Cơ chế hình thành bệnh viêm tuyến giáp là gì? Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tuyến giáp
Ngày 16/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Viêm tuyến giáp là một tình trạng liên quan đến hoạt động của tuyến giáp, một tuyến nhỏ nhưng quan trọng trong việc điều chỉnh quá trình chuyển hóa của cơ thể. Tình trạng này có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Hiểu rõ cơ chế hình thành bệnh viêm tuyến giáp không chỉ giúp nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị mà còn giúp người bệnh nắm bắt được tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có biện pháp quản lý hiệu quả hơn.
Viêm tuyến giáp phát sinh do hệ miễn dịch tấn công tế bào tuyến giáp, gây sự phá hủy và giải phóng một lượng lớn hormone giáp vào cơ thể. Quá trình này không chỉ ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như cường giáp hoặc suy giáp. Hiểu sâu về cơ chế hình thành bệnh viêm tuyến giáp giúp cải thiện chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Tìm hiểu về bệnh viêm tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm ở dưới cổ, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quá trình chuyển hóa của cơ thể. Viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị viêm hoặc sưng, dẫn đến hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc hoạt động kém (suy giáp) tùy vào từng giai đoạn viêm. Nguyên nhân chính của viêm tuyến giáp là do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào tuyến giáp, ngoài ra có thể do khiếm khuyết gen, bao gồm:
Rối loạn miễn dịch: Hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào tuyến giáp.
Yếu tố di truyền: Khiếm khuyết gen hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý tuyến giáp hoặc các bệnh tự miễn khác.
Bệnh tự miễn: Những người mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường tuýp 1, và lupus ban đỏ toàn thân có nguy cơ cao mắc viêm tuyến giáp.
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm tuyến giáp như:
Giới tính và độ tuổi: Phụ nữ trung niên dễ bị viêm giáp Hashimoto hơn.
Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người bị bệnh lý tuyến giáp hoặc các bệnh tự miễn khác, nguy cơ bị viêm tuyến giáp tăng lên.
Bệnh tự miễn: Các bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường tuýp 1, và lupus ban đỏ toàn thân làm tăng nguy cơ mắc viêm tuyến giáp.
Tuy nhiên, khi đã biết được nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh nhưng không phải ai cũng nắm rõ cơ chế hình thành bệnh viêm tuyến giáp, mục tiếp theo dưới đây sẽ giúp chúng ta giải đáp thắc mắc này.
Cơ chế hình thành bệnh viêm tuyến giáp là gì?
Cơ chế hình thành bệnh viêm tuyến giáp là một quá trình phức tạp bắt đầu với việc hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào tuyến giáp. Khi các tế bào này bị phá hủy, chúng giải phóng các hormon tuyến giáp như T3 (triiodothyronine) và T4 (thyroxine) vào máu. Điều này dẫn đến tình trạng nhiễm độc giáp (thyrotoxicosis), vì nồng độ các hormone này trong máu tăng cao, khiến mức TSH (thyroid-stimulating hormone) bị hạ thấp do cơ chế phản hồi âm.
Sau giai đoạn này, khả năng hấp thu iod và tổng hợp hormon của tuyến giáp giảm dần vì các tế bào tuyến giáp tiếp tục bị phá hủy. Quá trình viêm kéo dài sẽ dẫn đến sự thấm của các tế bào miễn dịch, bao gồm đơn bào và đa nhân trung tính, vào mô tuyến giáp. Đây là giai đoạn mà các u hạt bắt đầu hình thành, với các tế bào epithelioid (một dạng tế bào miễn dịch) và các tế bào khổng lồ nhiều nhân bao quanh các vùng viêm.
Trong giai đoạn cuối của viêm tuyến giáp, các mô sợi bắt đầu thấm vào tuyến giáp, cho thấy sự phản ứng của cơ thể để sửa chữa và thay thế các mô bị tổn thương. Mặc dù tuyến giáp bị phá hủy nhiều trong giai đoạn toàn phát của viêm, nhưng điều đáng chú ý là sau khi quá trình viêm lắng xuống, cấu trúc nhu mô học của tuyến giáp có thể trở lại bình thường. Điều này có nghĩa là tuyến giáp có khả năng tự hồi phục một phần hoặc hoàn toàn sau khi các đợt viêm kết thúc, tùy thuộc vào mức độ tổn thương và phản ứng phục hồi của cơ thể.
Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tuyến giáp
Để chẩn đoán viêm tuyến giáp, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc hỏi về các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải và tiền sử các loại thuốc đang sử dụng. Việc này giúp xác định các yếu tố nguy cơ và hướng dẫn các bước chẩn đoán tiếp theo. Thêm vào đó, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán sau:
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Kiểm tra nồng độ hormone TSH, T3 và T4 trong máu để xác định loại viêm giáp.
Xét nghiệm kháng thể tuyến giáp: Đo nồng độ các kháng thể tuyến giáp (TPO, TRAb) để phát hiện viêm giáp do nguyên nhân tự miễn.
Tốc độ lắng hồng cầu (ESR): Đánh giá mức độ viêm; ESR thường cao trong viêm tuyến giáp bán cấp.
Siêu âm tuyến giáp: Đánh giá cấu trúc và phát hiện các bất thường ở tuyến giáp, như khối u hoặc sự thay đổi trong lưu lượng máu và mật độ tuyến giáp.
Sau khi chẩn đoán được bệnh, tùy thuộc vào loại viêm, triệu chứng và giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị những phương pháp điều trị viêm tuyến giáp phù hợp.
Đối với viêm tuyến giáp cấp tính, quá trình điều trị thường bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh khi có nhiễm trùng. Nếu có dấu hiệu áp xe, bác sĩ cần tiến hành rạch và dẫn lưu mủ để loại bỏ ổ nhiễm trùng.
Đối với các loại viêm tuyến giáp khác, phương pháp điều trị sẽ dựa vào giai đoạn của bệnh. Trong giai đoạn cường giáp, người bệnh thường được chỉ định sử dụng các loại thuốc điều trị viêm tuyến giáp nhằm giảm triệu chứng. Khi người bệnh bị đau tuyến giáp, cơn đau thường có thể được kiểm soát bằng thuốc chống viêm như aspirin hoặc ibuprofen. Trong trường hợp cơn đau nghiêm trọng, liệu pháp steroid có thể được chỉ định để giảm đau.
Các triệu chứng toàn thân như đánh trống ngực, lo lắng, run tay chân, và tăng tiết mồ hôi thường được điều trị bằng thuốc chẹn beta. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn suy giáp, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp để bổ sung lượng hormon thiếu hụt, giúp điều trị và kiểm soát các triệu chứng của suy giáp.
Trong một số trường hợp, viêm tuyến giáp có thể cần phải phẫu thuật. Điều này thường xảy ra khi bướu giáp to không thu nhỏ lại như bình thường, gây chèn ép vùng cổ và dẫn đến khó thở, khó nuốt, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Phẫu thuật giúp loại bỏ bướu giáp và giải quyết các vấn đề chèn ép.
Tóm lại, cơ chế hình thành bệnh viêm tuyến giáp liên quan chặt chẽ đến sự tấn công của hệ thống miễn dịch lên các tế bào tuyến giáp, gây ra sự phá hủy tế bào và giải phóng hormon giáp vào máu. Quá trình này dẫn đến các giai đoạn cường giáp, suy giáp, và sự hồi phục tuyến giáp. Tùy thuộc vào loại viêm và mức độ tổn thương, các triệu chứng và diễn tiến bệnh có thể khác nhau. Hiểu rõ cơ chế này giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả, đồng thời cung cấp cho bệnh nhân kiến thức cần thiết để theo dõi tình trạng sức khỏe của mình một cách tốt nhất.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.