonin có triệu chứng tim đập nhanh, nôn mửa

Người mắc phải chứng serotonin mức độ nghiêm trọng với cái triệu chứng sau có thể đe dọa đến tính mạng:

  • Co giật.
  • Sốt cao.
  • Nhịp tim không đều.
  • Hôn mê.

Nếu không được điều trị kịp thời, người mắc hội chứng Serotonin nghiêm trọng có thể đối mặt với những biến chứng như:

  • Khó thở.
  • Co giật.
  • Hôn mê.
  • Suy thận.
  • Tử vong.

Nguyên nhân gây ra Serotonin

Nếu bạn đang dùng thuốc, nhất là những loại thuốc chống trầm cảm thì nồng độ serotonin trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến hội chứng Serotonin. Nguy cơ cao mắc hội chứng này là khi bạn dùng 2 hay nhiều loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng làm thay đổi nồng độ serotonin. Một số trường hợp khác có nguy cơ xảy ra là khi bạn dùng thuốc lần đầu hoặc tăng liều thuốc đang dùng.

Các loại thuốc kê toa phổ biến nhất trong danh sách thuốc chống trầm cảm gây tăng serotonin, ức chế tình trạng tái hấp thu serotonin (SSRIs) gồm:

  • Escitalopram (Lexapro®).
  • Citalopram (Celexa®).
  • Fluvoxamine (Luvox®).
  • Fluoxetine (Prozac®).
  • Sertraline (Zoloft®).
  • Paroxetin (Paxil®).
Hội chứng Serotonin: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị Một số loại thuốc kê toa và không kê toa có thể liên quan đến hội chứng serotonin

Những loại thuốc không kê toa và kê toa khác có thể gây tăng nồng độ serotonin nếu dùng đơn lẻ hoặc dùng kết hợp, bao gồm:

  • Thuốc điều trị rối loạn lo âu Buspirone (BuSpar®).
  • Thuốc kê toa điều trị trầm cảm hoặc mất ngủ Desyrel (Trazodone®).
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs) chống trầm cảm như desvenlafaxine succinate (Pristiq®), desvenlafaxine (Khedezla®), levomilnacipran (Fetzima®), duloxetine (Cymbalta®), venlafaxine (Effexor).
  • Thuốc giảm đau như fentanyl citrate (Actiq®), fentanyl (Sublimaze®, Fentora®), pentazocine (Talwin®), meperidine (Demerol®), tramadol (Ultram®).
  • Chất Dextromethorphan trong thuốc trị ho, thuốc trị cảm hoặc một số loại thuốc không cần kê toa.
  • Thuốc kê toa có tác dụng chống buồn nôn như metoclopramide (REGLAN®), granisetron (Kytril®), ondansetron (Zofran®).
  • Dòng thuốc chống trầm cảm chứa các chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs) bao gồm phenelzine (Nardil®), isocarboxazid (Marplan®), selegilin thẩm thấu qua da (EMSAM®), tranylcypromine (PARNATE®).
  • Thuốc chống trầm cảm ảnh hưởng đến thụ thể serotonin như vilazodone (Viibryd®), vortioxetine (Trintellix®).
  • Thuốc điều trị migraine như rizatriptan (Maxalt®), Amerge (naratriptan®), almotriptan (Axert®), zolmitriptan (Zomig®), sumatriptan (Imitrex®).
  • Chất bất hợp pháp như cocaine, LSD.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị Serotonin

Để chẩn đoán bạn có mắc phải hội chứng Serotonin hay không, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như hóa sinh máu, kiểm tra chức năng tuyến giáp, kiểm tra chức năng thận... Bên cạnh đó, bạn sẽ được hỏi về bệnh sử bao gồm các loại thuốc, sản phẩm bổ sung đang dùng kèm theo thăm khám lâm sàng.

Bệnh nhân bị serotonin sẽ được nhập viện để theo dõi các triệu chứng và điều trị thích hợp. Nếu xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng, bạn cần đến bệnh viện nhanh chóng để được bác sĩ theo dõi tình trạng sát sao. Dưới đây là một số phương pháp được sử dụng để điều trị chứng serotonin:

  • Ngừng bất kỳ loại thuốc nào gây tình trạng này hoặc được chỉ định thay đổi liều lượng thuốc có khả năng gây ra hội chứng.
  • Truyền dịch đường tĩnh mạch để duy trì nước và điện giải, bù nước do sốt gây mất nước.
  • Dùng dẫn xuất benzodiazepin để điều trị chứng lo âu hoặc co giật.
  • Loại trừ thuốc gây chứng serotonin, phổ biến nhất là truyền nước tĩnh mạch (IV).
  • Đối với trường hợp nặng, người bệnh có thể được dùng cyproheptadine (Periactin®) để ngăn sản xuất serotonin. Ở cấp độ trầm trọng, bác sĩ sẽ dùng thuốc làm tê liệt cơ, sử dụng ống thở, đặt máy thở tạm thời để ngăn ngừa tổn thương thêm.
Hội chứng Serotonin: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị Một số xét nghiệm có thể được chỉ định để chẩn đoán chứng serotonin

Phòng ngừa hội chứng Serotonin như thế nào?

Việc sử dụng nhiều hơn 1 loại thuốc có liên quan đến serotonin hoặc đột ngột tăng liều thuốc liên quan đến serotonin sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng Serotonin. Do đó, để phòng ngừa tình trạng này, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Liên hệ với bác sĩ nếu bản thân hoặc thành viên trong gia đình xuất hiện các triệu chứng nói trên sau khi dùng thuốc.
  • Không được tự ý mua và sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa được bác sĩ cho phép.
  • Nếu bác sĩ kê toa một loại thuốc mới, bạn hãy thông báo cho họ biết tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng, nhất là khi bạn nhận được toa thuốc từ nhiều bác sĩ.

Chúng ta rất dễ mắc phải hội chứng Serotonin nếu tự ý sử dụng hay tăng cường sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Mong rằng những chia sẻ trên từ nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn trang bị kiến thức hữu ích về tình trạng ngộ độc thuốc. Khi phát hiện các triệu chứng, bạn cần ngưng sử dụng thuốc và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Hellobacsi.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm