Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Một số tác hại của dầu dừa với da mặt mà bạn nên chú ý

Ngày 30/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dầu dừa là một loại dầu được chiết xuất từ quả dừa. Nó được sử dụng rộng rãi trong ăn uống, chăm sóc cá nhân và công nghiệp. Trong lĩnh vực làm đẹp, dầu dừa có khả năng làm mềm da, giữ ẩm và có tác dụng chống vi khuẩn. Tuy nhiên, khi lạm dụng quá mức, dầu dừa có thể sẽ đem lại một số tác hại ảnh hưởng đến làn da của bạn.

Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu một số tác hại của dầu dừa với da mặt nếu sử dụng sai cách và điểm qua một số lưu ý khi sử dụng dầu dừa cho da mặt để đạt hiệu quả cao nhất.

Tác hại của dầu dừa với da mặt

Gây kích ứng da

Nhiều người quá tin tưởng khi sử dụng dầu dừa để giúp làn da trở nên đàn hồi, căng ẩm mịn màng mà lạm dụng dầu dừa quá mức. Khi đó, dầu dừa sẽ gây ra tác động ngược, khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn, gây ra kích ứng da, khiến da trở nên nhạy cảm hơn, ửng đỏ, thậm chí gây ngứa, châm chích trên da.

Dầu dừa có kết cầu đặc biệt, có chứa nhiều dưỡng chất, nên nếu bạn thuộc làn da nhạy cảm thì cần cân nhắc khi sử dụng dầu dừa cho da mặt.

Nổi mụn

Dầu dừa sẽ tạo nên một lớp dầu mỏng trên làn da mỗi khi sử dụng, giúp bảo vệ và cung cấp dưỡng chất cho làn da. Tuy nhiên, nếu bạn thoa một lượng lớn lên da có thể gây bít tắc lỗ chân lông, tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn hình thành,... đây là những điều kiện thuận lợi để mụn hình thành.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng dầu dừa để làm đẹp da, nếu bạn không chú ý trong việc vệ sinh sạch sẽ làn da sau khi sử dụng thì sẽ tạo điều kiện do mụn ẩn, mụn viêm bùng phát nhanh chóng.

Gây khô da

Các chị em thường dùng dầu dừa để cấp ẩm cho làn da, giúp da trở nên căng mướt, đàn hồi hơn. Tuy nhiên, nếu bạn quá lạm dụng sẽ khiến dầu dừa phản tác dụng.

Quá trình điều tiết bã nhờn của da diễn ra tự động và đều đặn. Do đó, khi bạn thoa quá nhiều dầu dừa lên da sẽ khiến quá trình tự động này trở nên ngưng trệ, khi đó làn da sẽ bị mất lượng dầu cần thiết và khiến da trở nên khô hơn.

Làm mất lớp màng bảo vệ

Chất nhờn trên da được hình thành thông qua quá trình điều tiết bã nhờn và đây được xem là một lớp màng bảo vệ giúp da hạn chế các tác hại từ môi trường. Tuy nhiên, nếu bạn thoa lượng dầu dừa lên da mặt quá dày sẽ làm ức chế sự hoạt động hình thành bã nhờn, khiến làn da mất đi lớp màng bảo vệ tự nhiên.

Khi đó, nếu da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ hay che chắn kỹ càng thì làn da sẽ đối mặt với nguy cơ bị tàn nhang, thâm nám, gây lão hóa sớm.

Tăng lượng dầu thừa

Dầu dừa chứa nhiều axit béo, giúp kháng khuẩn, kháng viêm hiệu quả cho da. Trong một số trường hợp, khi lạm dụng dầu dừa sẽ gây ra tình trạng dư thừa dầu nhờn, khiến làn da trở nên bóng dầu, kém thẩm mỹ. Bên cạnh đó, lượng dầu dư thừa này còn khiến lỗ chân lông trở nên bít tắc, gây mụn viêm, mụn ẩn, khiến da còn tệ hơn lúc ban đầu.

Ngăn cản da hấp thu dưỡng chất

Khi sử dụng dầu dừa, nguyên nhân chính khiến làn da không hấp thụ dưỡng chất là do cách thức hoạt động của của nó. Thoa dầu dừa trên mặt sẽ tạo ra một lớp màng trên da, nếu vô tình thoa một lớp quá dày sẽ ngăn cản sự thẩm thấu các dưỡng chất vào da.

Do đó, bên cạnh các công dụng giúp cung cấp dưỡng chất phong phú cho làn da thì trong một số trường hợp, dầu dừa sẽ có một số tác dụng phụ như đã đề cập ở trên, khiến làn da trở nên tệ hơn.

Một số tác hại của dầu dừa với mặt 1
Lạm dụng dầu dừa gây nổi mụn

Nên làm gì nếu da bị kích ứng khi sử dụng dầu dừa?

Khi da bị kích ứng sau khi sử dụng dầu dừa, bạn có thể thực hiện một số biện pháp như sau:

  • Ngừng sử dụng dầu dừa: Đầu tiên, hãy ngừng sử dụng dầu dừa để cho da được nghỉ ngơi và hồi phục.
  • Rửa da thật sạch: Sử dụng nước ấm và một loại sữa rửa mặt nhẹ để làm sạch da. Tránh sử dụng các sản phẩm chứa hóa chất như xà phòng hoặc sữa rửa mặt có cồn, vì chúng có thể làm tăng tình trạng kích ứng.
  • Dùng kem dưỡng phục hồi: Nhằm giảm sự kích ứng và làm dịu da. Bạn nên chọn sản phẩm không chứa hương liệu, paraben và các chất gây kích ứng khác.
  • Chườm lạnh: Nếu da bị đỏ hoặc sưng, bạn có thể chườm lạnh lên vùng da bị kích ứng để làm dịu cảm giác khó chịu.

Nếu tình trạng kích ứng không giảm hoặc còn tiếp tục xảy ra sau khi bạn ngừng sử dụng dầu dừa và áp dụng các biện pháp trên, bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị đúng cách.

Một số tác hại của dầu dừa với mặt 2
Rửa mặt thật sạch nếu có dấu hiệu châm chích khi sử dụng dầu dừa

Một số lưu ý khi sử dụng dầu dừa cho da mặt

Khi sử dụng dầu dừa cho da mặt, có một số lưu ý quan trọng bạn nên ghi nhớ:

  • Chọn loại dầu dừa hữu cơ và nguyên chất: Đảm bảo bạn mua dầu dừa 100% nguyên chất, không chứa thành phần phụ gia hay hương liệu nhân tạo. Sản phẩm hữu cơ thường tốt hơn vì không chứa hóa chất độc hại.
  • Kiểm tra tình trạng da trước khi sử dụng: Dầu dừa phù hợp cho hầu hết các loại da, nhưng nếu bạn có da nhạy cảm hoặc dễ bị mụn, hãy thử nghiệm trên một khu vực nhỏ của da trước khi sử dụng toàn bộ khuôn mặt. Nếu không có phản ứng tức thì, bạn có thể tiếp tục sử dụng.
  • Lượng dầu dừa cần sử dụng: Chỉ sử dụng một lượng vừa đủ, tránh lạm dụng vì có thể gây tắc lỗ chân lông hoặc gây bóng nhờn.
  • Mát-xa nhẹ nhàng: Dùng đầu ngón tay để mát-xa nhẹ nhàng dầu dừa lên da mặt trong vòng 1 - 2 phút. Điều này giúp kích thích tuần hoàn máu và thẩm thấu tốt hơn.
  • Kết hợp với chế độ chăm sóc da khác: Dầu dừa có thể kết hợp với các sản phẩm chăm sóc da khác như toner, serum hay kem dưỡng để tăng cường hiệu quả chăm sóc. Hãy chọn các sản phẩm phù hợp với loại da của bạn và sử dụng chúng theo hướng dẫn.
  • Bảo quản đúng cách: Dầu dừa nên được lưu trữ ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Một số tác hại của dầu dừa với mặt 3
Kết hợp với sản phẩm chăm da khác để đạt hiệu quả cao hơn

Khi sử dụng dầu dừa sai cách sẽ khiến làn da bạn trở nên nhạy cảm hơn, khô da, dễ bị mẩn đỏ,... Do đó, các chị em khi sử dụng cần đặc biệt lưu ý sử dụng đúng cách để hạn chế được các tác hại của dầu dừa với mặt. Hy vọng với bài viết trên đây, nhà thuốc Long Châu đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm