Thông thường, vi khuẩn lao luôn tồn tại và ngủ yên trong cơ thể. Chỉ khi bạn có lối sống không lành mạnh mới dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn lao phát triển mạnh hơn và gây nên bệnh lao ruột.
Bệnh lao ruột là gì?
Lao là bệnh truyền nhiễm có tính lây lan cao và cần bắt buộc phải kiểm tra y tế và điều trị ngay lập tức nếu được chẩn đoán mắc bệnh. Đôi lúc vi khuẩn lao có thể gây ra các triệu chứng khác ngoài phổi được gọi là lao ngoài phổi, gây nhiễm trùng các hạch bạch huyết và một số cơ quan khác chẳng hạn như ruột.
Lao ruột thường thấy ở những quốc gia đang phát triển. Ở thời điểm đầu, lao ruột thường không có triệu chứng hoặc chỉ có một số dấu hiệu bình thường như đau bụng, co thắt ruột, sụt cân và những triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hoá.
Bạn cần phải đi khám bác sĩ thường xuyên để được chẩn đoán và điều trị sớm nếu cảm thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường.
Lao ruột dễ bị nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hoá khác
Triệu chứng lao ruột là gì?
Các triệu chứng lao ruột không quá đặc trưng, thường gặp nhất chỉ là đau bụng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sụt cân, đổ mồ hôi đêm, sốt, suy nhược, tiêu chảy, táo bón hoặc chảy máu trực tràng.
Tiêu chảy sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn khi ruột bị loét. Đau quặn bụng kèm chứng sôi bụng xảy ra khi đường ruột bị tắc ngẽn. Lao tá tràng giống loét bao tử tá tràng hoặc tắc nghẽn dạ dày.
Nguyên nhân gây ra bệnh lao ruột
Lao đường ruột có thể là bệnh nguyên phát hoặc thứ phát bắt nguồn từ lao ở những cơ quan khác. Lao ruột nguyên phát cực kỳ hiếm, thường là do vi khuẩn ở bò gây nên. Lao ruột thứ phát thường gặp hơn và nguyên nhân chủ yếu là do nuốt phải đờm, tiếp xúc bệnh phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao.
Bằng lớp áo chất béo, các trực khuẩn lao sẽ được bảo vệ khỏi dịch tiêu hóa, từ đó có thể đi vào ruột non và gây nhiễm hồi tràng (khu vực hồi manh tràng), hỗng tràng và tá tràng theo tần số giảm dần. Các mô bạch huyết bị dư thừa, ứ đọng và số lượng vi khuẩn tiêu hóa ít đi là nguyên do chính gây ra bệnh lao ruột.
Tình trạng vi khuẩn lao lây lan qua đường máu tới ruột xảy ra trong lao kê và lao ruột cũng có thể là kết quả của việc vi khuẩn lao di chuyển đến từ cơ quan lân cận.
Đối tượng dễ mắc bệnh lao ruột
Lao ruột có thể ảnh hưởng đến bất kì ai, bất kì lứa tuổi nào. Bạn có thể kiểm soát bệnh lao ruột bằng phương pháp giảm thiểu các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số yếu tố làm tăng khả năng nhiễm bệnh lao ruột như:
-
Người bệnh bị nhiễm HIV, tiểu đường.
-
Cơ thể có cân nặng thấp.
-
Ung thư cổ, bệnh bạch huyết cầu hoặc bệnh Hodgkin.
-
Một số phương pháp điều trị dùng corticosteroid hoặc một số loại thuốc gây ức chế hệ miễn dịch.
-
Nhiễm bụi phổi silic, tình trạng hô hấp suy yếu do hít phải bụi silic.
Các đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu dễ mắc bệnh lao ruột
Phương pháp phòng ngừa bệnh lao ruột
Để phòng ngừa bệnh lao ruột, các bạn nên ăn uống sạch sẽ, ăn chín uống sôi và tuyệt đối không sử dụng sữa bò tươi chưa qua xử lý để tránh tình trạng mắc lao ruột nguyên phát.
Tránh tiếp xúc với môi trường sống bị ô nhiễm, đặc biệt là môi trường có chứa silic. Bụi sillic là loại bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi và một số cơ quan hô hấp khác.
Nếu buộc phải sử dụng các loại thuốc làm suy giảm hệ miễn dịch như corticoid thì cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khoẻ, hệ miễn dịch của cơ thể.
Khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc bệnh lao đường ruột, bạn phải đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tránh nhầm lẫn với các bệnh tiêu hoá thông thường dẫn đến bệnh trở nặng, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Nên ăn chín uống sôi để ngăn ngừa bệnh lao ruột
Biện pháp phòng chống lây lan bệnh lao ruột
Những người được chẩn đoán mắc bệnh lao đường ruột nên điều trị và nghỉ ngơi ở nhà hợp lý theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chỉ đến khi bác sĩ đồng ý cho quay lại cuộc sống bình thường mới hoà nhập cộng đồng để tránh lây nhiễm cho người khác trong thời kì mắc bệnh.
Nếu bạn đang được điều trị tại nhà thì bạn nên cẩn thận để tránh lây cho các thành viên trong gia đình. Tốt nhất bệnh nhân nên đeo khẩu trang và ở trong phòng có thông gió đầy đủ để bất kỳ vi khuẩn nào bạn thở ra đều được mang đi. Còn đối với thành viên trong gia đình có người bệnh lao ruột nên chú ý ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh trong quá trình sinh hoạt.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh lao ruột. Hi vọng qua những kiến thức hữu ích trên đã có thể giúp quý đọc giả hiểu hơn về căn bệnh này, tránh nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hoá và có biện pháp điều trị phù hợp.
Như Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp