Hiện nay, có rất nhiều gói khám sức khỏe trên thị trường. Tùy thuộc vào nhu cầu và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sàng lọc khác nhau. Cùng tham khảo bài viết này để tìm hiểu đâu là loại hình khám sức khỏe phù hợp với bạn nhé!
Khám sức khỏe định kỳ là một phần quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cá nhân, giúp phát hiện sớm và phòng ngừa các bệnh lý tiềm ẩn. Tuy nhiên, với nhiều loại hình khám sức khỏe hiện nay, việc lựa chọn loại hình phù hợp có thể nhiều người cảm thấy bối rối. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về các loại hình khám sức khỏe phổ biến, phù hợp nhất với nhu cầu và điều kiện sức khỏe của bản thân.
Có nên thực hiện tất cả xét nghiệm tại bệnh viện không?
Khi lên kế hoạch khám sức khỏe, chúng ta thường có rất nhiều lựa chọn – nên thực hiện xét nghiệm nào, chọn gói sàng lọc nào hoặc mức độ toàn diện của nó. Đa số mọi người đều nghĩ rằng càng thực hiện nhiều xét nghiệm thì càng tốt vì sẽ có nhiều tình trạng bệnh lý được sàng lọc hơn. Tuy nhiên, điều này không hẳn là đúng.
Làm nhiều xét nghiệm hơn mức cần thiết có thể gây mất thời gian, tâm trạng lo lắng hơn, phát sinh các chi phí không cần thiết hay điều trị quá mức. Như vậy, các xét nghiệm không cần thiết không những không đem lại lợi ích mà còn gây ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý người bệnh.
Cần lưu ý rằng, một buổi khám sức khỏe hiệu quả không đồng nghĩa với việc xét nghiệm hầu hết các tình trạng bệnh lý có thể có. Thực hiện các xét nghiệm có liên quan và theo chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám lâm sàng mới là biện pháp tối ưu nhất cho người bệnh.
Các gói khám sức khỏe nên được cá nhân hóa
Các gói khám sức khỏe nên được điều chỉnh theo nhu cầu và yêu cầu của bạn. Không phải tất cả mọi đối tượng thăm khám đều được chỉ định một gói khám sức khỏe giống nhau. Mỗi cá nhân có những đặc điểm và tiền sử bệnh khác nhau, do đó, sẽ được bác sĩ tư vấn sự cần thiết làm các xét nghiệm sàng lọc khác nhau.
Để tìm ra gói khám sức khỏe nào phù hợp nhất với mình, bạn nên thảo luận với bác sĩ để được thông tin về các xét nghiệm phù hợp cho tình trạng sức khỏe của bản thân. Bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị dựa trên một số đặc điểm của bệnh nhân, đặc biệt là tuổi, giới tính, triệu chứng, mức độ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh và tiền sử gia đình về bất kỳ tình trạng bệnh lý nào.
Các trường hợp nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Singapore (MOH) và Ban Xúc tiến Y tế, tất cả quá trình thăm khám sức khỏe đều phải đánh giá các yếu tố nguy cơ tim mạch. Các xét nghiệm bao gồm:
Béo phì – được đánh giá bằng chỉ số khối cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng.
Tăng huyết áp – được đánh giá bằng huyết áp.
Đái tháo đường – được đánh giá bằng xét nghiệm đường máu lúc đói.
Tăng lipid máu – được đánh giá bằng xét nghiệm mỡ máu lúc đói.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo sàng lọc các bệnh khác như:
Ung thư đại trực tràng ở người từ 50 tuổi trở lên. Phương pháp thực hiện bao gồm xét nghiệm phân để kiểm tra dấu vết của máu hoặc nội soi.
Ung thư cổ tử cung được khuyến cáo tầm soát ở phụ nữ từ 25 – 69 tuổi và đã từng quan hệ tình dục. Thông thường, biện pháp tầm soát thông qua xét nghiệm Pap Smear hoặc Thinprep – phết tế bào cổ tử cung.
Ung thư vú ở phụ nữ từ 50 – 69 tuổi. Biện pháp hiệu quả nhất là chụp nhũ ảnh (X quang tuyến vú).
Ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới có nguy cơ cao (những người trên 50 tuổi, có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt). Xét nghiệm bao gồm kiểm tra trực tràng kỹ thuật số (DRE) và xét nghiệm máu.
Ung thư gan ở người bị viêm gan B mãn tính hoặc xơ gan (xơ gan giai đoạn mất bù ). Các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm máu và siêu âm gan.
Viêm gan B ở phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh này. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tiền sử gia đình nhiễm viêm gan B hoặc ung thư gan, khả năng cao tiếp xúc với người từng phơi nhiễm (quan hệ tình dục với gái mại dâm hoặc người lạ, nhiều bạn tình, bạn tình nhiễm viêm gan B, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người nghiện ma túy dùng chung bơm kim tiêm). Biện pháp thực hiện là xét nghiệm máu.
Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) ở những người có nguy cơ. Xét nghiệm thực hiện bao gồm xét nghiệm máu và lấy mô từ niêm mạc cổ tử cung ở phụ nữ và từ niệu đạo ở nam giới.
Loãng xương ở người có yếu tố nguy cơ. Xét nghiệm được thực hiện là xét nghiệm mật độ khoáng xương (BMD) - sử dụng tia X để đo lượng khoáng chất trong xương.
Ngoài ra, có vô vàn xét nghiệm khác tùy thuộc vào nhu cầu và tình trạng bệnh lý của người bệnh. Do đó, bạn cần trao đổi với bác sĩ để xem liệu các xét nghiệm đó có phù hợp hoặc được khuyến nghị cho bạn hay không. Nên nhớ rằng sàng lọc sức khỏe tốt không nhất thiết có nghĩa là xét nghiệm hầu hết các loại bệnh tật. Việc kiểm tra sức khỏe tốt chỉ nên dựa vào các xét nghiệm liên quan chứ không nhất thiết phải thực hiện toàn bộ các xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Lưu ý khi thực hiện khám sức khỏe
Nhiều người có thể cảm thấy lo lắng trước khi thực hiện thăm khám sức khỏe tổng quát. Chính vì thế, để quá trình này diễn ra suôn sẻ, bạn có thể lưu ý một số vấn đề sau để đạt được trải nghiệm thoải mái nhất:
Đặt lịch hẹn và khám đúng lịch: Trung bình mỗi buổi khám sức khỏe để thoải mái nhất về thời gian cũng mất khoảng nửa buổi đến 1 ngày. Do đó, để giảm bớt thời gian chờ đợi cho mỗi cuộc thăm khám, bạn nên đặt lịch hẹn và khám đúng lịch. Ngoài ra, việc thành lập thói quen thăm khám đúng thời gian biểu cũng giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi và có những can thiệp kịp thời đối với sức khỏe của mình.
Cập nhật tiền sử bệnh gia đình trước khi thăm khám: Việc cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh gia đình và tiền sử sức khỏe bản thân sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng bệnh lý mắc phải. Ngoài ra, điều này cũng giúp bác sĩ đánh giá được yếu tố di truyền bệnh lý và hỗ trợ bạn chọn lựa gói khám sức khỏe phù hợp.
Thoải mái trao đổi với bác sĩ: Thẳng thắn thảo luận với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình có thể giúp bạn hiểu hơn và có những thay đổi lối sống sinh hoạt hợp lí. Vì thế, đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ về những thói quen hay chế độ sinh hoạt của bản thân để nhận được sự tư vấn phù hợp.
Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu hơn về các loại hình khám sức khỏe nào phù hợp với bạn và cùng với bác sĩ của bạn thảo luận đưa ra lựa chọn xem đâu là gói khám sức khỏe phù hợp với mình nhất. Hãy luôn thực hiện thăm khám định kỳ và tuân thủ các chỉ định xét nghiệm, cùng với sự tư vấn chuyên môn sau thăm khám của bác sĩ để bạn được đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt nhất nhé!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.