Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Kiến đen: Một số biện pháp xử lý và ngăn chặn hiệu quả

Ngày 30/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Việt Nam có khoảng 23 loài kiến sinh sống, trong đó bao gồm kiến đen. Vì vậy nhiều người không khỏi thắc mắc cách xử lý và ngăn chặn kiến đen một cách hiệu quả. Cùng tìm hiểu thông tin thông qua bài viết bên dưới nhé!

Kiến đã có mặt trên trái đất vượt mốc thời gian một trăm triệu năm về trước. Loài kiến tồn tại mang cả mặt lợi và hại cho hệ sinh thái. Sự xuất hiện của kiến đen đem đến một số tác động tiêu cực đến cuộc sống của con người.

Đặc điểm của loài kiến đen

Tổng quan

Monomorium minimum là tên khoa học của loài kiến đen. Loài kiến này có nguồn gốc xuất phát từ Hoa Kỳ và Nam Canada. Chúng tập trung phần lớn ở thành thị và các khu công nghiệp. Với số lượng đàn kiến áp đảo, chúng gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của con người và vật nuôi.

Trong tổ kiến bao gồm kiến chúa, kiến lính, kiến thợ, kiến đực,... Mỗi binh đoàn kiến có nhiệm vụ riêng biệt cần thực hiện. Kiến chúa luôn có nhiệm vụ đẻ trứng. Trong khi đó, kiến đực giao phối và sau đó sẽ chết dần đi. Kiến thợ làm tốt công tác nhiệm vụ tìm kiếm thức ăn, nuôi ấu trùng cũng như xây dựng tổ ấm. Kiến lính đóng vai trò bảo vệ tổ cùng với đàn kiến.

Hình dáng

Kiến đen có màu bóng đen, kích thước trong khoảng 2 - 3mm, riêng kiến chúa có thể dài đến 6mm. Kiến trưởng thành có cấu tạo bao gồm đầu, ngực và bụng. Kiến đen có 2 râu, đỉnh của râu gồm 3 đốt. Mặc dù đuôi của loài kiến này có kim chích nhưng không đem lại tác dụng vì quá nhỏ.

Ở giai đoạn trứng, để phát triển thành kiến trưởng thành chúng thường mất khoảng thời gian lên đến 6 tuần. Điều này còn phụ thuộc vào một số yếu tố về môi trường xung quanh như nhiệt độ, lượng thức ăn.

Thức ăn của kiến đen cực kỳ đa dạng. Tuy nhiên, chúng đặc biệt thích đồ ăn ngọt. Là loài ăn tạp, kiến đen có thể ăn sâu, bọ, nhựa cây, mật ong, các thực phẩm của con người bao gồm cả ngũ cốc.

Tập tính

Ngay khi phát hiện ra thức ăn, kiến sẽ để lại vệt mùi pheromone và tạo thành một con đường vô hình dẫn đến tổ của mình. Kiến thợ di chuyển thành đàn, để lại mùi hương nhằm mục đích đánh dấu cho những con kiến khác lần đường tìm theo.

Mùa giao phối của kiến đen bắt đầu từ tháng 6 cho đến tháng 8. Mỗi khi giao phối thành công, kiến đực lẫn kiến cái bắt đầu bị rụng cánh. Một khoảng thời gian sau đó kiến đực sẽ chết. Một tổ kiến có thể phát triển từ hàng nghìn đến hàng triệu con kiến.

Nếu bắt gặp một đàn kiến di chuyển theo đường trên đất hay nền nhà, rất có thể đó là kiến thợ. Khu vực xung quanh nhà là nơi trú ẩn yêu thích của loài kiến đen. Chúng thường nấp trong các vật dụng làm bằng gỗ hay các tấm thảm trên sàn. Kiến đen cũng thích làm tổ trên các vết nứt của tường, lỗ xi măng hay một số không gian hở. Mục đích vào nhà của kiến đen là tìm kiếm thức ăn, nước uống hay xây tổ. Do đó, chúng thường không phải là mối đe dọa quá nguy hiểm.

Kiến đen: Một số biện pháp xử lý và ngăn chặn hiệu quả 1
Kiến đen tập trung phần lớn ở thành thị và các khu công nghiệp

Những tác hại của kiến đen đối với cuộc sống con người

Kiến đen có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chúng bò lên mọi loại thức ăn mà chúng bắt gặp. Kiến đen tìm kiếm thức ăn ở nhà bếp, nơi chứa đựng rác, phân chó. Vì vậy, đây có thể là nguồn lây nhiễm các căn bệnh nguy hiểm như nhiễm khuẩn cầu, các bệnh đường ruột,... Cũng vì lẽ đó, bạn không nên để kiến đen tiếp xúc với các loại thực phẩm gia đình sử dụng.

Không chỉ gây ảnh hưởng lên đồ ăn mà kiến đen còn xâm phạm đến không gian ở của con người. Chúng có thể làm tổ bên trong nhà. Thông qua đó, kiến đen có thể phá vỡ cấu trúc của các đồ vật và công trình xây dựng. Thời gian dài khiến ngôi nhà trở nên xuống cấp.

Kiến đen cắn có làm sao không?

Thực chất kiến đen là loài kiến hiền nhất nếu so với các loài kiến khác như kiến lửa, kiến ba khoang,... Hầu như kiến đen sẽ không tấn công con người. Chúng chỉ vào nhà để tìm kiếm thức ăn hay một nơi để cư trú. Vì vậy có thể kết luận rằng kiến đen không nguy hiểm vì chúng không cắn con người.

Các nhà khoa học người Mỹ chỉ ra rằng kiến đen có chứa những chất tác động tích cực đến sức khỏe con người. Các chất bao gồm chất đạm, axit amin cùng một số hợp chất khác. Những chất này sẽ mang đến công dụng trị đau đầu hay cải thiện một số bệnh lý khác.

Nếu chẳng may bị kiến đen cắn, bạn cũng không cần phải quá hoang mang, lo sợ. Vết cắn sẽ không gây ra bất cứ tác động tiêu cực nào đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, kiến đen lại tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm khuẩn Salmonella thông qua đường thức ăn. Do đó, bạn cần bảo quản đồ ăn thức uống kỹ lưỡng, tránh được sự tấn công của loài kiến.

Kiến đen: Một số biện pháp xử lý và ngăn chặn hiệu quả 2
Kiến đen là loài kiến "hiền" nhất nếu so với các loài kiến khác

Một số cách xử lý và ngăn chặn kiến đen hiệu quả

Loài kiến có gây ảnh hưởng tới cuộc sống của con người và vật nuôi. Song, bạn không thể nào tiêu diệt toàn bộ loài kiến. Bởi chúng được sinh ra để cân bằng hệ sinh thái trên trái đất này. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt những rắc rối mà loài côn trùng này mang lại.

Các cách xử lý cũng như ngăn chặn sự xâm phạm của loài kiến đen đến cuộc sống của con người:

  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên. Đặc biệt cần xử lý rác thải một cách sạch sẽ, ưu tiên các loại thức ăn thừa ngọt, nhiều dầu mỡ. Các loại thức ăn này thường dụ kiến đến rất nhanh.
  • Đậy kín nắp, sử dụng màng bọc thực phẩm để bảo quản thực phẩm khỏi sự tấn công của loài kiến.
  • Cần lấp kín các bức tường nứt, kẽ hở. Vì đây là chỗ trú ẩn và đường di chuyển lý tưởng của loài kiến.
  • Để kiểm soát tình hình một cách triệt để, bạn cần tìm ra tổ của kiến đen. Áp dụng các biện pháp dân gian như sử dụng tinh dầu, giấm, muối, cafe, baking soda,... để đuổi kiến một cách an toàn. Mặt khác, bạn cũng có thể nhờ sự hỗ trợ của các loại hóa chất diệt kiến.
Kiến đen: Một số biện pháp xử lý và ngăn chặn hiệu quả 3
Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để phòng ngừa kiến đen

Cách xua đuổi và diệt kiến từ nguyên liệu thiên nhiên

Sử dụng bột ngô

Bột ngô là nguồn thực phẩm dồi dào đối với loài kiến. Bạn có thể sử dụng bột ngô để dụ dỗ kiến. Sau khi ăn bột ngô, dạ dày kiến không thể tiêu hóa và dần chết đi. Đây là một trong những cách diệt kiến cực kỳ hiệu quả mà lại tiết kiệm chi phí.

Chanh, giấm

Bạn có thể tận dụng lượng axit dồi dào có trong chanh và giấm ăn. Thành phần này sẽ làm hỏng đi khứu giác của loài kiến. Cách thức thực hiện vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần xịt hỗn hợp chanh cùng giấm ăn vào những nơi đàn kiến hay lui đến. Phương pháp này sẽ giúp bạn xua đuổi được kiến phiền toái một cách nhanh chóng.

Dùng bạc hà vệ sinh nhà cửa

Loài kiến cực kỳ thông thích mùi bạc hà. Do đó, dùng bạc hà để vệ sinh nhà cửa là lựa chọn tuyệt vời để xua đuổi loài côn trùng này. Sử dụng một ít tinh dầu bạc hà pha loãng cùng nước lau nhà và tiến hành lau chùi nhà cửa. Không chỉ tạo ra mùi hương tươi mát mà còn hạn chế được sự xâm phạm của loài kiến hay chuột.

Sử dụng bã cà phê

Bã cà phê có thể ứng dụng được rất nhiều việc trong cuộc sống hàng ngày. Trong trường hợp này, đây sẽ là nguyên liệu tiêu diệt kiến hiệu quả. Đổ một ít bã cà phê vào tổ kiến hay nơi có kiến xuất hiện. Khoảng một thời gian ngắn sau đó, kiến ăn vào và sẽ chết ngay tại chỗ.

Kết hợp bạc hà, giấm, nước xả vải

Đây là một trong các hỗn hợp tiêu diệt kiến cực kỳ hiệu quả. Sử dụng một ít giấm, vài ngọt tinh dầu bạc hà cùng nửa nắp nước xả vải. Đổ trực tiếp hỗn hợp xuống tổ kiến và bạn sẽ thấy được mức độ hiệu quả sau thời gian ngắn. Kiến sẽ không dám bén mảng đến khu vực đó trong khoảng thời gian dài.

Kiến đen: Một số biện pháp xử lý và ngăn chặn hiệu quả 4
Hỗn hợp tinh dầu bạc hà, giấm và nước xả vải là "khắc tinh" của kiến đen

Kiến đen tuy không nguy hiểm nhưng có thể mang đến những rắc rối nhất định cho cuộc sống của bạn. Vì vậy, bạn nên có những biện pháp chủ động ngăn ngừa và xử lý để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:KiếnCôn trùng