Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Khi nào cần phẫu thuật mắt lé?

Ngày 28/08/2022
Kích thước chữ

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị mắt lé như đeo kính, tập luyện mắt, phẫu thuật…Trong đó, phẫu thuật mắt lé là phương pháp đem đến hiệu quả thực sự cho người bệnh. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng nên phẫu thuật.

Vậy cụ thể phẫu thuật mắt lé diễn ra như thế nào, khi nào cần phẫu thuật, các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của Nhà Thuốc Long Châu để tìm hiểu nhé.

Mắt lé là gì?

Mắt lé (mắt lác) là bệnh lý mà hai mắt không nhìn thẳng được, mỗi mắt nhìn theo một hướng khác nhau. Một mắt nhìn thẳng trong khi đó mắt còn lại nhìn theo 1 trong các hướng sau: Nhìn vào trong, ra ngoài, nhìn xuống dưới hoặc lên trên.

Dựa vào các hướng của mắt nhìn lệch, có thể chia thành tên gọi khác nhau: Mắt lác ngoài, lác ngoài…Mắt nhìn thẳng và mắt nhìn lệch có thể hoán đổi vị trí cho nhau. Theo thống kê, Việt Nam hiện nay có khoảng 2 - 3 triệu người bị mắt lé.

Khi nào cần phẫu thuật mắt lé? 1 Mắt lé ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng ngày

Mắt lé do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do tổn thương dây thần kinh thị giác, trung khu thần kinh thị giác hoặc tổn thương cơ vận nhãn.

  • Nhược thị như đục thủy tinh thể.
  • Các tật khúc xạ phổ biến: Cận thị nặng, loạn thị, viễn thị không được điều trị.
  • Liệt các cơ vận nhãn.
  • Di truyền từ bố hoặc mẹ.
  • Tổn thương ở não, các khối u chèn ép gây tổn thương các dây thần kinh vận nhãn.
  • Bất thường về cấu trúc giải phẫu: Do cơ yếu hoặc có vị trí bám bất thường, dị dạng hốc mắt.
  • Biến chứng của bệnh khác như: Tiểu đường, chấn thương sọ não…
Khi nào cần phẫu thuật mắt lé? 2 Mắt lé có thể gây ra bởi các tật khúc xạ

Dấu hiệu của mắt lé

Các dấu hiệu của mắt lé thường không khó nhận biết nếu quan sát kỹ. Người bị mắt lé thường hay nheo mắt khi nhìn, lúc nhìn 2 mắt không nhìn cùng về một hướng hoặc vật ở phía trước nhưng vẫn phải liếc mắt.

Một số cách kiểm tra mắt lé là:

  • Bạn đứng đối diện và nhìn thẳng vào mắt của người cần khám. Nếu thấy hai mắt của người đối diện không đối xứng thì có khả năng người được khám bị lé.
  • Đưa cho trẻ một món đồ chơi sau đó quan sát kỹ khi bé nhìn món đồ chơi đó. Nếu mắt bé khi nhìn bị lệch sang một bên thì có thể trẻ đã bị lác.

Những người bị mắt lé thường có triệu chứng song thị (nhìn đôi). Để giảm triệu chứng nhìn đôi này người bệnh có nghiêng đầu về một bên. Tuy nhiên, triệu chứng nhìn đôi có thể giảm nhưng bệnh nhân lại có thói quen nghiêng đầu.

Với những trường hợp bị lé ẩn hoặc mức độ lé nhẹ, quan sát bình thường rất khó phát hiện. Nếu bệnh nhân có các vấn đề xảy ra, cần kiểm tra định kỳ tại các cơ sở khám mắt để được khám và điều trị sớm.

Mắt lé là bệnh dễ phát hiện và cần được điều trị sớm, nhất là trẻ nhỏ. Trẻ em dưới 3 tuổi, nếu phát hiện sớm thì sau khi điều trị thì tỷ lệ thành công là 92%. Ở người trưởng thành, lé thường là một triệu chứng của một bệnh hoặc biến chứng của các bệnh lý nền. Từ các dấu hiệu lác mắt có thể phát hiện được các bệnh lý nguy hiểm đó. Nếu mọi người có yếu tố nguy cơ hoặc dấu hiệu của mắt lé thì cần nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để khám và điều trị.

Khi nào cần phẫu thuật mắt lé?

Hiện nay, điều trị lác mắt có rất nhiều phương pháp như: Chỉnh kính phù hợp với mắt, điều trị nhược thị bằng phương pháp bịt mắt, chỉnh thị bằng máy, điều trị bằng thuốc...Phẫu thuật mắt lé được chỉ định khi các phương pháp trên không đạt được kết quả mong muốn hoặc nguyên nhân gây lác mắt là do bất thường của cơ, thần kinh.

Có thể tiến hành phẫu thuật khi trẻ 2 tuổi trong trường hợp lé kiểu tập trung, con ngươi hướng về phía mũi, kéo dài dai dẳng và điều trị các phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Nếu mắt lé kiểu con ngươi hướng ra ngoài về phía tai và những phương pháp điều trị khác cũng không hiệu quả, bác sĩ thường sẽ đợi khi trẻ đủ 5 tuổi mới tiến hành phẫu thuật. Không nên phẫu thuật muộn hơn vì nếu để lâu, dây thần kinh thị lực sẽ rất khó điều chỉnh từ đó điều trị những tật xấu cũng khó khăn hơn. Nên phẫu thuật luôn nếu mắt lé được phát hiện muộn khi trẻ trên 7 tuổi.

Khi nào cần phẫu thuật mắt lé? 4 Phẫu thuật mắt lé khi các phương pháp khác không đạt hiệu quả mong muốn

Phẫu thuật mắt lé được thực hiện như thế nào?

Quy trình phẫu thuật mắt lé sẽ trải qua các bước sau đây:

Trước khi mổ người bệnh sẽ được khám giác quan và vận động nhằm đánh giá hướng nhìn của mắt qua đó định hướng kế hoạch mổ. Việc mổ một hoặc hai mắt phụ thuộc vào mức độ lé, kiểu lé, chức năng của cơ và các yếu tố khác.

Phẫu thuật mắt lé ở trẻ em phải gây mê toàn thân còn ở người trưởng thành có thể gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ. Người bệnh cần nhịn ăn trước khi mổ 8 tiếng.

Bác sĩ sẽ mở mi mắt và giữ chúng bằng vành mi sau đó tạo ra một đường mổ nhỏ trên kết mạc để tiếp cận với các cơ mắt. Các cơ mắt có thể được điều chỉnh bằng một trong số các cách sau:

  • Làm yếu cơ mắt như Lùi cơ - đưa chỗ bám của cơ lùi về sau, cắt buông cơ - cắt đứt cơ mà không nối lại, cố định cơ sau xích đạo - khâu cố định thân cơ vào củng mạc sau xích đạo(thường được phối hợp với lùi cơ).
  • Kéo căng cơ như: Rút ngắn cơ - cắt một đoạn đầu cơ và khâu lại chỗ bám cũ, thường được sử dụng cho cơ thẳng, gấp cơ - gấp một đoạn cơ hoặc gân cơ để tăng tác dụng cơ và thường dùng cho cơ chéo lớn, khâu cơ ra phía trước - khâu chỗ bám cơ ra trước chỗ bám, tăng cường tác dụng của một cơ trước đó đã được lùi.
  • Phẫu thuật sợi chỉ điều chỉnh được: Trong phẫu thuật này, đầu cơ không được khâu liền vào củng mạc mắt mà dùng một sợi chỉ dài và thắt nút cố định bằng một sợi chỉ khác. Có thể kéo nút thắt nhằm điều chỉnh mức độ lùi cơ trong những ngày đầu sau phẫu. Phương pháp phẫu thuật này thường được sử dụng trong những trường hợp khó tiên đoán được kết quả như: Người bệnh có tiền sử mổ mắt trước đó, lé do bệnh Basedow hoặc vỡ xương hốc mắt.

Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ tra mỡ kháng sinh rồi băng mắt lại. Bệnh nhân được thay băng hàng ngày, sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau và kháng viêm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đánh giá để phát hiện chỉnh non hoặc quá chỉnh, có xuất hiện các biến chứng như viêm chân chỉ, xuất huyết kết mạc, tuột cơ...hay không để điều chỉnh và can thiệp kịp thời.

Phẫu thuật mang lại tính thẩm cho mắt nhưng không đảm bảo thị lực hai mắt bằng nhau hoàn toàn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nên tập các bài luyện mắt để hai mắt nhanh chóng được hồi phục hoàn toàn.

Mắt lé gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu, mọi người cần phải đi khám để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Phẫu thuật mắt lé là một phương pháp hiệu quả, có thể mang đến đôi mắt hoàn toàn bình thường. Hy vọng qua bài viết trên đây, mọi người đã có thêm kiến thức về phẫu thuật mắt lé. Chúc các bạn luôn có đôi mắt khỏe mạnh và đừng quên đừng quên theo dõi các bài viết khác của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhập thêm kiến thức nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.