Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Răng nhạy cảm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chăm sóc

Ngày 27/10/2020
Kích thước chữ

Răng nhạy cảm không phải là tình trạng hiếm gặp trong cộng đồng. Vậy, răng nhạy cảm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chăm sóc răng nhạy cảm như thế nào?

Ở  Việt Nam, tỷ lệ người mắc phải vấn đề răng nhạy cảm chiếm cao trong cộng đồng (khoảng hơn 40%). Răng nhạy cảm được hiểu là hiện tượng răng bị ê buốt khi ăn, uống đồ ăn, thức uống nóng, lạnh, chua, ngọt... Hiện tượng này thường xuất hiện ở người trưởng thành.

Răng nhạy cảm là gì?

Răng nhạy cảm hay răng ê buốt là cách gọi phổ biến của hiện tượng quá cảm ngà hoặc triệu chứng ê buốt ở chân răng. Đây là căn bệnh mà răng sẽ trở nên nhạy cảm hơn khi chịu những kích thích ảnh hưởng từ nhiệt độ nóng hoặc lạnh và ngoại lực bên ngoài, thường bắt gặp nhiều nhất ở những người trẻ và trung niên.

Trên thực tế, răng có chia làm 3 phần: men răng, ngà răng và tuỷ răng. Trong điều kiện bình thường, ngà răng được bao phủ bởi men răng nhưng vì những lý do nhất định, lớp men bao phủ này bị mài mòn, khả năng bảo vệ ngà răng bị giảm sút. Lúc này các ống thần kinh phải tiếp xúc trực tiếp với thức ăn và đồ uống cay nóng, lạnh, gây ảnh hưởng đến dây thần kinh, tạo ra những cơn ê buốt hay còn gọi là hiện tượng quá cảm ngà.

Răng nhạy cảm là gì 1Răng nhạy cảm không phải là tình trạng hiếm gặp.

Những dấu hiệu phát hiện có răng nhạy cảm

Nhạy cảm ngà, hay nhạy cảm răng, là một vấn đề thường thấy trong nha khoa. Tình trạng này có thể phát triển và kéo dài theo thời gian, nó là hệ quả của các vấn đề phổ biến như mòn men răng và tụt nướu. Hầu hết xảy ra với các bệnh nhân thuộc độ tuổi từ 20 - 50 tuổi. Răng nhạy cảm bắt đầu hình thành khi phần 'ngà' mềm hơn nằm ở bên trong răng có triệu chứng bị ăn mòn (phần ngà này nằm dưới lớp men và nướu răng). Hàng ngàn kênh dẫn truyền siêu nhỏ chạy qua ngà dẫn đến phần trung tâm răng. Một khi ngà răng bị ăn mòn, các tác nhân bên ngoài (như thức ăn, đồ uống lạnh) có thể kích thích các dây thần kinh bên trong răng và đó cũng chính là nguyên nhân của cơn đau buốt ngắn, nhói cho răng nhạy cảm.

Điều gì đã gây nên tình trạng răng nhạy cảm?

Một số nguyên nhân thường được bắt gặp dẫn tới răng nhạy cảm như sau:

  • Sử dụng thực phẩm chứa axit: Việc liên tục ăn những loại thức ăn có hàm lượng axit cao như: cam, quýt, chanh,  xoài, cà chua, dưa chua, cóc... có khả năng gây xói mòn men răng. Vì vậy, nên điều tiết chế độ ăn những thực phẩm này, hoặc có thể ăn thêm một miếng phô mai hay uống một ly sữa ngay sau khi ăn đồ chua để giảm bớt tác động có hại của axit.
  • Hay dùng lông bàn chải đánh răng cứng: Nếu đánh răng mạnh hay sử dụng các bàn chải có lông chải quá cứng thì nướu có thể bị tổn thương và lộ ra lớp ngà. Từ đó, răng sẽ dễ bị nhạy cảm, trở nên ê buốt khi ăn uống, đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
  • Do tụt nướu: Chân răng được bao phủ và bảo vệ bởi các mô nướu. Tuy nhiên, nếu gặp phải bệnh nha chu, nướu có thể bị tụt và lộ ra lớp ngà nhạy cảm. Do đó, khi gặp phải tình trạng tụt nướu thì cần đến gặp ngay bác sĩ nha khoa để có những chỉ dẫn và được can thiệp trị liệu kịp thời.
  • Do răng bị nứt, vỡ: Có thói quen nhai đá, cắn kẹo cứng, hay tai nạn va đập rất dễ dẫn đến hiện tượng răng bị mẻ hoặc nứt. Một khi một chiếc răng bị nứt, các đầu mút dây thần kinh bên trong sẽ bị kích thích khi ăn nhai. Bên cạnh đó, vết nứt cũng là nơi lý tưởng để chứa vi khuẩn gây viêm nhiễm, khiến răng hay gặp tình trạng đau buốt.
  • sâu răng: Việc sâu răng tạo ra các lỗ hổng trên răng, dẫn đến khi lỗ sâu vào tủy làm lộ các đầu mút dây thần kinh trong tủy răng. Từ đó răng sẽ dễ bị ê buốt hơn. Cách tối ưu nhất trong trường hợp này là hãy giữ gìn vệ sinh răng miệng thật cẩn thận, sạch sẽ, ăn uống đúng cách và nên đến nha sĩ kiểm tra răng định kì.
  • Hiện tượng nghiến răng: Mặc dù men răng là mô cứng nhất trong cơ thể, nhưng nếu kéo dài thường xuyên thì men răng cũng có thể bị mòn đi vì những thói quen mà nhiều người tưởng chừng vô hại ví dụ như nghiến răng. Vì vậy hãy hạn chế những hành động này để không làm răng bị ê buốt.
Răng nhạy cảm là gì 2Sâu răng cũng gây ra tình trạng răng nhạy cảm.

Cách chăm sóc phù hợp cho răng nhạy cảm

Nếu bạn đang thắc mắc về những giải pháp hữu hiệu để chăm sóc tốt cho răng nhạy cảm thì chìa khóa chính là sự kết hợp các thói quen tốt với hoạt động bảo vệ, làm sạch sức khỏe răng miệng hàng ngày. Hãy làm theo những mẹo bổ ích này để chăm sóc răng nhạy cảm của bạn tốt hơn:

  • Chải và làm sạch kẽ răng thường xuyên, việc vệ sinh răng miệng tốt giúp ngăn chặn các tình trạng gây ra vấn đề về răng nhạy cảm, ví dụ như tụt nướu.
  • Lưu ý không chải răng quá mạnh hay quá thường xuyên. Việc chải răng quá mạnh hoặc quá thường xuyên không theo khuyến cáo của nha sĩ có thể dẫn đến tình trạng tụt nướu và mòn men răng. Hệ quả chính là làm ngà răng lộ ra ngoài và gây nên tình trạng răng nhạy cảm tệ đi.
  • Nên bắt đầu sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm. Bàn chải đánh răng lông mềm giúp tiết chế các ảnh hưởng sinh ra khi bạn chải răng quá mạnh và còn giúp bảo vệ men răng.
  • Có thói quen dùng kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm. Hãy đánh răng hai lần và không quá ba lần mỗi ngày với kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm, ví dụ như các dòng sản phẩm chuyên dùng cho răng nhạy cảm, ê buốt Sensodyne, có thể giúp giảm đau nhức do răng nhạy cảm gây ra.
Răng nhạy cảm là gì 3Sử dụng kem đánh răng chuyên biệt dành cho răng nhạy cảm.

Cuối cùng, để răng luôn chắc khỏe bạn cần thường xuyên đến xin lời khuyên từ nha sĩ về các thói quen vệ sinh răng miệng tối ưu nhất, kỹ thuật chải răng hiệu quả nhất, nên chải bao nhiêu lần và trong bao lâu đồng thời tránh những sai lầm khi chăm sóc răng miệng.

Hường

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin