Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mắt lẹo là gì? Cách chăm sóc mắt sau khi chích lẹo hiệu quả

Ngày 24/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm trùng dẫn đến nhọt trên mí mắt được gọi là lẹo mắt. Bệnh sẽ để ảnh hưởng xấu đến mắt nếu không được điều trị kịp thời. Việc thăm khám và điều trị sớm mang lại hiệu quả điều trị cao và không để lại biến chứng. Khi điều trị kết thúc việc chăm sóc mắt sau khi chích lẹo cũng rất quan trọng để mắt nhanh chóng hồi phục.

Lẹo mắt gây đau nhức, khó chịu và sưng tấy cho mí mắt. Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng lẹo dễ tái phát gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Theo dõi bài viết dưới đây để biết cách phòng ngừa và chăm sóc mắt sau khi chích lẹo.

Một số thông tin về bệnh lẹo mắt

Lẹo mắt là gì?

Lẹo mắt là tình trạng viêm cấp tính do một loài tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn staphylocoque xâm nhập vào tuyến lông mi. Mụn lẹo thường mọc ở rìa mí mắt và dính chặt vào da mí. Sau 3 - 4 ngày lẹo sưng mủ và vỡ. Lẹo có thể tái phát, lan từ mí này sang mí kia. Đôi khi mí mắt sưng lên gây phù kết mạc.

Các loại lẹo mắt gồm:

  • Lẹo bên trong: Nằm phía trong mí mắt, tức là kết mạc của mi. Khi lật mí ra thì có thể nhìn thấy được. Trong một số trường hợp, có thể nhìn thấy lẹo chứa mủ trắng.
  • Lẹo bên ngoài: Là nốt sưng đỏ ở mí mắt có kích thước và độ cứng bằng hạt đậu.
  • Đa lẹo: Có nhiều đầu lẹo ở một hoặc cả hai mí mắt.
Mắt lẹo là gì? Cách chăm sóc mắt sau khi chích lẹo hiệu quả 1
Lẹo mắt do một loài tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn staphylocoque xâm nhập vào tuyến lông mi

Nguyên nhân gây lẹo mắt

Lẹo là do nhiễm trùng vi khuẩn ở gốc lông mi. Do vị trí xuất hiện nên được gọi là lẹo ngoài. Lẹo cũng có thể hình thành bên trong hoặc dưới mí mắt nếu một trong các tuyến bã nhờn bị nhiễm trùng. Lẹo cũng có thể do viêm bờ mi.

Dấu hiệu lẹo mắt

Một số triệu chứng lẹo mắt dễ phát hiện như:

  • Mí mắt sưng đỏ, ấn vào thấy đau, sau cứng lại.
  • Chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác có dị vật trong mắt.
  • Sưng mủ, cứng sau một thời gian thì áp-xe vỡ ra, mủ chảy ra và hết đau. Lẹo nặng hơn, áp-xe xuất hiện thành ổ và thường xuyên tái phát.

Bệnh lẹo mắt có lây nhiễm không?

Bệnh lẹo mắt do vi khuẩn gây ra nên có thể lây truyền sang người khác. Vì vậy, để hạn chế bệnh lây lan ra cộng đồng, nên vệ sinh và bảo vệ mắt cẩn thận, tránh dùng chung đồ cá nhân với người khác. Một số vật dụng không nên dùng chung để tránh lây lan bệnh như chăn gối, khăn mặt, khăn tắm, kính mắt, nước nhỏ mắt,…

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ lẹo mắt

Bệnh lẹo mắt có thể xuất hiện ở bất kể đối tượng, tuổi tác hay giới tính nào. Tuy nhiên, cần lưu ý một số yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh để phòng tránh:

  • Không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tháo và đeo kính áp tròng.
  • Không làm sạch kính áp tròng sau khi dùng.
  • Dùng chung đồ cá nhân với người bị lẹo mắt.
  • Không tẩy sạch trang điểm ở mắt trước khi đi ngủ.
  • Sử dụng mỹ phẩm hết hạn sử dụng hoặc chứa chất độc hại.
  • Những người đã từng bị viêm mí mắt mãn tính, viêm bờ mi,…

Cách chẩn đoán và điều trị lẹo mắt

Chẩn đoán

Lẹo mắt có thể được chẩn đoán thông qua tiền sử bệnh và khám lâm sàng. Chẩn đoán có thể được thực hiện mà không cần xét nghiệm, dựa vào tình trạng nhiễm trùng tụ cầu mủ cấp tính không lan rộng. Xác định trường hợp lẹo mắt bên ngoài, bên trong hoặc đa lẹo.

Điều trị

Ở giai đoạn đầu của bệnh, nên dùng kháng sinh toàn thân để tiêu mủ. Sau đó bác sĩ chườm ấm, cắt rạch mủ, dùng thuốc nhỏ mắt để làm sạch mắt, ngăn ngừa và diệt khuẩn. Lẹo lớn hoặc cứng đầu có thể cần dùng corticosteroid.

Hiện nay, dùng phương pháp chích lẹo điều trị khá an toàn, bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm. Sau điều trị mắt lại sáng khoẻ, bình thường.

Ngoài ra, bệnh nhân bị lẹo mắt có thể tự chườm ấm để giúp vết lẹo nhanh lành và phục hồi vết thương nhanh hơn. Đặt một túi chườm ấm lên vùng mắt bị lẹo trong khoảng 10 - 15 phút. Thực hiện 1 - 2 lần trong ngày để mở lỗ chân lông vùng mí mắt, mở tuyến bã ở mắt, giúp vết lẹo nhanh chóng xẹp xuống. Đây cũng được coi là cách xóa mụn lẹo nhanh chóng và an toàn.

Mắt lẹo là gì? Cách chăm sóc mắt sau khi chích lẹo hiệu quả 2
Ở giai đoạn đầu của bệnh, bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ, thuốc uống, thuốc bôi cho bệnh nhân

Chăm sóc mắt sau khi chích lẹo như thế nào?

Lưu ý chăm sóc mắt sau khi chích lẹo

Khi mắc các bệnh về mắt, bên cạnh việc nhận biết bệnh từ các triệu chứng cơ bản và đi khám tại bệnh viện, cần có phương pháp chăm sóc mắt khoa học.

Để giảm đau do lẹo, bạn có thể dùng khăn sạch hoặc tăm bông thấm nước ấm hoặc nước muối ấm. Áp lên mí mắt khoảng 10 phút 3 - 5 lần một ngày. Nhiệt giúp giảm viêm và giảm tắc nghẽn tuyến bã nhờn của mí mắt, có thể massage nhẹ nhàng quanh vùng mắt.

Ngoài việc điều trị theo yêu cầu của bác sĩ như bôi thuốc kháng sinh, dùng thuốc nhỏ mắt, tiêm steroid,... người bệnh cần chú ý thêm những điều sau:

  • Rửa tay thật sạch trước khi chạm vào vùng mắt.
  • Không trang điểm mắt khi bị lẹo.
  • Hạn chế tiếp xúc với nước bẩn, khói bụi hoặc ánh nắng mặt trời. Cần đeo kính chống bụi, chống tia cực tím khi ra ngoài.
  • Rửa mí mắt bằng nước sạch và nhỏ dung dịch natri clorid 0.9%.
  • Không dùng tay dụi mắt.
  • Trong thời gian bị lẹo nên hạn chế đeo kính áp tròng.

Thực phẩm cần tránh sau khi chích lẹo

Thực phẩm cũng ảnh hưởng đến quá trình hồi phục mắt sau chích lẹo. Do đó cần hạn chế và tránh những loại thực phẩm sau:

  • Thức ăn có tính nóng dễ gây viêm nhiễm trong cơ thể. Không nên ăn các loại trái cây có tính nhiệt như xoài, vải, nhãn, đồ cay, dầu mỡ, thịt dê, hải sản,…
  • Thực phẩm và đồ uống có đường làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể và khiến vết thương lâu lành hơn.
  • Thực phẩm chứa nhiều nitrat như thịt xông khói, xúc xích và đồ hộp được cho là làm giảm lưu thông máu ở mắt, dẫn đến cục máu đông trong cơ thể và viêm nhiễm.

Bổ sung dinh dưỡng sau khi chích lẹo

Nếu bạn bị lẹo ở mắt, hãy đảm bảo bổ sung đủ vitamin A, C, E và kẽm trong quá trình hồi phục. Các loại vitamin và khoáng chất trên có tác dụng kháng viêm, giảm sưng tấy, nâng cao sức đề kháng cho người bệnh.

  • Nguồn vitamin A tốt cho bệnh nhân chích lẹo mắt là cà rốt, cải bó xôi, bí đỏ,...
  • Nguồn vitamin C như cam, quýt, các loại quả mọng như dâu tây, việt quất,...
  • Nguồn kẽm: Gan, chuối, nấm....
  • Nguồn vitamin E: Cà chua, cà rốt, đu đủ, quả bơ, hạnh nhân,...
  • Bạn có thể bổ sung thêm các loại hạt như hạt sen, hạt chia, đậu xanh,... để thanh nhiệt cơ thể và chống viêm nhiễm.

Cách phòng ngừa bị lẹo mắt hiệu quả

Các phương pháp ngăn ngừa lẹo mắt bao gồm:

  • Tránh dụi mắt bằng tay vì điều này có thể gây kích ứng mắt và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào mắt. Bảo vệ mắt khỏi khói bụi ô nhiễm bằng cách đeo kính bảo hộ khi ra ngoài.
  • Nếu thường xuyên trang điểm mắt hãy tẩy trang sạch sẽ trước khi ngủ.
  • Nên thay đổi đồ trang điểm mắt như mascara 6 tháng một lần.
  • Tránh dùng chung khăn tắm, khăn mặt hoặc đồ trang điểm mắt với người khác.
  • Rửa mí mắt bằng nước sạch và nhỏ dung dịch natri clorid 0.9% hàng ngày.
  • Người bị lẹo mắt nên hạn chế ăn những thức ăn có thể gây sưng tấy, kích ứng. Không sử dụng các chất kích thích,…
Mắt lẹo là gì? Cách chăm sóc mắt sau khi chích lẹo hiệu quả 3
Chăm sóc mắt sau khi chích lẹo không nên dụi tay vào mắt

Việc chăm sóc mắt sau khi chích lẹo là vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo quá trình hồi phục nhanh chóng. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, bệnh lẹo mắt sẽ phát triển thành các bệnh nhiễm trùng nặng hơn. Do đó, trong giai đoạn này, bạn phải đặc biệt chú ý và chăm sóc mắt theo hướng dẫn của bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm