Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh tuyến giáp là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và biến chứng thường gặp

Ngày 11/06/2024
Kích thước chữ

Bệnh tuyến giáp ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Do đó, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản như bệnh tuyến giáp là gì, dấu hiệu nhận biết các bệnh lý tuyến giáp và một số biến chứng nguy hiểm.

Bệnh tuyến giáp ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ với tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 5 - 8 lần so với nam giới. Theo thống kê, tại Hoa Kỳ, có khoảng 20 triệu người mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, trong đó 13 triệu người chưa được chẩn đoán. Vậy, bệnh tuyến giáp là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết các bệnh lý tuyến giáp ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Bệnh tuyến giáp là gì?

Bệnh tuyến giáp là gì? Bệnh tuyến giáp là thuật ngữ chung để chỉ các rối loạn liên quan đến hormone do tuyến giáp sản xuất. Hormone này đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiều chức năng sinh học của cơ thể.

Hai trường hợp thường gặp nhất là:

  • Suy giáp: Khi tuyến giáp sản xuất quá ít hormone, nhịp độ chuyển hóa của cơ thể bị suy giảm, dẫn đến một loạt các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, da khô, táo bón...
  • Cường giáp: Ngược lại, khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, tốc độ chuyển hóa tăng cao bất thường, gây ra các triệu chứng như giảm cân, tim đập nhanh, lo lắng, hay run tay...

Bệnh tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:

  • Phụ nữ: Tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở phụ nữ cao gấp 5 - 8 lần so với nam giới.
  • Người có tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp, bạn có nguy cơ cao hơn so với người bình thường.
  • Người mắc các bệnh tự miễn: Một số bệnh tự miễn như thiếu máu ác tính, tiểu đường tuýp 1, suy thượng thận nguyên phát, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Turner có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp.
  • Người sử dụng thuốc iod: Dùng thuốc có nhiều iod (như amiodarone) có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
  • Người cao tuổi: Nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp tăng cao ở người trên 60 tuổi, đặc biệt là phụ nữ.
  • Người từng điều trị bệnh tuyến giáp hoặc ung thư: Người có tiền sử điều trị bệnh tuyến giáp hoặc ung thư có nguy cơ tái phát hoặc phát triển các biến chứng liên quan đến tuyến giáp.
 Bệnh tuyến giáp là gì? Dấu hiệu nhận biết các bệnh tuyến giáp 1
Bệnh tuyến giáp là gì? Đây là thắc mắc của nhiều người

Nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp là gì?

Như vậy phần trên đã giúp bạn hiểu bệnh tuyến giáp là gì. Ngay sau đây là những nguyên nhân gây nên bệnh lý tuyến giáp:

Nguyên nhân gây suy giáp

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất ít hoặc không sản xuất đủ hormone cần thiết cho cơ thể. Một số nguyên nhân chính dẫn đến suy giáp bao gồm:

  • Viêm tuyến giáp: Tình trạng viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp bình thường hoặc bướu giáp, khiến quá trình sản xuất hormone bị rối loạn.
  • Viêm tuyến giáp Hashimoto: Đây là bệnh tự miễn phổ biến, do hệ miễn dịch tấn công chính các mô tuyến giáp, khiến tuyến giáp không thể hoạt động bình thường. Bệnh có tính di truyền và thường gặp ở phụ nữ.
  • Viêm tuyến giáp sau sinh: Tình trạng này xảy ra ở khoảng 5 - 9% phụ nữ sau khi sinh con.
  • Thiếu iod: Iod là nguyên tố thiết yếu để sản xuất hormone tuyến giáp. Do đó, thiếu iod là nguyên nhân chính gây suy giáp trên toàn cầu.
  • Suy giáp bẩm sinh: Trẻ sơ sinh có thể mắc suy giáp bẩm sinh do bất thường trong quá trình phát triển tuyến giáp. Nếu không được điều trị, bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
  • Rối loạn tuyến yên: Tuy hiếm gặp, nhưng rối loạn tuyến yên có thể ảnh hưởng đến quá trình điều hòa sản xuất hormone tuyến giáp.
  • Tác dụng phụ của điều trị: Việc điều trị cường giáp bằng iốt phóng xạ hoặc tác dụng phụ của xạ trị trong điều trị ung thư có thể dẫn đến suy giáp.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp: Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp cũng có thể gây suy giáp.
 Bệnh tuyến giáp là gì? Dấu hiệu nhận biết các bệnh tuyến giáp 2
Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp giảm sản xuất hormone

Nguyên nhân gây cường giáp

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, dẫn đến rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Một số nguyên nhân chính gây ra bệnh cường giáp bao gồm:

  • Bệnh Graves: Đây là dạng cường giáp phổ biến nhất, do hệ miễn dịch tấn công chính các mô tuyến giáp, kích thích tuyến sản xuất quá nhiều hormone. Bệnh Graves không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • U tuyến giáp: Khối u lành tính phát triển trong tuyến giáp, có thể tự sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến cường giáp.
  • Viêm tuyến giáp: Tình trạng viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp bình thường hoặc bướu giáp, khiến quá trình sản xuất hormone bị rối loạn.
  • Thừa iod: Khi cơ thể nạp quá nhiều iod, tuyến giáp sẽ kích thích sản xuất hormone nhiều hơn mức cần thiết, dẫn đến cường giáp.
  • Khối u tuyến yên không phải ung thư: Khối u lành tính phát triển trong tuyến yên có thể ảnh hưởng đến quá trình điều hòa sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến cường giáp.

Dấu hiệu nhận biết các bệnh tuyến giáp

Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhịp độ trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động bất thường, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh tuyến giáp là vô cùng cần thiết để có hướng điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm. 

Dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp:

  • Thay đổi cân nặng: Người bệnh suy giáp có thể tăng cân bất thường, trong khi người bệnh cường giáp có thể sụt cân dù vẫn ăn uống đầy đủ.
  • Nhạy cảm với nhiệt độ: Mệt mỏi, ra mồ hôi nhiều, hoặc cảm thấy lạnh hơn bình thường.
  • Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hay thức giấc giữa đêm.
  • Tâm trạng thay đổi: Trầm cảm, lo lắng, cáu gắt, dễ bị kích động.
  • Vấn đề ở cổ hoặc họng: Bướu cổ, sưng cổ, đau họng, khó nuốt, khàn giọng.
  • Thay đổi về da và tóc: Da khô, phát ban, tóc dễ gãy rụng, móng tay giòn.
  • Rối loạn tiêu hóa: Táo bón dai dẳng (suy giáp) hoặc tiêu chảy, phân lỏng (cường giáp).
  • Ảnh hưởng đến kinh nguyệt và sinh sản: Rối loạn kinh nguyệt, tăng nguy cơ sảy thai, vô sinh.
  • Mắt: Đỏ, sưng, mờ hay chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Chất lượng cuộc sống: Sa sút trí nhớ, giảm khả năng tập trung, suy giảm ham muốn tình dục.
  • Cơ, xương, khớp: Đau cơ, xương khớp hoặc hội chứng ống cổ tay.
 Bệnh tuyến giáp là gì? Dấu hiệu nhận biết các bệnh tuyến giáp 3
Rối loạn tiêu hóa là một trong những dấu hiệu nhận biết các bệnh lý tuyến giáp

Biến chứng nguy hiểm của bệnh tuyến giáp

Rối loạn chức năng tuyến giáp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng trên sức khỏe. Dưới đây là những biến chứng có thể gặp ở bệnh suy giáp và cường giáp:

Biến chứng của suy giáp

Một số biến chứng thường gặp của suy giáp là:

  • Phì đại tuyến giáp (bướu cổ): Tuyến giáp tăng kích thước để cố gắng sản xuất đủ hormone.
  • Vấn đề tim mạch: Nhịp tim chậm, tăng huyết áp, suy tim.
  • Giảm chức năng thận: Ảnh hưởng đến khả năng lọc bỏ chất thải của cơ thể.
  • Tổn thương thần kinh: Gây ngứa ran, tê, đau ở cánh tay, chân hay các vùng bị ảnh hưởng khác.
  • Dị tật bẩm sinh: Nguy cơ tăng cao ở phụ nữ mang thai bị suy giáp không được điều trị.
  • Sảy thai hoặc sinh non.
  • Vấn đề sức khỏe tâm thần: Trầm cảm, lo âu, suy giảm trí nhớ.
  • Hôn mê phù niêm: Biến chứng nguy hiểm nhất của suy giáp, có thể dẫn đến tử vong.

Biện chứng của cường giáp

Một số biến chứng thường gặp của cường giáp là:

  • Vấn đề về mắt: Lồi mắt, khô mắt, mờ mắt, thậm chí mất thị lực.
  • Rối loạn tim mạch: Nhịp tim nhanh, suy tim, rung nhĩ.
  • Loãng xương: Tăng nguy cơ gãy xương.
  • Viêm da: Da đỏ, sưng tấy, xảy ra ở cẳng chân và bàn chân.
  • Nhiễm độc giáp: Tình trạng nguy hiểm do nồng độ hormone tuyến giáp quá cao trong máu.

Phòng ngừa các bệnh lý tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhiều người. Do đó, việc phòng ngừa và duy trì lối sống lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng:

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của tuyến giáp, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
  • Chăm sóc sức khỏe tổng thể: Duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, stress.
  • Tránh tiếp xúc với bức xạ: Bức xạ có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.
  • Cung cấp đầy đủ iod: Iod là nguyên tố thiết yếu để sản xuất hormone tuyến giáp. Các thực phẩm giàu iod bao gồm rong biển, tảo bẹ, hải sản (nên sử dụng mức độ vừa phải ở bệnh nhân cường giáp).
  • Bổ sung trái cây và rau xanh: Một số loại rau xanh như mồng tơi, diếp cá, rau muống có thể giúp cải thiện các triệu chứng đau cơ, mệt mỏi, nhịp tim không đều.
  • Chọn thực phẩm giàu axit béo omega-3: Axit béo omega-3 có trong cá hồi, thịt bò, tôm,... giúp hỗ trợ chức năng tuyến giáp.
  • Sử dụng sữa chua ít béo: Sữa chua ít béo cung cấp iod và vitamin D cần thiết cho tuyến giáp.
  • Bổ sung các loại hạt: Hạnh nhân, hạt điều,... là nguồn cung cấp magie, protein thực vật, vitamin B, vitamin E và các khoáng chất khác giúp hỗ trợ tuyến giáp hoạt động hiệu quả.
  • Tăng cường selen: Selen có trong thịt bò, gà, cá, hàu, phô mai,... giúp bảo vệ tuyến giáp khỏi tác hại của gốc tự do.
 Bệnh tuyến giáp là gì? Dấu hiệu nhận biết các bệnh tuyến giáp 4
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của bệnh lý tuyến giáp

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu về bệnh tuyến giáp là gì, một số dấu hiệu nhận biết cũng như những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này. Khám sức khỏe định kỳ và chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học sẽ giúp bảo vệ bạn trước căn bệnh này. Hẹn gặp bạn đọc tại các bài viết sức khỏe khác của Nhà thuốc Long Châu.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin