Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được để không bị nhiễm trùng?

Ngày 20/10/2022
Kích thước chữ

Viêm ruột thừa là bệnh lý thường gặp ở hệ tiêu hoá của cơ thể. Bệnh gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh và cần được xử lý sớm để không gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Và phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Vậy mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được để không bị nhiễm trùng là thắc mắc của rất nhiều người.

Sau khi mổ ruột thừa, bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về cách vệ sinh vết mổ và cơ thể để hạn chế nhiễm trùng. Vậy sau mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được và cần lưu ý những gì trong quá trình tắm để giảm thiểu tối đa không ảnh hưởng đến vết thương.

Viêm ruột thừa là gì?

Ruột thừa (ruột tịt) là một phần thuộc ống tiêu hóa, nằm ở vị trí nối giữa ruột non và ruột già. Thông thường, ruột thừa thường mỏng và có chiều dài từ 5 - 10 cm trong cơ thể khỏe mạnh. Ruột thừa là bộ phận thuộc ống tiêu hóa nhưng không có vai trò tiêu hóa và hấp thu các chất như ruột non và ruột già.

Trước đây nhiều thông tin cho rằng ruột thừa chỉ là một tàn tích của quá trình tiến hóa. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu gần đây cho thấy ruột thừa chứa các mô đặc biệt liên quan đến hệ miễn dịch và chống lại sự nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, trên bề mặt niêm mạc ruột thừa có chứa các vi khuẩn có lợi đóng vai trò quan trọng giúp hệ tiêu hóa khởi động lại sau những bệnh lý nhiễm trùng có liên quan đến đường ruột.

Vì một nguyên nhân nào đó khiến ruột thừa bị viêm hoặc xuất hiện các khối u tại ruột thừa sẽ gây nên bệnh lý đau ruột thừa. Trong đó, bệnh lý viêm ruột thừa gây đau là một trường hợp phổ biến nhất và chiếm tới 60 - 70% các ca cấp cứu.

Viêm ruột thừa là tình trạng viêm cấp tính của ruột thừa do sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa. Tình trạng tắc nghẽn này khiến ruột thừa căng chướng, làm vi khuẩn phát triển gây ra hiện tượng thiếu máu tại chỗ và viêm nhiễm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ruột thừa căng đầy dịch viêm dẫn đến hoại tử khiến ruột thừa bị vỡ ra gây viêm phúc mạc ổ bụng, nhiễm trùng huyết, thậm chí gây tử vong ở người bệnh.

Tình trạng viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và giới tính, bệnh gây ra những cơn đau làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Viêm ruột thừa là gì? Mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được để không bị nhiễm trùng? 1
Viêm ruột thừa là bệnh lý cấp tính do tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và các cơ quan nối liền với nó

Nguyên nhân gây viêm ruột thừa

Tình trạng đau ruột thừa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó viêm ruột thừa chiếm tỷ lệ cao và là nguyên nhân chính gây ra chứng đau ruột thừa. Một số nguyên nhân gây viêm ruột thừa thường gặp:

  • Tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và ruột già: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ứ đọng các chất thải trong ruột thừa, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm và dẫn đến những cơn đau ruột thừa.
  • Sưng viêm các nang bạch huyết nằm dưới niêm mạc ruột: Yếu tố gây ra hiện tượng này do các nhiễm trùng đường ruột (Shigella, Salmonella…) hoặc các nhiễm trùng toàn thân như nhiễm trùng đường tiết niệu, hô hấp…
  • Ăn phải các vật lạ như hạt sạn, hạt trái cây, vật sắc nhọn… khiến ruột thừa bị tổn thương dẫn đến những cơn đau.
  • Các loại ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun kim… chui vào trong ruột thừa thông qua các lỗ thông gây viêm và đau.

Các nguyên nhân gây viêm ruột thừa đều dẫn đến những cơn đau ruột thừa dữ dội và kéo dài. Đồng thời có thể gây viêm phúc mạc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe toàn thân của người bệnh.

Viêm ruột thừa là gì? Mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được để không bị nhiễm trùng? 2
Mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được?

Triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa

Dựa vào vị trí của ruột thừa trên cơ thể, có thể dễ dàng nhận biết được các triệu chứng của bệnh nhân viêm ruột thừa như:

  • Đau hố chậu phải hoặc bên trên rốn. Cơn đau có thể kéo dài từ 2 - 12 giờ, đau âm ỉ rồi tăng dần và lan ra các vị trí xung quanh. Cơn đau tăng lên khi di chuyển, cử động hoặc ho.
  • Có thể sốt đến 38 độ C, đây là triệu chứng của phản ứng viêm của cơ thể khi bị nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể sốt cao hơn khi bệnh tiến triển thành viêm phúc mạc.
  • Người bệnh gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy, chán ăn, ăn không ngon, táo bón (ít gặp).
  • Sự co cứng thành bụng khi xuất hiện các cơn đau thành bụng và trầm trọng hơn khi ruột thừa bị vỡ.
  • Đi tiểu liên tục, đau bàng quang: Khi tình trạng viêm ruột thừa diễn biến xấu đi và kéo dài, gây nhiễm trùng từ đường ruột và sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình bài tiết của cơ thể.

Khi gặp những triệu chứng trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những nguy hiểm không đáng có đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Và để điều trị dứt điểm bệnh viêm ruột thừa cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ ruột thừa bằng phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở. Vậy mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được để không bị nhiễm trùng?

Viêm ruột thừa là gì? Mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được để không bị nhiễm trùng? 3
Người bệnh bị viêm ruột thừa sẽ có hiện tượng đau ở hố chậu phải

Mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được?

Mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được để không bị nhiễm trùng là thắc mắc của rất nhiều người, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng bức khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi và gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh.

Có 2 phương pháp phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là mổ nội soi và mổ mở truyền thống. Do đó, theo các bác sĩ để trả lời được câu hỏi trên cần phụ thuộc vào phương pháp mổ mà bệnh nhân được chỉ định áp dụng và tình trạng vết mổ.

Đối với trường hợp mổ nội soi

Phương pháp mổ nội soi là một kỹ thuật mổ tiên tiến, ít xâm lấn trực tiếp lên da - cơ nên vết mổ khá nhỏ. Do đó, vết thương nhanh liền và người bệnh sẽ nhanh chóng hồi phục, có thể đi lại và vận động nhẹ nhàng sớm được. Đối với phương pháp này, chỉ cần theo dõi thêm 2 ngày sau khi vết khâu đóng da lại là người bệnh có thể tắm rửa, vệ sinh cơ thể được.

Đối với trường hợp mổ mở truyền thống

Trong trường hợp cắt bỏ ruột thừa bị viêm bằng phương pháp phẫu thuật truyền thống, vết rạch mổ sẽ dài hơn nên cần thời gian lâu hơn để lành lại và người bệnh sẽ phục hồi cũng muộn hơn. Sau khi mổ được đóng lại, không còn chảy máu, không sưng tấy hoặc viêm mủ, vết khâu đã khô không còn chảy dịch và có dấu hiệu liền lại thì người bệnh có thể tắm bằng cách dội nước hoặc lau người để nước không bắn vào và làm ướt vết thương.

Thông thường, trong khoảng 5 ngày đầu sau mổ viêm ruột thừa, người bệnh sẽ có sốt nhẹ. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể nên bạn không cần lo lắng quá. Sau khi nhiệt độ cơ thể bình thường và sức khỏe ổn định thì người bệnh mới nên tắm bằng nước ấm.

Nếu sau 5 ngày nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn không giảm, còn sốt kèm theo đau nhức và sưng tấy tại vết mổ. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, bạn nên dùng khăn tắm lau người bằng nước ấm và đến gặp bác sĩ để được thăm khám, xử lý đúng cách.

Viêm ruột thừa là gì? Mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được để không bị nhiễm trùng? 4
Phương pháp mổ nội soi đang được nhiều bác sĩ chỉ định cho người bệnh viêm ruột thừa

Lưu ý khi tắm sau mổ ruột thừa để tránh nhiễm trùng

Sau khi vết mổ khô và liền lại, người bệnh phẫu thuật viêm ruột thừa có thể tắm gội để vệ sinh cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số vấn đề khi tắm để tránh ảnh hưởng đến vết mổ:

  • Khi tắm không cần băng lại vết mổ, có thể để hở. Nên sử dụng vòi tắm hoa sen có áp lực nước nhỏ hoặc dội nước nhẹ nhàng qua vết mổ, tránh xối thẳng vào vết mổ.
  • Thời gian tắm không nên kéo dài, chỉ tắm trong khoảng 10 - 15 phút.
  • Không tắm bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Không chà xà bông tắm hoặc sữa tắm lên vết mổ.
  • Không nên sử dụng bồn tắm để tắm khi vết mổ chưa lành hẳn để hạn chế nước ngấm vào vết mổ, làm cho vết mổ lâu lành do vi khuẩn xâm nhập.
  • Nên tắm bằng nguồn nước sạch, tuyệt đối không tắm nước ở ao hồ, sông suối để tránh nhiễm trùng vết thương.
  • Sau khi tắm xong, hãy dùng gạc sạch lau khô vết mổ và sát khuẩn lại bằng nước muối hoặc Betadin.

Việc vệ sinh và chăm sóc vết thương sau mổ có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của ca phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên, bạn đọc đã có những kiến thức mới về bệnh viêm ruột thừa, cách chăm sóc vết thương sau mổ và có câu trả lời cho vấn đề mổ ruột thừa bao lâu thì tắm được để không bị nhiễm trùng.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin