Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Khoảng 2 – 6 tuần sau khi trẻ mắc Covid-19, xuất hiện các triệu chứng như trẻ sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa,... có thể là dấu hiệu của hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em – di chứng gặp ở khoảng 0,03% trẻ nhiễm virus nCoV.
Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em viết tắt là MIS-C (tên tiếng Anh là Multisystem Inflammatory Syndrome in Children). Bệnh gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác khiến tiến triển nặng, nhanh và cần phải nhập viện để bác sĩ can thiệp điều trị. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ có thể xuất hiện vài tuần sau khi trẻ em khỏi bệnh Covid-19.
Biểu hiện của MIS-C khá giống với một vài tình trạng bệnh lý khác như: Sốc nhiễm độc và bệnh Kawasaki. Đa phần bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau điều trị với tỷ lệ tử vong thấp.
Tại Hoa Kỳ, khoảng 3.000 – 4.000 trẻ em bị nhiễm nCoV thì sẽ có một trẻ bị MIS-C. Tại Việt Nam cũng như nước các nước châu Á khác, hiện chưa có số liệu chính xác về tỷ lệ trẻ em mắc hội chứng viêm đa hệ thống. Theo ghi nhận ban đầu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đến nay khoảng hơn 90 trẻ em được ghi nhận mắc phải hội chứng này trong đó có một số trường hợp rất nặng. Vào tháng 2/2022, do tính chất nguy hiểm của bệnh với trẻ em, Bộ Y tế đã đưa MIS-C vào phác đồ điều trị hậu Covid.
Hội chứng này được ghi nhận xảy ra ở trẻ em (MIS-C), với độ tuổi trung bình ở trẻ mắc MIS-C là 8 – 9 tuổi, hơn 50% các em trên 5 tuổi. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các dấu hiệu nhằm để nhận biết rằng liệu một trẻ đang mắc Covid-19 có bị MIS-C sau đó hay không. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu cho thấy trẻ em chưa được tiêm vaccine Covid-19 có nguy cơ MIS-C cao hơn so với trẻ em đã được tiêm vaccine.
Có những trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, ho, sốt rét run, chảy nước mũi, nôn, mắt phù nề và viêm kết mạc. Trước đó, trẻ bị nhiễm Covid-19 nhưng chỉ ho nhẹ và 3 – 4 ngày sau thì tự khỏi. Kết quả xét nghiệm RT-PCR COVID-19 tuy âm tính nhưng nồng độ kháng thể cao tương đương sức miễn dịch của người tiêm vắc xin hoặc F0 từng mắc bệnh, trong khi trẻ chưa tiêm vaccine. Sau khi thăm khám, trẻ được chẩn đoán mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Các chuyên gia cho biết, bệnh viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu Covid-19 thường xảy ra sau khi trẻ em bị mắc Covid-19 từ 2 – 6 tuần. Biểu hiện lâm sàng của trẻ lúc này là sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng về tim mạch, sốc nhiễm trùng… nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong. Bệnh diễn biến rất nhanh và có thể dẫn tới suy đa cơ quan, tuy nhiên hầu hết các bệnh nhân hồi phục nhanh khi được điều trị tích cực. Một số ít, khoảng 1 – 1,5% trường hợp, bệnh có thể tiến triển nặng và tử vong.
MIS-C xảy ra sau khi mắc Covid 19, song đa phần trong giai đoạn cấp tính trẻ thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Trong tình hình số ca nhiễm tăng cao, phụ huynh cần nghĩ tới MIS-C khi con em mình có các triệu chứng nghi ngờ như dưới đây, kể cả khi chưa rõ bé đã bị Covid-19 trước đó hay không. Phụ huynh cần nghĩ tới nguy cơ trẻ bị MIS-C khi trẻ có các biểu hiện như sau:
Khi được nhập viện, sau khi bác sĩ khám lâm sàng sẽ được chỉ định các xét nghiệm để khẳng định việc chẩn đoán cũng như phân biệt với các bệnh khác như: Kawasaki, sốt xuất huyết, bệnh nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm độc... Tùy mức từng mức độ bệnh cũng như các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định loại xét nghiệm phù hợp. Ví dụ như xét nghiệm máu nhằm đánh giá tình trạng đông máu, các phản ứng viêm của cơ thể, các tình trạng nhiễm trùng, chức năng gan và thận. Lúc này bệnh nhân có thể được cấy máu để loại trừ trường hợp nhiễm trùng huyết, được chỉ định siêu âm tim nhằm đánh giá suy tim, giãn động mạch vành, thực hiện xét nghiệm PCR để ghi nhận kháng thể nCoV trong cơ thể bệnh nhân.
Khi xác định bệnh nhân mắc phải hội MIS-C, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh của bệnh, hội chẩn chuyên khoa hồi sức và truyền nhiễm miễn dịch nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Nếu bệnh nhân trong tình trạng nặng, nguy kịch, được điều trị hồi sức tích cực nhằm hỗ trợ chức năng các cơ quan. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các thuốc chống viêm, thuốc điều hòa miễn dịch như corticoids, immunoglobuline bằng đường tĩnh mạch để làm giảm quá trình viêm ở các mạch máu, tim... tùy vào bệnh lý. Trẻ cũng có khả năng được điều trị với Aspirin liều thấp hoặc thuốc chống đông máu nhằm giảm nguy cơ đông máu và tắc mạch.
Cách tốt nhất đề phòng MIS-C là tránh không để trẻ mắc Covid 19. Tiêm vaccine phòng Covid-19 là biện pháp hiệu quả để giúp trẻ tránh bị Covid-19 cũng như tránh mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy cứ 100.000 trẻ sẽ có 1 trẻ bị viêm cơ tim liên quan đến vaccine phòng Covid-19. Trong khi trong 3.000 trẻ mắc Covid-19 thì đã có 1 trẻ bị hội chứng MIS-C.
Phụ huynh cần tuân thủ nguyên tắc phòng dịch như 5K, cho trẻ tiêm vaccine phòng Covid-19 khi đủ tuổi và có chỉ định, nên tiêm đủ liều cũng như tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác. Trẻ đang mắc hoặc sau mắc Covid-19, nếu xuất hiện các biểu hiện như sốt cao liên tục, phát ban, đỏ mắt, rối loạn tiêu hóa… phụ huynh nên nghĩ tới hội chứng viêm đa hệ thống và cho trẻ đi khám sớm nhất có thể.
Hoàng Yến
Nguồn: Tổng hợp
Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh
Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.