Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân bị nấm da đầu và cách điều trị hiệu quả

Ngày 13/06/2024
Kích thước chữ

Trong các loại nấm da, nấm da đầu là loại nấm khiến người bệnh cảm thấy mất tự tin nhất. Nấm da đầu không chỉ gây ngứa, gây mất vệ sinh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ. Vậy nguyên nhân bị nấm da đầu là gì và cách điều trị ra sao?

Nấm da đầu được xếp vào nhóm bệnh da liễu phổ biến. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị nấm da đầu với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân bị nấm da đầu thường khá giống nhau. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh nấm da đầu.

Nấm da đầu là bệnh gì? Có những loại nào?

Nấm da đầu là một căn bệnh da liễu xảy ra khi da đầu bị nấm sợi (thường thuộc loài Trichophyton và Microsporum) tấn công da đầu và gây ra các biểu hiện bệnh. Nấm da đầu dễ bị nhầm lẫn với các bệnh á sừng, vẩy nến vì các triệu chứng ban đầu khá giống nhau. Khi mới bị nấm, người bệnh có thể chỉ bị ngứa nhưng sau đó có thể bị nhiễm trùng, rụng tóc, sẹo vĩnh viễn trên da đầu.

Có một số dạng nấm da đầu thường gặp nhất như:

  • Nấm da đầu do Trichophyton khởi phát là những nốt sần rải rác và nhỏ trên da đầu. Trên da đầu xuất hiện các mảng vảy mỏng, sẽ có những sợi tóc bị cụt gần chân tóc xen lẫn những sợi tóc bình thường. Lý do là khi bị nhiễm nấm, tóc sẽ giòn, dễ gãy hơn. Dạng nấm da đầu này gây ngứa nhiều, người bệnh có thể bị nấm móng, nấm ở bẹn, ở mông kèm theo.
  • Bệnh trứng tóc do nấm nấm Pierdraiahortai và Trichosporon beigelii gây ra cũng khá thường gặp. Triệu chứng điển hình của bệnh là xuất hiện các hạt tròn mềm, kích thước khoảng hạt kê, mọc cách chân tóc 2 - 3 cm và bám dọc thân tóc. Những hạt này có màu nâu, đen và có thể dùng tay tuốt ra giống như trứng chấy. Loại nấm này phát triển ở thân tóc, ít gây ngứa.
Nguyên nhân bị nấm da đầu và cách điều trị hiệu quả 1
Có nhiều chủng nấm gây bệnh nấm da đầu

Dấu hiệu nhận biết bệnh nấm da đầu

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân bị nấm da đầu, chúng ta sẽ cùng khám phá các dấu hiệu nhận biết điển hình của bệnh.

  • Đầu tiên, da đầu của người bệnh có thể xuất hiện gàu nhiều bất thường do nấm kích thích tuyến dầu nhờn dưới da tiết nhiều bã nhờn hơn.
  • Sau giai đoạn này, da đầu người bệnh xuất hiện cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Người bệnh gãi liên tục, có thể khiến da đầu trầy xước, chảy máu, đóng vảy. Một số người bệnh bị mọc mụn đỏ li ti trên da đầu.
  • Ở giai đoạn tiếp theo, người bệnh bị rụng tóc nhiều, thường khoảng sau khi nhiễm nấm 20 ngày. Tóc rụng tự nhiên và rụng nhiều khi chải tóc, khi gội đầu. Có người bệnh xuất hiện các mảng hói hình đồng xu với các kích thước khác nhau khiến họ lo lắng.
  • Nấm da đầu lan xuống mặt là dấu hiệu khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn nặng. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và nguy cơ tái phát cao hơn.
Nguyên nhân bị nấm da đầu và cách điều trị hiệu quả 2
Nấm trên đầu có thể lan xuống tai, xuống mặt

Nguyên nhân bị nấm da đầu là gì?

Như đã nói ở trên, “thủ phạm” chính gây nấm da đầu là chủng nấm Microsporum và Trichophyton. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị chủng nấm này tấn công gây bệnh. Vậy nguyên nhân bị nấm da đầu là gì?

  • Da đầu không được vệ sinh sạch sẽ, các chất bã nhờn, tế bào da chết tích tụ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Vào thời tiết nóng bức, da đầu thường xuyên bị ẩm nguy cơ nấm càng cao.
  • Một số người có thói quen để tóc ẩm ướt đi ngủ, đội mũ bảo hiểm khi tóc ướt… Đây chính là điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển và tấn công da đầu.
  • Khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, khả năng đề kháng và chống nấm của da cũng giảm sút. Đây là thời điểm vi nấm bùng phát mạnh và tấn công, gây bệnh trên da đầu.
  • Nấm da đầu có lây không? Chắc chắn căn bệnh ngoài da này có thể lây nhiễm. Dùng chung các vật dụng cá nhân như mũ, khăn lau đầu, chăn, gối… với người bị nấm da đầu, nguy cơ lây bệnh là không thể tránh khỏi.
  • Có những người bị lây nấm da đầu từ vật nuôi trong nhà. Dù bệnh nấm da đầu chủ yếu xuất hiện ở người nhưng cũng có những loại nấm phát triển và gây bệnh ở chó, mèo. Khi tiếp xúc gần với động vật bị nhiễm nấm, bạn cũng có nguy cơ bị nấm da đầu.
Nguyên nhân bị nấm da đầu và cách điều trị hiệu quả 3
Có nhiều nguyên nhân bị nấm da đầu và nguyên nhân có thể khác nhau ở mỗi người

Nấm da đầu chữa được không?

Khi có dấu hiệu nhiễm nấm, bạn nên đi khám da liễu sớm. Ngoài căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định soi tươi mẫu bệnh phẩm, nuôi cấy tóc… để tìm ra chính xác loại nấm gây bệnh. Từ các kết quả khám và xét nghiệm, bác sĩ mới tư vấn cách điều trị phù hợp.

Một trong những cách trị nấm da đầu triệt để nhất là dùng thuốc bôi hoặc thuốc uống kết hợp gội đầu bằng dầu gội chống nấm. Các loại thuốc trị nấm da đầu thường được chỉ định như Fluconazole, Griseofulvin, Terbinafine, Itraconazole, Griseofulvin… Thuốc Griseofulvin phát huy hiệu quả điều trị cao với nấm da đầu do Microsporum spp. Terbinafine lại tốt hơn với bệnh nhân nấm da đầu do Trichophyton spp.

Dầu gội đầu trị nấm thường được bác sĩ tư vấn là Sulfide selenium hoặc Nizoral. Người bệnh là nam giới có thể cạo tóc để bôi thuốc diệt nấm cho hiệu quả. Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện tổn thương bội nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh toàn thân kết hợp thuốc sát khuẩn tại chỗ.

Cách trị nấm da đầu bằng bồ kết cũng được một số người áp dụng. Saponin trong bồ kết có tác dụng làm sạch da đầu nhưng nó dường như không thực sự hiệu quả trong việc trị nấm triệt để.

Nguyên nhân bị nấm da đầu và cách điều trị hiệu quả 4
Bạn cần khám da liễu để được bác sĩ tư vấn cách trị nấm da đầu hiệu quả

Phòng ngừa nấm da đầu bằng cách nào?

Nấm da đầu không chỉ gây ra những triệu chứng vô cùng khó chịu. Căn bệnh da liễu này còn khiến người bệnh thiếu tự tin, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và công việc. Vì vậy, khi đã biết nguyên nhân bị nấm da đầu, mỗi người trong chúng ta nên nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh. Một số việc mà ai cũng nên làm như:

  • Gội đầu thường xuyên từ 3 - 4 lần mỗi tuần để giữ da đầu luôn sạch sẽ.
  • Không để da đầu ẩm ướt ngủ qua đêm.
  • Không nên dùng chung khăn lau đầu, khăn tắm với người bị bệnh nấm da.
  • Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi bị nhiễm nấm.
  • Tăng cường đề kháng cho cơ thể và làn da bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.

Tóm lại, nấm da đầu là bệnh ngoài da thường gặp và có thể gặp ở bất cứ ai trong chúng ta. Nguyên nhân bị nấm da đầu ở mỗi người có thể không giống nhau nhưng ảnh hưởng của căn bệnh da liễu này đối với mọi bệnh nhân đều như nhau. Chủ động phòng ngừa, đi khám sớm khi có dấu hiệu bị nấm sẽ giúp bạn giảm lo lắng đối với bệnh nấm da đầu. 

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Bệnh da liễu