Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nấm miệng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị

Ngày 09/04/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh về da và niêm mạc do nấm Candida là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam. Trong đó, nấm miệng hay viêm miệng (tưa miệng) là bệnh lý thường gặp. Vậy nấm miệng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị thế nào?

Candida là một loại nấm tồn tại khá phổ biến trong tự nhiên, tổng cộng có hơn 300 loài và trong đó Candida albicans là loại phổ biến nhất. Candida albicans được coi là vi sinh vật bình thường ở người khỏe mạnh, nó có thể kí sinh ở miệng, âm đạo, ruột, hậu môn, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi thì nó lại trở thành tác nhân gây bệnh.

Nấm miệng là bệnh gì?

Nấm miệng còn được gọi là bệnh tưa miệng, đẹn miệng hay viêm miệng. Đây là một bệnh lý do nấm Candida albicans gây ra ở vùng khoang miệng, vị trí có thể vòm họng, vùng nướu răng, thành sau họng, lưỡi gà, amidan,...

Nhìn chung nấm miệng có thể xảy ra đối với tất cả mọi lứa tuổi, nhưng những đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ sơ sinh, trẻ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, trẻ đẻ non, nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng, người già yếu suy kiệt. Những người mang các bệnh lý suy giảm miễn dịch, người nhiễm HIV, ung thư, bệnh máu ác tính làm giảm bạch cầu, những người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch cũng là đối tượng nguy cơ cao.

Đối với những đối tượng nguy cơ kể trên, ngoài việc dễ bị mắc bệnh do nấm thì việc điều trị, tiên lượng kiểm soát sự lan tràn của nấm cũng khó hơn với người bình thường khỏe mạnh.

Nấm miệng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị Nấm miệng là bệnh gì? 

Nguyên nhân gây bệnh nấm miệng

Như đã nói ở trên, nguyên nhân gây nấm miệng là do nấm Candida albicans. Đặc biệt với thời tiết khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam thì bệnh do nấm thuộc tuýp bệnh phổ biến. 

Thực tế, chúng ta không nên hiểu nhầm rằng người nhiễm nấm nên mới bị bệnh nấm miệng. Bởi nấm Candida tồn tại khắp nơi: Trên cơ thể con người, trong môi trường đất, nước, không khí, tồn tại trên cả thực vật, động vật,... Ở đối tượng khỏe mạnh, nấm Candida albicans thậm chí được coi là thuộc hệ vi khuẩn bình thường. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và tìm thấy nấm xuất hiện ở miệng, ở da, ở ruột, ở âm đạo, phế quản nhưng nó không gây biểu hiện bệnh lý.

Đa số các trường hợp chuyển sang trạng thái bệnh lý khi phát triển trên cơ địa người suy giảm miễn dịch, sức đề kháng giảm sút hoặc hít phải bào tử nấm (trong không khí hoặc thức ăn có nhiễm nấm) mà gây ra bệnh đường hô hấp, tiêu hóa.

Dấu hiệu bệnh nấm miệng

Nấm miệng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị 3 Dấu hiệu nấm miệng thường gặp

Thời điểm ban đầu, nấm miệng có thể không gây biểu hiện rõ ràng. Các dấu hiệu thường gặp sau đó cũng có những điểm khác nhau giữa các đối tượng và tùy từng thể.

Biểu hiện chung dễ nhận biết nhất là niêm mạc vùng khoang miệng, vùng lưỡi, hay má có màu đỏ và khô. Lưỡi xuất hiện những gai nhỏ, bóng, có thể thấy các vết mảng màu trắng, các mảng đó mềm, dễ cạo ra, khi cạo ra có thể thấy chảy máu, đau.

Thể viêm lưỡi giả mạc: Thể bệnh này hay gặp ở người già yếu hoặc đối tượng phụ nữ đang cho con bú. Biểu hiện là ở vùng lưỡi, má, hầu họng niêm mạc đỏ lên, phù nề, trên đó sẽ thấy nổi các đốm màu trắng. Khi qua giai đoạn cấp tính tiển triển tới mạn tính thì biểu hiện viêm lan rộng ra xung quanh và có thể lan xuống thực quản, niêm mạc giảm cảm giác đỏ và phù nề so với lúc đầu, các đốm màu trắng dễ cạo bỏ để lại vết trợt, chảy máu tại vùng đó. 

Thể viêm teo: Đây là thể hay gặp ở người dùng răng giả. Niêm mạc vùng khoang miệng sưng phù, bóng và có cảm giác rất rát như bị bỏng. Vùng lưỡi cũng loét, đỏ, phù.

Thể viêm ở góc miệng: Thể này hay gặp ở trẻ suy dinh dưỡng, người hay có thói quen dùng lưỡi chà xát răng nướu. Biểu hiện là góc miệng xuất hiện mảng vảy da trắng, có vết nứt, đau khi nhai nuốt.

Nấm miệng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị 2

Nấm miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt người suy giảm miễn dịch

Tuy nhiên nhiều khi nấm miệng trên lâm sàng cũng dễ bị nhầm với biểu hiện của một vài bệnh khác như viêm miệng do vi khuẩn, phì đại gai lưỡi, loét áp tơ. Bởi vậy nếu có dấu hiệu nghi ngờ nấm miệng bạn cần tới cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và làm thêm xét nghiệm cần thiết cho chẩn đoán bạn nhé.

Điều trị bệnh nấm miệng

Việc điều trị cũng như tiên lượng nấm miệng có nhiều điểm khác nhau tùy vào đối tượng là người suy giảm miễn dịch hay không suy giảm miễn dịch, người lớn, trẻ em, người già hay phụ nữ mang thai.

Điều trị nấm miệng người khỏe mạnh, không suy giảm miễn dịch

Bình thường, người khỏe mạnh sẽ có sức đề kháng nấm khá cao. Nếu có nhiễm nấm thì hệ miễn dịch của cơ thể cũng sẽ nhanh chóng phản ứng và tự giới hạn tổn thương, bởi vậy, ở người khỏe mạnh, không phải ai nhiễm nấm Candida cũng cần thiết chỉ định điều trị.

Nếu nhiễm nấm ở người khỏe mạnh biểu hiện rõ triệu chứng thì việc quan trọng là loại bỏ các yếu tổ thuận lợi gây ra sự phát triển của nấm và phục hồi tổn thương ở vùng da, niêm mạc. Khi đó, người bệnh cần uống nhiều nước, uống thêm acidophilus và ăn sữa chua không đường, tránh không để cọ xát trầy xước trên da, sau đó theo chỉ định của bác sĩ để dùng kem kháng nấm loại bôi tại chỗ. Các thuốc kháng nấm thường dùng là nhóm azole, amphotericin B.

Điều trị nấm miệng ở người suy giảm miễn dịch

Như đã nói ở trên, người suy giảm miễn dịch hoặc miễn dịch yếu như người già suy kiệt, HIV, ung thư, đang điều trị thuốc tiêu diệt miễn dịch, bệnh máu ác tính,... là những đối tượng nguy cơ cao và rõ ràng điều trị khó hơn nhiều so với đối tượng thông thường. Nếu không điều trị sớm và đúng cách, nấm có thể lan tràn sang các cơ quan khác như như thực quản, phổi, ruột, máu,...

Nguyên tắc điều trị vẫn là loại bỏ các yếu tố tạo điều kiện phát triển của nấm và dùng kháng sinh chống nấm. Đối với nhiễm nấm vùng họng miệng thường sử dụng nystatin, fluconazole. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc kháng nấm có tác dụng phụ, gây hại cho gan, có trường hợp kháng thuốc và phải thay thế nên bệnh nhân cần được thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát các nguy cơ có thể xảy ra. 

Điều trị nấm miệng ở trẻ sơ sinh và phụ nữ đang cho con bú

Với đối tượng nhiễm nấm miệng là trẻ sơ sinh hoặc bà mẹ đang cho con bú thì nguyên tắc điều trị cơ bản là phải điều trị cả mẹ và con, đồng thời chú ý các biện pháp vệ sinh núm vú hoặc máy vắt sữa. Nếu chỉ điều trị mẹ hoặc con thì nguy cơ nhiễm từ người này sang người con lại là rất cao và không thể trị dứt điểm được bệnh. 

Thông thường, trong toa thuốc, trẻ sơ sinh sẽ dùng một nhóm thuốc kháng nấm nhẹ, mẹ sẽ dùng kem chống nấm vùng vú. 

Để vệ sinh núm vú giả, máy vắt sữa hay cốc sữa thì ba mẹ có thể ngâm trong dung dịch nước ấm và giấm (tỉ lệ 1:1) sẽ có tác dụng khử nấm ba mẹ nhé. 

Phòng bệnh nấm miệng thế nào?

Việc phòng bệnh nấm miệng hay các bệnh do nấm nói chung là vô cùng quan trọng với những đối tượng nguy cơ cao. Để phòng tránh nhiễm nấm, các bạn nên chú ý những biện pháp cơ bản sau:

  • Thực hiện tốt giữ gìn vệ sinh răng miệng trong thói quen hằng ngày. Đánh răng 3 lần/ngày, súc miệng bằng nước muối ấm mà không nên dùng các loại nước súc miệng khác tránh làm rối loạn hệ vi sinh vật bình thường trong khoang miệng. Chú ý đổi bàn chải, khăn rửa mặt 3 đến 6 tháng một lần.
  • Sử dụng miếng đệm khi cho con bú, tốt nhất nên dùng chọn loại dùng một lần. Nếu không mẹ hãy chú ý vệ sinh miếng đệm áo lót sạch sẽ mẹ nhé.
  • Chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn, sinh dục. Khi đi vệ sinh thì rửa từ trước ra sau. Không tự ý thụt rửa âm đạo.
  • Thời tiết nóng ẩm chú ý vệ sinh những vùng kín, ẩm trên cơ thể, chú ý vệ sinh quần áo.
  • Khi có biểu hiện nhiễm bệnh hãy đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời các bạn nhé.
Nấm miệng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị 5 Vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách là biện pháp đề phòng nấm miệng hiệu quả

Với bài viết trên đây, Nhà Thuốc Long Châu hi vọng gửi tới quý vị và các bạn những thông tin hữu ích để giải đáp thắc mắc "Nấm miệng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị". Nhà Thuốc Long Châu luôn sẵn sàng đồng hành cùng tất cả quý bạn chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe bản thân và cả gia đình.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm