Răng vĩnh viễn không có nghĩa rằng nó sẽ luôn đẹp đẽ và bên cạnh chúng ta suốt đời. Thực tế, để có hàm răng chắc khỏe thì bạn cần chú ý chăm sóc răng miệng hằng ngày và đúng cách. Nếu răng có bất kỳ hiện tượng bất thường nào thì bạn không nên chủ quan vì đó có thể là dấu hiệu cho thấy răng đã bắt đầu lão hóa và chúng có thể rời xa bạn bất cứ lúc nào.
Dưới đây là 6 dấu hiệu điển hình giúp bạn nhận biết tình trạng răng lão hóa sớm hơn tuổi.
1. Răng nhạy cảm hơn
Răng nhạy cảm là hiện tượng răng ê buốt, đau nhức, đặc biệt khi bạn ăn những món chua, cay, ngọt hoặc khi uống nước đá lạnh. Lúc này, bề mặt răng bắt đầu bị ăn mòn nên không còn sự liên kết chặt chẽ với những chiếc răng khác. Vì vậy, bạn nên hạn chế ăn những món có thể gây mòn men răng hay khiến răng bị kích thích, cũng như tránh những món ăn cứng gây tổn thương răng.
Răng ê buốt, đau nhức khi ăn đồ lạnh là do răng bị nhạy cảm.
2. Sâu răng
Sâu răng là hiện tượng phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng cũng không hiếm gặp ở người trưởng thành. Nguyên nhân gây sâu răng ở người lớn thường là do không đánh răng kỹ, chải răng sai cách hay để thức ăn còn đọng lại trên răng khiến vi khuẩn dễ dàng sinh sôi trên răng. Sâu răng khi không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây viêm tủy răng hoặc các bệnh răng miệng khác.
3. Răng bị lung lay
Đừng dửng dưng khi thấy nướu sưng đỏ và chảy máu, hoặc nướu bị lung lay, lộ ra chân răng, vì tình trạng này đã ở mức độ báo động và nó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nha chu đã phát triển.
Vệ sinh răng miệng kém, vi khuẩn, vôi răng tích tụ lâu ngày có thể gây kích ứng nướu, viêm nhiễm và dẫn đến viêm nha chu. Vì vậy, bạn nên chú ý bảo vệ sức khỏe răng miệng thường xuyên bằng cách đánh răng cả sáng và tối, đồng thời súc miệng sau bữa ăn, cạo vôi răng định kỳ 6 tháng 1 lần để cải thiện môi trường miệng.
Nướu sưng đỏ, chảy máu có thể là dấu hiệu của bệnh nha chu.
4. Có vết nứt trên bề mặt răng
Răng được cấu tạo với một bề mặt nhẵn bóng. Nhưng nếu nó xuất hiện vết nứt thì có thể là biểu hiện của bệnh "khoáng hóa chân răng". Nguyên nhân chủ yếu là do lớp men trên bề mặt răng bị bào mòn trong môi trường axit miệng. Lớp ngà răng sẽ tiếp xúc trực tiếp với môi trường axit miệng, ngoài ra tình trạng răng bị giòn và dễ nứt cũng sẽ xuất hiện, thậm chí còn làm bề mặt răng bị đổi màu, xỉn màu...
5. Nướu sưng đỏ, chảy máu nướu răng
Nếu trong lúc đánh răng hoặc nhai thức ăn mà bạn thấy nướu răng bị sưng đỏ, thậm chí có kèm theo tình trạng chảy máu thì đây là lời kêu cứu của chúng đấy! Bạn có thể đã bị viêm nướu rồi.
Trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên đến bác sĩ nha khoa để được thăm khám tốt nhất, ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm phát triển thêm.
Cần đến nha sĩ thăm khám định kỳ để duy trì sức khỏe răng miệng.
6. Hôi miệng
Hôi miệng ngoài chuyện khiến bạn mất tự tin trong giao tiếp thì nó còn là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe nào đó, chẳng hạn như do bệnh về phổi, dạ dày hoặc bạn cũng có thể nghĩ đến vấn đề từ răng miệng. Bạn cần lưu ý rằng, tất cả vấn đề răng miệng đều có thể dẫn đến hôi miệng. Vì vậy, nếu răng đã bị sâu thì nên điều trị, chuyển sang dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng sau bữa ăn. Nếu điều trị bằng thuốc phù hợp, bệnh hôi miệng về cơ bản có thể được loại bỏ.
Trần Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp