Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, đôi mắt của bé đóng vai trò quan trọng giúp bé tiếp nhận thông tin, nhìn và khám phá thế giới xung quanh. Từ 2 tháng tuổi trở đi, nhiều trẻ sơ sinh có thói quen nhìn chằm chằm vào bàn tay. Vậy trẻ sơ sinh hay nhìn tay liệu có phải là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng?
Theo thời gian, thị giác của trẻ sẽ phát triển và dần hoàn thiện. Tuy nhiên, khi trẻ sơ sinh hay nhìn vào tay thì nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng rằng liệu có vấn đề gì đang xảy ra với con không. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu lý giải hành động kỳ lạ này đồng thời tìm hiểu quá trình phát triển thị giác của trẻ trong bài viết dưới đây nhé.
Thị giác của trẻ sơ sinh đang ngày càng hoàn thiện trong khoảng thời gian trẻ được 6 đến 8 tháng tuổi. Lúc này, khả năng nhìn thấy thế giới xung quanh của trẻ mới gần giống như người trưởng thành.
Mặc dù khi mới sinh đôi mắt của trẻ sơ sinh có khả năng nhìn tốt nhưng não của trẻ lại chưa sẵn sàng xử lý các thông tin mà thị giác cung cấp. Chính vì thế, thế giới xung quanh sẽ khá mờ nhạt trong mắt của trẻ trong suốt thời gian này.
Khi não bộ của trẻ phát triển, kéo theo đó khả năng thị giác của trẻ cũng tăng lên giúp trẻ hiểu và quản lý môi trường xung quanh mình. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên tham khảo thêm cách kích thích thị giác cho trẻ sơ sinh.
Tuy ở những tháng đầu đời, trẻ chỉ có thể nhìn thấy khuôn mặt của cha mẹ khi được bế ở cự ly gần song theo từng tháng, phạm vi nhìn rõ của trẻ sẽ phát triển đều đặn.
Sự phát triển thị giác của trẻ sơ sinh qua từng giai đoạn cụ thể như sau:
Khi mới chào đời, cự ly nhìn được của trẻ sơ sinh chỉ dao động trong khoảng từ 20 đến 30cm và trẻ chỉ có thể nhận ra khuôn mặt người đang bế mình. Trẻ có thể phát hiện được hình dạng, chuyển động và ánh sáng song ở những tháng đầu đời, tất cả đều khá mờ ảo đối với trẻ.
Khi mới sinh, trẻ không biết cách sử dụng đôi mắt của mình, chính vì thế mà đôi mắt có thể vận động một cách ngẫu nhiên hoặc đưa cả hai mắt về cùng một phía. Trong 1 tháng tuổi hay tháng tiếp theo, trẻ có thể theo dõi một đối tượng chuyển động và tập trung liên tục cả hai mắt.
Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể thích chơi mắt với cha mẹ. Với khuôn mặt của cha mẹ ở gần trẻ, di chuyển đầu của cha mẹ từ bên này sang bên kia một cách chậm rãi, mắt cha mẹ và mắt của bé nhìn nhau.
Ngay từ khi sinh ra, trẻ có thể nhìn thấy màu sắc. Tuy nhiên, trẻ thường gặp khó khăn trong việc phân biệt các tông màu tương tự, chẳng hạn như cam và đỏ. Điều này giúp lý giải vì sao trẻ lại thường thích các mẫu đen trắng hoặc có độ tương phản cao.
Khi trẻ 2 tháng tuổi, não của trẻ dần phát triển và trẻ có thể sẽ phân biệt được màu sắc. Chính vì thế, trẻ sẽ bắt đầu tỏ ra thích các màu cơ bản tươi sáng, những thiết kế chi tiết và phức tạp hơn. Việc cho trẻ xem tranh, ảnh, sách cũng như đồ chơi sẽ giúp khuyến khích sự phát triển này.
Từ trước đến nay, trẻ thường gặp nhiều khó khăn trong việc xác định vị trí, kích thước cũng như hình dạng của một vật thể sau đó não sẽ truyền thông điệp đến bàn tay và trẻ sẽ có hành động đưa tay ra, nắm lấy vật thể đó.
Khi trẻ 4 tháng tuổi, trẻ bắt đầu phát triển nhận thức chiều sâu. Trẻ lúc này đã có sự phát triển cả về sự trưởng thành trong não bộ và sự phát triển về vận động. Cha mẹ có thể cùng con tập luyện bằng cách đưa cho con những món đồ chơi dễ cầm nắm ví dụ như lục lạc.
Khi được 5 tháng tuổi, trẻ dễ dàng phát hiện các đồ vật rất nhỏ và theo dõi sự chuyển động của các đồ vật, thậm chí, lúc này trẻ còn có thể nhận ra một đồ vật nào đó sau khi chỉ nhìn thấy một phần của đồ vật đó. Ngoài ra, trẻ có thể phân biệt được các màu đậm tương tự và sẽ bắt đầu nghiên cứu những khác biệt giữa các màu phấn một cách tinh tế hơn.
8 tháng tuổi là độ tuổi thị giác của trẻ đã gần như trưởng thành về nhận thức cũng như độ nét. Tầm nhìn của trẻ đủ xa để có thể nhận ra mọi người cũng như các đồ vật trong phòng mặc dù sự chú ý của trẻ thường tập trung hơn vào các vật thể ở gần.
Trên thực tế, theo tiến trình phát triển tự nhiên, trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi rất thích được nhìn ngắm thế giới xung quanh, chẳng hạn như đồ chơi treo lủng lẳng trước mặt, các mùng chụp trên nôi hay cái quạt đang quay…
Theo bản năng, trẻ sẽ thấy đôi bàn tay chuyển động được ở ngay trước mặt và trẻ sẽ cảm thấy hứng thú với phát hiện này. Chính vì thế, trẻ sẽ nhìn ngắm đôi bàn tay be bé của mình mãi. Đây chính là lý do cha mẹ thấy trẻ sơ sinh hay nhìn tay.
Với câu hỏi trẻ sơ sinh hay nhìn tay có phải là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe bất thường không thì câu trả lời là không mẹ nhé. Hành động này hết sức bình thường và còn cho thấy bé yêu đang phát triển đúng theo tiến độ của mình.
So với lúc mới sinh, tầm nhìn của trẻ sơ sinh được cải thiện khá nhiều và trẻ lúc này có thể nhìn thấy được đồ vật ở xa và quan sát chung được chi tiết hơn. Điều này chứng tỏ, các cơ mắt của trẻ đã được củng cố nhờ vào sự phát triển của não bộ.
Khoảng 2 - 3 tháng tuổi, cho đến khi mẹ đi chỗ khác, mẹ sẽ thấy trẻ sẽ nhìn chằm chằm vào khuôn mặt mình. Hành động này cũng được lý giải tương tự như đôi tay. Những biểu hiện này đều nằm trong quá trình phát triển tự nhiên của trẻ và là cách giúp bé giải trí đầy thú vị.
Bé sẽ sớm kiểm soát được tầm nhìn xung quanh và cảm thấy thích thú ngắm nhìn những đồ vật mới lạ. Chính vì thế, khi mẹ treo những món đồ chơi mới lên, mắt trẻ sẽ mở to và ngắm nhìn kỹ hơn so với các món đồ chơi quen thuộc khi phát hiện ra những người bạn mới.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc trẻ nhìn chăm chú vào đôi tay của mình là một cách đơn giản giúp trẻ phát triển thị lực và khả năng cùng lúc phối hợp cử động hai tay. Những điều này là bước đệm cho những bước phát triển vượt bậc hơn của trẻ sau này. Ngoài ra, để con có thể phát triển tốt nhất thì chúng ta nên tìm hiểu hiểu rõ về cách chăm sóc trẻ sơ sinh theo từng tháng tuổi.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh quá trình phát triển thị giác của trẻ mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp từ nhiều nguồn uy tín khác nhau để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, qua bài viết này, bạn đọc cũng sẽ hiểu hơn về hành động trẻ sơ sinh hay nhìn tay. Hãy để lại bình luận bên dưới bài viết nếu thấy còn bất kỳ vướng mắc nào về chủ đề này bạn nhé.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...