Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến

Ngày 08/12/2023
Kích thước chữ

Tác dụng của các bài tập vật lý trị liệu là giúp bệnh nhân bị tai biến nhanh hồi phục, có thể đi lại, hoạt động như bình thường và trở lại với cuộc sống trước đây. Tùy từng giai đoạn sau tai biến mà bệnh nhân luyện tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến phù hợp dưới sự hướng dẫn của chuyên viên trị liệu.

Một trong những căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong tức thì là tai biến mạch máu não (đột quỵ). Khoảng 80% người sống sót sau đột quỵ gặp các biến chứng nghiêm trọng như liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, thị giác, rối loạn cảm xúc. Lúc này, tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến được xem là giải pháp an toàn, hiệu quả giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng để bắt đầu cuộc sống mới.

Vì sao cần tập vật lý trị liệu sau tai biến?

Tập vật lý trị liệu sau tai biến mạch máu não giúp bệnh nhân tăng cường lưu thông máu, phục hồi chức năng vận động và cải thiện lực cơ. Ngoài ra, giải pháp này còn khôi phục khả năng ngôn ngữ, giữ thăng bằng, di chuyển và hỗ trợ bệnh nhân tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Đặc biệt, cần chăm sóc đúng cách cho người bị liệt nửa người do đột quỵ để hạn chế các biến chứng xảy ra như viêm phổi, viêm loét da do nằm lâu, trầm cảm,...

Hướng dẫn tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến 1
Người bị liệt nửa người do đột quỵ cần được chăm sóc đúng cách để hạn chế biến chứng

Hướng dẫn tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến

Với từng giai đoạn sau tai biến cụ thể, người bệnh cần tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng phù hợp tương ứng:

Giai đoạn cấp (sau 24 giờ)

Ở giai đoạn này, để tránh gây tổn thương thêm, bệnh nhân được hướng dẫn các tư thế sinh hoạt, nằm, ngồi phù hợp .

Giai đoạn đầu (48 - 72 giờ)

Đến giai đoạn thứ 2, bệnh nhân sau khi đột quỵ được điều trị vật lý trị liệu thụ động. Đây là liệu pháp điều trị dựa trên sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị hiện đại, không yêu cầu tăng cường vận động, cụ thể gồm các thiết bị sau:

Sóng xung kích shockwave: Trong lĩnh vực vật lý trị liệu, đây là thiết bị đa năng được sử dụng phổ biến với công dụng thúc đẩy nhanh tiến độ hồi phục, chữa các cơn đau cấp và mạn tính mà không cần sử dụng thuốc giảm đau hay phẫu thuật.

Chiếu tia laser: Để có thể thâm nhập sâu và rộng vào khu vực mô tổn thương bên trong, phương pháp này sử dụng tia laser có bước sóng rộng và cường độ mạnh nhất, kích thích quá trình tái tạo các mô sinh học từ ánh sáng giúp chữa lành các cơn đau tận gốc. Nhờ đó bệnh nhân sau tai biến nhanh chóng hồi phục, không gây đau khi điều trị.

Dù vậy, cần có sự hỗ trợ của bác sĩ vật lý trị liệu để sử dụng những thiết bị này hiệu quả và an toàn cho người bệnh, tránh các rủi ro tiềm ẩn.

Giai đoạn sau (qua 72 giờ)

Giai đoạn này cần tập vật lý trị liệu chủ động, yêu cầu người bệnh vận động khá nhiều qua việc tập luyện, chủ yếu tập các động tác kéo giãn và tăng sức mạnh cho cơ, hỗ trợ phục hồi tổn thương hiệu quả. Sau đây là cách tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến dành cho giai đoạn sau đột quỵ:

Bài tập 1: Dồn trọng lượng lên chân liệt

Bệnh nhân đứng bên trong hai thanh song song, sau đó vịn nhẹ tay lên hai bên để dồn trọng lượng cơ thể vào hai chân. Tiếp đến, bệnh nhân chuyển sang dồn trọng lượng sang bên chân liệt, chân còn lại đặt lên phía trước khoảng 15 - 20cm.

Hướng dẫn tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến 3
Bệnh nhân dồn trọng lượng sang bên chân liệt, đặt chân còn lại lên phía trước khoảng 15 - 20cm

Khi khả năng giữ thăng bằng và vận động của bệnh nhân đã được cải thiện, người bệnh có thể thực hiện lại tư thế trên nhưng khoảng cách hai bước chân tăng thêm từ 20 - 30cm. 

Bài tập 2: Phục hồi vận động cánh tay

Di chuyển nhẹ nhàng cánh tay, kéo căng cơ bắp theo sức chịu đựng của mỗi người. Giữ tư thế này ít nhất trong 60 giây.

Đặt một quyển sách trên tay, sau đó đặt thêm một đồ vật khác lên nhằm từ từ tăng sức đỡ của cánh tay.

Mở đóng ngăn tủ hoặc cánh tủ liên tục bằng ngón tay.

Bài tập 3: Gấp, duỗi khớp háng, khớp gối bên liệt

Bệnh nhân vịn nhẹ tay vào một vật cố định bên cạnh, để chân khỏe đặt trước chân liệt ở khoảng cách 15 - 20cm. Sau đó bệnh nhân nghiêng ra trước, dồn trọng lượng lên chân khỏe.

Bệnh nhân tiếp tục tập gập - duỗi khớp háng và khớp gối của chân bị liệt kết hợp nâng gót chân bị liệt lên khỏi mặt đất.

Bài tập 4: Tập cho ngón tay

Người bệnh dùng các vật dụng đơn giản như quả bóng và miếng nhựa dẻo để luyện những bài tập đơn giản như:

  • Nắm bóng: Nắm thật chặt quả bóng trong lòng bàn tay, bóp và giữ bóng, sau đó thư giãn. Lặp lại động tác này cả hai tay khoảng 10 lần.
  • Lăn bóng: Giữ bóng trong lòng bàn tay, đưa ngón tay cái tiến về phía gốc ngón tay út. Thực hiện động tác này cho hai tay khoảng 10 lần.
  • Luyện ngón tay cái: Đặt miếng nhựa dẻo trong lòng bàn tay, dùng ngón tay cái đẩy miếng nhựa qua lại về phía ngón út. Lặp lại động tác này cho 2 tay 10 lần.
  • Luyện các khớp ngón tay: Để miếng nhựa dẻo vào lòng bàn tay, nắm tay thật chặt. Tập động tác này cho 2 tay khoảng 10 lần.
Hướng dẫn tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến 3
Giữ bóng thật chặt trong lòng bàn tay, thực hiện bóp và giữ bóng

Bài tập 5: Đạp xe đạp

  • Bệnh nhân ngồi lên yên xe đạp, hai tay cầm tay nắm ghi đông của xe. Nếu bệnh nhân bị liệt tay, thì cần dùng băng dán cố định phần tay vào ghi đông.
  • Tùy vào khả năng vận động mà người bệnh luyện tập động tác đạp xe khoảng 15 - 30 phút.
  • Trong thời gian tập, bệnh nhân dừng lại để nghỉ ngơi 1 - 2 lần, mỗi lần khoảng 2 - 3 phút.
  • Ngoài các cách tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến trên, người bệnh có thể luyện tập các bài tập khác như tập di chuyển từ giường sang ghế, sang xe lăn và ngược lại, tập đứng thăng bằng trên hai chân, tập đứng dậy từ tư thế ngồi,...

Những lưu ý khi người bệnh tai biến tập vật lý trị liệu

Trong quá trình tập vật lý trị liệu, người bệnh cần lưu ý:

  • Không nên tập quá sức, tập ở mức độ từ từ, tăng dần theo khả năng hồi phục của bệnh nhân.
  • Người thân nên thường xuyên động viên người bệnh vì quá trình phục hồi lâu dài và khó khăn, cần kiên trì và tập luyện đều đặn. Đồng thời quan sát, theo dõi quá trình bệnh nhân tập luyện để hỗ trợ kịp thời.
  • Lưu ý, xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân tai biến gồm các thức ăn mềm nhừ, dễ tiêu hóa từ thực phẩm xanh sạch. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, thức uống lên men, chất kích thích,...
  • Cần có sự hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu giàu kinh nghiệm để đảm bảo an toàn trong quá trình tập luyện và giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.
Hướng dẫn tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến 4
Người thân ở bên cạnh nên thường xuyên động viên người bệnh kiên trì tập luyện

Như vậy, việc tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến giữ vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên nóng vội mà cần luyện tập theo hướng dẫn của bác sĩ trị liệu để an toàn cho sức khỏe người bệnh và mang lại hiệu quả điều trị cao. 

Xem thêm: Hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho khớp gối

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm