Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nên lưu ý điều gì khi sử dụng máy xông khí dung điều trị bệnh tai mũi họng? 

Ngày 16/07/2022
Kích thước chữ

Các bệnh lý tai mũi họng như viêm họng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng,... là những vấn đề rất phổ biến, có thể diễn ra ở bất kỳ ai. Có nhiều phương pháp để điều trị các bệnh này, một trong số đó là sử dụng thuốc bằng đường khí dung. Cách làm này sẽ làm thuốc tác dụng nhanh và ít gây ra tác dụng phụ cho người bệnh, hỗ trợ chữa các bệnh về tai mũi họng rất hiệu quả.

Dùng khí dung trong chữa trị các bệnh liên quan đến tai mũi họng sẽ làm tăng hiệu quả điều trị nhờ khả năng tác động trực tiếp vào vị trí viêm nhiễm phía trong đường hô hấp như xoang họng, hốc mũi, thanh quản,... Tuy đem lại nhiều công dụng nhưng bệnh nhân vẫn cần lưu ý một số điểm khi sử dụng phương pháp này.

Phương pháp khí dung là gì?

Khí dung (Aerosol) là phương pháp điều trị tại chỗ đem lại hiệu quả cao cho những bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến tai mũi họng. Thuốc sẽ được máy khí dung chuyển thành dạng sương mù, có kích thước nhỏ li ti, hạt thuốc càng nhỏ thì khả năng đi sâu xuống dưới đường hô hấp càng cao. Tùy vào mục đích sử dụng là điều trị bệnh ở đường hô hấp trên hay đường hô hấp dưới mà người dùng có thể điều chỉnh kích thước của hạt thuốc hoặc lựa chọn loại máy cho phù hợp.

Khi bắt đầu xông, thuốc ở dạng sương sẽ được máy đẩy trực tiếp vào bên trong đường hô hấp, dính vào lớp niêm mạc và tác động trực tiếp lên vị trí viêm nhiễm. Với cách làm này, thuốc sẽ xâm nhập vào cơ quan đích nhanh hơn, đồng thời hạn chế được các tác dụng phụ so với việc sử dụng thuốc theo đường uống hoặc tiêm.

Máy xông khí dung BioHealth NEB PRO có kích thước nhỏ gọn, khuếch tán thuốc dưới dạng sương mù mịn, hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Dung tích bình chứa 8ml cho phép người dùng đựng được nhiều loại thuốc, tốc độ phun sương cao 0,1ml/ phút với kích thước hạt thuốc từ 1,5 đến 10 micron nên không gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân khi xông. Bộ điều khiển đơn giản chỉ với 1 công tắc, độ ồn thấp và đi kèm nhiều phụ kiện dành cho cả người lớn lẫn trẻ em nên thích hợp để dùng cho cả gia đình.

Nên lưu ý điều gì khi sử dụng máy xông khí dung điều trị bệnh tai mũi họng? 1

Máy xông khí dung BioHealth NEB PRO khuếch tán thuốc dưới dạng sương

Thuốc sử dụng khi xông khí dung tai mũi họng

Các loại thuốc thường được phối hợp sử dụng để điều trị tai mũi họng bằng phương pháp khí dung: Thuốc kháng sinh (chloramphenicol, gentamicin), thuốc co mạch (xylometazolin, ephedrin) hay thuốc kháng viêm (phần lớn là nhóm thuốc corticoid như hydrocortisone), tinh dầu,... Cụ thể với từng cơ quan đích cần tác dụng như sau:

Khí dung khu vực mũi

Khí dung khu vực mũi dùng để chữa trị các bệnh như viêm mũi, viêm xoang và những loại thuốc thường dùng là thuốc kháng viêm, kháng sinh, thuốc co mạch ở tỷ lệ kết hợp nhất định, liều dùng sẽ phụ thuộc vào tình trạng và độ tuổi của từng bệnh nhân. Trước khi xông khí dung ở mũi, người bệnh cần vệ sinh mũi sạch sẽ để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Nên lưu ý điều gì khi sử dụng máy xông khí dung điều trị bệnh tai mũi họng? 2

Khí dung khu vực mũi thường dùng thuốc kháng viêm, kháng sinh, thuốc co mạch

Khí dung khu vực họng

Người mắc các bệnh như viêm họng cấp, viêm họng mãn tính, viêm amidan thích hợp sử dụng phương pháp khí dung vùng họng. Với cách làm này, những loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn là thuốc kháng sinh, kháng viêm và giảm đau.

Thời gian điều trị khí dung bệnh tai mũi họng

Khi dùng phương pháp xông khí dung để điều trị các bệnh liên quan đến tai mũi họng, quá trình điều trị thường sẽ diễn ra trong 5 đến 7 ngày, mỗi ngày 1-2 lần. Khi đã xông hết thuốc, bệnh nhân nên đi tái khám để được bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh và xem xét có cần tiếp tục khí dung nữa hay không.

Lạm dụng thuốc hoặc tự điều trị không đúng lộ trình bác sĩ yêu cầu có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: Suy gan, nhiễm độc thận,... Chẳng hạn như gentamicin (một loại kháng sinh) nếu dùng quá liều sẽ gây điếc cho bệnh nhân, hay chloramphenicol gây suy tủy ở trẻ em, lạm dụng corticoid trong thời gian dài gây giữ nước, suy thận.

Bên cạnh các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh khi xông khí dung cũng nên lưu ý về tình trạng kích ứng mũi, nghẹt mũi, bỏng rát, hắt hơi, loét niêm mạc mũi,... khi sử dụng thuốc co mạch quá nhiều dẫn đến phản ứng co mạch.

Nên lưu ý điều gì khi sử dụng máy xông khí dung điều trị bệnh tai mũi họng? 3

Thời gian điều trị khí dung cho bệnh tai mũi họng

Vệ sinh máy xông khí dung như thế nào?

Vệ sinh máy xông khí dung là việc làm vô cùng cần thiết bởi máy bị nhiễm bụi bẩn, vi khuẩn hay nấm mốc, chúng có thể truyền vào cơ thể người dùng khi khí dung. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng máy khí dung chung với người khác mà không vệ sinh máy sạch sẽ, mầm bệnh có thể lây lan. Vì thế, để tránh được các tình huống này, bạn cần nắm quy trình làm sạch máy xông khí dung đúng cách sau mỗi lần sử dụng.

  • Tháo rời bộ dụng cụ xông khí rồi rửa sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch.
  • Nhúng vào nước sôi (đối với các vật liệu chịu nhiệt) hoặc dùng cồn 90 độ rửa sạch sau đó phơi khô.
  • Sử dụng mỗi người một cốc và vòi phun riêng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo các mầm bệnh.

Nên lưu ý điều gì khi sử dụng máy xông khí dung điều trị bệnh tai mũi họng? 4 

Quy trình vệ sinh máy xông khí dung đúng cách

Sử dụng máy xông khí dung để điều trị các bệnh liên quan đến tai mũi họng có lẽ không còn là phương pháp xa lạ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả chữa bệnh cao nhất cũng như tránh được các tác dụng, bệnh nhân cần biết được những lưu ý khi sử dụng thiết bị này. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe tai mũi họng của mình một cách tốt nhất.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin