Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn các bước sơ cứu khi uống thuốc quá liều

Ngày 19/04/2022
Kích thước chữ

Thuốc là một con dao hai lưỡi, nếu dùng đúng, dùng đủ, đúng thời điểm, đúng bệnh thì có lợi cho người dùng. Nhưng nếu dùng không đúng chỉ định nhiều khi có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vậy nếu quá liều thì phải sơ cứu khi uống thuốc quá liều sao cho đúng? Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu bạn nhé!

Chúng ta dùng thuốc để điều trị và ngăn ngừa bệnh tật. Nhưng không phải dùng thuốc quá liều sẽ khỏi bệnh nhanh hơn hay giúp phòng tránh bệnh tật tốt hơn. Thuốc có thể rất nguy hiểm ngay cả khi chúng nhằm mục đích cải thiện sức khỏe. Sử dụng và quản lý thuốc đúng cách sẽ giúp giảm thiểu rủi ro gây hại cho cơ thể. Hơn nữa, biết cách sơ cứu trường hợp dùng thuốc quá liều là điều rất quan trọng.

Thế nào là dùng thuốc quá liều?

Dùng thuốc quá liều hay ngộ độc thuốc là khi người bệnh sử dụng thuốc quá mức so với chỉ định của bác sĩ hay dùng thuốc mà không có kê đơn, dù là vô tình hoặc có chủ đích. Trong một số trường hợp nhẹ, cơ thể có thể tự cân bằng mà không gặp vấn đề gì.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc quá liều vẫn sẽ gây ra những hậu quả rất nguy hiểm đối với cơ thể người bệnh, thậm chí có thể gây ra tử vong, điển hình như thuốc ngủ. Mức độ nghiêm trọng trong trường hợp uống quá liều thuốc phụ thuộc vào thành phần, liều lượng của thuốc cũng như tình trạng thể chất và tiền sử dùng thuốc của người đó.

Các yếu tố nguy cơ

Có nhiều yếu tố nguyên nhân làm tăng nguy cơ dẫn đến sử dụng thuốc quá liều, các nguy cơ hàng đầu có thể kể đến bao gồm:

Để thuốc không đúng chỗ: Cất thuốc không đúng chỗ, để những nơi dễ dàng nhìn thấy và trong tầm với có thể làm tăng sự tò mò của trẻ nhỏ dẫn đến chúng đưa thuốc vào miệng.

Không biết hoặc không tuân theo hướng dẫn sử dụng thuốc: Ngay cả người lớn cũng có thể dùng quá liều thuốc nếu như họ không tuân theo sự kê đơn của bác sĩ hoặc không đọc phiếu hướng dẫn sử dụng đi cùng thuốc. Vô tình dùng quá liều thuốc hoặc sử dụng thuốc sớm hơn thời gian quy định có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường thay vì giúp ích cho người bệnh.

Tiền sử dùng sai thuốc hoặc nghiện: Việc cố ý dùng thuốc sai chỉ định hoặc dùng thuốc bất hợp pháp có thể dẫn đến tình trạng dùng quá liều thuốc, thường xảy ra đối với người nghiện hoặc khi người bệnh lặp lại hành động dùng thuốc này nhiều lần. Nguy cơ sẽ tăng lên đối với người dùng nhiều loại thuốc cùng lúc, kết hợp các loại thuốc khác nhau hoặc dùng chúng với các đồ chứa cồn như rượu, bia…

Tiền sử rối loạn tâm thần ở người bệnh: Rối loạn tâm thần cùng có thể dẫn đến tình trạng dùng quá liều thuốc. Vấn đề trầm cảm cùng với những ý định tự sát có thể châm ngòi cho việc làm nguy hiểm này.

Hướng dẫn các bước sơ cứu khi uống thuốc quá liều 2 Cất thuốc không đúng nơi tăng nguy cơ trẻ bị ngộ độc thuốc

Các triệu chứng có thể đa dạng phụ thuộc vào người bệnh, loại thuốc và liều lượng. Tuy nhiên, một số triệu chứng phổ biến của người bị ngộ độc thuốc là:

  • Khó thở.
  • Mất ý thức hoặc có các cơn hoang tưởng và ảo giác.
  • Khó khăn trong việc di chuyển.
  • Cảm giác buồn nôn và ói mửa.
  • Hoa mắt chóng mặt.
  • Có xu hướng hiếu chiến và bạo lực.
  • Có tình trạng co giật.
  • Đồng tử giãn.
Hướng dẫn các bước sơ cứu khi uống thuốc quá liều 3 Đồng tử giãn nở là một triệu chứng phổ biến ở người dùng thuốc quá liều

Bạn nên nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu bạn có các triệu chứng trên hoặc phát hiện một người nào đó có triệu chứng này. Cách nhận diện dễ nhất rằng những triệu chứng trên do dùng quá liều thuốc đó là sau khi bạn dùng thuốc hoặc thấy ai đó dùng thuốc. Việc nhận diện sớm, sơ cứu kịp thời và tìm kiếm sự hỗ trợ nhanh nhất có thể tạo nên sự khác biệt lớn khi điều trị trường hợp dùng thuốc quá liều.

Sơ cứu khi uống thuốc quá liều

Trong trường hợp thấy một người có những dấu hiệu của việc dùng quá liều thuốc, chúng ta nên ổn định tinh thần để sơ cứu theo từng bước với hướng dẫn sau đây bạn nhé:

  • Bước 1: Giữ bình tĩnh và gọi trợ giúp y tế.
  • Bước 2: Kiểm tra tình trạng ý thức của người bệnh. Nếu người đó vẫn còn ý thức, lập tức hỏi xem người đó đã dùng thuốc gì và giữ lại thuốc để khai báo lại cho nhân viên y tế. Trong trường hợp người đó đã mất ý thức, lập tức chuyển sang bước 3.
  • Bước 3: Kiểm tra mạch và khả năng hô hấp của người bệnh. Phải ép tim và thổi ngạt nếu cần thiết. Kỹ thuật thực hiện theo quy trình như sau:
    • Ép tim ngoài lồng ngực: Bàn tay thuận đặt lên chính giữa ⅓ dưới của xương ức, tay còn lại đặt lên bàn tay trước đan xen ngón với bàn tay trước. Dùng lực ép vuông góc xuống sao cho xương ức lún 4 đến 5cm, sau đó nhấc tay và tiếp tục lặp lại như vậy. Tần số ép tim ít nhất là 100 lần/phút.
    • Khai thông đường thở: Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên nền cứng, đầu và cổ ở tư thế ưỡn tối đa. Người sơ cứu mở miệng bệnh nhân để móc sạch đờm dãi hoặc dị vật nếu có thể.
    • Thổi ngạt cho người bệnh: Dùng một tay ấn vào trán làm ngửa đầu bệnh nhân đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt mũi họ. Bàn tay còn lại vừa nâng hàm dưới lên trên và ra trước vừa mở miệng người bệnh. Hít thật sâu và thổi toàn bộ không khí qua miệng bệnh nhân, lúc này lồng ngực họ sẽ phồng lên. Hai động tác ép tim và thổi ngạt phải được thực hiện xen kẽ: Cứ 30 lần ép tim thì tới 2 lần thổi ngạt.

Nếu người bệnh mất ý thức nhưng vẫn còn thở, di chuyển vị trí cơ thể đến nơi thoải mái. Đảm bảo đường thở luôn được thông suốt bằng cách nâng cằm đồng thời ấn phần trán về sau (Điều này giúp họ có thể hô hấp và tránh bị ngạt thở nếu họ ói mửa).

  • Bước 4: Nếu người bệnh đã có mạch và có thể tự hô hấp, tiếp tục theo dõi tình trạng tới khi có nhân viên y tế tới.
Hướng dẫn sơ cứu khi uống thuốc quá liều Hướng dẫn sơ cứu khi uống thuốc quá liều

Một số lưu ý: 

  • Cố gắng thu thập thông tin từ người bệnh: Hỏi người bị ngộ độc hoặc người xung quanh xem bệnh nhân đã dùng thuốc gì, thời gian sử dụng. Giữ lại thuốc, bao bì và đơn thuốc.
  • Tuyệt đối không cố gắng làm cho bệnh nhân nôn ói.
  • Tuyệt đối không cho người bị ngộ độc ăn uống bất kì thứ gì.

Phòng ngừa ngộ độc thuốc 

  • Luôn đọc kĩ hướng dẫn sử dụng thuốc một cách cẩn thận và giữ nguyên chúng trong bao bì. Chỉ nên dùng thuốc khi đã có sự chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia.
  • Luôn nhớ trình bày cho bác sĩ về tiền sử thuốc nếu đã từng bị ngộ độc.
  • Giữ toàn bộ thuốc và đồ uống có cồn trong nơi an toàn tránh xa tầm tay trẻ con hay những người bị rối loạn tâm thần.
  • Cẩn thận khi dùng nhiều loại thuốc khác nhau cùng một thời điểm. Chúng có thể tương tác không tốt với nhau làm tăng khả năng ngộ độc thuốc.

Ngộ độc thuốc không phải vấn đề hiếm gặp và có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bản thân chúng ta hoặc những người thân xung quanh chúng ta. Đừng chủ quan và hãy ghi nhớ từng bước thực hiện sơ cứu khi uống thuốc quá liều để không bối rối khi cần đến bạn nhé. Nhà Thuốc Long Châu xin kính chúc quý bạn thật nhiều sức khỏe, may mắn!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:Sơ cứuThuốc