Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh chốc lở bao lâu thì khỏi? Cần lưu ý gì trong quá trình điều trị bệnh?

Ngày 25/06/2023
Kích thước chữ

Bệnh chốc lở là một tình trạng nhiễm trùng da do vi khuẩn gây ra và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ nhỏ có thể dễ bị hơn. Bệnh chốc lở thường không nguy hiểm, chỉ cần sử dụng loại thuốc phù hợp sẽ mang lại hiệu quả điều trị.

Khi mắc phải bệnh chốc lở, chắc hẳn vẫn còn nhiều người băn khoăn về thời gian chữa lành bệnh, vì ngoài những triệu chứng khó chịu mất thẩm mỹ ra, bệnh có thể lây lan ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy mắc bệnh chốc lở bao lâu thì khỏi? Mời bạn đọc tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây bệnh chốc lở

Chốc lở là một bệnh nhiễm trùng da với tác nhân chính là hai loại vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes. Những vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh thông qua các vết trầy xước hoặc vết côn trùng đốt trên bề mặt da.

Bạn có thể mắc bệnh chốc lở nếu tiếp xúc trực tiếp với vùng da tổn thương hoặc dùng chung quần áo, các vật dụng cá nhân với người bị nhiễm trùng (khăn, chăn, gối mền,…).

Biểu hiện của bệnh chốc lở

Bệnh chốc lở biểu hiện ban đầu với sự xuất hiện những đám mụn nước trên da và sau đó vỡ ra tạo thành những nốt đỏ, chảy dịch. Vài ngày sau, bề mặt da khô lại tạo thành lớp vỏ màu vàng hoặc vàng sẫm sần sùi. Chốc lở xuất hiện chủ yếu trên mặt nhưng cũng có thể phát triển trên các vùng da hở của cánh tay và chân. Nhiễm trùng có thể tiếp tục lan rộng ở các cạnh của khu vực bị nhiễm bệnh hoặc ảnh hưởng đến các vùng da khác.

Bệnh chốc lở bao lâu thì khỏi? Cần lưu ý gì trong quá trình điều trị bệnh 3
Bệnh chốc lở thường gặp ở trẻ em và xuất hiện trên vùng mặt

Bên cạnh những triệu chứng ngoài da, bệnh chốc lở còn gây khó chịu hơn bởi những triệu chứng đi kèm như sốt, sưng hạch bạch huyết, hoặc mệt mỏi, đau nhức,…

Bệnh chốc lở được điều trị như thế nào?

Bệnh chốc lở có cần phải thăm khám không?

Bạn nên đến khám tại các cơ sở da liễu để được được điều trị bệnh đúng cách. Thông thường, bệnh sẽ được chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng và có thể cần lấy mẫu bệnh phẩm từ vùng da tổn thương để xác định vi khuẩn gây bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc với hoạt chất và liều dùng phù hợp.

Kháng sinh là điều trị phổ biến cho bệnh này, việc lựa chọn chế phẩm và loại kháng sinh tùy vào độ lan rộng của vùng da bị tổn thương. Nếu chốc lở chỉ khu trú ở vùng da nhỏ, các loại thuốc mỡ hoặc kem bôi kháng sinh như mupirocin, acid fusidic, gentamicin thường được sử dụng.

Bệnh chốc lở bao lâu thì khỏi? Cần lưu ý gì trong quá trình điều trị bệnh 4
Thuốc Fucidin dùng trong điều trị bệnh chốc lở

Kháng sinh uống được chỉ định khi vùng bị thương lan rộng kèm theo các triệu chứng nặng (sốt, mệt) và nguy cơ biến chứng cao. Kháng sinh uống có thể có tác dụng nhanh hơn nhưng không hẳn là ưu tiên vì cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ hơn so với kháng sinh bôi tại chỗ.

Chăm sóc tại nhà khi bị bệnh chốc lở

Những biện pháp chăm sóc tại nhà đúng cách có thể hỗ trợ quá trình lành bệnh nhanh hơn. Cách đơn giản nhất là làm sạch nhẹ vùng da nhiễm trùng bằng xà phòng và nước ấm. Bạn cũng có thể vệ sinh vết thương bằng thuốc tím 3 - 4 lần/ngày.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng một số loại thuốc sát khuẩn: Povidine, chlorhexidine, oxy già khoảng 2 - 3 lần/ngày và đều đặn trong 5 ngày.

Thời gian điều trị bệnh chốc lở là bao lâu?

Bệnh chốc lở khi được điều trị sớm và đúng cách thường lành trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, nếu bạn có thêm những bệnh lý về da khác, nhiễm trùng có thể sẽ lâu lành hơn.

Nguy cơ lây lan bệnh chốc lở sẽ giảm xuống sau khi bạn sử dụng thuốc kháng sinh trong 24 giờ. Vì thế, việc điều trị sớm không những giúp hạn chế những vết chốc lở mới xuất hiện trên các bộ phận khác của cơ thể, bạn còn có thể quay lại làm việc hoặc đi học mà không phải lo lắng vấn đề bệnh lây lan.

Bệnh chốc lở bao lâu thì khỏi? Cần lưu ý gì trong quá trình điều trị bệnh 7
Bệnh chốc lở sẽ khỏi trong vòng khoảng 1 tuần khi dùng thuốc điều trị

Bệnh chốc lở là bệnh lành tính, nên đối với những tình trạng nhẹ thì bệnh có thể tự khỏi trong vòng 3 - 6 tuần nếu không dùng thuốc điều trị. Nhưng nếu không điều trị bằng kháng sinh, bệnh chốc lở vẫn lây lan cho đến khi phát ban và biến mất hoàn toàn. Vì vậy, bạn cũng nên cân nhắc điều trị để bệnh để bệnh mau khỏi, hạn chế để lại sẹo cũng như tránh việc diễn biến nặng hơn.

Những lưu ý về bệnh chốc lở

Cần lưu ý gì trong quá trình điều trị chốc lở?

Bạn nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa về liều dùng và thời gian dùng thuốc. Tuyệt đối không tự ý thay đổi hoặc ngưng thuốc vì điều này có thể giảm sự nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh, giảm hiệu quả điều trị.

Trước khi thoa thuốc, hãy ngâm vùng da bị ghẻ trong nước ấm hoặc đắp một miếng vải ướt trong vài phút. Sau đó lau khô và nhẹ nhàng loại bỏ bất kỳ vảy nào để kháng sinh có thể thấm vào da tốt hơn.

Những điều cần làm để phòng tránh lây lan chốc lở

Bệnh chốc thường gặp ở trẻ em ở độ tuổi còn đi học nên bệnh có thể lây lan trong lớp học, trường học khi các bé chơi đùa với nhau. Vì thế, trẻ bị bệnh chốc lở nên được nghỉ ở nhà cho đến khi các vảy tiết đã khô, không còn tiết dịch để không lây lan bệnh cho các bạn cùng lớp.

Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh hay nghi ngờ bị mắc bệnh chốc lở vì dịch tiết có thể dây dính sang người bạn. Tránh sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh bị bệnh chốc lở như quần áo, khăn mặt, lược chải đầu vì những đồ dùng này cũng có thể dính dịch tiết.

Đối với những người bị bệnh chốc lở, cần vệ sinh da sạch sẽ, che chắn mụn nước, bóng nước hoặc các vết rỉ dịch bằng gạc vô khuẩn để ngăn ngừa dây dính dịch tiết trong quá trình sinh hoạt. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên cắt móng tay gọn gàng để không vô tình cào, gãi làm vỡ mụn nước, bóng nước làm vùng da tổn thương lây lan rộng hơn.

Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ cũng là việc làm cần thiết vì không gian sống đông đúc, chật chội, có điều kiện vệ sinh kém là những điều kiện thuận lợi cho bệnh chốc khởi phát.

Bệnh chốc lở bao lâu thì khỏi? Cần lưu ý gì trong quá trình điều trị bệnh 6
Thoa thuốc nhẹ nhàng lên vùng da chốc lở

Bài viết trên đã cung cấp thông tin, giúp bạn giải đáp thắc mắc "bệnh chốc lở bao lâu thì khỏi?". Hy vọng có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về loại bệnh ngoài da này và có những biện pháp điều trị và phòng tránh hiệu quả.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin