Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Người mắc bệnh cường giáp sống được bao lâu?

Ngày 11/10/2022
Kích thước chữ

Bình thường, tuyến giáp đảm nhận chức năng điều hòa các quá trình chuyển hóa của cơ thể bằng cách tiết ra hai hormone T3 và T4. Nếu tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ gây ra bệnh cường giáp. Đa số những người bị bệnh thường thắc mắc bệnh cường giáp sống được bao lâu?

Tùy vào giai đoạn phát hiện bệnh, thể trạng người bệnh và phương pháp điều trị mà thời gian khỏi bệnh mỗi người là khác nhau. Để giải đáp vấn đề người mắc bệnh cường giáp sống được bao lâu, các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của Nhà Thuốc Long Châu nhé.

Nguyên nhân gây bệnh cường giáp

Một số nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp là:

Bệnh Basedow 

Basedow là tình trạng phổ biến nhất của cường giáp, chiếm hơn 70% số trường hợp. Bệnh xuất hiện do các kháng thể trong máu kích hoạt tuyến giáp, làm tuyến giáp phát triển và tiết ra lượng hormone vượt mức tiêu thụ của cơ thể. 

Basedow thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, đặc biệt là phụ nữ trẻ từ 21 - 30 tuổi. Bệnh liên quan nhiều đến nồng độ estrogen ở nữ. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố tác động gây bệnh như: Gen di truyền, miễn dịch, môi trường... làm thay đổi tính kháng nguyên và trình diện kháng nguyên lạ trên bề mặt tế bào tuyến giáp.

Người mắc bệnh cường giáp sống được bao lâu? 1
 Basedow đa số gặp ở nữ giới với biểu hiện mắt lồi hơn bình thường

Viêm tuyến giáp

Đây là tình trạng tuyến giáp bị viêm, dẫn đến cấu trúc thông thường của các nang tuyến giáp bị phá hủy và làm hormone tuyến giáp dự trữ bị rò rỉ ra ngoài. Cường tuyến giáp có thể kéo dài hơn 3 tháng rồi trở lại cấu trúc mô học bình thường. Tuyến giáp cũng có thể hoạt động kém hơn và tình trạng được gọi là suy giáp. Suy giáp thường diễn ra từ 12 - 18 tháng và có thể tồn tại vĩnh viễn. 

Một số loại viêm tuyến giáp gây ra tình trạng suy giáp là:

  • Viêm tuyến giáp bán cấp: Thường xảy ra ở phụ nữ từ 30 - 50 tuổi. Bệnh thường xảy ra sau khi cơ thể bị nhiễm siêu vi vài tuần lễ với các triệu chứng sưng, đau vùng cổ và cường giáp. 
  • Viêm tuyến giáp sau sinh: Loại viêm tuyến giáp này thường phát triển sau khi phụ nữ sinh con khoảng 1 năm.
  • Viêm tuyến giáp âm thầm: Loại viêm tuyến giáp này không gây đau, mặc dù tuyến giáp có thể to lên.

Tăng tiêu thụ i-ốt

Tuyến giáp sử dụng nguyên liệu là i-ốt để tạo ra hormone tuyến giáp. Lượng i-ốt cơ thể tiêu thụ hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến lượng hormone tuyến giáp được tạo ra. Một số trường hợp, việc tiêu thụ một lượng lớn i-ốt có thể khiến tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp. I-ốt chiếm hàm lượng lớn trong thuốc tim amiodarone. Ngoài ra, rong biển và các sản phẩm làm từ rong biển cũng rất giàu i-ốt. 

Người mắc bệnh cường giáp sống được bao lâu? 2
 Ăn nhiều rong biển làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp

Sử dụng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp

Một số người đã dùng quá liều thuốc hormone tuyến giáp để điều trị suy giáp. Thuốc tuyến giáp này không thể điều trị khỏi bệnh nhưng có khả năng kiểm soát tình trạng thiếu hormone cho bệnh nhân. Nếu phải sử dụng thuốc hormone tuyến giáp, các bạn nên đến gặp bác sĩ ít nhất một lần mỗi năm để kiểm tra nồng độ hormone từ đó điều chỉnh liều phù hợp với cơ thể.

Bên cạnh đó, một số thuốc có thể tương tác với thuốc hormone tuyến giáp làm tăng nồng độ hormone. Nếu mọi người cần dùng các loại thuốc nội tiết thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng thuốc mới.

Dấu hiệu của bệnh cường giáp

Hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và trao đổi chất của cơ thể. Nếu nồng độ hormone tuyến giáp quá cao thì các chức năng của cơ thể cũng có xu hướng gia tăng. Vì vậy, người bệnh có các triệu chứng sau:

  • Cổ có thể bị sưng to hoặc không. 
  • Da nóng, cảm giác sợ nóng, toát mồ hôi và sốt nhẹ.
  • Đánh trống ngực, hồi hộp, khó thở khi xúc động hoặc làm việc gắng sức.
  • Bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, thay đổi tính khí và dễ cáu gắt. Người bệnh cũng có thể xảy ra rối loạn tâm thần với biểu hiện bằng cơn động kinh, tình trạng lú lẫn và hoang tưởng.
  • Run ở các đầu ngón tay.
  • Rối loạn kinh nguyệt ở bệnh nhân trẻ.
  • Da mỏng, tóc dễ gãy và yếu cơ, đặc biệt là cơ ở cánh tay và đùi.
  • Thường bị tiêu chảy nhưng không đau quặn.
  • Sụt cân nhanh mặc dù ăn nhiều. Bên cạnh đó cũng có một số ít bệnh nhân trẻ tuổi tăng cân bất thường.
  • Bệnh Basedow còn có thêm các biểu hiện ở mắt như lồi mắt, nhìn đôi, mất thị lực, nhạy cảm với ánh sáng, mí mắt bị sưng to hoặc co lại, chảy nước mắt và cảm giác nóng rát.
Người mắc bệnh cường giáp sống được bao lâu? 3
 Người mắc bệnh cường giáp thường có cổ sưng to

Nữ giới có nguy cơ mắc cường giáp cao hơn nam giới vì bệnh liên quan nhiều đến hormone estrogen. Và nguy cơ bị bệnh tăng lên khi:

  • Gia đình đã có người mắc bệnh tuyến giáp.
  • Thiếu máu ác tính gây ra bởi sự thiếu hụt vitamin B12.
  • Bệnh đái tháo đường tuýp 1.
  • Suy thượng thận nguyên phát.
  • Sử dụng nhiều thực phẩm có chứa i-ốt như tảo, rong biển hoặc sử dụng các loại thuốc có chứa i-ốt.
  • Người già, đặc biệt phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
  • Đã từng phẫu thuật tuyến giáp hoặc có vấn đề về tuyến giáp như bướu cổ.

Người mắc bệnh cường giáp sống được bao lâu?

Hơn 60% trường hợp mắc bệnh tuyến giáp không được chẩn đoán kịp thời. Cường giáp có một số triệu chứng điển hình như: Tăng tiết mồ hôi, không chịu được nóng, run tay, lo lắng, tăng nhu động ruột, nhịp tim nhanh, sụt cân, mệt mỏi, giảm tập trung, kích thích... Các phương pháp điều trị bệnh cường giáp bao gồm điều trị nội khoa nhằm giảm các triệu chứng do tăng hormone tuyến giáp quá mức, thuốc kháng giáp, thuốc điều trị nhịp tim nhanh…

Sau 1 - 2 năm điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 70%. Sau khi khỏi bệnh, tuyến giáp sẽ không phát triển nên không cần phải tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng giáp. Một số nghiên cứu mới đây cho rằng việc dùng kết hợp thuốc viên hormone tuyến giáp với chế độ ăn uống sẽ giúp khả năng khỏi bệnh cao hơn.

Khi ngưng điều trị, bệnh nhân vẫn phải đến gặp bác sĩ 3 tháng một lần trong năm đầu vì bệnh có thể tái phát trong giai đoạn này. Nếu bệnh tái phát, bác sĩ có thể tiếp tục dùng lại thuốc kháng giáp, iod phóng xạ hoặc nếu bệnh quá nặng thì cần can thiệp ngoại khoa. Bệnh nhân nên đi khám định kỳ chuyên khoa nội tiết để được theo dõi và hướng dẫn điều trị đúng.

Người mắc bệnh cường giáp sống được bao lâu? 4
 Người mắc bệnh cường giáp sống được bao lâu là thắc mắc của nhiều bệnh nhân

Hy vọng bài viết đã giúp mọi người có thêm hiểu biết về căn bệnh cường giáp và giải đáp thắc mắc người mắc bệnh cường giáp sống được bao lâu. Chúc mọi người luôn khỏe mạnh và đừng quên theo dõi các bài viết khác của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhập thêm kiến thức nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin