Long Châu

Bệnh Basedow và những điều cần biết

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Basedow (hay bệnh Parry, Graves, cường giáp tự miễn) là một dạng bệnh nội tiết, rối loạn tự miễn dịch, khiến tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone trong cơ thể (cường giáp). Bệnh Basedow là dạng phổ biến nhất (khoảng 90%) của cường giáp. Khi mắc bệnh Basedow, hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể (globulin) gắn vào các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh, khiến tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone, gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể: Phát triển não bộ, hệ thống thần kinh, nhiệt độ cơ thể và các yếu tố quan trọng khác. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây giảm cân, mất cảm xúc, trầm cảm và mệt mỏi về tinh thần hoặc thể chất.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Basedow là gì? 

Basedow (hay bệnh Parry, Graves, cường giáp tự miễn) là dạng bệnh nội tiết, cường giáp phổ biến hiện nay, đặc trưng bởi hội chứng cường giáp không ức chế được (triệu chứng lồi mắt) và biểu hiện bướu giáp lan tỏa.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Basedow

  • Bướu giáp: Thường xuất hiện bướu giáp lớn, lan tỏa, tương đối đều, có thể cứng hoặc mềm, di động khi nuốt. Bướu giáp to dần theo sự phát triển của bệnh, dẫn đến chèn ép lên các cơ quan lân cận, ảnh hưởng đến mạch máu và dây thần kinh. Điển hình là biểu hiện rối loạn vùng mạch tại cổ do bệnh Basedow gây nóng cơ thể, tăng tiết mồ hôi.

  • Thần kinh cơ: Thần kinh cơ bị ảnh hưởng khiến bệnh nhân run tay, khó điều khiển hoạt động các chi. Ngoài ra, tính khí bệnh nhân cũng thường thay đổi thất thường, mất ngủ, dễ nóng giận, khó tập trung, cáu gắt hoặc bực tức.

  • Tim mạch: Bệnh Basedow khi ảnh hưởng đến tim mạch gây hồi hộp, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim cả khi khi nghỉ ngơi hay làm việc gắng sức. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị phù phổi, phù hai chi dưới, suy tim, gan to,…

  • Triệu chứng tiêu hóa: Ăn nhiều nhưng vẫn gầy, hay bị rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, tiêu chảy, vàng da,…

  • Triệu chứng tăng chuyển hóa: Tăng chuyển hóa do hormone tuyến giáp sản xuất nhiều hơn, thân nhiệt người bệnh thường bị tăng, luôn có cảm giác nóng bức, thích ứng thời tiết lạnh tốt hơn thời tiết nóng, uống nhiều nước, người gầy nhanh. Ở người già, có thể bị loãng xương nặng, gặp phải các biến chứng: Viêm quanh các khớp, như xẹp đốt sống,…

  • Triệu chứng rối loạn sinh lý: Rối loạn sinh lý, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới và giảm ham muốn ở nam giới.

  • Bệnh mắt nội tiết: Lồi mắt, mi mắt nhắm không kín, hoặc nhìn đôi do liệt cơ vận nhãn,…

  • Phù: Thường xảy ra ở mặt trước cẳng chân hoặc dưới đầu gối.

  • Kích thước lớn ở các đầu chi: Đầu ngón tay, ngón chân của bệnh nhân bị biến dạng hình dùi trống, tiêu móng tay,…

  • Triệu chứng khác: Tóc khô, dễ bị rụng tóc, rối loạn sắc tố da, hay bị ngứa da,…

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Basedow

Bệnh basedow rất nguy hiểm cho hệ tim mạch, nếu để tình trạng bệnh kéo dài mà không điều trị đúng cách sẽ khiến bệnh nhân đối mặt với biến chứng bão giáp khiến bệnh nhân tử vong trong tình trạng suy tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Basedow

  • Bệnh Basedow là bệnh tự miễn, nguyên nhân chủ yếu do di truyền.

  • Ngoài ra, bệnh Basedow còn do 1 số yếu tố tác động: Môi trường sống, giới tính, tuổi tác, thực phẩm ăn uống hàng ngày, cơ địa,… Tuyến giáp hoạt động quá mức ở người mắc bệnh Basedow, sản xuất lượng lớn hơn hormone vào máu và gây ra biểu hiện nhiễm độc giáp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh Basedow

Bệnh Basedow là dạng bệnh nội tiết phổ biến, xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn, thường ở độ tuổi từ 20 – 50 và bệnh nhân có tiền sử gia đình bệnh tuyến giáp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Basedow

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này:

  • Hút thuốc lá;

  • Ăn quá nhiều iod;

  • Mang thai, đặc biệt là giai đoạn sau sinh;

  • Điều trị Lithium có thể làm thay đổi đáp ứng miễn dịch;

  • Ngừng điều trị corticoid;

  • Nhiễm khuẩn hoặc virus;

  • Các nguyên nhân gây stress;

  • Một vài bệnh làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Basedow: Viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, bệnh Crohn,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Basedow

Ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ chỉ định thực hiện một số phương pháp sau: 

  • Siêu âm tuyến giáp: Thấy rõ được kích thước của tuyến giáp;

  • Xét nghiệm TRAb: Định lượng nồng độ TRAb trong máu để biết người bệnh có xuất hiện tự kháng thể TRAb hay không, là cơ sở để chẩn đoán chính xác bệnh Basedow;

  •  Xét nghiệm TSI: Nồng độ TSI thường thấp ở người khỏe mạnh và sẽ tăng cao ở những người mắc bệnh tuyến giáp;

  • Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ chỉ định kết hợp các phương pháp: Siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm FT3, FT4, TSH hay chụp CT.

Phương pháp điều trị bệnh Basedow hiệu quả

Hiện nay, bệnh Basedow được điều trị chủ yếu bằng các phương pháp: Xạ trị, điều trị nội khoa và ngoại khoa (phẫu thuật cắt tuyến giáp).

Xạ trị:

  • Phóng xạ trị Iod 131 làm cho bướu tuyến giáp nhỏ lại và đưa chức năng tuyến giáp trở lại bình thường.

  • Chống chỉ định: Trẻ em và phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Điều trị nội khoa:

  • Được chỉ định khi mới phát hiện bệnh, tuyến giáp to vừa, chưa có biến chứng.

  • Thuốc kháng giáp được sử dụng: Carbimazole, methimazole và PTU (được khuyến cáo không sử dụng điều trị ban đầu cho bệnh nhân Basedow).

Điều trị ngoại khoa:

  • Cắt bỏ tuyến giáp, để lại một phần nhỏ để duy trì chức năng tạo hormone bình thường.

  • Được chỉ định khi đã được điều trị bằng thuốc ít nhất 4 – 6 tháng mà khi ngưng thuốc không duy trì được bình giáp, bướu giáp to hoặc có biến chứng khó thở.

  • Biến chứng sau phẫu thuật: Khàn tiếng, hạ calci máu, nhiễm trùng vết mổ,…

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của bệnh Basedow

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. Uống thuốc đúng liều đúng giờ, việc quên uống hoặc uống không đúng liều sẽ khiến quá trình điều trị vô hiệu. Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe;

  • Tham khảo chế độ ăn uống dinh dưỡng, lành mạnh, phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại;

  • Luyện tập thể dục thể thao, những bài tập được các bác sĩ khuyên hoặc cho phép tập;

  • Nói không với rượu, bia, các chất kích thích và thuốc lá.

Phương pháp phòng ngừa bệnh Basedow hiệu quả

Những người từng mắc bệnh cần thực hiện một số biện pháp khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc gặp phải yếu tố thuận lợi phòng ngừa bệnh Basedow tái phát.

Những người chưa mắc bệnh cần chú ý thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh ngăn ngừa nguy cơ bệnh khởi phát.

  • Thường xuyên tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nâng cao thể trạng sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và miễn dịch cơ thể;

  • Đeo kính để bảo vệ mắt khỏi bụi, vệ sinh mắt hàng ngày;

  • Không hút thuốc lá, tránh sử dụng chất kích thích hay hóa chất độc hại ảnh hưởng tới hệ hô hấp;

  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều iod, không sờ nắn tác động nhiều ở vùng tuyến giáp;

  • Người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái và suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng mệt mỏi, buồn phiền;

  • Điều trị bệnh dứt điểm trước khi mang thai vì thai sản là yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng thêm;

  • Tuân thủ điều trị và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/professional/endocrine-and-metabolic-disorders/thyroid-disorders/hyperthyroidism
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/graves-disease/symptoms-causes/syc-20356240
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/graves-disease/diagnosis-treatment/drc-20356245
  4. https://www.verywellhealth.com/basedows-disease-overview-5193570
  5. https://www.endocrineweb.com/conditions/graves-disease

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh lùn tuyến yên

  2. Nhiễm độc giáp

  3. Suy dinh dưỡng

  4. Hội chứng Cushing

  5. Thiếu canxi

  6. Suy gan cấp

  7. Tiểu đường tuýp 3

  8. Nhiễm toan ceton

  9. Cường giáp

  10. Hạ đường huyết tiểu đường