Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Một số biến chứng sau khi nhổ răng khôn mà bạn cần lưu ý

Ngày 21/03/2023
Kích thước chữ

Răng khôn thường có rất nhiều bất lợi cho khoang miệng và thường được chỉ định nhổ bỏ. Tuy nhiên, có một số trường hợp xuất hiện biến chứng sau khi nhổ răng khôn. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Răng khôn (hay còn gọi là răng số 8) là răng mọc phía trong cùng của hàm răng. Răng khôn mọc khá trễ, sau khi các răng vĩnh viễn đã mọc hoàn thiện và nó không có chức năng nhai, nghiền thức ăn, dễ gây ra các vấn đề về sức khỏe răng miệng nên thường được chỉ định nhổ bỏ. Biến chứng sau khi nhổ răng khôn luôn là một vấn đề được rất nhiều người tìm hiểu trước khi tiến hành nhổ răng này.

Có nhất thiết phải nhổ răng khôn hay không?

Việc có nên nhổ răng khôn không vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Theo Tổ Chức Chăm Sóc Răng Miệng Hoa Kỳ, hiện nay có khoảng 85% các trường hợp răng khôn bị nhổ bỏ. Tuy nhiên, việc có nên nhổ bỏ răng khôn hay không sẽ được chia thành hai nhóm như sau:

Các trường hợp cần nhổ bỏ răng khôn

Theo các bác sĩ, các trường hợp sau đây cần phải nhổ răng khôn để bảo vệ sức khỏe răng miệng:

  • Răng khôn mọc lệch, xô đẩy răng bên cạnh và gây sâu răng.
  • Răng khôn mọc gây đau nhức, khó chịu, u nang, nhiễm trùng lặp đi lặp lại.
  • Răng khôn mọc ở vị trí sâu trong hàm, khó vệ sinh răng miệng và có nguy cơ gây nên viêm nướu, sâu răng.
  • Răng khôn bị sâu hoặc viêm nha chu.
  • Nhổ răng khôn để phục vụ cho việc chỉnh nha.

Theo các chuyên gia, từ 18 đến 25 tuổi là độ tuổi thích hợp nhất để nhổ răng khôn. Lúc này, chân của răng khôn chỉ mới được hình thành 2/3, nhổ bỏ sẽ an toàn hơn. Từ 35 tuổi trở lên có khả năng gặp nhiều khó khăn, dễ xuất hiện các biến chứng sau khi nhổ răng khôn.

Một số biến chứng sau khi nhổ răng khônRăng khôn gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng thường được chỉ định nhổ bỏ

Các trường hợp không cần nhổ bỏ răng khôn

Không phải tất cả răng khôn đều cần nhổ bỏ, bạn có thể giữ lại chúng trong các trường hợp sau: 

  • Răng khôn mọc thẳng, không có nguy cơ gây nên các bệnh lý răng miệng.
  • Người có bệnh lý mạn tính không được kiểm soát tốt như bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông máu,... Nếu tiến hành phẫu thuật, nguy cơ sẽ xuất hiện các biến chứng sau khi nhổ răng khôn sẽ cao hơn.
  • Răng khôn ảnh hưởng đến các dây thần kinh, xoang hàm,... không thể tiến hành phẫu thuật.

Một số biến chứng sau khi nhổ răng khôn

Ngày nay, máy móc và công nghệ đã hiện đại hơn, nhổ răng khôn không phải là một thủ thuật quá phức tạp và quá nguy hiểm. Tuy nhiên, việc loại bỏ răng khôn cũng tiềm ẩn một số biến chứng có thể xảy ra nếu bạn lựa chọn những nha khoa không uy tín hoặc không chăm sóc hậu phẫu đúng cách. Nếu xuất hiện một trong những biến chứng dưới đây, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định điều trị kịp thời:

Nhiễm trùng huyệt ổ răng

Răng khôn nằm ở vị trí chứa nhiều mạch máu và lympho bào. Vì thế, khi bị nhiễm trùng, chúng có xu hướng phản ứng quá mẫn gây nên tình trạng sưng đau trên diện rộng (sưng nướu, sưng xương hàm hoặc vùng má). Ngoài ra, việc nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn này còn khiến vết mổ có mùi lạ, sốt và nổi hạch,... Nguy hiểm hơn, nếu nhiễm trùng lan vào máu sẽ gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết và có thể dẫn đến tử vong.

Một số biến chứng sau khi nhổ răng khôn 2

Nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn gây sưng đau trên diện rộng

Tổn thương răng số 7

Tình trạng này thường hay xảy ra khi bệnh nhân có cấu trúc răng số 8 hàm dưới mọc chèn vào răng số 7. Nếu răng khôn này được nhổ bởi một bác sĩ chưa già dặn kinh nghiệm hoặc nhổ răng với một lực quá mạnh sẽ làm răng số 7 bị tổn thương.

Thủng xoang hàm trên

Đây được xem là biến chứng nặng nề nhất trong những biến chứng sau khi nhổ răng khôn hàm trên. Xoang hàm trên là một cấu trúc rỗng, cách chân răng số 8 bởi một bản xương mỏng. Khi tác động một lực quá mạnh để nhổ răng số 8, xoang hàm trên có thể vỡ gây thủng xoang hàm. Để tránh biến chứng này, nên chọn phương pháp nhẹ nhàng và chụp X-quang toàn hàm trước khi nhổ.

Tổn thương dây thần kinh

Răng khôn mọc ở vị trí gần sát với các dây thần kinh mắt, dây thần kinh hàm trên, dây thần kinh hàm dưới,... Vì thế, trong nhiều trường hợp, việc nhổ răng khôn sẽ gây cảm giác tê ở đầu lưỡi, môi,... Đây được xem là biến chứng thường gặp và cũng là biến chứng đáng lo ngại nhất khi nhổ răng khôn.

Một số biến chứng sau khi nhổ răng khôn 3

Răng khôn thường nằm gần các dây thần kinh

Cách phòng ngừa biến chứng sau khi nhổ răng khôn

Biến chứng sau khi nhổ răng khôn được xem là nỗi lo lớn nhất của những bệnh nhân quyết định nhổ bỏ răng khôn. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng tránh, những biến chứng này có thể giảm đi đáng kể. Cụ thể như sau:

Trước khi nhổ răng khôn 

Một vài lưu ý nhỏ giúp bạn hạn chế được những biến chứng sau khi tiểu phẫu răng khôn như:

  • Đăng ký tiểu phẫu răng khôn tại các bệnh viện lớn hoặc phòng khám nha khoa uy tín để tránh những biến chứng không đáng có. Hầu hết các trường hợp xảy ra biến chứng nghiêm trọng là do thực hiện tại những phòng khám kém uy tín, không đảm bảo điều kiện vô trùng, máy móc thiết bị không đầy đủ cũng như tay nghề và kinh nghiệm của bác sĩ chưa cao.
  • Trước khi tiến hành tiểu phẫu, bạn cần phải khai báo trung thực với bác sĩ những loại thuốc đang dùng, các bệnh đang mắc phải để bác sĩ nắm bắt và xử lý phù hợp.

Một số biến chứng sau khi nhổ răng khôn4

Thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để thực hiện nhổ răng khôn

Sau khi nhổ răng khôn

Sau khi hoàn thành tiểu phẫu, bạn cần tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của bác sĩ về việc chăm sóc răng miệng sau nhổ để giúp vết thương mau lành. Cụ thể như:

  • Cắn chặt miếng gạc đã được tiệt trùng để cầm máu. Sau 30 - 45 phút nên thay gạc mới để tránh tình trạng nhiễm khuẩn ngược. Không nên súc miệng mạnh trong 24 giờ đầu sẽ gây vỡ cục máu đông.
  • Chườm đá vào vùng má phía ngoài, tại vị trí răng khôn để giảm đau, giảm sưng. Chườm nóng 3 - 4 ngày sau đó để hỗ trợ tan máu bầm.
  • Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc hoặc tập thể dục cường độ mạnh.
  • Không dùng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,... 
  • Ăn những thực phẩm mềm, loãng như súp, cháo, sữa,...
  • Vệ sinh răng nhẹ nhàng bằng bàn chải có lông mềm, hạn chế va chạm vào vùng mới tiểu phẫu.
  • Uống đủ thuốc, đủ liều bác sĩ đã kê đơn.
  • Đến khám bác sĩ ngay nếu nhận thấy có triệu chứng bất thường như chảy máu không cầm được, khó chịu, ngất xỉu, người run, đau nhức liên tục trong vòng 24 giờ,...

Trên đây là một số biến chứng sau khi nhổ răng khôn điển hình và cách phòng tránh biến chứng xảy ra. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích cho bạn trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng.

Hiền Trang

Nguồn tham khảo: Moh.gov.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin