Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Mụn không nhân ở má: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả

Ngày 15/07/2024
Kích thước chữ

Mụn không nhân ở má không chỉ thiếu thẩm mỹ mà còn khiến da bị tổn thương, gây đau nhức khó chịu. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các vấn đề xoay quanh loại mụn này để có thêm nhiều thông tin hữu ích trong việc chăm sóc da nhé!

Bị mụn không nhân ở má là vấn đề da khá phổ biến có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Tình trạng này không chỉ khiến da bị tổn thương, gây đau nhức khó chịu mà còn làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Vậy tại sao mụn không nhân lại xuất hiện ở má? Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này ra sao? Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé!

Mụn không nhân ở má là gì?

Mụn không nhân ở má là một dạng mụn viêm đỏ thường gặp, do vùng da này tiết nhiều bã nhờn và dễ tích tụ bụi bẩn. Loại mụn này thường là mụn bọc lớn, gây tình trạng viêm đỏ, sưng tấy và đau nhức khó chịu. Tên gọi "mụn không nhân" xuất phát từ việc nhân mụn nằm ẩn sâu dưới bề mặt da, không trồi lên bề mặt như các loại mụn thông thường khá. Do đó, việc tìm hiểu kỹ nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp loại bỏ mụn không nhân và ngăn tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Mụn không nhân ở má: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả 2
Mụn không nhân ở má gây tình trạng viêm đỏ, sưng tấy và đau nhức khó chịu

Nguyên nhân chính của mụn ở má xảy ra do sự tích tụ bã nhờn dư thừa khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm. Ngoài ra, các yếu tố như chạm tay lên mặt, để điện thoại tiếp xúc với da, đeo khẩu trang trong thời gian dài hoặc không thay vỏ gối định kỳ cũng góp phần khiến mụn không nhân bùng phát ở má. Cần phải chăm sóc đúng cách để ngăn chặn và khắc phục hiệu quả tình trạng này.

Nguyên nhân gây mụn không nhân ở má

Để có phương pháp trị mụn không nhân ở má hiệu quả, cần phải nắm được nguyên nhân gây mụn. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng mụn có thể kể đến như:

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Việc ăn các loại thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thường xuyên thức khuya, tiêu thụ nhiều caffeine, rượu bia, hút thuốc lá, làm việc quá sức,... có thể khiến cơ thể trở nên suy nhược và chức năng thải độc của gan kém, dẫn đến mụn xuất hiện nhiều hơn.
  • Thường xuyên căng thẳng, stress: Cơ thể mệt mỏi do áp lực trong thời gian dài làm thay đổi nội tiết tố và hormone. Điều này khiến da tiết nhiều dầu và bã nhờn hơn, gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn.
  • Không làm sạch da mặt đúng cách: Bụi bẩn, bã nhờn và lớp trang điểm còn sót lại có thể làm da bị bí bách. Việc sử dụng mỹ phẩm có chứa hóa chất độc hại cũng làm da bị hư tổn, nhạy cảm và dễ nổi mụn.
  • Tổn thương da: Da bị tổn thương cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mụn hình thành ở má. Chẳng hạn như, việc chà xát mạnh khi tẩy trang, rửa mặt hoặc tẩy tế bào chết cũng có thể làm mụn vỡ, khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
  • Tế bào chết tích tụ: Tế bào chết kết hợp với dầu thừa tích tụ trên da gây tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến mụn ở má là điều khó tránh khỏi.
Mụn không nhân ở má: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả 4
Nguyên nhân gây mụn không nhân ở má có thể do lối sống không lành mạnh

Có nên nặn mụn không nhân ở má không?

Hầu hết các loại mụn, bao gồm mụn không nhân đều không nên tự nặn tại nhà mà cần tìm gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp trị mụn an toàn và hiệu quả. Bởi vì một số nguyên nhân như:

  • Khi nặn mụn không nhân, vi khuẩn có thể xâm nhập vào lỗ chân lông và nang lông, làm cho tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến ổ mụn lớn hơn.
  • Việc cố gắng nặn mụn có thể làm tổn thương da, điều này sẽ làm tăng nguy cơ để lại sẹo mụn vĩnh viễn.
  • Nếu nặn mụn không đúng cách có thể khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây viêm đỏ.

Những thói quen khiến tình trạng mụn viêm đỏ càng nặng hơn

Để khắc phục tình trạng mụn không nhân ở má hiệu quả, ngoài việc thăm khám bác sĩ da liễu để được tư vấn thay vì tự điều trị tại nhà, bạn cũng cần tránh một số thói quen xấu sau đây:

  • Sờ và nặn mụn thường xuyên: Hành động này sẽ khiến mụn không nhân bị viêm nặng hơn và sưng tấy do tay không luôn sạch sẽ.
  • Trang điểm quá dày hoặc dùng mỹ phẩm không phù hợp: Lớp trang điểm dày hoặc dùng mỹ phẩm chứa thành phần không phù hợp làm cho da bị bít tắc, gây tổn thương và dẫn đến mụn.
  • Vệ sinh da không sạch sẽ: Mặc dù cần ngưng sử dụng mỹ phẩm khi bị mụn viêm để da có thời gian nghỉ ngơi, nhưng bước làm sạch da vẫn rất quan trọng. Bụi bẩn và bã nhờn tích tụ sẽ làm cho da viêm nặng hơn nếu không được làm sạch hàng ngày.
  • Không giặt chăn gối thường xuyên: Chăn gối tiếp xúc trực tiếp với da mặt hàng ngày, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn sẽ sinh sôi trên da và gây ra mụn.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn quá nhiều dầu mỡ, đường, thực phẩm chứa phụ gia, bảo quản và đồ cay nóng có thể khiến da dễ bị mụn.
  • Căng thẳng, stress và thiếu ngủ: Tình trạng này làm rối loạn đồng hồ sinh học, thay đổi hormone và nội tiết tố, khiến bã nhờn tiết ra nhiều hơn, gây ra mụn.
Mụn không nhân ở má: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả 3
Vệ sinh da không không đúng cách có thể khiến tình trạng mụn trầm trọng hơn

Cách chăm sóc da giúp khắc phục tình trạng mụn không nhân ở má

Để cải thiện tình trạng mụn không nhân ở má, việc chăm sóc da có vai trò rất quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc da mà bạn có thể tham khảo như:

Dùng sản phẩm giúp thu nhỏ lỗ chân lông

Nếu mụn ở má do lỗ chân lông to và da tiết nhiều dầu nhờn, bạn nên sử dụng các sản phẩm như serum, kem dưỡng, mặt nạ,... có khả năng thu nhỏ và cải thiện lỗ chân lông. Những sản phẩm này giúp điều chỉnh tuyến bã nhờn và cung cấp dưỡng chất cho da.

Sử dụng sản phẩm kiềm dầu

Khi da tiết quá nhiều dầu nhờn, hãy sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có khả năng kiềm dầu. Chúng có khả năng giúp kiểm soát dầu nhờn, giảm nguy cơ mụn xuất hiện.

Tẩy tế bào chết 2 lần/tuần

Việc tẩy tế bào chết 2 lần/tuần sẽ giúp lỗ chân lông thông thoáng và ngăn ngừa mụn hình thành. Tuy nhiên, nếu tình trạng mụn không nhân ở má trở nên nghiêm trọng, bạn nên chọn sản phẩm tẩy tế bào chết dịu nhẹ để tránh tổn thương da.

Sử dụng sản phẩm kiểm soát vi khuẩn P.Acnes

Vi khuẩn P.Acnes là nguyên nhân gây mụn ở má. Do đó, cần chọn các sản phẩm có khả năng kiểm soát loại vi khuẩn này như tẩy trang, sữa rửa mặt, tẩy tế bào chết, sản phẩm cấp ẩm,... Đảm bảo các sản phẩm này phù hợp với da và không gây kích ứng.

Mụn không nhân ở má: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả 1
Sử dụng sản phẩm có khả năng giúp kiểm soát vi khuẩn P.Acnes

Tránh các thành phần không phù hợp cho da mụn

Khi chăm sóc da mụn, tránh sử dụng các sản phẩm chứa thành phần như silicone, dầu khoáng, gốc petrolatum, cồn khô, lanolin, isopropyl myristate và SLS, vì chúng có thể làm tình trạng mụn trầm trọng thêm.

Sử dụng dược mỹ phẩm để điều trị mụn

Các sản phẩm dược mỹ phẩm chiết xuất từ thiên nhiên có thể giúp điều trị mụn hiệu quả mà không gây hại cho da. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia thẩm mỹ để chọn sản phẩm phù hợp.

Sử dụng thuốc uống theo chỉ dẫn của bác sĩ

Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể sử dụng thuốc uống để điều trị mụn, nhưng phải tuân thủ theo đơn của bác sĩ. Thuốc sẽ được kê đơn dựa trên nguyên nhân gây mụn và bạn cần tuân thủ đúng liệu trình để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Duy trì cuộc sống cân bằng và lành mạnh

Một lối sống cân bằng và lành mạnh sẽ giúp cải thiện da từ bên trong. Hãy duy trì sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc, hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, cà phê, thuốc lá và đồ uống có ga để có làn da khỏe mạnh, tươi sáng.

Mụn không nhân ở má không chỉ gây đau nhức khó chịu mà còn làm mất thẩm mỹ khiến chúng ta cảm thấy thiếu tự tin. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần phải học cách chăm sóc da để khắc phục hiệu quả nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:mụnTrị mụn