Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mụn dị ứng là gì? Phân biệt mụn dị ứng với các loại mụn khác

Ngày 31/07/2024
Kích thước chữ

Mụn dị ứng là nỗi ám ảnh của những người sở hữu làn da nhạy cảm. Loại mụn này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn kèm theo triệu chứng ngứa ngáy khó chịu. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý sẽ giúp bạn kiểm soát mụn dị ứng hiệu quả.

Mụn dị ứng là một dạng viêm da do phản ứng của hệ miễn dịch với các tác nhân gây dị ứng. Không chỉ gây mất thẩm mỹ, mụn dị ứng còn có thể gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bị mụn. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý mụn dị ứng để bảo vệ làn da của bạn nhé!

Mụn dị ứng là gì? Nguyên nhân hình thành mụn dị ứng

Mụn dị ứng là một dạng viêm da đặc biệt, xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn phản ứng quá mức với một số tác nhân từ môi trường. Khác với mụn trứng cá thông thường hình thành do sự tắc nghẽn lỗ chân lông và hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn, mụn dị ứng là kết quả của một phản ứng miễn dịch. 

Khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (còn gọi là dị nguyên), hệ miễn dịch sẽ sản xuất ra kháng thể IgE, gây ra phản ứng viêm trên da, biểu hiện bằng các nốt mụn nhỏ, đỏ, ngứa và thường tập trung thành từng mảng.

Mụn dị ứng là gì? Phân biệt mụn dị ứng với các loại mụn khác 1
Mụn dị ứng gây ngứa ngáy và các triệu chứng khó chịu khác

Các tác nhân gây dị ứng có thể rất đa dạng, từ mụn dị ứng mỹ phẩm, dị ứng sản phẩm dưỡng da, thực phẩm, thuốc cho đến các yếu tố môi trường như bụi, phấn hoa, lông động vật... Một số người có thể bị dị ứng với niken trong trang sức, hương liệu trong nước hoa, hoặc thậm chí là với ánh nắng mặt trời.

Dấu hiệu nhận biết mụn dị ứng

Việc nhận biết sớm những dấu hiệu của mụn dị ứng này giúp bạn có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để tình trạng trở nên nặng hơn. Đặc điểm nhận diện mụn dị ứng

  • Xuất hiện đột ngột: Khác với mụn trứng cá thường phát triển dần dần, mụn dị ứng thường xuất hiện đột ngột, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Ví dụ, da mặt bị dị ứng với thành phần của sản phẩm dưỡng da ngay khi bạn dùng sản phẩm này lần đầu tiên.
  • Mụn nhỏ, li ti: Mụn dị ứng thường có kích thước nhỏ, li ti, có thể có màu đỏ hoặc trắng, đôi khi chứa dịch trong.
  • Tập trung thành mảng: Mụn dị ứng thường không mọc rải rác mà tập trung thành từng mảng, đặc biệt ở vùng da tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên. Đây là lý do ở những người bị dị ứng da mặt nổi mụn, chúng ta thấy mụn thường tập trung thành đám.
  • Ngứa ngáy, khó chịu: Mụn dị ứng thường gây ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí là đau rát.
Mụn dị ứng là gì? Phân biệt mụn dị ứng với các loại mụn khác 2
Mụn dị ứng xuất hiện thành từng mảng, từng vùng, khá dày đặc

Ngoài các đặc điểm trên, mụn dị ứng còn có thể đi kèm với các triệu chứng dị ứng khác như:

  • Dị ứng da thường kèm theo tình trạng nổi mề đay. Đây là những nốt sẩn phù, có màu đỏ hoặc trắng, nổi lên trên bề mặt da và gây ngứa ngáy dữ dội.
  • Vùng da xung quanh mụn có thể bị sưng phù, đặc biệt là ở mặt, môi, mắt.
  • Dị ứng có thể kích thích niêm mạc mũi và mắt, gây chảy nước mắt, nước mũi.
  • Hắt hơi, sổ mũi là những triệu chứng thường gặp của viêm mũi dị ứng, có thể xuất hiện kèm theo mụn dị ứng.
  • Trong trường hợp nặng, dị ứng có thể gây khó thở, thậm chí là sốc phản vệ, một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Cách điều trị và phòng ngừa mụn dị ứng

Mụn dị ứng dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Để chữa mụn dị ứng cần sự kết hợp giữa việc loại bỏ tác nhân gây dị ứng, chăm sóc da đúng cách và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Xác định và loại bỏ tác nhân gây dị ứng

Đây là bước quan trọng nhất trong điều trị mụn dị ứng. Bằng cách xác định chính xác tác nhân gây dị ứng, bạn có thể tránh tiếp xúc với chúng, từ đó ngăn ngừa mụn tái phát. Nếu nghi ngờ mỹ phẩm hoặc sản phẩm chăm sóc da là nguyên nhân, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức. 

Nếu nghi ngờ dị ứng thực phẩm, hãy ghi chép lại nhật ký ăn uống để tìm ra "thủ phạm" gây dị ứng. Trong trường hợp dị ứng môi trường, hãy hạn chế tiếp xúc với các tác nhân như bụi, phấn hoa, lông động vật...

Mụn dị ứng là gì? Phân biệt mụn dị ứng với các loại mụn khác 3
Dị ứng mỹ phẩm thường xảy ra ngay lần đầu khi bạn dùng một loại mỹ phẩm mới

Sử dụng thuốc theo chỉ định

Dị ứng da mặt bôi thuốc gì? Trong trường hợp mụn dị ứng gây ngứa ngáy và khó chịu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamine để giảm triệu chứng. Nếu mụn bị viêm và sưng tấy, thuốc corticosteroid có thể được sử dụng để giảm viêm. Trong trường hợp mụn bị nhiễm trùng, kháng sinh có thể được chỉ định.

Vệ sinh da đúng cách

Rửa mặt sạch sẽ 2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng, hương liệu và chất tạo màu là bước quan trọng để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và các tác nhân gây kích ứng khác trên da. 

Bạn tuyệt đối không nặn mụn dị ứng vì có thể làm tổn thương da và gây nhiễm trùng. Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da để duy trì độ ẩm và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại. Chăm sóc da đúng cách sau khi bị dị ứng có thể giúp giảm viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình lành vết thương, từ đó giúp mụn dị ứng khỏi nhanh hơn.

Chế độ ăn uống cho người bị mụn dị ứng

Khi bị mụn dị ứng, việc điều chỉnh chế độ ăn uống là cần thiết để giúp hỗ trợ quá trình điều trị và làm dịu các triệu chứng khó chịu trên da. Dưới đây là một số loại thực phẩm nên ưu tiên và hạn chế khi bị mụn dị ứng:

  • Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích, hạt chia, quả óc chó... chứa nhiều axit béo omega-3 có tác dụng chống viêm, giảm sưng và làm dịu da.
  • Sữa chua, kefir, kim chi, dưa cải muối... chứa các lợi khuẩn probiotics giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch và giảm phản ứng dị ứng.
  • Các loại trái cây và rau quả giàu vitamin C, vitamin E và chất chống oxy hóa như cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi, bông cải xanh, rau bina... giúp tăng cường sức đề kháng, làm lành vết thương và giảm viêm.
  • Thịt bò, thịt gà, hải sản, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt... chứa kẽm có tác dụng kháng viêm, giảm sưng và hỗ trợ quá trình tái tạo da.
  • Nước giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố và giữ cho da đủ ẩm, hỗ trợ quá trình lành vết thương. Vì vậy, hãy uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày bạn nhé!
Mụn dị ứng là gì? Phân biệt mụn dị ứng với các loại mụn khác 4
Khám da liễu để bác sĩ tư vấn dùng thuốc chữa mụn dị ứng

Mụn dị ứng tuy không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, có thể gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tốc độ phục hồi của da bị dị ứng phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Thông thường, mụn dị ứng có thể khỏi trong khoảng 1 - 2 tuần nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt là khi dị ứng nặng hoặc tái phát nhiều lần, có thể để lại sẹo hoặc vết thâm trên da. 

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:mụndị ứng