Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân gây bệnh cường giáp là gì?

Ngày 25/05/2024
Kích thước chữ

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp dẫn đến nhiều rối loạn trong cơ thể. Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh là bước đầu tiên quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về các nguyên nhân chính gây bệnh cường giáp.

Tuyến giáp nằm ở cổ trước thanh quản đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiều chức năng thiết yếu của cơ thể. Bệnh cường giáp thường có những biểu hiện rõ ràng tuy nhiên một số trường hợp có thể diễn biến âm thầm khiến người bệnh chủ quan và bỏ qua.

Bệnh cường giáp là gì?

Bệnh cường giáp hay còn được gọi là tăng chức năng tuyến giáp là một rối loạn nội tiết nghiêm trọng xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp có vai trò trong việc điều hòa quá trình trao đổi chất trong cơ thể, ảnh hưởng đến nhiều chức năng sinh lý, bao gồm nhịp tim, huyết áp, tiêu hóa và tâm trạng. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều triệu chứng khác nhau, gây ra tình trạng mất cân bằng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

nguyen-nhan-gay-benh-cuong-giap-la-gi 1.jpg
Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp

Dưới đây là một vài dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cường giáp:

  • Mệt mỏi.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Chán ăn.
  • Căng thẳng hoặc lo lắng.
  • Khó ngủ.
  • Da nóng hoặc ẩm ướt.
  • Rụng tóc.
  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
  • Run tay.
  • Nhịp tim nhanh hoặc thường xuyên đập thình thịch.
  • Tăng cảm giác thèm ăn.
  • Sưng hoặc phình to ở cổ hay còn gọi là bướu cổ.
  • Khó thở.
  • Nhức mắt.
  • Mờ mắt.

Hãy lưu ý rằng nếu bạn đang gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trên đây thì phải đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.

Bệnh cường giáp do những nguyên nhân nào gây nên?

Bệnh cường giáp là một bệnh lý phức tạp với nhiều nguyên nhân tiềm ẩn và việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân quan trọng cho việc điều trị phù hợp. Dưới đây là một vài nguyên nhân gây nên bệnh cường giáp mà bạn có thể tham khảo:

Bệnh Basedow hay còn là bệnh Graves

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất chiếm hơn 70% trường hợp bệnh cường giáp. Bệnh Basedow là bệnh tự miễn, hệ miễn dịch tấn công nhầm tế bào tuyến giáp làm kích thích sản xuất quá mức hormone tuyến giáp. Các yếu tố nguy cơ có thể kể đến như: Di truyền, giới tính là nữ, độ tuổi 20 đến 50, tiền sử gia đình mắc bệnh tự miễn.

Bướu nhân tuyến giáp

Bướu nhân là những khối u lành tính phát triển trong tuyến giáp. Một số bướu nhân có khả năng tự sản xuất hormone tuyến giáp dẫn đến cường giáp. Các yếu tố nguy cơ có thể kể đến như: Tiếp xúc với bức xạ ion hóa, thiếu i-ốt, di truyền.

Viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở tuyến giáp. Vết viêm sẽ làm tổn thương tuyến giáp, dẫn đến giải phóng hormone tuyến giáp dự trữ vào máu. Viêm tuyến giáp được phân loại bao gồm viêm tuyến giáp cấp, bán cấp và mãn tính và có các yếu tố nguy cơ như nhiễm virus,vi khuẩn, bệnh tự miễn, mang thai, sau sinh.

nguyen-nhan-gay-benh-cuong-giap-la-gi 2.jpg
Viêm tuyến giáp là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở tuyến giáp

Sử dụng quá liều hormone tuyến giáp

Sử dụng hormone tuyến giáp bổ sung hoặc thuốc chứa hormone tuyến giáp như levothyroxine quá liều có thể dẫn đến bệnh cường giáp. Bệnh có nguy cơ xảy ra cao hơn ở người có bệnh lý tuyến giáp tiềm ẩn hoặc sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn.

Một số nguyên nhân khác như: Di truyền do một số đột biến gen khiến tuyến giáp hoạt động quá mức, tiếp xúc lượng lớn bức xạ ion hóa có thể làm tổn thương tuyến giáp và dẫn đến cường giáp, sử dụng một số loại thuốc như amiodarone gây ảnh hưởng chức năng tuyến giáp và gây cường giáp.

Điều trị bệnh cường giáp

Dưới đây là các phương pháp điều trị chính cho bệnh cường giáp:

Sử dụng thuốc

Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh cường giáp với mục tiêu là ức chế sản xuất hormone tuyến giáp hoặc ngăn chặn tác dụng của hormone trong cơ thể. Các loại thuốc thường được các cơ sở y tế sử dụng như:

  • Thuốc kháng giáp: Methimazole và propylthiouracil là hai loại thuốc kháng giáp phổ biến nhất. Chúng hoạt động bằng cách ức chế sản xuất hormone tuyến giáp.
  • Thuốc chẹn beta: Propranolol và atenolol là hai loại thuốc chẹn beta phổ biến. Chúng giúp giảm các triệu chứng như nhịp tim nhanh, run tay và lo lắng.

Lưu ý:

  • Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, các chuyên gia về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.
  • Cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc và báo cáo cho bác sĩ nếu gặp bất kỳ vấn đề gì.

I-ốt phóng xạ

Đây là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh Basedow và bướu nhân độc tuyến giáp. Liệu pháp này sử dụng i-ốt phóng xạ được hấp thụ bởi tuyến giáp và phá hủy các tế bào sản xuất hormone. I-ốt phóng xạ thường được sử dụng ở những người không thể dung nạp thuốc hoặc không đáp ứng tốt với thuốc.

Lưu ý:

  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng phương pháp này.
  • Cần theo dõi chức năng tuyến giáp sau khi điều trị bằng i-ốt phóng xạ.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp được áp dụng trong một số trường hợp, bao gồm:

  • Bướu nhân độc tuyến giáp có kích thước lớn hoặc gây ra các triệu chứng chèn ép.
  • Bệnh Basedow không đáp ứng với thuốc hoặc i-ốt phóng xạ.
  • Ung thư tuyến giáp.
nguyen-nhan-gay-benh-cuong-giap-la-gi 3.jpg
Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp khi bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp 

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể cần sử dụng hormone tuyến giáp thay thế suốt đời.

Lưu ý:

  • Phẫu thuật có thể gây ra một số biến chứng như tổn thương dây thanh quản hoặc hạ canxi huyết.
  • Cần thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của phẫu thuật.

Chế độ ăn uống và lối sống

Chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học có thể giúp cải thiện triệu chứng và hỗ trợ điều trị bệnh cường giáp. Một số lưu ý mà bạn cần quan tâm như:

  • Hạn chế thức ăn chứa nhiều i-ốt, chẳng hạn như rong biển, hải sản và muối i-ốt.
  • Ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tập thể dục thường xuyên và tránh thức khuya liên tục.
  • Tránh căng thẳng và lo âu.

Trên đây là những thông tin về nguyên nhân gây nên bệnh cường giáp mà bạn có thể tham khảo. Việc kết hợp điều trị y khoa với chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học sẽ giúp kiểm soát hiệu quả bệnh cường giáp và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.