Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các nhóm kháng sinh cơ bản được sử dụng phổ biến trong điều trị

Ngày 24/07/2020
Kích thước chữ

Kháng sinh là một trong những loại thuốc quan trọng nhất trong nền y học hiện đại. Sau đây là các nhóm kháng sinh cơ bản nhất được sử dụng phổ biến hiện nay.

Kháng sinh là một trong những phát minh lớn nhất của nền y học thế giới giúp giải quyết nhiều vấn đề trong y học hiện đại. Tuy nhiên, cần phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng để tránh những tác dụng phụ do thuốc kháng sinh gây ra. Dù có hiểu biết về các nhóm kháng sinh cơ bản thì cũng không nên tự ý sử dụng trong điều trị mà cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Các nhóm kháng sinh cơ bản được sử dụng phổ biến trong điều trị 1

Các nhóm kháng sinh cơ bản được sử dụng phổ biến nhất hiện nay bao gồm thuốc nào?

Kháng sinh là gì?

Kháng sinh là tên gọi loại thuốc có tác dụng kiềm hãm hoặc tiêu diệt chủng vi khuẩn nào đó nhằm giảm triệu chứng viêm do chúng gây ra. Mỗi loại kháng sinh khác nhau có tác dụng lên loại vi khuẩn khác nhau, trong đó kháng sinh có tác dụng lên nhiều chủng vi khuẩn được gọi là kháng sinh phổ rộng, và kháng sinh chỉ có tác dụng trên một số chủng vi khuẩn nhất định được gọi là kháng sinh phổ hẹp.

Kháng sinh chỉ có tác dụng trong điều trị nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn chứ không thể điều trị những bệnh do virus gây nên. Thuốc kháng sinh được dùng chủ yếu trong điều trị các bệnh lý do vi khuẩn gây nên như: viêm xoang, viêm màng não, nhiễm khuẩn đường niệu, nhiễm khuẩn răng... Mặt khác, loại thuốc này không có hiệu quả đối với các bệnh lý gây ra bởi virus như cảm cúm, đau họng hay viêm phế quản. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng, bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp.

Các nhóm kháng sinh cơ bản được sử dụng phổ biến trong điều trị 2

Kháng sinh được sử dụng trong điều trị bệnh do vi khuẩn gây nên.

Các nhóm kháng sinh cơ bản đang được sử dụng

Với sự phát triển của nền y học thế giới, rất nhiều nhóm thuốc kháng sinh khác nhau ứng dụng với nhiều loại vi khuẩn khác nhau được ra đời. Trong đó, các nhóm kháng sinh cơ bản đang được sử dụng phổ biến bao gồm:

1. Kháng sinh nhóm Beta - Lactam

Đây là một họ kháng sinh rất lớn bao gồm các chất được đặc trưng bởi công thức hóa học chứa vòng beta-lactam. Khi cấu trúc hóa học này kết hợp với cấu trúc khác sẽ tạo nên những phân nhóm nhỏ hơn, bao gồm:

  • Penicillin: Là dẫn xuất của acid 6-aminopenicilanic (A6AP). Trong đó, chỉ có penicilin G là kháng sinh tự nhiên, còn lại đều là các chất bán tổng hợp. Phổ kháng khuẩn của penicillin rất đa dạng, từ hẹp, trung bình cho đến rộng.
  • Cephalosporin: Là dẫn xuất của acid 7-aminocephalosporanic (A7AC) được sản xuất theo phương pháp tổng hợp. Kháng sinh cephalosporin được chia thành bốn thế hệ với hoạt tính trên vi khuẩn Gram-dương giảm dần và Gram-âm tăng dần theo thứ tự từ thế hệ 1 đến thế hệ 4.
  • Các beta-lactam khác: Bao gồm nhóm carbapenem có hoạt tính rất mạnh trên vi khuẩn Gram-âm và nhóm monobactam có tác dụng rất mạnh trên Enterobacteriaceae và  P. aeruginosa. Ngoài ra, một loại khác là chất ức chế chứa vòng beta-lactam không có tác dụng khác khuyển nhưng có vai trò ức chế enzym beta-lactamase do vi khuẩn tiết ra.

2. Kháng sinh nhóm Aminoglycosid

Aminoglycosid có thể sản xuất qua quá trình nuôi cấy vi sinh hoặc cũng có thể là kháng sinh bán tổng hợp. Nhóm này bao gồm các loại như: neltimicin, tobramycin, amikacin, kanamycin hay gentamycin.

Các kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid có tác dụng kháng khuẩn chủ yếu tập trung vào các trực khuẩn Gram-âm. Các loại kháng sinh khác nhau thì có phổ kháng khuyển khác nhau, trong đó kanamycin và streptomycin có phổ hẹp nhất.

3. Kháng sinh nhóm Macrolid

Dựa trên cấu trúc hóa học, nhóm kháng sinh macrolid có thể được phân vào ba phân nhóm nhỏ hơn là:

  • Cấu trúc gồm 14 nguyên tử cacbon: roxithromycin, clarithromycin, dirithromycin, erythromycin và oleandomycin.
  • Cấu trúc gồm 15 nguyên tử cacbon: azithromycin.
  • Cấu trúc gồm 16 nguyên tử cacbon: spiramycin và josamycin.

Nhóm kháng sinh macrolid có phổ kháng khuẩn hẹp tập trung chủ yếu vào các chủng vi khuẩn Gram-dương (liên cầu, tụ cầu, Clostridium perfringens, Corynebacterium diphtheriae…) và một số chủng vi khuẩn không điển hình. Thuốc không có tác dụng trên phần lớn vi khuẩn Gram-âm đường ruột và tác dụng yếu trên một số chủng vi khuẩn Gram-âm khác như H. influenzae và N. meningitidis.

Các nhóm kháng sinh cơ bản được sử dụng phổ biến trong điều trị 3

Kháng sinh macrolid có tác dụng trên vi khuẩn Corynebacterium.

4. Kháng sinh nhóm Lincosamid

Nhóm lincosamid bao gồm hai thuốc đó là lincomycin và clindamycin. Nhóm kháng sinh lincosamid có phổ kháng khuẩn tương tự nhóm macrolid trên S. pyogenes, viridans streptococci và pneumococci. Thuốc không có tác dụng trên S. aureus hay trực khuẩn Gram-âm hiếu khí.

5. Kháng sinh nhóm Phenicol

Nhóm kháng sinh này bao gồm hai thuốc là cloramphenicol là kháng sinh tự nhiên và thiamphenicol là kháng sinh tổng hợp. Nhóm kháng sinh phenicol có phổ kháng khuẩn rộng tác dụng đối với các cầu khuẩn Gram-dương, một số vi khuẩn Gram-âm, các chủng kỵ khí như B. fragilis và các chủng không điển hình như Mycoplasma hay Rickettsia.

Các nhóm kháng sinh cơ bản được sử dụng phổ biến trong điều trị 4

Nhóm kháng sinh phenicol có tác dụng trên chủng vi khuẩn Mycoplasma.

Hiện tại, các kháng sinh phenicol đã không còn được sử dụng phổ biến. Nguyên nhân là nhóm kháng sinh này đã được sử dụng từ lâu gây nên hiện tượng kháng thuốc ở phần lớn các chủng vi khuẩn gây bệnh. Không những thế, phenicol có độc tính mạnh làm cản trở quá trình tạo máu.

6. Kháng sinh nhóm Cyclin

Nhóm kháng sinh này bao gồm các thuốc như: oxytetracyclin, demeclocyclin, methacyclin, doxycyclin, minocyclin và chlortetracyclin. Nhóm kháng sinh cyclin có phổ kháng khuẩn rộng trên cả vi khuẩn Gram-dương và vi khuẩn Gram-âm, vi khuẩn hiếu khí và vi khuẩn kỵ khí. Tuy nhiên, vì cyclin đã được sử dụng từ lâu nên tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh ở vi khuẩn gây bệnh rất cao.

Trên đây là các nhóm kháng sinh cơ bản được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Nếu bạn không có chuyên môn về y hoặc dược thì tốt nhất là đi khám bác sĩ chứ không nên tự ý sử dụng kháng sinh dẫn đến tác dụng phụ gây nguy hiểm tính mạng.

Uyên

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin