Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Những tác hại của gián đối với con người mà bạn cần biết

Ngày 23/09/2024
Kích thước chữ

Trong số các loài côn trùng, gián có lẽ là một trong những loài khó kiểm soát nhất. Chúng không chỉ gây phiền toái trong sinh hoạt mà còn mang theo nhiều mầm bệnh có hại cho sức khỏe con người. Vậy tác hại của gián đối với con người là gì?

Gián là loài côn trùng có thể mang theo vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng gây ra các vấn đề sức khỏe như dị ứng, tiêu chảy và các bệnh nhiễm trùng khác. Sự xuất diện của chúng trong nhà không chỉ ảnh hưởng đến vệ sinh mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống, vì vậy việc kiểm soát gián là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho mọi người. Tuy nhiên những tác hại của gián chưa được quan tâm nhiều lắm, vì vậy cùng tìm hiểu chi tiết về gián qua bài viết sau đây để hạn chế tối thiểu các mầm bệnh trong mỗi gia đình.

Đặc điểm của gián

Gián là loài côn trùng có đôi cánh ôm sát lưng với kích thước dao động từ khoảng 2 - 3 mm đến 80 mm và màu sắc thường là nâu sáng hoặc đen. Chúng rất ít khi bay và chủ yếu di chuyển bằng cách bò. Hai loại gián thường gặp nhất là gián Mỹ và gián Đức.

Gián có mặt hầu như khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở những vùng có khí hậu ẩm ướt, tối tăm và khu vực đông dân cư, ô nhiễm. Chúng sinh sản và phát triển rất nhanh, thường xâm nhập vào nhà để tìm nơi trú ẩn trong các khu vực ẩm thấp, tối tăm như kẽ tường, kẽ cửa, tủ đựng bát đĩa, nhà vệ sinh và các ống nước. Do sống ở những nơi ô nhiễm, gián thường mang theo nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Gián tiết ra một chất mùi hôi từ nhiều bộ phận trên cơ thể, có thể ảnh hưởng đến hương vị của thực phẩm. Khi số lượng gián tăng, mùi hôi này lan tỏa khắp khu vực, tạo thành một mùi đặc trưng. Trên cơ thể gián có nhiều tế bào gây bệnh, trong đó một số nghiên cứu cho thấy các bệnh về đường tiêu hóa có thể lây lan qua chúng với nguyên nhân chính là gián. Các bệnh này bao gồm ngộ độc thực phẩm, kiết lị, tiêu chảy và nhiều bệnh khác. Tế bào gây bệnh bám vào thức ăn và dụng cụ khi gián tìm mồi, đồng thời chúng còn mang theo nhiều sinh vật đơn bào và vi sinh vật có khả năng lây nhiễm.

Phân và xác gián cũng chứa các chất gây dị ứng, có thể gây ra triệu chứng như dị ứng da, chảy nước mắt và hắt hơi ở nhiều người. Tuy nhiên, điều quan trọng là gián thường không gây ra các bệnh nghiêm trọng.

Những tác hại của gián đối với con người mà bạn cần biết  1
Gián là loài côn trùng mang nhiều mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Tác hại của gián

Gián có thể gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Dưới đây là một số tác hại chính của gián:

Làm hư hỏng thức ăn

Gián là loài côn trùng ăn tạp, có thể tiêu thụ mọi loại thực phẩm của con người, nhưng chúng đặc biệt thích các món có chứa bột và đường như sữa, bơ, bánh ngọt và sô cô la. Khi ăn, chúng thường nôn mửa rải rác khắp nơi. Chất bài tiết và nôn mửa từ gián có mùi hôi rất khó chịu, lưu lại lâu trên các vật dụng và thực phẩm mà chúng tiếp xúc. Điều này không chỉ làm hỏng thức ăn mà còn gây nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Phá hoại đồ đạc

Với bản tính ăn tạp, gián có thể tiêu thụ không chỉ thực phẩm mà còn cả bìa sách, quần áo và đồ đạc trong nhà khi không có thức ăn ngon. Chúng thậm chí có thể gặm đế giày, tấm lót giày, xác chết của đồng loại, máu tươi, máu khô và phân.

Đáng lo ngại hơn, trong trường hợp thiếu thức ăn, gián có thể gặm móng chân, móng tay, hoặc phần da của trẻ em và người lớn khi họ đang ngủ say.

Gây ra bệnh hen suyễn

Bất kỳ nơi nào gián đi qua, chúng đều để lại dấu vết như phân, nước bọt và một số bộ phận cơ thể bị rụng, chẳng hạn như cánh. Những bộ phận này chứa protein và các chất gây dị ứng, có thể gây ra dị ứng da hoặc triệu chứng hen suyễn cho con người. Đặc biệt, chúng còn mang theo một lượng lớn bào tử nấm, mà khi tồn tại trong không khí, có thể là nguyên nhân gây bệnh hen suyễn.

Những tác hại của gián đối với con người mà bạn cần biết  2
Khởi phát bệnh hen suyễn là một trong những tác hại của gián mà những người có tiền sử bệnh cần phải chú ý

Gây ra các bệnh truyền nhiễm

Nhiều nghiên cứu cho thấy gián có thể là trung gian lây nhiễm khoảng 33 loại tác nhân truyền bệnh, trong đó phổ biến nhất là E. coli và Salmonella. Hai loại vi khuẩn này có thể gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa ở người. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau bụng, co thắt dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Nếu tiêu chảy kéo dài mà không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong có thể gia tăng.

Vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm khuẩn đường ruột, dẫn đến các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn và đau bụng dữ dội. Nguy hiểm hơn, Salmonella có khả năng lây lan từ ruột vào máu và đến các cơ quan khác gây viêm tại những vị trí này. Ngoài ra, gián cũng có thể lây nhiễm ký sinh trùng, virus và nấm gây bệnh cho con người.

Gián gây dị ứng

Nước bọt và các bộ phận cơ thể của gián chứa hàng trăm chất gây dị ứng, có thể gây ra các phản ứng không mong muốn như phát ban da, hắt hơi và chảy nước mắt.

Mùi hôi từ gián đặc biệt khó chịu và bám lâu trên các vật dụng mà chúng tiếp xúc. Điều này không chỉ khiến con người cảm thấy khó chịu mà còn có thể gây nhức đầu khi ngửi thấy mùi hôi này.

Những tác hại của gián đối với con người mà bạn cần biết  3
Gián tiết ra các dịch gây dị ứng da khi tiếp xúc

Làm thế nào để phòng chống gián trong nhà?

Dưới đây là một số cách triệt tiêu gián hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:

Triệt tiêu môi trường sống

  • Sửa chữa tất cả các nguồn nước rò rỉ, vì gián cần nước để sống.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là nhà bếp. Rửa bát đĩa ngay sau bữa ăn và cất thức ăn thừa cẩn thận.
  • Lưu trữ thức ăn trong hộp kín và không để trái cây trên mặt bàn. Thu dọn thùng rác thường xuyên, sử dụng thùng có nắp đậy.

Sử dụng bả gián

  • Dùng bả gián có sẵn, trộn với thực phẩm mà gián thích và đặt gần tổ của chúng. Bạn có thể tự làm bả bằng cách trộn axit boric với đường hoặc bột mì.
  • Cần đặt bả ở nơi gián có thể tiếp cận, tránh xa trẻ nhỏ và thú nuôi.

Sử dụng thuốc xịt côn trùng

  • Sử dụng thuốc xịt côn trùng hoặc bẫy gián có chất dính để bắt chúng. Bạn cũng có thể tự làm bẫy bằng cách đặt một lọ nhỏ chứa bã cà phê hoặc nước gần tường.
Dưới đây là một số cách triệt tiêu gián hiệu quả 4
Phòng ngừa gián là bảo vệ cho sức khỏe bản thân và gia đình bạn

Cách tự nhiên khác

  • Đặt viên băng phiến ở các góc nhà.
  • Sử dụng các chất đuổi gián tự nhiên như tinh dầu bạc hà, vỏ dưa leo, vỏ cam quýt, tỏi và dầu đinh hương.
  • Lắp đèn huỳnh quang ở những nơi không muốn có gián, vì chúng rất sợ ánh sáng.
  • Đóng nắp lỗ thoát nước trong phòng tắm để ngăn gián chui lên từ cống rãnh.
  • Tránh chất đống đồ đạc, gián có thể làm tổ ở bất kỳ đâu, từ giấy báo đến quần áo.
  • Úp ngược nồi niêu, bát đĩa trên giá để không tạo nơi ẩn náu cho gián.
  • Lau sạch khu vực quanh nơi bạn giẫm nát gián để ngăn trứng nở.
  • Đặt bả và bẫy ở nhiều khu vực, gần đường đi của gián, nhưng không làm sạch quá nhiều để giữ chúng ở lại.
  • Dọn phân chó mèo trong sân, vì đây có thể là nguồn thức ăn cho gián.
  • Trét kín lỗ nhỏ và khe hở trên tường để ngăn gián vào nhà.

Trên đây là những tác hại của gián đối với gia đình bạn. Hy vọng rằng sau bài viết này, bạn sẽ chú ý hơn đến việc diệt gián và phòng ngừa để không để loài côn trùng này quay trở lại nhà mình, bảo vệ sức khỏe cho gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin