Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nên thận trọng khi trẻ bị chốc lở ngoài da

Ngày 30/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ bị chốc lở ngoài da do nhiều nguyên nhân gây nên. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không và cách điều trị ra sao, cùng đón đọc ngay bài viết dưới đây.

Trẻ bị chốc lở ngoài da là là tình trạng nhiễm trùng nông xuất hiện ở mô biểu bì của da. Bệnh thường do vi khuẩn tụ cầu gây ra, dễ lây lan và có xu hướng lan rộng sang các vùng da khác trên cơ thể người bệnh. Vì vậy, bậc cha mẹ cần tìm hiểu một số nguyên nhân, biểu hiện của bệnh, để có phương pháp chữa trị bệnh chốc lở ngoài da ở trẻ em. 

Một số biểu hiện thường thấy khi trẻ bị chốc lở ngoài da

Bệnh chốc lở thường được phân loại theo hình thái và mức độ thương tổn. Chốc lở được chia làm 3 dạng chính: chốc lở có bọng nước, chốc lở không có bọng nước, và chốc loét.

Trẻ bị chốc lở ngoài da có bọng nước

Bệnh xuất hiện thường do vi khuẩn tụ cầu gây ra. Đây là dạng ít tổn thương nhất của bệnh, bao gồm những giai đoạn phát triển bệnh như:

Nên thận trọng khi trẻ bị chốc lở ngoài da 1 Dấu hiệu ban đầu của chốc lở trên da trẻ nhỏ
  • Bắt đầu bằng việc hình thành nên các mụn đỏ, có đường kính khoảng 0,5 - 1cm, sau đó nhanh chóng hình thành bọng nước bên trong.
  • Sau khi hình thành, bọng nước sẽ to dần lên, được bao bọc xung quanh bởi các quầng đỏ. Sau vài giờ, các nước trọng bọng sẽ chuyển dần thành các bọng mủ đục từ thấp lên cao.
  • Sau khoảng 2 - 3 ngày sau các bọng mủ sẽ bị vỡ ra, tiết ra một số dịch sệt màu vàng nâu, sau đó đóng vảy rồi bong ra.
  • Thương tổn khỏi không để lại sẹo.

Chốc lở có bọng nước hầu hết sẽ không để lại sẹo. Một số biểu hiện có thể có của trẻ nhỏ như: Viêm hạch lân cận, ngứa, đau rát, khó chịu, quấy khóc…

Bệnh chốc lở không có bọng nước 

Bệnh do liên cầu tan huyết nhóm A, gây nên những tổn thương ban đầu như:

  • Xuất hiện một hay nhiều mụn nước li ti, hoặc mụn mủ, dập trợt rất nhanh trên nền da đỏ. Đồng thời tiết ra các dịch ẩm ướt, hoặc các vết loét trên da. 
  • Các viền xung quanh vết loét xuất hiện các vảy nhỏ, gần giống như bệnh nấm da. Phía trong vòng vảy tiết ra dịch có màu vàng mật ong hoặc nâu sáng, gây đau rát, ngứa ngáy khó chịu.

Chốc lở không bọng nước thường khỏi sau khoảng 2 - 3 tuần, hoặc có thể kéo dài hơn tùy theo từng thể trạng trẻ. Chốc lở không bọng thường để lại sẹo sau khi lành và thường gặp ở những trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng như: Viêm da cơ địa, ghẻ, một số bệnh liên quan đến bội nhiễm…

Bệnh chốc loét

Chốc loét là dạng nặng nhất, bệnh thường gây ra các vết loét tại trong khu vực biểu bì da, gây đau rát khó chịu cho người bệnh. Ngoài ra, chốc loét còn là nguyên nhân chính dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Chàm hóa, nhiễm trùng huyết…

Nên thận trọng khi trẻ bị chốc lở ngoài da 2 Chốc loét ở trẻ

Bệnh chốc loét thường gặp ở những trẻ bị suy dinh dưỡng. Các tổn thương thường ăn sâu vào lớp biểu bì da, để lại sẹo và gây mất thẩm mỹ.

Các biến chứng khi trẻ bị chốc lở ngoài da 

Chốc lở ngoài da thường sẽ không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không biết cách điều trị đúng lúc, bệnh có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng như: 

  • Chàm hóa: Đây là hiện tượng khi bệnh chốc lở tái phát nhiều lần, mụn nước xuất hiện liên tục với tần suất và số lượng lớn. 
  • Nhiễm trùng huyết: Tình trạng này thường gặp trên những cơ thể có sức đề kháng yếu. Nhiễm trùng huyết thường là biến chứng của bệnh chốc lở có bọng nước gây nên.
  • Viêm cầu thận cấp: Bệnh thường chuyển sang thể nặng khi bị chốc lở kéo dài hơn 3 tuần, mà không thuyên giảm.
  • Ngoài ra, bệnh chốc lở còn có thể gây ra một số biến chứng khác như: Viêm quầng, viêm mô bào sâu, viêm phổi, viêm hạch, viêm xương...

Các cách điều trị bệnh chốc lở hiệu quả nhất

Tùy vào mức độ tổn thương và vùng da nhiễm trùng mà bạn sẽ có các cách điều trị khác nhau. Cụ thể như: 

Nên thận trọng khi trẻ bị chốc lở ngoài da 3 Vệ sinh sạch sẽ bằng nước muối sinh lý
  • Đối với những tổn thương mức nhẹ hoặc thương tổn khu trú: Bạn cần làm sạch vết loét bằng dung dịch NaCl 0,9% (có thể sử dụng thuốc tím 1/10.000). Sau đó dùng mỡ/kem kháng sinh axit fusidic (Fucidin, Foban), hoặc mupirocin (Bactroban).
  • Đối với các tổn thương lan rộng, nặng, dai dẳng, hoặc có nguy cơ biến chứng viêm cầu thận cấp: Sử dụng kháng sinh toàn thân thuộc các nhóm β-lactam, Cephalosporin, Macrolid, hoặc Penicillin bán tổng hợp như kháng sinh Augmentin, Erythromycin, Cefixim...
  • Chốc lở gây ngứa: Sử dụng kháng Histamin, Phenergan, Loratadin…
  • Trong trường hợp chốc lở kháng thuốc, bạn phải thực hiện đúng theo kháng sinh đồ.

Lưu ý: Trong lúc điều trị bệnh chốc lở, cần thực hiện nghiêm túc và đúng liều lượng theo chỉ thị của bác sĩ. Trong trường hợp bệnh có biến chứng, nên tập trung điều trị biến chứng trước sau đó chuyển sang điều trị bệnh chốc.

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa chốc lở là luôn để cho cơ thể của trẻ được thoải mái, thoáng mát. Ví dụ như: Để trẻ ở những nơi ở rộng rãi, mặc quần áo vải bông mỏng thoáng, thấm hút mồ hôi, nên băng lại vết thương, tránh để hở da nhiều làm bệnh phát sinh và lây lan thêm. 

Trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề cần thận trọng khi trẻ bị chốc lở ngoài da. Hy vọng qua đây, bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm hơn trong việc phòng ngừa cũng như điều trị căn bệnh này nhé.

Minh Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm