Kẽ răng có mùi hôi là một vấn đề phổ biến mà nhiều người phải đối mặt hằng ngày. Nếu không được giải quyết kịp thời, tình trạng này có thể gây khó chịu làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và thậm chí làm tổn hại đến hình ảnh, thái độ khi giao tiếp.
Kẽ răng là một vùng khó vệ sinh và dễ bị bám mảng bẩn, nếu không được chăm sóc đúng cách thì sẽ dẫn đến tình trạng mùi hôi khó chịu. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách khắc phục để có hơi thở thơm mát, tự tin hơn trong giao tiếp.
Nguyên nhân kẽ răng có mùi hôi là gì?
Nếu vệ sinh răng miệng không đúng cách, mùi hôi có thể xuất hiện trong kẽ răng do thức ăn thừa bị kẹt lại và sinh ra vi khuẩn. Việc đánh răng hàng ngày là cách tốt nhất để loại bỏ các mảng thức ăn thừa và phòng ngừa các vấn đề răng miệng. Tuy nhiên, chỉ đánh răng không đủ để làm sạch được các vị trí khó tiếp cận trong khoang miệng.
Ngoài ra, mùi hôi trong kẽ răng cũng có thể xuất hiện do ăn uống và thức uống gây mùi như hành, tỏi, cà ri, cà phê, rượu bia... Nếu duy trì thói quen ăn uống không lành mạnh trong thời gian dài, tình trạng hôi ở kẽ răng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Thói quen hút thuốc lá cũng là một nguyên nhân làm xuất hiện mùi hôi ở kẽ răng. Khói thuốc lá chứa các chất độc hại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và đặc biệt là làm hôi miệng.
Khi phải sử dụng thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài, một số bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ kèm theo, trong đó có tình trạng kẽ răng bị hôi. Tuy nhiên, mùi hôi này có thể nặng hay nhẹ tùy theo cơ địa, tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Ngoài ra, các bệnh lý về răng miệng cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng kẽ răng bị hôi. Các vấn đề như viêm nha chu, bệnh sâu răng, áp xe răng và các bệnh lý khác khiến kẽ răng có mùi hôi. Đồng thời, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như đau răng, chảy máu chân răng, răng lung lay, tụt lợi, vàng răng... Các bệnh lý này cần được khám chữa sớm để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng tổng thể.
Ảnh hưởng của kẽ răng có mùi hôi đến chất lượng sống
Mùi hôi khó chịu từ kẽ răng khiến cho hơi thở có mùi và ảnh hưởng đến việc giao tiếp. Tình trạng này cũng có thể làm cho bạn cảm thấy ngượng ngùng, ảnh hưởng đến tâm lý, gây cản trở cho cuộc sống và công việc. Nhiều người bị ảnh hưởng bởi tình trạng này có thể trở nên ít tự tin, ít nói chuyện và ít tham gia các hoạt động tập thể hơn, dẫn đến cuộc sống trở nên buồn chán.
Ngoài ra, nếu không điều trị kịp thời, tình trạng mùi hôi có thể liên quan đến các bệnh lý răng miệng khác dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng này có thể bao gồm sâu răng, mất răng và ảnh hưởng đến khả năng nhai. Vi khuẩn từ kẽ răng có thể phát triển quá mức và lan rộng gây hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe. Việc chữa trị các bệnh lý nha khoa kịp thời là rất quan trọng để tránh các hệ lụy xấu cho sức khỏe.
Phương pháp điều trị kẽ răng có mùi hôi
Dùng nước muối pha loãng súc miệng
Cách hiệu quả để giảm mùi hôi kẽ răng là súc miệng với nước muối pha loãng. Nước muối không chỉ có tính kháng khuẩn mà còn giúp cân bằng độ pH trong khoang miệng, hạn chế sự phát triển quá mức của các vi khuẩn gây hại trong khoang miệng.
Cách này còn giúp giảm thiểu mảng bám trên răng và hạn chế sự sinh trưởng của vi khuẩn trong kẽ răng và mảng bám từ đó giảm thiểu mùi hôi từ kẽ răng.
Để thực hiện, bạn chuẩn bị một cốc nước ấm và pha tan hoàn toàn một muỗng muối vào đó. Sau khi chải răng, bạn ngậm nước muối và súc miệng. Thực hiện phương pháp này 2 - 3 lần mỗi ngày và áp dụng liên tục trong một thời gian để đạt được kết quả tốt nhất.
Sử dụng chanh tươi
Trong trái chanh chứa nhiều thành phần như axit ascorbic, vitamin C, giúp hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn, nấm, virus trong khoang miệng. Ngoài ra, trái chanh còn có tác dụng kích thích hoạt động tiết nước bọt, cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng, ngăn ngừa khô miệng và hôi kẽ răng.
Bạn cần chuẩn bị 2 quả chanh tươi, rửa sạch và cắt vắt lấy nước cốt. Sau đó, hòa nước cốt chanh với 300ml nước lọc. Sử dụng hỗn hợp này để súc miệng sau khi đã chải răng.
Sử dụng gừng tươi
Các nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy rằng 6-gingerol có trong gừng có tác dụng giảm mùi hôi ở khoang miệng. 6-gingerol là một chất có tính cay và có khả năng kích thích hoạt động tiết nước bọt, đồng thời tăng hoạt động của các enzyme trong nước bọt, giúp phá vỡ các thành phần gây mùi hôi từ kẽ răng. Bên cạnh đó, tinh dầu có trong gừng còn mang lại mùi thơm dễ chịu, giúp thư giãn.
Bạn cần chuẩn bị 1 củ gừng tươi và 1/2 muỗng muối. Sau khi cạo vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ gừng và xay nhuyễn trong máy với ít nước cùng với muối. Lọc lấy phần nước cốt và chia thành 2 lần để súc miệng sau khi đánh răng. Nếu muốn giảm vị cay của thảo dược, bạn có thể pha với một ít nước ấm trước khi sử dụng.
Sử dụng giấm táo
Giấm táo không chỉ là một nguyên liệu phổ biến trong nấu ăn mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe răng miệng như làm trắng răng và giảm mùi hôi miệng nhờ vào axit axetic có trong giấm táo.
Nếu bạn gặp phải tình trạng kẽ răng bị hôi do mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn trong khoang miệng sẽ hoạt động mạnh và tạo ra các hợp chất lưu huỳnh có mùi khó chịu. Sử dụng giấm táo trong trường hợp này có thể giúp khử mùi và ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng.
Bạn cần chuẩn bị một cốc nước lọc và 2 muỗng giấm táo. Hòa tan giấm táo vào nước lọc, sau đó sử dụng nước này để súc miệng trong khoảng 30 giây sau khi đã vệ sinh răng miệng sạch. Sau đó, nhổ nước ra khỏi miệng. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên thực hiện đều đặn từ 2 đến 3 lần mỗi ngày.
Khi nào cần đến bác sĩ để điều trị kẽ răng có mùi hôi?
Kẽ răng bị hôi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm vệ sinh răng miệng kém, ăn uống, thức ăn bám vào kẽ răng và còn nhiều nguyên nhân khác. Với những trường hợp như vậy, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng các biện pháp đơn giản.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dù đã thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng, các mẹo chữa tại nhà nhưng mùi hôi ở kẽ răng vẫn không giảm, hoặc tình trạng đi kèm với các triệu chứng bất thường khác. Khi đó, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng sau đây:
Mùi hôi kẽ răng không giảm sau khi thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng và các mẹo chữa tại nhà.
Ảnh hưởng đến vị giác, ăn uống hay giao tiếp hàng ngày.
Vệ sinh răng miệng ít nhất hai lần mỗi ngày với bàn chải đánh răng phù hợp và lựa chọn kem đánh răng lành tính, tránh sử dụng sản phẩm chứa quá nhiều chất tẩy. Đánh răng nhẹ nhàng với lực đánh phù hợp để tránh tổn thương nướu răng và không tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Ngoài việc đánh răng hàng ngày, bạn có thể sử dụng nước súc miệng để bổ sung chăm sóc răng miệng. Hãy lựa chọn loại nước súc miệng phù hợp, sử dụng theo hướng dẫn để đạt hiệu quả tốt nhất.
Thay đổi chế độ ăn uống để có một khẩu phần khoa học hơn và ưu tiên các thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể như rau củ quả và trái cây tươi. Hạn chế tiêu thụ đồ ngọt như bánh kẹo và không ăn trước khi đi ngủ để tránh thức ăn bám vào kẽ răng gây sâu răng.
Uống đủ nước, tránh uống quá nhiều bia rượu hoặc các đồ uống có chứa cồn, ga, chất kích thích... vì chúng có thể ảnh hưởng đến tuyến nước bọt. Việc uống rượu và bia thường xuyên có thể dễ dàng dẫn đến hôi miệng và hư hỏng răng do vi khuẩn có điều kiện phát triển.
Thay đổi thói quen sống lành mạnh hơn bằng cách tránh hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe toàn diện của cơ thể. Định kỳ kiểm tra sức khỏe răng miệng để ngăn ngừa các bệnh lý nha khoa và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thông tin về các phương pháp chữa kẽ răng có mùi hôi trên đây cần được thực hiện kiên trì để đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, nắm được các nguyên nhân gây ra mùi hơi thở sẽ giúp bạn phòng ngừa tốt hơn, hãy tuyên truyền cho người thân để cùng giữ sức khỏe răng miệng toàn diện nhé.
Ánh Tuyết
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.