Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lí giải vì sao đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng

Ngày 01/06/2023
Kích thước chữ

Rất nhiều trường hợp sau khi tháo bỏ niềng răng, đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng gây mất thẩm mỹ và lo lắng cho nhiều người niềng răng. Bài viết này từ Long Châu sẽ giúp bạn lý giải nguyên nhân và cách xử lý khi gặp hiện tượng chạy răng khi đeo hàm duy trì.

Khi hoàn tất quá trình niềng răng bạn cần phải đeo hàm duy trì để răng được cố định tốt hơn. Tuy nhiên vẫn có không ít người đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng. Vậy tình trạng trên do đâu và nên xử lý như thế nào? Mời bạn tham khảo ngay bài viết dưới đây. 

Vì sao đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng? 

Câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là người vừa tháo niềng, đó là việc đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng là do đâu. Thực tế đây không phải hiện tượng hiếm gặp, ngược lại, có rất nhiều người sau khi tháo niềng, tiếp tục đeo hàm duy trì để ổn định vị trí răng nhưng răng vẫn bị chạy gây mất tự tin, giảm thẩm mỹ. 

Lí giải vì sao đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng 1
Đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng do nhiều nguyên nhân gây nên

Theo các nha sĩ, tình trạng bị chạy răng khi vẫn dùng hàm duy trì là do những tác nhân dưới đây:

Hàm duy trì không tương thích với hàm tự nhiên

Bản chất của việc niềng răng là sử dụng khay niềng thích hợp với khuôn hàm tự nhiên cùng hệ thống các mắc cài để siết vị trí răng, điều chỉnh lại những chiếc răng mọc sai lệch, không thẳng hàng. Từ việc điều chỉnh lại hàm răng cân đối, đường nét gương mặt cũng được cải thiện đáng kể. 

Sau khi tháo niềng răng, người dùng cần phải đeo hàm duy trì để tránh răng bị chạy, lệch vị trí trong thời gian răng ổn định. Điều này đóng vai trò quan trọng bởi việc niềng siết răng lâu ngày có thể gây xu hướng răng dễ xô lệch nếu không được cố định lại sau đó bằng hàm duy trì. 

Tuy nhiên rất nhiều trường hợp do đeo hàm duy trì không tương thích với hàm thật dẫn đến lỏng lẻo và răng “chạy” về vị trí cũ, đây là hiện tượng đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng thường gặp. Trường hợp ngược lại, hàm duy trì quá chật cũng khiến răng không được cố định ổn định, dễ dẫn đến tổn thương mô nướu, sưng viêm nướu, viêm lợi,... 

Đeo hàm duy trì sai cách 

Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng là cách đeo chưa đúng. Đeo hàm duy trì sai cách có thể khiến răng bị “chạy” rất nhanh sau khi tháo niềng.

Hiện nay, hàm duy trì có 2 loại cố định và tháo lắp. Đối với loại cố định thì không có quá nhiều vấn đề nhưng nếu bạn dùng loại hàm duy trì tháo lắp nhưng thực hiện không đúng thao tác hoặc tháo ra, lắp vào sai cách sẽ khiến răng có cơ hội “chạy” về lại vị trí cũ, làm mất thẩm mỹ hàm răng và cần một thời gian dài để điều chỉnh lại. 

Lí giải vì sao đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng 2
Đeo hàm duy trì sai cách dễ khiến răng lệch vị trí

Để giúp răng có thể ổn định vị trí sau khi tháo hàm niềng, bạn cần đeo hàm duy trì từ 20 - 22 giờ/ngày liên tục trong 5 - 6 tháng đầu, sau đó giảm dần xuống còn 7 - 9 giờ/ngày để vị trí răng ổn định, hạn chế trường hợp chạy răng không mong muốn. Khi tháo niềng, nha sĩ cũng hướng dẫn rất kĩ cách đeo và tháo hàm duy trì tháo lắp, bạn cần tuân thủ quy trình này và luôn đeo hàm duy trì đúng thời lượng khuyến cáo. 

Đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng xử lý thế nào? 

Khi gặp phải tình trạng đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng, nhiều người cảm thấy lúng túng, lo lắng không biết nên làm gì để răng về lại vị trí sau niềng. Việc chạy răng cũng là nỗi lo lắng của rất nhiều người sau khi niềng răng. Vậy khi răng “chạy” mặc dù vẫn đeo hàm duy trì thì phải làm sao? Bạn cần đến gặp nha sĩ ngay để được hướng dẫn cách khắc phục thích hợp. Bác sĩ nha khoa sẽ dựa trên tình hình thực tế để điều trị răng chạy sau niềng với những cách như: 

Thiết kế lại hàm duy trì mới 

Nếu nguyên nhân dẫn đến chạy răng sau khi niềng là do đeo hàm duy trì không vừa với răng thì phương án xử lý thường là thiết kế lại một hàm duy trì mới để vừa vặn hơn với hàm thật của người dùng.

Tuy nhiên bạn vẫn cần bỏ ra một khoản chi phí nhất định và thời gian để chờ đợi hàm duy trì mới được hoàn thành. Đây là phương pháp có hiệu quả rất cao giúp cố định lại hàm răng sau khi niềng, hạn chế tình trạng chạy răng nghiêm trọng hơn. 

Bên cạnh đó, để tránh “tiền mất tật mang” như lần làm hàm duy trì đầu tiên, bạn nên chọn lựa cơ sở nha khoa uy tín, chất lượng cao, căn dặn nha sĩ thực hiện đúng và khi nhận được hàm duy trì mới làm cần kiểm tra ngay độ vừa vặn và ổn định của hàm. 

Chỉnh nha 

Trong trường hợp răng bị chạy nhiều, nha sĩ thường chỉ định cách chỉnh nha trước khi đeo hàm duy trì mới cho người dùng. Chỉnh nha là phương pháp sử dụng trong trường hợp đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng nhiều và có dấu hiệu sai lệch khớp cắn.

Khi này, bạn cần niềng răng thêm 1 lần nữa để điều chỉnh lại vị trí răng, khi đạt hiệu quả mới tháo niềng và đeo lại hàm duy trì một lần nữa. Thông thường quá trình chỉnh nha sẽ diễn ra trong 3 - 6 tháng tùy từng trường hợp, mức độ chạy răng nhất định. 

Lí giải vì sao đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng 3
Chỉnh nha bằng cách niềng lại giúp khắc phục tình trạng răng bị chạy

Lưu ý khi đeo hàm duy trì không bị chạy răng

Bạn mới tháo niềng và lo lắng bị chạy răng trong quá trình đeo hàm duy trì? Vậy hãy áp dụng ngay những lưu ý dưới đây để hạn chế tuyệt đối trường hợp đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng. 

  • Đeo hàm duy trì đúng thời gian chỉ định của nha sĩ, không nên đeo nhiều hơn hoặc ít hơn sẽ khiến việc cố định răng bị ảnh hưởng. 
  • Khi ăn nên tháo hàm duy trì ra để tránh làm cong, méo, gãy hoặc giãn hàm duy trì ảnh hưởng đến việc cố định răng sau đó. 
  • Răng khi chưa hoàn toàn ổn định sau khi tháo niềng nên bạn tránh ăn những thực phẩm quá thô, cứng hoặc dai. Thay vào đó hãy ăn những món mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp hoặc thực phẩm mềm. 
  • Cần thường xuyên vệ sinh, làm sạch hàm duy trì để tránh tích tụ vi khuẩn, thức ăn thừa dẫn đến sâu răng, mảng bám trên răng, răng ố vàng, hôi miệng, bệnh nha chu, viêm nướu,...
  • Bạn nên thường xuyên tái khám theo lịch của nha sĩ để kịp thời phát hiện bất thường ở răng, từ đó điều chỉnh kịp thời, hiệu quả. 

Tóm lại, hiện tượng đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng không hiếm và có thể khắc phục được nhưng khá tốn thời gian và chi phí. Vì vậy, trong quá trình sử dụng hàm duy trì để ổn định răng, bạn nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế việc chạy răng sau khi tháo niềng. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin