Nguyên nhân bị ung thư vòm họng và cách tầm soát phát hiện sớm bệnh
Ngày 26/05/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Ung thư vòm họng là một loại ung thư hiếm gặp do tế bào phần họng nối sau mũi với sau miệng (hầu họng) bị biến đổi và trở nên ác tính. Vậy đâu là nguyên nhân bị ung thư vòm họng?
Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm thì tiên lượng khá tốt. Tuy vậy, khối u thường phát triển âm thầm với triệu chứng ban đầu nghèo nàn khiến cho việc được phát hiện sớm rất khó khăn. Bài viết sẽ cung cấp thông tin xung quanh bệnh lý này cũng như nguyên nhân bị ung thư vòm họng.
Triệu chứng của ung thư vòm họng
Ung thư phát hiện sớm khi kích thước nhỏ, chưa lan rộng có tỷ lệ điều trị thành công cao hơn. Tuy nhiên, khối u thường bắt nguồn từ hố Rosenmuller, một vị trí giải phẫu sâu và ít được chú ý, bệnh nhân có thể không có triệu chứng trong một thời gian dài. Đa số trường hợp, ung thư vòm họng không gây ra triệu chứng đặc hiệu cho tới khi được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
Nổi hạch cổ là triệu chứng thường gặp và cũng là lý do đến khám thường gặp nhất của bệnh nhân ung thư vòm họng do khối u đã di căn đến các nhóm hạch cổ. Triệu chứng gây ra do ung thư vòm họng có xâm lấn sàn sọ khá phổ biến bao gồm: Nhức đầu, nhìn đôi, đau hoặc tê vùng mặt. Khối u xâm lấn sàn sọ có thể có ảnh hưởng đến các dây thần kinh sọ hoặc không. Vị trí, độ lớn của khối u và mức độ di căn hạch có thể dự báo di căn xa. Các vị trí di căn xa thường gặp nhất là xương (75%), phổi, gan và các hạch ở xa.
Nguyên nhân bị ung thư vòm họng
Cho đến hiện tại nguyên nhân bị ung thư vòm họng vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng tần suất mắc bệnh.
Dịch tễ
Sự khác biệt về địa lý của tỉ lệ mắc ung thư vòm họng gợi ý nguyên nhân đa yếu tố. Hai tác nhân chính được cho là căn nguyên bệnh là gen và yếu tố môi trường. Các bằng chứng hiện tại ủng hộ giả thuyết ung thư vòm họng là bệnh di truyền bẩm sinh, là kết quả của sự tương tác giữa ba yếu tố chính là gen, hành vi và môi trường. Hơn nữa, tỉ lệ mắc bệnh gia tăng ở những người trẻ tuổi ở các khu vực có nguy cơ cao và trung bình cho thấy việc tiếp xúc với tác nhân có khả năng gây bệnh sớm rất quan trọng. Ở Hoa Kỳ và châu Âu, ung thư vòm họng thường liên quan đến việc sử dụng rượu và thuốc lá.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ sau được xem là làm tăng khả năng mắc ung thư vòm họng:
Virus Epstein-Barr (EBV): Nhiều bằng chứng ủng hộ vai trò của EBV như một tác nhân căn nguyên chính trong cơ chế bệnh sinh của ung thư vòm họng, do các nghiên cứu phát hiện cả biểu hiện bộ gene và DNA của EBV trong các tổn thương tiền ung thư và tế bào u. Trong huyết thanh bệnh nhân ung thư vòm họng cũng phát hiện kháng thể với EBV, đặc biệt là các kháng thể IgA trực tiếp chống lại EBV VCA (kháng nguyên capsid của virus).
Hút thuốc lá: Hút thuốc lá được cho là có liên quan đến ung thư vòm họng và có thể liên quan đến sinh bệnh học của ung thư vòm họng bằng cách tái hoạt hóa EBV.
HPV (Human Papillomavirus): Đây có thể là một yếu tố bệnh sinh của một số thể ung thư vòm họng. Vai trò của HPV với tư cách là tác nhân gây bệnh ít được xác định rõ so với EBV và tỷ lệ phát hiện HPV thay đổi rất khác nhau tùy theo vùng dịch tễ. Tiên lượng bệnh nhân ung thư vòm họng liên quan HPV tốt hơn nhiều theo từng giai đoạn bệnh so với tiên lượng của bệnh nhân mắc bệnh có liên quan đến EBV.
Thói quen ăn uống: Một số thói quen ăn uống ở các vùng nguy cơ cao góp phần vào tỉ lệ mắc ung thư vòm họng cao như: Thức ăn được ướp muối kỹ với mục đích để lâu không bị hư, khi nấu sẽ giải phóng nitrosamine dễ bay hơi và phân bố trên niêm mạc mũi họng. Ăn cá muối từ nhỏ, nhất là ở vùng Quảng Đông, Trung Quốc. Tiêu thụ nhiều thực phẩm bảo quản hoặc lên men (bao gồm thịt, trứng, trái cây và rau) chứa hàm lượng nitrosamine cao cũng như các chất gây đột biến vi khuẩn, độc tố gen trực tiếp và các chất tái hoạt hóa EBV.
Di truyền: Các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vòm họng. Một nghiên cứu gợi ý rằng việc có người thân trong gia đình mắc ung thư vòm họng làm tăng nguy cơ mắc bệnh 7 lần. Nhiều tác giả khuyến nghị sàng lọc cho những người thân thế hệ thứ nhất của bệnh nhân ung thư vòm họng là điều cần thiết.
Tầm soát ung thư vòm họng
Epstein-Barr virus (EBV) được xác định có mối liên hệ mạnh với ung thư vòm họng, vì vậy, nhiều nghiên cứu phát hiện sớm virus EBV như một phương tiện sàng lọc khả năng mắc ung thư vòm họng đã được thực hiện. Xét nghiệm IgA huyết thanh đặc hiệu cho các kháng nguyên VCA (Viral Capsid Antigen) và EA (Nuclear Core Early Antigen) hiện được sử dụng như một công cụ tầm soát. Nhìn chung, hầu hết các nghiên cứu cho thấy sử dụng xét nghiệm IgA huyết thanh của VCA có độ nhạy cao hơn còn IgA huyết thanh của EA có độ đặc hiệu cao hơn. Việc sử dụng thường quy các dấu ấn huyết thanh này như một công cụ để sàng lọc trong dân số dù hữu ích nhưng có hạn chế về độ chính xác, đặc biệt là ở nhóm người có nguy cơ thấp.
Hiện nay, định lượng EBV DNA huyết thanh đang được đề xuất như một công cụ sàng lọc. Nghiên cứu cho thấy độ nhạy của phương pháp này là 97,1% và độ đặc hiệu là 98,6%, đồng thời giúp tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm tăng lên. Một số nghiên cứu còn cho thấy mối liên quan giữa nông độ EBV DNA trước, trong và sau điều trị có liên quan đến quá trình tiến triển của bệnh, tiên lượng sống còn, nguy cơ di căn xa, cũng như nguy cơ tái phát của bệnh nhân ung thư vòm họng ở các giai đoạn khác nhau. Các tác giả cũng chỉ ra rằng, theo dõi diễn biên của định lượng EBV DNA trong suốt quá trình điêu trị giúp các bác sĩ đánh giá được đáp ứng điều trị của bệnh nhân và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Việc nhận biết sớm các triệu chứng cũng như chủ động tầm soát ung thư vòm họng sẽ giúp cho người bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm, từ đó đem đến tiên lượng tốt hơn. Vì nguyên nhân bị ung thư vòm họng ngày nay vẫn chưa được biết rõ nên việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có thể xem là cách chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.